Home > Thủ Thuật > Thủ Thuật Máy ảnh > 100 lưu ý từ các bậc thầy nhiếp ảnh đường phố (bài 4: 25 – 33)
Thủ Thuật Máy ảnh

100 lưu ý từ các bậc thầy nhiếp ảnh đường phố (bài 4: 25 – 33)

zShop_1029201616082177

Gồm những đúc kết ngắn gọn từ sự nghiệp nhiếp ảnh của Henri Cartier-Bresson, Josef Koudelka, Sebastião Salgado, Anders Petersen, William Klein … trong cuốn ebook ảnh đường phố của Eric Kim. Mình thấy có nhiều ý hay thì dịch lại cho anh em. Có lẽ mỗi người có hướng đi và cách học chụp riêng cho chính mình, có thể khác biệt nhau nhưng đều dẫn đến một nơi là tìm kiếm vẻ đẹp thật của cuôc sống con người qua những bức ảnh của riêng mình.

25. Hãy đưa thêm “thứ gì đó” vào trong khung hình

“Không chỉ có vậy, mà còn…còn…còn nhiều thứ khác nữa trong khung hình. Tôi luôn tìm thêm cái gì đó khác. Nhưng nếu đưa vào thêm nhiều quá, thì có thể làm thành một đống hổ lốn. Tôi luôn làm theo cách này : đưa thêm thứ gì đó vào, nhưng vẫn giữ cho ngăn nắp”. – Alex Webb.

 

imagesizer1.jpg
© Alex Webb / Magnum Photos

Càng trải nghiệm nhiều trong chụp ảnh đường phố, bạn càng trở nên thành thạo. Bạn có thể bắt đầu cảm thấy nhàm chán với những bức ảnh bạn chụp và muốn có thêm thứ gì đó để thêm vào.

Alex Webb nổi tiếng về việc tạo ra những bức ảnh phức hợp, với nhiều lớp ảnh và màu sắc trong khi vẫn rất ít có sự chồng chéo trong khung hình của ông. Những bức ảnh của ông đều tràn trề sức sống, nghị lực và mối tương quan giữa chủ thể với người chụp. Ảnh của ông có thể nói là thường mấp mé bên bờ sự hỗn độn, nhưng lại rất đẹp.

Điều Alex Webb luôn làm là không ngừng tìm kiếm thêm điều gì đó mà ông có thể đưa thêm vào trong khung hình, đặc biệt là những gì nằm ở hậu cảnh.

Khi mới bắt đầu chụp ảnh đường phố, chúng ta thường chỉ bị ám ảnh bởi những gì nằm ở trước mắt chúng ta và chẳng quan tâm đến hậu cảnh. Chúng ta không biết hậu cảnh cũng quan trọng như tiền cảnh.

Nếu nhìn thấy chỉ có môt chủ thể duy nhất ở tiền cảnh, bạn cứ chụp, nhưng hãy kiên nhẫn chờ và tìm xem có thêm “điều gì đó” nữa hay không. Biết đâu bên phải cảnh trí, bạn bắt gặp một bà già sắp lọt vào khung hình. Và phía trên bên trái, có thể bạn nhìn thấy một người phụ nữ đang đẩy chiếc xe nôi hướng vào khung hình, chẳng hạn.

Hãy tìm cách lên khung cho bức chụp ở bất cứ đâu mà bạn có thể cân đối bức hình bằng cách phân tán các chủ thể ra các cạnh của khung hình. Cũng hãy tìm cách tránh tạo ra sự chồng chéo trong các bức ảnh bằng cách để lọt lại môt chút khoảng trắng giữa các chủ thể.

Nhưng làm cách nào để biết được khi nào thì một cảnh chụp “quá nhốn nháo” ? Điều này thường liên quan đến sở thích. Những gì tôi cố tìm cho được chính là “nhiều câu chuyện” trong một cảnh chụp mà luôn làm cho người xem cảm nhận được và bị hấp dẫn.

