Phân biệt sự khác nhau giữa máy ảnh SLR và DSLR
Nhiếp ảnh sẽ không bao giờ lỗi thời, nhất là với những công nghệ hình ảnh tiến hóa rất nhanh và các hệ thống hoàn toàn mới — từ máy ảnh compact cho người mới chụp đến dòng máy chuyên nghiệp cao cấp — được ra mắt bởi các hãng sản xuất máy ảnh gần như mỗi năm. Đây vừa là tin tốt cho những ai yêu thích nhiếp ảnh, nhưng cũng dễ gây bối rối cho người mới dùng để chọn được chiếc máy ảnh phù hợp, nhất là khi họ chỉ vừa bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh của mình.
Hai trong số những thuật ngữ thường gây khó hiểu nhất trong nhiếp ảnh là SLR (single-lens reflex camera; máy ảnh phản xạ ống kính đơn) và DSLR (digital single-lens reflex camera; máy ảnh phản xạ ống kính đơn kỹ thuật số). Bạn chắc hẳn đã quen với DSLR rồi, dù là tên gọi hay ngoại hình máy, cũng vì nhiều nhiếp ảnh gia ngày nay chụp với loại máy này. Ngược lại, SLR thường là đồ sưu tầm khi mà các máy ảnh ngắm chụp kỹ thuật số bùng nổ, nhưng lại trở thành những món đồ thời trang vừa cho nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, vừa cho những ai có thú tiêu khiển, sưu tầm.
Thật thú vị khi một chữ cái đơn giản lại có ý nghĩa cực lớn đối với hai dòng máy ảnh này, nhưng đồng thời cũng có thể thấy chúng giống nhau thế nào bất kể khác biệt về công nghệ và phần cứng.
Vậy thì máy ảnh SLR và máy ảnh DSLR khác nhau như thế nào? Cùng phân biệt chúng dựa trên công nghệ hình ảnh, cảm biến, thiết kế thân máy, nguồn xuất, giá bán, giá trị và các tính năng nổi bật khác.
Công nghệ
Cả máy ảnh SLR và DSLR đều sử dụng công nghệ phản xạ ống kính đơn, tức máy trang bị một kính phản xạ bên trong nhằm cho phép người dùng nhìn thấy được những gì ống kính thấy và sẽ chụp qua kính ngắm quang học trên máy. Tuy nhiên, DSLR lại có lợi thế hơn một chút. Một số mẫu DSLR có tính năng xem trực tiếp kỹ thuật số qua màn hình LCD phía sau, tương tự dòng mirrorless (máy ảnh không gương lật) không có kính ngắm quang học ngày nay.
Cảm biến ảnh
Điểm khác biệt dễ thấy nhất giữa SLR và DSLR là cảm biến. Các máy ảnh SLR thường là máy ảnh phim/analog linh động, còn DSLR thêm chữ ‘D’ (tức digital – kỹ thuật số) là dùng để chỉ các cảm biến kỹ thuật số. Từ đó, các máy ảnh DSLR sử dụng thẻ nhớ để lưu trữ hàng nghìn bức ảnh, trong khi máy ảnh SLR chụp một số lượng ảnh nhất định theo từng cuộn film.
Nói đi cũng phải nói lại, việc phân biệt máy ảnh SLR với DSLR không giống với việc so sánh hai dòng máy ảnh phim và kỹ thuật số, dù SLR cũng được tính là một trong nhiều loại máy ảnh phim.
Ống kính thay đổi được
Nhờ vào công nghệ ảnh độc đáo, hai loại máy ảnh này sử dụng ống kính thay đổi được. Điều này đồng nghĩa người dùng có thể kết hợp máy ảnh SLR hoặc DSLR của họ với các ống kính tùy vào nhu cầu và phong cách chụp ảnh của cá nhân.
Các đặc điểm vật lý
Với sự nổi bật của cả máy ảnh SLR với phong cách hoài cổ (ví dụ Pentax KP màu bạc) và SLR với thân máy tinh tế và hiện đại hơn (ví dụ Nikon F6), rất khó để phân biệt máy ảnh từ ngoại hình của chúng. Tuy nhiên theo truyền thống, máy ảnh SLR có nhiều nút bấm hơn, màu tông đôi và không có màn hình sau, trong khi DSLR chỉ có một màu duy nhất và một màn hình phía sau. SLR cũng nặng hơn vì được làm phần nhiều từ kim loại.
Tính năng video
Ưu điểm của việc phát triển dòng máy ảnh kỹ thuật số là hầu hết các máy ảnh DSLR đều có khả năng quay video, trong khi các máy ảnh phim nhỏ gọn như SLR thì không.
Chất lượng và độ phân giải
Máy ảnh phim nhìn chung cho chất lượng hình ảnh tốt hơn, nhất là về màu sắc, độ tương phản và dãy tương phản (dynamic range). Thậm chí những chiếc máy ảnh kỹ thuật số tiên tiến nhất ngày nay còn không thể bắt chước khả năng chụp chi tiết của máy phim. Khi xét các loại cảm biến analog và phim có sẵn (nhất là loại lớn), máy ảnh SLR có thể đánh bại rất nhiều chiếc DSLR khi xét về đầu ra điểm ảnh.
Giá bán và giá trị
Do hiện này có nhiều máy ảnh DSLR hoạt động trên thị trường hơn nên theo đó giá bán của chúng cũng không đắt đỏ như SLR. Tuy nhiên, nếu giá bán và giá trị được ưu tiên hơn độ tiện dụng, nên lưu ý là máy ảnh SLR là sự đầu tư có lợi hơn khi chúng không cần được nâng cấp như máy ảnh kỹ thuật số. Đồng thời, SLR (tương tự hầu hết máy ảnh phim) sẽ trở thành những món đồ sưu tập có giá trị nếu bạn muốn đem bán lấy lời.
Kết: Xem xét sở hữu và phong cách chụp hình của bạn
Bất kể bạn chọn loại máy ảnh nào, loại đó sẽ thể hiện nhu cầu và sở thích của cá nhân bạn, cũng như phong cách chụp hình của bạn. Hãy đặt các yếu tố quan trọng với bạn lên hàng đầu khi lựa chọn, ví dụ như chất lượng hình ảnh và ngân sách, sau đó là tìm loại máy ảnh phản xạ ống kính đơn mạnh nhất cho chính bạn.
Theo Adorama