Đây là những chia sẻ cơ bản về chụp ảnh bằng Drone của bạn @Thắng Sói (fb: Lê Thế Thắng). Chúng ta đã biết bạn qua những video “Vietnam From Above” – “Bản hòa tấu không trung” và “Non sông một dải” (Mình chèn link bổ sung ở cuối bài này cho những ai chưa xem). Định vị việc chụp bằng Drone là thế nào, giống và khác với việc cầm máy ảnh trên tay chụp ra sao, trải nghiệm cảm xúc khi những khung hình ở đâu đó rất xa đột ngột xuất hiện trên màn hình như nào? Phần thứ hai là chụp Drone thế nào cho đẹp, trong đó là lựa chọn thiết bị phù hợp, sử dụng tốt thiết bị và những kinh nghiệm thực tế.
1. Quan niệm về việc chụp ảnh bằng Drone
Cần xác định ngay từ đầu chia sẻ này đơn thuần là việc chụp ảnh bằng Drone, không liên quan đến Video. Vì vậy, nội dung cũng sẽ không bàn đến kỹ thuật bay hay những gì liên quan tương tự việc bay. Chúng ta thấy công việc sẽ là lái Drone lên, dừng lại, bấm cái ảnh, dễ và đơn giản quá rồi. Rất đơn giản! Vậy cái gì là cái quan trọng? Bạn lấy Drone và chiếc máy ảnh cầm tay làm điểm tựa để diễn giải vấn đề theo hai phần như sau:
- Điểm giống nhau: Drone cũng chỉ là một chiếc Camera đối với người chụp ảnh. Thứ bạn chụp được là những bức ảnh. Những bức ảnh đó đều là những khung hình, khoảnh khắc, cảm xúc của người cầm máy – là chính bạn. Những bức ảnh đều thể hiện tư duy hình ảnh, sự rung cảm của người chụp thông qua cái camera. Vậy thôi!
- Điểm khác nhau: Có thể dễ dàng nhận thấy Drone mang chiếc Camera đến được những vị trí mà bình thường chúng ta không thể (hoặc khó, rất khó) đến được. Còn máy ảnh thì bình thường, bạn ở đâu, nó ở đấy. Khi bạn chụp ảnh bằng máy ảnh, giả định bạn đứng trước một khung cảnh đẹp, bạn trầm trồ, bạn tĩnh lặng, bạn thư thái… đến độ có thể pha ấm trà hoặc làm chén rượu. Bạn thấy nó đẹp quá, rung cảm quá, nào, bây giờ giơ máy lên bấm thôi, tiêu cự 50mm, 70mm, 200mm, 400mm và cả … điện thoại.
Thích quá, tao nhã quá, vậy Drone thú vị chỗ nào? Bạn đã bao giờ tưởng tượng, rằng thứ trước mặt mình ở trên cao nhìn xuống nó như thế nào chưa? Dãy núi, thung lũng trùng điệp kia, nếu được nhìn nó ở tầm cao hơn sẽ thế nào nhỉ? Hay không biết trên dãy núi kia, qua đám mây kia khung cảnh trông thế nào? Bạn hồi hộp, bạn tò mò… và rồi bạn có thể vỡ oà, bạn ngạt thở, tim đập nhanh, bạn đôi lúc có thể rơi nước mắt… khi bạn lần đầu được thấy những thứ đẹp như thế, lạ như thế, hiện ra trước mắt một cách bất ngờ, lạ lẫm và hoảng hốt… là những thứ đến với bạn trong choáng ngợp, thay vì thong thả cảm nhận và rung động chậm rãi như một chiếc máy ảnh trên tay.
Chúng ta cần xem vài bức ảnh để cảm nhận điều đó:
Mũi Cá Mập, Côn Đảo
Một con tàu nhìn từ trên cao, ở cửa biển Sa Kỳ
Mâm Xôi, Mù Cang Chải, góc nhìn gần thẳng đứng.
Hồ Tà Đùng, Dak Nong.
Những góc nhìn mà rõ ràng, con người ta khó thậm chí không thể có cơ hội ngắm nhìn nếu không có Drone. Còn sự choáng ngợp ư, sẽ có thêm vài ví dụ:
Thung lũng Bắc Sơn, từ góc nhìn và độ cao khác biệt.
Ngư dân Nam Trung Bộ, một ngày biển rất trong xanh.
Cảng cá Tam Tiến, Quảng Nam, nhìn từ bầu trời phía xa ngoài biển.
Một con tàu ra khơi, qua hòn Yến, Phú Yên – đơn độc mà kiêu hùng.