Đừng chỉ vì thế mà đặt quá nhiều chủ thể vào khung hình. Hãy chỉ thêm vào những gì bạn cho là thiết yếu và làm tăng giá trị cho bức ảnh.

26. Hãy làm chủ ngôn ngữ cơ thể

“Nếu đã lâu năm trong nghề chụp ảnh, chắc bạn cũng đã hiểu ngôn ngữ cơ thể là gì. Tôi thường không nhìn vào những người mà mình vừa chụp ảnh, đặc biệt là về sau này. Cũng vậy, khi muốn chụp một bức ảnh, tôi đã cách nào đõ trở nên dạn dĩ hơn và điều này rất hữu ích. Ở ngoài kia luôn có một ai đó để bạn chụp ảnh, và khi có cơ hội, bạn bắt đầu ngay”. – Martin Parr

 

LON88414_Comp-1.jpg
© Martin Parr / Magnum Photos

Là người chụp ảnh, bạn muốn học cách làm chủ ngôn ngữ cơ thể của mình. 90% việc giao tiếp là không phải bằng lời nói, chúng ta giao tiếp thông qua biểu cảm trên gương mặt, ngôn ngữ cơ thể và các điệu bộ của đôi tay.

Nếu bạn muốn chụp được những bức ảnh hấp dẫn, thì đây, Martin Parr giải thích cho thấy tầm quan trọng của việc đến gần chủ thể bạn muốn chụp ảnh, và việc đó khó khăn như thế nào :

“Tôi tiến đến gần người ta, và sở dĩ phải làm như vậy bởi vì đó là cách duy nhất để có thể chụp được ảnh. Bạn tiến thẳng về phía họ. Ngay cả hiện nay, tôi vẫn thấy chẳng dễ dàng gì”. – Martin Parr

 

Ngay cả với Martin Parr là người đã chụp ảnh đường phố hàng chục năm rồi song vẫn cảm thấy khó khăn trong việc đến gần người khác để chụp ảnh.

Bằng cách “giấu mình đi”, Martin Parr tiếp cận các chủ thể với dáng vẻ như đang tập trung vào một thứ gì đó khác :

“Chẳng hề gây ra chút chú ý nào, tôi làm như mình đang tập trung vào đâu đó. Nếu bạn chụp ảnh một người nào, thì thật là khó mà không nhìn họ liền ngay sau đó. Nhưng đấy lại là thứ khiến cho cuộc chơi kết thúc. Tôi không định làm như thế và lúc nào cũng che giấu việc mình đang làm – nếu không, thì thật là điên rồ”. Martin Parr.

 

Ánh mắt chạm nhau thường tạo nên bức ảnh đường phố sống động, nhưng cũng khiến cho chủ thể thấy rõ là bạn đang muốn chụp ảnh họ. Vì thế, nếu không muốn bị bắt gặp khi chụp ảnh đường phố, bạn hãy tránh tiếp xúc bằng mắt.

Ngôn ngữ cơ thể bạn càng ít úp úp mở mở, thì các chủ thể càng ít nhận ra hơn.
R0130890.jpg

26. Hãy nói dối (qua bức ảnh) một cách thuyết phục

Với bức ảnh này, bạn có thể nhìn thấy hiệu ứng mạnh mẽ về ánh mắt giao nhau trong đó. Riêng tôi, người đàn ông kia có vẻ như đang chăm chú nhìn thẳng vào tâm hồn bạn; Một cái nhìn đăm đăm thường khiến cho người xem khó mà quên được.

86940020.jpg
Istanbul, 2014

istanbul-metro-contact.jpg

Làm thế nào để bạn tạo ra những bức ảnh đường phố không thể nào quên ?

Hãy đưa vào đó những “lời nói dối” đầy thuyết phục.

