Hướng dẫn chọn máy ảnh 2019: Top máy ảnh tốt nhất dưới 15 triệu VNĐ
Hướng dẫn chọn máy ảnh ở tầm giá dưới 15 triệu VNĐ sau đây sẽ giúp bạn vừa tìm được một chiếc máy ảnh tốt nhất, vừa đảm bảo an toàn cho túi tiền, bất kể là bạn muốn tìm kiếm máy ảnh nhỏ gọn với chất lượng hình ảnh xuất sắc hoặc chỉ muốn thứ gì đó nhìn đẹp mắt tương xứng để trang hoàng cho những món đồ đắt tiền khác của mình.
Những chiếc máy ảnh trong danh sách dưới đây đều thuộc dạng trọng lượng nhẹ và dễ di chuyển, có nhiều tính năng thân thiện với người dùng, ví dụ như màn hình LCD để selfie chẳng hạn. Có thể sẽ không có nhiều chức năng điều khiển trực tiếp hay tùy chỉnh, video 4K lại càng hiếm gặp, nhưng đối với những ai đang tìm kiếm trải nghiệm ngắm và chụp nhanh với chất lượng hình ảnh hợp lý thì danh sách này sẽ mang đến các lựa chọn tuyệt vời.
1. Canon EOS M100
Ưu điểm:
- – Màu ảnh JPEG xuất sắc
- – Dual Pixel AF cho tốc độ lấy nét nhanh và tracking chủ thể tốt
- – Rất nhỏ gọn, dễ sử dụng
- – Wi-Fi làm việc tốt
Nhược điểm:
- – Thiếu cổng sạc USB
- – AF làm việc khó khăn trong điều kiện thiếu sáng
- – Lựa chọn ống kính bị giới hạn
Canon EOS M100 ngàm EF-M là mẫu máy ảnh mirrorless (MRL) hướng đến phân khúc người dùng mới bắt đầu. Tuy có mức giá khá rẻ nhưng máy được trang bị một bộ tính năng hiện đại, gồm cảm biến APS-C 24MP và hệ thống AF Dual Pixel. Máy thể hiện rõ định hướng đến người dùng mới với bộ giao diện đơn giản và màn hình cảm ứng thân thiện.
M100 có trọng lượng chỉ 266g, có thể nằm gọn trong lòng bàn tay (cho đến khi lắp thêm ống kính). Trên máy không bố trí quá nhiều nút hay đĩa điều khiển, phụ thuộc chủ yếu vào màn hình cảm ứng. Chế độ tự động hoàn toàn cho phép xử lý máy cực kỳ dễ dàng. Tính năng selfie có làm mượt da và xóa phông. Chia sẻ ảnh tiện lợi nhờ kết hợp giữa Wi-Fi và Bluetooth.
Canon EOS M100 sử dụng hệ thống Dual Pixel AF tương tự các mẫu máy ảnh ILC hiện đại khác của Canon. Hệ thống này phản xạ nhạy và có thể tracking các chủ thể đang di chuyển khá là tốt. Màn hình cảm ứng giúp khóa chủ thể dễ dàng, có thể dùng để di chuyển lấy nét trong quá trình quay video. M100 có thể chụp liên tiếp lên đến 6.1 fps (hoặc 4 fps với AF liên tục, tracking bị hạn chế hơn). Thời lượng pin 295 lần chụp/lần sạc, được đánh giá là ở mức trung bình đối với máy ảnh MRL.
Chất lượng hình ảnh gần như không thể phân biệt với các mẫu máy ảnh Canon khác với cảm biến này, đồng nghĩa ảnh JPEG có độ render màu xuất sắc và lượng noise thấp. Tuy nhiên ảnh JPEG bị soft nhẹ khi xem trực tiếp trên máy, bù lại một số điều chỉnh đơn giản có thể chỉnh lại điểm này. File Raw có mức noise thấp và nhiều chi tiết, tuy dynamic range khá tụt hậu so với tiêu chuẩn cạnh tranh.
Có thể nhận xét chất lượng video là vừa đủ ổn đối với hầu hết các mục đích sử dụng. 4K thì tuyệt đấy, nhưng Canon lại chưa đưa tính năng này vào các máy ảnh DSLR tầm trung. Máy trang bị ít điều khiển thủ công, nhưng có điều chỉnh mức âm thanh và khả năng dùng bù phơi sáng với Auto ISO ở chế độ thủ công.
