Có nhiều lý do dẫn đến việc quyết định chọn mua ống kính máy ảnh cũ. Đó có thể là do ngân sách của bạn hạn hẹp không đủ tiền chi cho ống kính mới, có thể là do ống kính đó không còn sản xuất nữa nên không còn hàng mới, hoặc một lý do chủ quan hơn đó là bạn muốn tiết kiệm một phần tiền thay vì mua ống kính mới (điều này phù hợp với những ai đã có nhiều kinh nghiệm mua bán). Nếu bạn thuộc thành phần thứ 3 này, xin bạn chia sẻ thêm kinh nghiệm của bản thân mình để mọi người cùng tham khảo luôn nhé
Kênh thông tin để các bạn có thể tìm được món đồ cần mua có thể là qua các group mua bán trên FB, các trang giao dịch mua bán như: nhật tảo, 5 giây, ebay … hoặc đơn giản hơn có thể google để gõ tìm.
Cá nhân mình thì vẫn ưu tiên tìm trên facebook trước vì trên đó có rất nhiều group bán hàng chia theo từng thể loại hàng hóa riêng biệt, nào là bút, nào là mỹ phẩm, nào là đồ cho bé ….. riêng với đồ nhiếp ảnh thì còn chia theo hãng, theo nơi bán, theo thể loại lens AF hay MF nữa, lọc rất tiện. Bạn chỉ việc vào khung tìm kiếm, gõ tên món đồ cần tìm rồi bấm nút search là sẽ thấy kết quả.
Mình thấy là hình thức group bán hàng trên FB hiện nay thực tế hầu như đã giết gần hết các hình thức giao dịch mua bán trên các trang web mua bán thông thường.
Không như ống kính mới có giá niêm yết nhất định, ống kính cũ có một mức giá rất vô chừng tùy tình trạng khác nhau. Bạn cần phải check giá kỹ để tránh bị hớ giá khi mua hàng. Thông qua việc tìm thông tin từ nhiều nguồn với thời gian rao bán khác nhau thì bạn có thể ước lượng được khoảng giá của ống kính mà mình cần mua.
Trong phạm vi bài viết này mình chỉ đề cập đến những sản phẩm được rao bán trong nước.
- Mục đích là check lại xem món đồ đã bán hay chưa hoặc đã bán rồi thì chốt giá bao nhiêu để có cái tham khảo.
- Tiếp theo là để check lại xem người bán còn thông tin nào chưa mô tả trong tin rao để xác nhận cho chắc. Uy tín của người bán ở xứ mình cực thấp, nhiều ông rất là mập mờ trong việc mô tả thông tin hàng bán nên cứ phải gọi hỏi cho kỹ xem món hàng anh bán có vấn đề gì không để khỏi mất công chạy tới lại không được như ý.
- Hẹn gặp trực tiếp để test và nếu ổn thì thực hiện giao dịch
- Nếu không đến tận nơi xem được thì liên hệ để biết điều kiện giao dịch, cách thức mua hàng như thế nào. ->> Trường hợp này dành cho những ai đã có nhiều kinh nghiệm, còn nếu bạn chỉ mới lần đầu thì mình khuyên là bạn nên đến trực tiếp để test trước khi quyết định mua
Đây chính là phần quan trọng nhất đối với những người mới lần đầu đi mua ống kính cũ. Nếu bạn may mắn, gặp người bán đàng hoàng có tâm thì không sao, tuy nhiên để đề phòng nếu xui thì bạn cần lưu ý cho mình những vấn đề sau:
Kiểm tra phụ kiện đi kèm
- Ống kính thì có 2 nắp che ống kính trước và sau, một số ống thì có kèm theo hood che, ống kính cũ thì nhiều khi người bán còn hào phóng tặng kèm luôn filter.
- Filter có kèm theo thì càng tốt, còn ko có thì cũng không sao, nên có hood, cap trước và sau zin theo ống là được rồi. Nói chung đây cũng không phải là vấn đề quá trọng, mức độ sẽ tỉ lệ thuận với độ mắc của ống kính.
Kiểm tra hình thức của ống kính
Ở nước ngoài thì họ có xếp hạng tình trạng của sản phẩm dựa trên hình thức của nó, như yahoo Nhật thì có rank A+,A, A-, … chẳng hạn, ở B&H thì xếp theo điểm 10, 9+ …. Ở Việt Nam thì chỉ được xác định theo chủ quan của người bán.