Lời nói dối trong bức ảnh này chính là cái trông giống như một bức ảnh chụp ngẫu nhiên, khi tôi chụp người đàn ông ấy mà không xin phép, và như thể ông ta sẽ tiến thẳng về phía tôi, và muốn thoi thẳng vào giữa mặt tôi vậy.

Thật vậy ư ? Không đâu. Ông ta là một người dễ chịu nhất trên đời : Bức ảnh ấy là một lời nói dối đấy. Tôi nắm bắt thực tế theo một phiên bản riêng, thay vì chụp những gì nhìn thấy trước mắt. Cuối cùng tôi thấy làm như thế thì bớt nhàm chán hơn.

Trong cảnh chụp ấy, tôi không làm ra vẻ như mình đang chụp ảnh một ai khác. Tôi táo bạo để cho ánh mắt mình tiếp xúc với chủ thể, và tương tác với người ấy. Nếu không thực sự tự tin là mình có thể tiếp xúc bằng mắt với người lạ, tôi đã không thể nào chụp được bức ảnh này.

Hãy biết linh động trong việc chụp ảnh đường phố. Có lúc bạn hãy tương tác với các chủ thể và đề nghị họ đừng cười. Lúc khác, hãy chụp những bức ảnh ngẫu nhiên mà không xin phép. Hãy chụp bất cứ những gì phù hợp với tâm trạng của bạn, và hãy biết rằng không có cách chụp nào gọi là “đúng” hay “sai” cả.

Hãy làm theo những gì bạn cảm thấy đúng với mình, và hãy quên đi những gì còn lại.

28. Đừng cứ khăng khăng làm theo thầy dạy (nguyên văn=‘Kill your master’)

“Thời gian này, Henri Cartier-Bresson chỉ cho phép chúng tôi chụp ảnh với ống kính từ 35mm đến 90mm. Khi đưa cho ông xem các bức ảnh tôi chụp, ông nói, “Giỏi đấy, René !”. Tôi vừa đi ra vừa reo lên “Ha ha !”. Ông nghe thấy và hỏi tôi chuyện gì vậy ?. Tôi đáp “Dạ, không có gì ạ”. Ống kính mà tôi đã dùng để chụp là loại 180mm – Tôi không nói cho ông biết điều đó ! Thế là tôi đã bứt mình ra khỏi những ràng buộc với ông thầy của mình. Tôi đã không còn làm người học trò chỉ có biết rập khuôn theo lời thầy dạy nữa rồi!” – René Burri.

BRAZIL.-Sao-Paulo.-1960.jpg
Copyright Rene Burri / Magnum Photos. BRAZIL. Sao Paulo. 1960.

Nói như vậy nghe thật buồn cười, vì cuốn sách này đang đề cập đến chuyện học hỏi các bậc thầy nhiếp ảnh đường phố kia mà. Nhưng còn có rất nhiều những “bài học” bạn có thể học được từ các bậc thầy trước khi đi đến chỗ “không rập khuôn theo ông thầy của mình nữa”.

Chẳng hạn, khi René bắt đầu chụp ảnh trong nhóm Magnum, Cartier-Bresson đã là một trong những người dẫn dắt và là “thầy” của René. Ông vô cùng thán phục những tác phẩm của Cartier-Bresson, và cứ tuân theo các triết lý của ông thầy là không dùng ống kính télé, không cắt xén và không tạo dáng cho các chủ thể.

Đều trớ trêu là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của Burri chụp chiếc bóng đổ của những người đàn ông ở Brazil, lại được ông chụp với ống kính 180mm (đi ngược hẳn với các nguyên tắc do Cartier-Bresson đề ra). Bằng cách “phá vỡ các nguyên tắc”, Burri đã có thể chụp được một trong những bức ảnh mẫu mực và đáng nhớ nhất của chính mình.

Hãy nhớ rằng sau khi học hỏi các bậc thầy, bạn cần phải biết đến lúc nào thì nên quên hoặc đi ngược lại với những gì các thầy đã giảng dạy.