Canon EOS M100 đơn giản là dễ sử dụng, mang lại chất lượng hình ảnh xuất sắc mà người dùng có thể có được trên một máy ảnh có kích thước nhỏ như thế này. Giao diện đơn giản biến M100 trở thành lựa chọn thông thái ở hạng mục giá cả phải chăng. Nếu bạn đang bắt đầu nuôi ước mơ nhiếp ảnh gia với chiếc máy ảnh thực sự đầu tiên, thì Canon EOS M100 sẽ không khiến bạn phải thất vọng.
Ảnh minh họa chụp từ máy ảnh Canon EOS M100:
2. Fujifilm X-A5
Ưu điểm:
- – Chất lượng ảnh Raw rất tốt
- – Hệ thống AF lai cải thiện tracking chủ thể
- – Hai đĩa điều khiển
- – Thời lượng pin xuất sắc
Nhược điểm:
- – Tốc độ khung hình kém ở chế độ 4K
- – Có cảm giác nhựa
- – Màn hình LCD khó xem khi ở ngoài trời
Fujifilm X-A5 là máy ảnh MRL khá rẻ, sử dụng ngàm ống kính X. Máy có các tính năng mới mẻ ở thời điểm ra mắt như AF nhận diện pha và bộ xử lý cải tiến, là người kế nhiệm được cải thiện từ Fujifilm X-A3. Các bổ sung hấp dẫn khác gồm Bluetooth, Eye AF, jack micro phụ và pin được cải thiện thời lượng hơn một chút.
X-A5 có thiết kế hấp dẫn với các chi tiết giả da làm điểm nhấn, mặc dù hơi có cảm giác nhựa. Máy có hai đĩa điều khiển, màn hình LCD cảm ứng 3″ 1.04M điểm ảnh có thể lập lên để chụp selfie. Tương tự hầu hết các máy ảnh MRL giá rẻ khác, X-A5 không có kính ngắm. Fujifilm bổ sung Bluetooth vào khả năng kết nối không dây nhằm kết hợp và truyền ảnh nhanh hơn so với chỉ làm việc với Wi-Fi.
X-A5 có các chế độ AF theo điểm đơn, theo vùng và wide/tracking, với lên đến 91 điểm AF tùy chọn. Máy chụp liên tiếp 6 fps (ở chế độ AF đơn). Thời lượng pin tốt hơn một chút so với X-A3 theo chuẩn CIPA đạt 450 lần chụp/lần sạc.
Chất lượng hình ảnh rất tốt. Ảnh JPEG có màu sắc mãn nhãn, mặc dù khả năng render chi tiết không phải xuất sắc nhất. Ảnh Raw lại là một câu chuyện khác, với khả năng bắt chi tiết và dynamic range tốt hơn rất nhiều. X-A5 được trang bị bộ chế độ giả lập phim truyền thống của Fuji, ngoại trừ chế độ Acros trắng đen.
Fujifilm X-A5 có tính năng quay video UHD 4K, tuy nhiên chỉ có thể quay với tốc độ 15 fps thời lượng 5 phút. Do đó, kiểu gì bạn cũng sẽ phải quay 1080p với tốc độ cao nhất là 60 fps. Máy được trang bị thêm cổng cắm micro 2.5mm để hỗ trợ thu âm bên cạnh micro có sẵn.
Nhìn chung, Fujifilm X-A5 có thể xem là cải tiến so với người tiền nhiệm của nó, chí ít là trên lý thuyết.
Ảnh minh họa chụp từ máy ảnh Fujifilm X-A5:
3. Nikon D3500
Ưu điểm:
- – Cảm biến 24MP đã được chứng minh
- – Giá bán rất hợp túi tiền
- – Dễ sử dụng
Nhược điểm:
- – Hệ thống AF 11 điểm lỗi thời
- – Màn hình LCD cố định, không cảm ứng
- – Chỉ có một đĩa điều khiển
Nikon D3500 là máy ảnh DSLR cho người mới bắt đầu sử dụng cảm biến 24MP, bộ xử lý EXPEED 4 và hệ thống AF 11 điểm, tương tự người tiền nhiệm D3400. Kết nối chỉ có Bluetooth cho phép bấm màn trập ngay từ smartphone hoặc gửi ảnh phân giải thấp từ máy ảnh đến thiết bị di động.