2. Kinh nghiệm – Chụp ảnh bằng Drone thế nào cho đẹp?
Tất nhiên, câu trả lời cũng sẽ có hai ý cơ bản:
- Đầu tiên, cũng như cầm trên tay chiếc máy ảnh, bạn cần có tư duy hình ảnh tốt, có khả năng cảm thụ hình ảnh, biết lựa chọn khuôn hình, biết săn đón khoảnh khắc, ánh sáng hoặc đôi khi (đôi khi thôi) bạn có chiếc Drone xịn.
- Chụp ảnh bằng Drone, những đối tượng nào dễ đẹp, dễ hay, dễ chụp nhất? Câu trả lời, đầu tiên là những khung cảnh có tạo hình lạ, độc, lôi cuốn; là những cảnh sắc hùng vĩ, điệp trùng tầng lớp, là những không gian đông đúc, chật chội …
Ảnh ví dụ:
Hệ thống lồng bè nuôi tôm của người Phú Yên.
Thung lũng ở Trùng Khánh, Cao Bằng.
Chợ cá miền Trung.
Một ngã tư đường thủ đô Hà Nội.
Một lễ hội cổ truyền, Mê Linh, Hà Nội.
Thung lũng Lìm Mông, Yên Bái lúc bình minh.
Hoặc ngược lại – là những gì đơn giản đến mức “tối giản”
Trên sông Hoài, Hội An.
Đường quê, Đại Lộc, Quảng Nam.
Đầm Lâm Bình, Quảng Ngãi.
Về tiêu cự ống kính?
Đa phần anh em đều chơi đồ loại nhỏ (và ít tiền) nên chỉ có tiêu cự 20mm (vd: Mavic, Phantom3, 4); 24mm (phantom 4 pro). Tất nhiên, vấn đề không phải là tiền, nhưng như tôi, tốn tiền một chút, tôi sử dụng cả máy lớn, với nhiều tiêu cự lens khác nhau. Từ 24mm, 35mm, 50mm và cả 90mm. Những điều này khác nhau như thế nào?
Chụp máy nhỏ, tiêu cự rộng thường cho chúng ta những bức ảnh mênh mông, wide, thị giác ấn tượng:
Biển Tam Quan, Bình Định 24mm (phantom 4pro)
Trùng Khánh, Cao Bằng 20mm (phantom4)
Hội An chạng vạng 24mm (Inspire2)
Hội An 24mm
Vậy còn ở tiêu cự hẹp hơn thì sao?
Câu trả lời là những bức ảnh sẽ “gần gũi” hơn, thực hơn, và vì thế, nếu là từ bầu trời nó cũng mang lại sự đặc biệt nhất định. Những cảnh bình minh hay hoàng hôn, phải chụp 50mm hay 90mm mới có cơ hội thấy mặt trời tròn:
Chùa Thiên Mụ, Huế 50mm
Tam Giang, Huế 90mm
Bình minh Cầu Hai, Huế 50mm
Chụp ảnh với Drone mà chụp người, hay động vật sẽ có khó khăn gì?
Thường thì họ sẽ thấy Drone lạ lẫm, họ sẽ nhìn, hoặc động vật thì sẽ sợ hãi. Vậy phải làm thế nào? Không thế nào cả, hãy giữ an toàn nhất có thể, đặc biệt là cho “đối tượng” đôi khi đó cũng là cơ hội để có những bức ảnh thú vị, nếu biết “chừng mực” và sáng tạo. Ví dụ ở những bức ảnh sau:
Lũ trẻ lùa đàn trâu, Cao Bằng. Đàn trâu đi vòng quanh, dòng sông đục ngầu lên rất thú vị.
Chụp Selfie như thế nào?
Cuối cùng (tạm cuối cùng nhé) là chụp Selfie haha. Chụp ảnh bằng Drone cho ta những bức ảnh selfie mà không ai có được:
La Pán Tẩn, Mù Cang Chải
Hoàng Su Phì, Hà Giang
Gành Đá Đĩa, Phú Yên
Sittwe, Rakhine, Myanmar
Anh em xem thêm nhiều ảnh ở Album này:
Các Video tuyệt vời của @Thắng Sói – Lê Thế Thắng đã từng chia sẻ:
Link bài giới thiệu: “Vietnam From Above”
Link bài giới thiệu: “Bản hòa tấu không trung”
Link bài giới thiệu: “Non sông một dải”
Kết nối với @Thắng Sói – FB: Lê Thế Thắng
(Theo Tinh Tế)