Hãy chỉ xem các “bậc thầy” nhiếp ảnh đường phố như những người dẫn dắt. Đừng nghe lời các vị ấy một cách mù quáng, bởi vì ngày nào đó, bạn cần phải rời khỏi những thực hành rập khuôn để học cách tự mình xoay sở.

SOUTH-KOREA.-1961.-Tae-Song-Dong.-Women-entertaining-GIs.jpg
Copyright: Rene Burri / Magnum Photos. SOUTH KOREA. 1961. Tae Song Dong. Women entertaining GIs.

29. Hãy đi ngược lại “nguyên tắc”

 

Nếu có môt “nguyên tắc” nào đó trong nhiếp ảnh mà bạn thường tuân thủ, thì hãy phá vỡ nó một thời gian, và đi theo một cách khác đầy sáng tạo hơn.

Nếu nguyên tắc là “đừng cắt xén”, thì bạn hãy làm ngược lại bằng việc trải nghiệm sự cắt xén cho “đến nơi đến chốn”. Đây chính là điều mà William Klein và Robert Frank đã làm với những bức ảnh của hai ông, và rất hiệu quả. Vậy, bạn đừng bao giờ khư khư với các “nguyên tắc” – hãy luôn thử chúng và làm ngược lại với chúng.

Robert_Frank_political.jpg
Public Park, Cleveland, Ohio, 1955-56. © Robert Frank

Tôi vốn có một nguyên tắc riêng, đó là không chụp phía sau đầu người khác. Sao vậy ? Đại để là nếu không thể nhìn thấy gương mặt ai đó, thì bạn khó mà nắm bắt được những biểu cảm trên mặt họ, cũng như không thể đưa được một xúc cảm vào trong bức chụp. Tôi hầu như lúc nào cũng thích chụp các gương mặt hơn.

Trong tình huống này dành cho chương trình ảnh “Suits” của tôi, tôi đã đến thăm quan khu phố kinh doanh ở Tokyo vào khoảng nửa đêm. Tôi nhìn thấy lối đi có mái vòm ở tầng trên cùng và dạo quanh để chụp một vài bức ảnh với đèn ‘flash’. Tôi bắt gặp người đàn ông lớn tuổi đang ngồi chơi bên máy chơi game và chỉ chụp một hai tấm gì đó rồi rời đi.

Với tôi, lý do khiến tôi nghĩ rằng bức ảnh ảnh này rất hợp lý là ở chỗ, phần phía sau đầu ông ta thật thú vị : nó cho thấy ông ta “đúng” là một người lớn tuổi, rõ ràng là đang ở vào độ tuổi 60 hoặc già hơn (do chiếc đầu hói của ông ta).

Suits-5.jpg

Nếu phía sau đầu một ai đó hấp dẫn hơn gương mặt của họ, bạn cứ việc chụp. Đừng quá nguyên tắc một cách tiêu cực.

30. Hãy làm theo sự thôi thúc của óc tò mò

“Máy ảnh giống như con mắt thứ ba của tôi và là một công cụ thỏa mãn trí tò mò của tôi. Tôi luôn hiếu kỳ như một đứa trẻ và phải sử dụng hết các gác quan của mình. Tôi muốn gặp được những người khổng lồ của TK. 19, một nhà điêu khắc, một họa sĩ, một nhà độc tài và thế là tôi đã có thể tìm thấy những bức ảnh đúng lúc chúng xảy đến. Bạn không chụp một bức ảnh không phù hợp với ý thích của mình. Tôi ứng tác theo tình huống và trở nên rất nhanh nhạy – như tay súng nhanh nhất miền viễn Tây – ngay cả khi đã ở vào độ tuổi này.” – René Burri.