- Kiểm tra toàn bộ phía ngoài coi có trầy xước, cấn vỡ chổ nào không. Trầy xước nhẹ thì không sao, còn cấn, móp, vỡ thì tốt nhất là nên né vì có thể ảnh hưởng đến thấu kính bên trong, chưa kể là khi đó ngoại hình của lens cũng quá tệ.
- Kiểm tra các vòng lấy nét, vòng zoom xem có xoay mượt mà không, có bị kẹt, lựng khựng chổ nào không, có những ống kính trang bị vòng zoom, vòng lấy nét bằng cao su, qua một thời gian dài sử dụng sẽ bị hiện tượng mục, nhão
- Một số lens có vòng chỉnh khẩu thì xoay thử xem thế nào, cảm giác nẩy tach tách từng bước khẩu, không kẹt, khựng chổ nào là được.
- Một số lens Nikon đời trước còn có vòng chuyển chế độ AF-MF, bạn cũng phải để ý gắn ống kính lên máy rồi test luôn phần này xem hoạt động có ok không.
- Kiểm tra các ốc vít trên tất cả các khu vực thân ống, đuôi cũng như đầu ống kính xem có từng bị tháo mở hay chưa. Các ống kính cổ lấy nét hồi xưa giá khoảng 1-2tr đổ lại thì lens có mở rồi cũng không quan trọng lắm, riêng các ống kính có auto focus sau này thì việc mở ốn kính không đúng kỹ thuật sẽ ảnh thưởng đến khả năng lấy nét của ống kính.
- Trên một số ống kính zoom auto focus còn có các nút chuyển chế độ chống rung, AF-MF, Limit/Full … bạn cứ phải bật tắt và test hết để xem có bị kẹt hay vướng víu khó khăn gì không
- Kiểm tra các chân mạch tiếp xúc phía sau lens coi còn tốt không, có gãy, mẻ, rơi rụng chân nào không
Nói thì nhiều nhưng thực tế thì việc kiểm tra hình thức bên ngoài là rất nhanh và dễ dàng, bất cứ có một dấu hiệu bất thường nào thì khi bạn chịu khó để ý thì cũng sẽ rất dễ dàng nhận ra được.
Kiểm tra thấu kính:
Kiểm tra tất cả các dấu hiệu bất thường có thể xảy ra với thấu kính, các bạn có thể nhòm trực tiếp bằng mắt thường từ kính trước hoặc kính sau để quan sát các lỗi của ống kính. Một số lỗi khó hơn thì bạn cần dùng đèn như flash của điện thoại hoặc soi dưới ánh đèn hay ánh mặt trời là có thể thấy được.
- Xem kính trước và kính sau có bị trầy xước không, thường thì vết xước nhỏ trên kính trước cũng không ảnh gì nhiều đến chất lượng ảnh chụp, vết xước trên kính sau sẽ ảnh hưởng nhiều hơn
- Xem bề mặt kính trước có bị bong, tróc lớp coating (lớp tráng phủ)
- Xem các thấu kính bên trong có bị đọng hơi nước
- Xem các thấu kính có bị nấm mốc, rễ tre do hơi ẩm, đây là lỗi mà hầu hết ai cũng e ngại vì nó có khả năng lây lan ra nhiều hơn hoặc thậm chí là lan sang các ống kính khác nếu bạn để chung ống kính với nhau hoặc nếu để lâu thì sẽ bị nặng hơn dẫn đến hư luôn thấu kính.
Để vệ sinh tình trạng này đối với các ống kính prime thì đơn giản nhưng với các ống zoom có auto focus thì cũng khá phiền phức.
- Xem có bị đóng bụi bên trong thấu kính, bụi là chuyện khó tránh đối với ống kính, quan trọng là mức độ nó nhiều hay ít, nếu chỉ vài hạt thì bạn cũng không cần phải bận tâm quá
- Một số ống kính có các thấu kính được dán lại với nhau bằng keo, qua thời gian thì lớp keo này bị oxy hóa khiến 2 thấu kính dần bị tách ra ở mép ngoài thấu kính, nếu bị nặng lan tới bên trong thì xem như ống kính đó bị mù nặng, không xài được nữa.