Điểm khác biệt chính giữa D3400 và D3500 là kích thước – nhận xét đơn giản là Nikon đã chọn một chiếc máy ảnh nhỏ và thu nhỏ nó hơn nữa. Các nhiếp ảnh gia vỡ lòng có thể bắt đầu với chế độ hướng dẫn Guide Mode tuyệt vời, trong khi các nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm hơn sẽ thích bộ điều khiển thủ công trên máy. Tuy nhiên, bộ điều khiển này bị giới hạn thành một đĩa điều khiển đơn đối với các thay đổi về thiết lập. EVF của D3500 nằm ở phía nhỏ hơn của máy, màn hình cố định LCD 921k điểm không có tính năng cảm ứng.
Nikon D3500 sử dụng hệ thống AF 11 điểm, cho ít độ bao phủ khung hình hơn và chỉ có duy nhất một điểm chữ thập ở trung tâm. Tương tự các máy ảnh DSLR khác trong phân khúc này, máy không tự động lấy nét khuôn mặt khi chụp với kính ngắm, AF ở chế độ Live View chậm hơn thấy rõ so với kính ngắm. Thời lượng pin là một điểm bù trừ lớn, lên đến 1550 lần chụp/lần sạc, thậm chí có thể cao hơn khi sử dụng thực tế.
D3500 cho ảnh JPEG có màu sắc chân thực và hiệu suất thực thi tương tự D3400. Ống kính co rút 18-55mm F3.5-5.6 hữu ích cho người mới bắt đầu. Bất kể là thấu kính nằm nằm phía trước cảm biến, các nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm đều có thể giữ được chi tiết đến tối đa và độ linh hoạt ở khâu hậu kỳ khi chụp ở chế độ Raw.
Máy quay video Full HD lên đến 60p. Tuy không được nhắm cho mục đích quay phim, nhưng chất lượng video vấn được đánh giá khá là tuyệt vời.
Nikon D3500 vừa nhỏ vừa có giá rẻ, thậm chí được giảm giá khá nhiều cho dù đi kèm với ống kính kit, sẽ là lựa chọn tiện ích cho những ai có nhu cầu vừa tìm máy nhỏ, tốt và rẻ.
Ảnh minh họa chụp từ máy ảnh Nikon D3500:
4. Olympus PEN E-PL9
Ưu điểm:
- – IS sensor-shift 3 trục làm việc với mọi ống kính
- – Quay video 4K
- – Kết nối Wi-Fi + Bluetooth
Nhược điểm:
- – Nút bấm nhỏ
- – Menu quá phức tạp
- – Không có sạc USB
Olympus PEN E-PL9 là máy ảnh MRL cho người dùng mới bắt đầu của Olympus chú trọng vẻ ngoài phong cách, chụp sáng tạo và selfie. Máy cải tiến hơn mẫu máy E-PL8 trước đó với hệ thống AF, video 4K, kết nối Bluetooth và đèn flash có sẵn, vừa giữ nguyên cảm biến Four Thirds 16MP , ổn định hình ảnh trong thân máy và màn hình LCD lật xuống.
E-PL9 được thiết kế với những đường nét tinh tế, bọc giả da, grip cầm thoải mái. Nút bấm bố trí phía sau máy, kích thước rất nhỏ có thể khiến một số người dùng có cỡ tay to cảm thấy khó dùng. Khi chụp ở chế độ tự động, giao diện đơn giản, nhưng menu chính vẫn rất phức tạp. Kết nối Bluetooth cho phép truyền ảnh sang smartphone kể cả sau khi tắt đi.
Olympus PEN E-PL9 sử dụng hệ thống AF nhận diện tương phản 121 điểm tương tự mẫu máy E-M10 III. Máy tiếp cận chủ thể lấy nét tốt nhưng sẽ kém đi nếu chủ thể có di chuyển ngẫu nhiên. Tốc độ chụp liên tiếp cao nhất là 4.8 fps (với AF liên tục). Thời lượng pin đạt 350 lần chụp/lần sạc, không sạc pin qua cổng USB.
Máy cho ảnh JPEG với màu sắc mạnh mẽ, tuy nhiên ống kính kit 14-42mm có vẻ không sắc nét cho lắm. Bộ hiệu ứng lọc Art cho phép người dùng sáng tạo với ảnh mà không tốn nhiều công sức.
Máy quay video 4K 30/24p nhưng chỉ ở chế độ phim chuyên biệt.
Olympus PEN E-PL9 là máy ảnh MRL hấp dẫn với mức giá phải chăng hỗ trợ chụp sáng tạo dễ dàng. Miễn là bạn không đi quá sâu vào hệ thống menu thì máy rất dễ dùng, chất lượng hình ảnh và video tuyệt vời, hệ thống AF đáng tin cậu, bên cạnh các tính năng kết nối rất ổn khác.
Ảnh minh họa chụp từ máy ảnh Olympus PEN E-PL9:
5. Sony a6000
Ưu điểm:
- – Chất lượng hình ảnh tốt
- – Tốc độ AF và bao phủ tốt nhất trong phân khúc
- – Chất lượng video tuyệt vời với AF ấn tượng
Nhược điểm:
- – Không có màn hình cảm ứng
- – Độ phân giải EVF trung bình
- – Thân máy nhựa
Sony a6000 là máy ảnh MRL sử dụng cảm biến APS-C 24.3MP kết hợp hệ thống AF lai ấn tượng, EVF, hai đĩa điều khiển và màn hình xoay lật. Tuy ra mắt đã lâu nhưng a6000 là một trong những chiếc máy ảnh toàn diện nhất trong danh sách này. Điều đó không có nghĩa nó vượt trội nhất về tất cả các mặt so với các đối thủ của mình, nhưng a6000 quả thực sở hữu khá nhiều tính năng rất thuyết phục.
Sony a6000 có khả năng xử lý tốt với nhiều nút bấm cho phép tùy chỉnh, hai đĩa điều khiển, đĩa bù phơi sáng chuyên biệt và một menu tắt. Kính ngắm 1.44M điểm làm việc tốt nhưng chưa thực sự ấn tượng. Tốc độ chụp liên tiếp 11 fps với tracking chủ thể, quay video Full HD lên đến 60p, có kết nối cả Wi-Fi và Bluetooth.
Hệ thống AF của a6000 nhanh, chính xác, bao phủ rộng với 179 điểm nhận diện pha và 25 điểm nhận diện tương phản. Hệ thống này đồng thời tận dụng khả năng của cảm biến ảnh để nhận biết đối tượng lấy nét. Hiệu suất AF liên tục đặc biệt vượt trội đảm bảo máy ảnh giữ lấy nét trên chủ thể, kể cả khi chủ thể di chuyển, kể cả với tốc độ 11 fps, và kể cả trên video (từ ít đến không bị hunting).
Chất lượng hình ảnh ổn nếu chỉ chụp JPEG hoặc Raw đơn giản. Hiệu suất chụp Raw thiếu sáng và dynamic range thua nhiều đối thủ APS-C, nhưng vẫn chấp nhận được. JPEG chụp ở ISO cao có thể gặp giảm noise quá mức, do đó cần lưu ý giảm thiết lập giảm noise trong máy ảnh. Một điểm cần quan tâm khác là bởi thấu kính của dòng ngàm E đang phát triển, ống kính cho hệ máy dùng ngàm này có thể đắt một chút.
Khi quay video, người dùng được điều khiển thủ công hoàn toàn với các cảnh báo về Focus Peaking và Zebra, bên cạnh khả năng nhận diện toàn bộ khuôn mặt và tracking liên tục. Chất lượng video khá là ổn, đặc biệt khi có thêm sự góp mặt của định dạng XAVC S nhờ cập nhật firmware.
Nhìn chung, Sony a6000 là máy ảnh toàn diện có các trang bị vượt trội nhất với mức giá khá hợp lý. Dù bạn là người mới dùng muốn lấy nét trên ảnh hay video mà không phải đắn đo suy nghĩ, hay là nhiếp ảnh gia chụp chim bay đang tìm kiếm máy ảnh cho phép điều khiển nhiều hơn là chỉ ngắm và chụp, thì bạn có thể sẽ muốn cân nhắc chiếc máy ảnh này.
Ảnh minh họa chụp từ máy ảnh Sony a6000:
(Theo DPReview; Ảnh: Thư viện ảnh chính thức của hãng)