BRAZIL.-Rio-de-Janeiro.-1960.-Ministry-of-Health-planned-by-architect-Oscar-NIEMEYER..jpg
Copyright: Rene Burri / Magnum Photos. BRAZIL. Rio de Janeiro. 1960. Ministry of Health.

 

Một trong những đặc tính tốt nhất mà người chụp ảnh đường phố cần phải có là sự tò mò. Bạn không thể giả tạo sự tò mò trong cuộc sống. Tò mò là “chất đốt” của cuộc sống. Tò mò là thứ luôn làm cho chúng ta khao khát học hỏi, trải nghiệm và sống hơn nữa.

Nếu muốn trở thành một nhiếp ảnh gia giỏi, bạn hãy học cách trở nên tò mò hơn trong cuộc sống. Hãy trở nên trẻ thơ hơn là người lớn. Một khi cứ mãi làm người lớn, chúng ta sẽ không mở mình ra với các ý tưởng và những cách suy nghĩ mới. Đúng ra là hãy tự khám phá mọi thứ và nghe theo sự tò mò của chúng ta hơn là cứ nhất nhất nghe theo những câu trả lời của Google.

Jacob Aue Sobol là một nhiếp ảnh gia lúc nào cũng tò mò về cuộc sống những người khác. Đấy chính là điều tiếp thêm nhiên liệu cho công việc và niềm say mê của ông.

“Tôi cũng chụp ảnh bởi vì tôi tò mò. Tôi tò mò về những gì mà người đứng bên kia đường ấy đang suy nghĩ, cách họ sống, cách họ cảm nhận. Tôi luôn tìm kiếm một ai đó để chia sẻ với họ một lúc”. – Jacob Aue Sobol

 

Đừng chụp những gì bạn cho là người khác sẽ cảm thấy thú vị. Một trong những cách tốt nhất để khám phá “phong cách” của bạn trong nhiếp ảnh là tìm hiểu những gì bạn không thích chụp. Hãy chụp những gì bạn cảm thấy hấp dẫn. Nếu có một vùng ngoại ô hay một góc nào đó của nơi bạn đang ở mà bạn cảm thấy thú vị, hãy cứ việc đến đấy với một chiếc máy ảnh và chụp những bức ảnh.

PAR390904.jpg
Copyright: Rene Burri / Magnum Photos

Đừng suy nghĩ quá nhiều. Hãy đi theo và chụp những gì khiến bạn tò mò.

31. Đừng giải thích các bức ảnh bạn chụp

“Tôi để cho người khác tự nói ra ý nghĩa (các bức ảnh của tôi). Các bạn biết những bức ảnh tôi chụp, đã phổ biến chúng, triển lãm chúng, thế thì các bạn đã có thể nói được chúng có ý nghĩa hay không rồi còn gì.” – Josef Koudelka

 

PAR65667.jpg
Josef Koudelka / Magnum Photos: CZECHOSLOVAKIA. Slovakia. Zehra. 1967. Gypsies.

Một trong những lỗi phổ biến mà người chụp ảnh thường mắc phải là không chịu để cho các bức ảnh họ chụp được mở ra với sự diễn giải. Họ thích dùng những tiêu đề giải thích điều họ muốn người xem rút ra được từ bức ảnh.

Hãy làm ngược lại : cứ để cho các bức ảnh của bạn mở ra với sự diễn giải của người xem. Bạn càng để cho các bức ảnh bạn chụp mở ra với sự diễn giải, chúng càng trở nên hấp dẫn đối với người xem.

Một phương pháp then chốt để thực hiện việc ấy là đừng gợi nhắc những thông tin chủ yếu về bức ảnh, hoặc nên đưa thêm vào đấy đôi chút mơ hồ. Cố tình cắt đầu xén đuôi hoặc làm tối đi hậu cảnh. Che khuất đi ý nghĩa của nội dung cảnh chụp. Hãy làm cho người xem cố tìm mọi cách diễn giải những gì đang diễn ra trong bức ảnh.