- ………
Một điều quan trọng khi đi mua ống kính cũ là bạn cần phải mang máy ảnh của riêng mình để test cho chính xác. Sự tương thích giữa body và ống kính không phải cái nào cũng như cái nào, nên cứ phải test trực tiếp trên chính máy của mình đang xài là chính xác nhất
Test xem body có nhận ống kính hay không
Vì một số lý do nào đó mà máy ảnh sẽ không nhận ra được ống kính nên hãy test để đảm bảo là ống kính mà bạn dự tính mua sẽ gắn lên và hoạt động được trên máy của bạn
Test lấy nét:
Với lens AF (auto focus)
- Mở khẩu lớn nhất trên lens chụp từ khoảng cách gần nhất cho tới xa nhất để coi tốc độ lấy nét thế nào, quá trình lấy nét có mượt không, có lựng khựng chổ nào không, mở ảnh lên coi lấy nét có chính xác không
- Nếu máy có liveview thì bật liveview để xem tốc độ cũng như sự chính xác trong quá trình lấy nét với liveview
Với lens MF (manual focus)
- Xoay vòng nét để lấy nét xem có gặp vấn đề hay khó khăn gì không, một số lens MF để lâu ngày sẽ bị khô dầu và đóng bụi nên sẽ bị kẹt khó lấy nét
Các bệnh đối với vấn đề lấy nét:
- Một số ống kính sẽ bị hiện tượng “front – back focus” đó là khi bạn chụp vào chủ thể chính nhưng không nét là lại nét rơi ở trước hoặc sau chủ thể chính một khoảng cách nào đó
- Một số ống kính có thể do lỗi của nhà sản xuất, hoặc do lỗi trong quá trình sử dụng sẽ bị lệch mặt phẳng nét, cụ thể khi chụp một mặt phẳng thì trên nét mà dưới không nét hoặc bên phải nét mà trái lại không nét
- Các ống kính zoom thì sẽ có tình trạng nét tại tiêu cự gần nhất và bị mờ ở tiêu cự xa nhất hoặc ngược lại hoặc có thể là bắt đầu tại một tiêu cự nào đó trở đi thì sẽ không nét
- …
Lời khuyên khi test lấy nét, chụp chủ thể từ gần nhất cho đến ra xa, test lấy nét ngay ở điểm lấy nét trung tâm, sau đó di chuyển ra ngoài rìa bên trái, bên trên, bên phải, bên dưới để xem độ nét có đồng nhất không. Test tại khẩu lớn nhất sau đó test lại lần lượt các bước trên ở một mức khẩu nhỏ hơn tại F4.0 hoặc F8.0 chẳng hạn
Test chống rung:
Ở một số ống kính có tích hợp hệ thống chống rung trên thân ống thì bạn cần phải lưu ý test xem tính năng này có còn hoạt động tốt hay không bằng cách chụp ở tốc độ chậm (tùy tiêu cự ống kính) với 2 chế độ bật và tắt chống rung để xem tính năng đó còn hoạt động hiệu quả hay không
Test đóng mở khẩu:
- Với lens AF: chuyển máy sáng mode chụp Av để chỉnh khẩu trên máy và chụp thử ở các mức khẩu khác nhau xem ống kính có bị kẹt ở khẩu nào không
- Với lens MF: có một số lens có lẫy để giữ cho khẩu luôn mở khi gắn vào body, bạn cần check xem lens đó có khép khẩu được thủ công trên máy của bạn hay không
=> Nếu bạn cảm thấy hài lòng với ống kính mà mình vừa test thì chốt deal, còn nếu bạn còn một khuyết điểm nào đó quan trọng khiến bạn chưa cảm thấy hài lòng thì hãy cứ bình tĩnh, chờ cơ hội lần sau, điêu này áp dụng đối với các ống kính có giá không quá mắc và không quá hiếm. Đừng cố ráng mua để rồi cảm thấy khó chịu trong lòng
- Bạn có muốn trả giá hay không thì tùy cách giao tiếp của bạn, nhưng phải trên tinh thần cả 2 bên vui vẻ và cùng có lợi, đừng vì vài đồng trả giá kỳ kèo mà mất lòng nhau, mất cả vui.
- Nếu lần đầu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa hoàn toàn chắc chắn về sự thẩm định của mình thì cứ đề nghị người bán bao test trong thời gian sử dụng khoảng tầm 3 ngày đến 1 tuần để nếu có phát sinh lỗi thì hoàn trả lens đòi lại tiền
- Sau khi thanh toán, cả 2 bên cùng bắt tay chào nhau và ra về trong sung sướng
Cảm ơn các bạn đã theo dõi đến đây, các bạn nào có kinh nghiệm trong việc chọn mua ống kính máy ảnh mà mình chưa đề cập đến trong bài này thì xin hãy chia sẻ để mọi người cùng tham khảo luôn nhé! ^^
(Theo Tinh Tế)