“Chúng tôi không hề giới hạn bản thân mình, nếu nó là một sản phẩm tốt hơn. Điều chúng tôi không làm đó là tạo ra thứ gì đó khác biệt mà chẳng tốt hơn hiện tại”, Jony Ive – giám đốc thiết kế của Apple – cho biết trong một cuộc nói chuyện về thiết kế của MacBook Pro 2016.
Với Ive, thứ mà người dùng thật sự cảm thấy có giá trị mới là điều quan trọng, không phải một thứ khác biệt nhưng không cải thiện được những thứ mà người dùng xài hằng ngày. Và đó cũng là lý do vì sao Apple thử nghiệm và hiện thực hóa dải màn hình cảm ứng Touch Bar.
Cách suy nghĩ trên giải thích lý do vì sao “vẫn còn nhiều năm nữa” Apple mới nghĩ tới việc đưa màn hình cảm ứng lên Mac chứ đừng nói tới việc thật sự triển khai nó vào sản phẩm thương mại, ngay cả khi các đối thủ Windows giờ đã có đầy thiết bị dùng màn hình cảm ứng. Sau 2 năm nghiên cứu, thay vì dành thời gian đưa touchscreen lên MacBook, Ive và nhóm của mình đã chọn sử dụng một dải màn hình cảm ứng OLED nhỏ thay thế cho phím Function. Dải màn hình này sẽ sáng lên và phục vụ các tính năng đổi nút, thanh gạt, và nhiều công cụ khác tùy theo ứng dụng mà bạn đang sử dụng.
Apple gọi nó đơn giản bằng cái tên “Touch Bar”, và nó xuất hiện trong cả MacBook Pro 13″ lẫn 15″. Theo Ive, Touch Bar chỉ mới là “khởi đầu của một hướng đi rất thú vị” đối với Apple.Touch Bar là một cách tương tác rất không bình thường với một cái máy tính. Tại sao lại là một dải màn hình cảm ứng? Ive giải thích rằng có nhiều thiết kế mà Apple đã thử nghiệm, và về mặt lý thuyết thì chúng rất hợp lý. “Nhưng khi chúng tôi sử dụng nó được một thời gian và xài thường xuyên ngày qua ngày, chúng trở nên ít hấp dẫn hơn.
Chúng tôi luôn sử dụng một sản phẩm trong thời gian dài trước khi chúng tôi quyết định làm ra nguyên mẫu hoàn chỉnh nào”, để rồi cuối cùng Ive vẫn phải chuyển lại về bàn phím bình thường.
Ive nói thêm rằng Touch Bar là một thành phần vật lý, cố định, và điều đó sẽ giúp người dùng dự đoán tốt hơn vị trí nút mà họ sắp nhấn, tương tự như cách mà chúng ta gõ bàn phím trong khi không cần phải nhìn xuống.
Khi được hỏi Ive đang muốn đạt được thứ gì, ông giải thích rằng từ khía cạnh thiết kế, ông muốn mang tới giá trị cao nhất cho cả hai cách nhập liệu – bàn phím và Touch Bar. Ông nghĩ rằng có rất nhiều thứ đang bị ẩn đi mà chúng ta phải dành nhiều cú click chuột hay đi qua nhiều lớp menu mới tiếp cận được. Ive muốn mang những thứ này ra bàn phím, để kết hợp cả hai lại với nhau, và hiển thị một cách rõ ràng với người dùng về những tính năng họ có thể sử dụng. Rõ ràng, hàng phím Function là cơ hội tốt để khám phá những gì có thể làm được.
Cũng như từ trước đến nay, Apple tạo ra các thiết kế mới nhanh nhất có thể. Nhưng khi làm việc với Touch Bar, Apple gặp phải khó khăn đó là phần mềm dành cho thành phần này chưa có, phần cứng cũng khó làm dạng nguyên mẫu hơn so với bình thường. “Một trong những thách thức lớn của chúng tôi là tạo ra một nguyên mẫu với độ tinh tế đủ cao để bạn biết rằng có nên đi tiếp với ý tưởng này hay không”.
Khi được hỏi rằng ở khía cạnh thiết kế, làm thế nào Ive quyết định sẽ dùng cái gì cho MacBook Pro và cái gì cho thiết bị di động vì rõ ràng màn hình cảm ứng không phải là thứ thường thấy trên laptop. Ông trả lời rằng ông dựa vào những gì người dùng nhập vào cũng như những kết quả có được từ thao tác nhập đó. “Input và output là thứ định nghĩa nên các sản phẩm. Chúng tôi biết đây là thứ cực kì quan trọng…”
Ive cho hay Apple không cảm thấy vấn đề gì khi mà Mac và iPad lấn sân với nhau, nếu như bạn cân nhắc về việc MacBook 12″ và iPad Pro 12,9″ + bàn phím đều có giá xấp xỉ 1.300$. Tuy nhiên, mỗi thiết bị thực chất vẫn có những nhiệm vụ khác nhau. Phil Schiller, giám đốc marketing của Apple, bổ sung rằng cả hai thiết bị này đều có những cách khác nhau để giải quyết cùng một vấn đề, nhưng song song đó chúng cũng làm được những thứ rất riêng mà chiếc còn lại không làm được. “Việc có cả iPad và MacBook giúp chúng tôi khám phá cả hai, thay vì cố gắng ép chúng trở thành một chiếc máy duy nhất”.
Suy nghĩ này cũng là lý do vì sao Apple vẫn còn giữ macOS và iOS riêng với nhau. macOS vẫn là hệ điều hành dùng với chuột và bàn phím. Apple nói sẽ rất vô lý nếu bạn phải với người tới trước để chạm vào màn hình của Mac. Trong khi đó, iOS dành cho ngón tay, và bạn hoàn toàn có thể ngả người ra sau khi sử dụng nó.
Chia sẻ về giai đoạn từ ý tưởng ra thành phẩm, Ive nói: “Ngay cả khi chúng tôi đã chứng minh rằng ý tưởng đủ tốt với chính nhóm của mình, chúng tôi vẫn luôn hiểu rằng nếu thứ gì đó làm giảm trải nghiệm của sản phảm cuối cùng thì nó vẫn phải ra đi vì không có giá trị”. Nói cách khác, Ive tin rằng thử nghiệm là một chuyện, còn sản phẩm cuối cùng là một chuyện khác. Apple sẵn sàng thay đổi ý tưởng gốc của mình cho phù hợp, và ở Apple, mọi người luôn tập trung vào sản phẩm cuối cùng hơn là những ý tưởng và nguyên mẫu.
Trang CNET đưa ra một câu hỏi rất hay dành cho Ive. Theo CNET, người dùng Mac có một mối ràng buộc về mặt cảm xúc với thiết bị của mình và có những kỳ vọng nhất định. Liệu những điều này có được Apple tính đến trong quá trình sáng tạo của mình hay không? Ive chỉ trả lời đơn giản giống lúc đầu: “Chúng tôi không giới hạn bản thân mình nếu đó là một sản phẩm tốt hơn. Thứ mà chúng tôi không làm đó là làm ra thứ khác biệt mà chẳng tốt hơn gì cả”.
Ive nhấn mạnh: “Tôi đã nói tới điều này trước đây, và Apple cũng đã nói tới trước đây: Làm một thứ khác biệt thực chất rất dễ và nhanh, và điều đó thật quyến rũ”. Nhưng nếu dễ như vậy thì tại sao chúng ta vẫn chưa thấy MacBook Pro với màn hình cảm ứng? Ive giải thích: “Khi chúng tôi thử nghiệm với màn hình cảm ứng đa điểm nhiều nhiều năm về trước, chúng tôi cố gắng hiểu về những ứng dụng phù hợp cũng như các cơ hội mà nó mang đến. Chúng tôi chỉ đơn giản cảm thấy rằng Mac không phải là nơi thích hợp cho màn hình cảm ứng. Nó không hữu ích”. Còn để giải thích kỹ hơn, Ive từ chối vì như vậy ông sẽ để lộ về những gì mà ông đang làm việc.
Ảnh: The Verge
(Theo Tinh Tế)