Một câu chuyện khôi hài không cần phải “được giải thích” bởi người kể chuyện. Cũng vậy, một người giỏi chụp ảnh đường phố thì không cần phải đưa ra lời thuyết minh chi tiết cho một bức ảnh.

Tương tự như vậy, những cuốn phim hay nhất luôn được kết thúc một cách “lấp lửng”, trong đó người xem tự tạo riêng cho mình một đoạn kết tùy ý. Khi đạo diễn kết thúc một cuốn phim mà không có phần kết rõ ràng, thì cuốn phim ấy thường được người ta nhớ đến.

Nhiếp ảnh gia Joel Sternfeld chia sẻ cách mà một người chụp ảnh, khi chụp một bức ảnh, diễn dịch thế giới như thế nào :

“Nhiếp ảnh luôn có thể được vận dụng. Bất cứ lúc nào bạn đưa thế giới vào khung hình, thì đấy luôn là một diễn dịch. Tôi có thể nâng máy ảnh lên và chĩa nó vào hai người này chứ không vào người thứ ba vô gia cư đang có mặt bên phải khung hình, hoặc không đưa thêm một việc gay go đang diễn ra ở bên trái.” – Joel Sternfeld.

 

Richard Kalvar, một bậc thầy nhiếp ảnh trong nhóm Magnum, cũng chia sẻ tầm quan trọng của việc có đối chút bí ẩn đằng sau các bức ảnh bạn chụp và đừng giải thích chúng :

“Thật là hấp dẫn khi làm thỏa mãn sự tò mò của người khác cũng như khi mọi thứ “diễn ra suôn sẻ” trong một cảnh chụp, nhưng điều này luôn để lại trong tôi một cảm giác rất khó chịu. Nếu có chút gì đó hơi bí ẩn, người xem sẽ tự vận dụng trí thông minh, óc tưởng tượng và sự liên tưởng của họ để cố làm cho sáng tỏ một cách khách quan. Tôi muốn người xem cứ trầm ngâm một lúc trước một bức ảnh, chứ không vội chuyển sang bức kế tiếp ngay.” – Richard Kalvar

 

Có nên học cách làm ngược đời này của Richard Kalvar không ?

10KAR1974003W01460-34_72-660.jpg

Tuy đừng tạo ra quá nhiều bí ẩn hay kịch tính đối với người khác khi họ xem các bức ảnh của bạn, nhưng cũng đừng “lật ngửa quân bài” quá rõ ràng, mà cần phải có chút gì đó để họ tự tò mò, phân tích và tìm cách giải mã.

32. Sự khác nhau giữa ảnh “mở” và ảnh “đóng”

 

Trong nhiếp ảnh, có hai xu hướng : ảnh “mở” và ảnh “đóng”.

  • Ảnh “mở” – Ảnh “mở” để mở ra với sự tùy nghi diễn giải; điều này có nghĩa là người xem có thể tự tạo nên trong đầu họ một câu chuyện riêng. Ảnh “mở” thường dễ được ghi nhớ và hấp dẫn hơn.
  • Ảnh “đóng” – Ảnh “đóng” không dẫn đến tùy nghi diễn giải. Một bức ảnh “đóng” chỉ có thể được diễn giải bằng một cách duy nhất. Nhìn chung, những bức ảnh “đóng” dễ bị người ta quên; người xem nhìn vào bức ảnh một lần rồi thôi, không có lý do gì để nhìn lại lần thứ hai.

Dark-Skies-Over-Tokyo-5.jpg
Đây là hai cách thực hành bạn có thể thử :

#1. Tạo một bức ảnh “mở”
Hãy chụp một bức ảnh không có chi tiết rõ ràng. Cố tìm cách sử dụng kỹ thuật mờ nhòe, hiệu ứng ‘out’ nét, dùng đèn flash, mức độ tương phản trắng đen cao, ‘không đầu, không đuôi’.

Chụp một bức ảnh khó diễn giải và đề nghị bạn bè hoặc người xem tìm hiểu theo cách riêng của họ. Chụp người khác với những hành vi hay cảm xúc mạnh của họ, và đừng làm rõ những gì chính xác đang diễn ra.

Hãy tạo một bí ẩn cho các bức ảnh bạn chụp, quá đó người xem phải tự làm “thám tử”.

#2. Tạo một bức ảnh “đóng”
Đôi lúc, khi thực hiện chụp ảnh tư liệu hay ảnh làm báo, bạn không mở các bức ảnh bạn chụp ra để cho người khác tùy nghi điễn giải. Bạn muốn chúng chia sẻ một quan điểm đặc thù.

Trong trường hợp này, bạn cần có một miêu tả chi tiết hoặc lời thuyết minh, để người xem khỏi hiểu sai. Nhưng nhiếp ảnh đường phố thì cần đến sự diễn dịch của bạn về thế giới hơn, thay vì chỉ tìm cách chụp lại một thực tại “khách quan” nào đó.

Đừng quên rằng, bạn càng làm cho các bức ảnh của mình “lấp lửng” hoặc có một kết thúc mở, thì nó càng thú vị và hấp dẫn đối với người xem.

 

33. Hãy loại hẳn cái tôi của bạn ra ngoài

“Tôi sẽ không nói về những bức ảnh. Không, tôi đang cố tách mình hoàn toàn ra khỏi những gì tôi đang làm. Tôi cố bước lùi lại để nhìn chúng như một người chẳng liên quan gì đến chúng.” – Josef Koudelka

 

PAR65550.jpg
Josef Koudelka / Magnum Photos: ROMANIA. 1968.

Có thể chúng ta thường hay để cho cái tôi của mình chen vào việc chụp ảnh. Chúng ta cho rằng những bức ảnh giống như những đứa con của chúng ta, và trở nên quá gắn bó một cách cảm tính đối với chúng (cho dẫu là những bức ảnh tệ hại). Chúng ta cần học cách “giết chết những đứa con do mình đẻ ra”

Tôi có một thời gian khó khăn trong việc vượt qua sự gắn bó với các bức ảnh mình chụp. khi người khác chê bai chúng, tôi cảm thấy như họ đang chỉ trích thẳng vào con người tôi.

Hãy nhớ : bạn không phải là những bức ảnh do mình chụp. khi người ta phê phán hay chỉ trích chúng, không phải họ chỉ trích bạn. Họ chỉ đưa ra lời đánh giá những bức ảnh của bạn.

Một trong những cách tốt nhất để vượt qua điều đó là hãy tách cái tôi của bạn ra khỏi những bức ảnh bạn chụp. Một khi đã tách mình ra khỏi chúng, bạn có thể đánh giá chúng một cách trung thực và khách quan hơn.

Khi muốn có những phản hồi về những bức ảnh bạn chụp, hãy đề nghị người khác, “Xin cứ thẳng thắn và đưa ra những lời phê bình chân thật đến tàn nhẫn.” Cũng như khi đánh giá tác phẩm của mình, bạn hãy tưởng tượng như chúng được một ai đó chụp, chứ không phải bạn.

Một bậc thầy nhiếp ảnh khác, Sebastião Salgado làm cho thấy được cảm giác đó. Ông toàn tâm toàn ý chụp ảnh để cho người khác tạo nên tác động tích cực trên thế giới, chứ không phải nhằm đề cao cái tôi của ông :

“Mối nguy hại lớn nhất đối với người chụp ảnh chính là khi họ bắt đầu cho rằng họ quan trọng.” – Sebastião Salgado

 

Hãy chắt lọc một cách không thương xót, và hãy loại hẳn cái tôi của bạn ra khỏi tiến trình.

sebastiao-salgado-1.jpg
Copyright by Sebastião Salgado

(Theo Tinh Tế)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *