Nikon Z9 là máy ảnh có thể thay đổi ống kính không gương lật chuyên nghiệp thực sự đầu tiên của Nikon, chứa đựng nhiều trang bị hấp dẫn nhằm đáp ứng đối tượng người dùng chuyên nghiệp luôn có yêu cầu cao. Trong bài viết này chúng ta cùng xem xét ấn tượng đầu tiên về Z9 ở thao tác và hiệu năng, cũng như điểm qua bộ thông số kỹ thuật chính của máy.
Nội dung
Cảm biến ảnh CMOS xếp chồng mới
Trang bị quan trọng nhất trên Z9 là cảm biến ảnh CMOS 45.7MP được phát triển mới. Đừng nhầm lẫn, mặc dù số điểm ảnh không khác trên cảm biến của Z7, Z7 II hay D850, nhưng đây là con chip do Nikon phát triển hoàn toàn mới, cung cấp những cải thiện cực kỳ đáng kể về hiệu năng cho rất nhiều tính năng trên Z9.
Xét chất lượng hình ảnh, Z9 có vẻ sẽ mang lại ảnh tĩnh có chất lượng tương đương với Z7/II ở hầu hết các thiết lập ISO. Tuy sử dụng màn trập điện hoàn toàn, có tốc độ xử lý cao, nhưng các ảnh test với Z9 ban đầu cho thấy dải động ISO của máy rất sát với Z7 II, chênh lệch chưa đầy 1 stop.
Về Raw, Z9 không chụp Raw uncompressed nữa mà thay thế bằng tùy chọn lossless compressed và 2 tùy chọn Raw ‘hiệu suất cao’. Theo Nikon, các tùy chọn Raw mới sẽ cung cấp chất lượng hình ảnh tương đương với dạng Raw uncompressed trong các tệp có kích cỡ chỉ bằng 1/3.
Cảm biến mới được Nikon gọi là cảm biến “đầu tiên trên thế giới” kết hợp giữa các lớp phủ electro-conductive và fluorine, nhằm giúp tránh bụi bẩn bám trên bề mặt cảm biến.
Màn trập điện hoàn toàn
Nikon Z9 là máy ảnh đầu tiên của Nikon không có màn trập cơ mà chụp bằng màn trập điện hoàn toàn, với tốc độ readout khoảng ~1/270 giây (~3.7ms) ngang ngửa với Sony A1. Thời gian phơi sáng tối thiểu là 1/32,000 giây. Như vậy việc phơi sáng sẽ diễn ra hoàn toàn yên lặng, nhưng máy cũng có tùy chọn tiếng giả màn trập với 3 mức độ âm thanh cho những ai nhớ loại âm thanh này trên máy ảnh.
Mặc dù phân khúc full frame từng có Sigma fp “mở hàng” là dòng máy ảnh đầu tiên không màn trập ra mắt trước đó, nhưng Nikon khẳng định sức mạnh của thiết kế cảm biến ảnh CMOS xếp chồng sẽ còn tăng tốc máy lên nhiều hơn, giảm lỗi rolling shutter xuống rất thấp hoặc bị banding dưới ánh sáng nhân tạo. Nikon Z9 có thể chụp JPEG ở độ phân giải cao nhất tại tốc độ đến 30fps và JPEG/RAW đến 20fps với bộ đệm 1,000 ảnh. Nếu bạn hài lòng với ảnh JPEG 11MP thì còn có thể chụp tĩnh ở tốc độ khung hình cao nhất là 120fps. Nói cách khác, Z9 là một chiếc máy ảnh cực kỳ, cực kỳ nhanh – nhanh hơn rất nhiều so với tưởng tượng nếu nó sử dụng màn trập cơ thông thường.
Tích hợp báng cầm
Về ngoại hình, dễ thấy nhất trên Z9 là báng cầm. Z9 có cao tương tự D6 (150 x 149mm) nhưng nhẹ hơn, chỉ 1,340g. Hãng khẳng định Z9 nhỏ hơn D6 về tổng thể, có lẽ là xét về khối lượng.
Còn việc Z9 to hơn hẳn Z6, Z7 thì cần bàn cãi gì rồi.
Màn hình xoay lật
Lại một trang bị lần đầu khác trên máy ảnh Nikon, đây là màn hình phía sau 3.2″ xoay lật đa góc, cung cấp độ linh hoạt tương tự các màn hình hiện đại chúng ta thấy hiện nay trên Fujifilm X-T4 hay các máy GFX mới nhất. Bạn có thể xoay màn hình ra ngoài, lật xuống hoặc gấp theo chiều dọc để bố cục khung hình. Khác với nhiều thiết kế khớp bên hông khác, bạn không thể xoay màn hình này xoay vào trong để bảo vệ nó.
Quay video 4K & 8K
Cảm biến ảnh nhanh hơn không chỉ tạo lợi thế để chụp ảnh tĩnh, Z9 còn có thể quay video 4K và 8K với tùy chọn cao nhất là 8K/30p. Các trang bị video ấn tượng nhất phải kể đến:
- Quay 8K/30p và 4K-từ-8K, với tùy chọn ProRes 422 HQ
- Quay 8K/60p, 12-bit 8K N-Raw và 4K ProRes RAW bổ sung f/w
- Quay trong máy 10-bit N-Log và HLG
- Thu âm 24-bit
Quay 4K có thể áp dụng tốc độ đến 120p. 4K24p và 4K30p đều cực kỳ chi tiết nhờ dựa trên dư mẫu 8K, nhưng lại dính rolling shutter nhiều hơn (~14.3 ms) so với các chế độ 4K60p và 4K120p ít chi tiết hơn, do chịu pixel binning/line skipping để đạt được các tốc độ khung hình cao hơn (với tốc độ rolling shutter chỉ ~4.8ms). Cả 2 giá trị rolling shutter trên đều khá ổn nên nó sẽ không gây rắc rối gì, miễn là không gặp phải chủ thể đang di chuyển hoặc dùng kỹ thuật lia máy với tốc độ rất nhanh. Nikon hứa hẹn 8K/30p có thể quay được 2 tiếng ở điều kiện nhiệt độ thông thường, và trên thực tế Z9 có chứng minh được khả năng chống quá nhiệt rất ổn của nó trong các bài test sớm.
Bộ điều khiển
Ảnh trên cho thấy bộ điều khiển chế độ ở mặt trên của Z9, bao gồm nút xoay chế độ nâng cao tích hợp cho phép bạn chọn giữa các chế độ chụp liên tiếp và chụp đơn cũng như các tùy chọn self-timer. Nút ‘MODE’ cho phép chuyển đổi giữa các chế độ PASM. 2 nút khác ở phía bên trái của ống ngắm là nút Lock (tránh ảnh đã chọn bị xóa ngoài ý muốn) và nút Delete. Delete có 2 chức năng là, song song với nút ISO, nó sẽ hoạt động như nút shortcut để formatt thẻ nhớ đã cài vào máy.
Gây tò mò trên Z9 đó là chiếc máy ảnh số chuyên nghiệp đầu tiên này của Nikon lại không trang bị nút xem lại ở phía trên bên trái trong bộ điều khiển phía sau. Theo Nikon, việc dời nút này xuống góc dưới bên phải màn hình là để toàn bộ bộ điều khiển quay chụp chính được nằm trọn trong tầm với ngón tay của 1 bên tay. May mắn là, nếu người dùng muốn, họ có thể cài nút Lock/Fn thành một nút xem lại khác phòng trường hợp không quen tay.
Bộ điều khiển chính ở mặt trên khá tiện dụng, nút quay phim nổi lên nằm cạnh các nút ISO và bù trừ phơi sáng, đặt ngay sau nút nguồn và nút trập. Phần thoáng nhất ở mặt trên thì được tận dụng đặt màn hình phụ để hiển thị các thiết lập quan trọng và khắc tên máy.
Nút backlit và chế độ ‘Starlight’
Nếu để ý, bạn sẽ thấy trong ảnh minh họa của phần trên, phần ‘on’ của nút gạt on/off có để hình bóng đèn. Đây cũng là nút bật đèn cho cả màn hình phụ ở trên lẫn nhiều nút ở mặt trên và phía sau máy, nhằm giúp chúng dễ tìm và nhận diện trong điều kiện thiếu sáng. Trang bị này rất được đánh giá cao ở dòng Nikon DSLR, mà Z6 và Z7 thì lại không có.
Z9 cũng trang bị chế độ ‘Starlight’ phục vụ nhu cầu chụp low-light cực độ, Nikon khẳng định chế độ này cho phép lấy nét tự động hoạt động tới -8.5EV (trên ống kính F1.2).
Ống ngắm điện
Ảnh này cho thấy nút khóa tránh xoay bánh xe chế độ phơi sáng và nút chế độ màn hình ở bên cạnh củ EVF, cho phép chuyển đổi hoạt động giữa EVF và LCD, hoặc ‘Auto’ chuyển đổi giữa 2 trang bị này dựa trên hoạt động đặt mắt ngắm của người dùng.
Bản thân ống ngắm cung cấp độ phân giải Quad-VGA 3.69 triệu điểm tương tự trên Z6/7 II, nhưng nay độ sáng đã được cải thiện với độ sáng cao nhất đạt ~760 nits. Quan trọng nhất là mặc dù độ phân giải nghe có vẻ thấp hơn so với một số đối thủ nhưng chất lượng phân giải của ống ngắm trên Z9 lại không hề thấp chút nào khi bạn vẫn có thể thấy được lượng chi tiết tương tự live view 60hz, bất kể ở tốc độ chụp hay điều kiện lấy nét tự động nào. Đặc trưng này giúp ống ngắm của Z9 trở thành một trong những ống ngắm cung cấp trải nghiệm chụp xuất sắc nhất trên thị trường hiện nay.
Bộ điều khiển chiều dọc
Bộ điều khiển chiều dọc không quá linh hoạt, bạn sẽ vẫn có các bánh xe điều khiển trước và sau, nút ISO và nút custom. Nắp cao su lớn nằm sau bộ điều khiển này đậy ổ khóa an toàn Kensington để bảo vệ Z9 trong các sự kiện lớn, đông người.
2 khay thẻ nhớ CFe / XQD
Nikon Z9 cung cấp 2 khay thẻ nhớ tương thích với các loại thẻ CFexpress (type B) và XQD. Các khay này có thể sử dụng linh hoạt giữa lưu nối tiếp, backup hoặc lưu riêng tệp ảnh và phim. Phần nhãn vàng cảnh báo dán ở mặt trong cửa đậy thẻ nhằm cảnh báo về nhiệt độ thẻ CF trong quá trình quay chụp liên tiếp ảnh hoặc video có độ phân giải cao.
Ảnh trên cho hình dung về kích thước của Z9 khi lắp nó với ống kính Z 50mm F1.2 S, bạn cũng có thể thấy được báng pin khá to ở phần dưới.
Pin mới
Pin có dung lượng 36Wh (per CIPA) với sức chụp 700-770 ảnh tùy sử dụng EVF hay LCD hoặc nếu máy có sử dụng chế độ Eco hay không. Trong điều kiện sử dụng thông thường, khi chụp tĩnh, Z9 không thể đánh bại các đàn anh D5, D6 về sức bền, nhưng thực ra các thông số CIPA về chụp tĩnh cũng khá là tương đối, và trên thực tế Z9 hoạt động khá tốt ít nhất là tầm vài nghìn lượt phơi sáng ở chế độ chụp liên tiếp kèm đôi lần xem lại để kiểm tra hình.
Nên biết Z9 cũng có thể dùng dòng pin cũ EN-EL18 như trên các mẫu Nikon DSLR trước, bên cạnh dòng pin ‘d’ thì dòng ‘b’ và ‘c’ đều cho phép sạc trong máy qua cổng USB cũng như sạc với bộ sạc MH-33 kèm theo máy.
Bộ cổng giao tiếp
Bộ cổng kết nối nằm bên hông Z9 gồm cổng dây LAN to để chụp ở các sự kiện lớn nơi kết nối dây ổn định sẽ có lợi hơn truyền tải không dây. Quanh cổng HDMI full-size có lỗ vít để chốt khóa.
Nút chế độ AF
Nút lồi đặt cạnh khu cổng kết nối mà bạn thấy trong ảnh trên đánh dấu sự trở lại của nút điều khiển trực tiếp các chế độ AF từng xuất hiện trên các thân máy Nikon cao cấp, trông như joystick nhưng nó thực sự là một nút bấm đơn giản, tái hiện bộ điều khiển tương tự trên D6 và D850. Khi bấm nút, bạn có thể di chuyển giữa các chế độ AF và chế độ vùng AF bằng cách lần lượt sử dụng các nút điều khiển phía trước hoặc sau.
Nếu không muốn di chuyển giữa các chế độ AF hay vùng AF mà muốn trực tiếp thao tác trong các chế độ nay, Z9 mang đến cho bạn một sự trở lại khác cũng rất được yêu thích trên các máy Nikon DSLR gần đây: khả năng gán tính năng ‘AF area mode + AF-ON’ cho các nút custom để chuyển giao và thao tác bất kỳ chế độ vùng AF nào, ngay lập tức. Đồng nghĩa tính năng 3D Tracking có thể được cài thành chế độ lấy nét mặc định của bạn, điều khiển bằng nút trập, trong khi các nút AF-ON hay Fn có thể gán lại để nhanh chóng thao tác các chức năng Single Point hay Auto Area AF cho những trường hợp bạn muốn lấy nét tự động theo dõi chủ thể. Đây là giải pháp tuyệt vời khi bạn đang cần đuổi kịp khoảnh khắc và không có thời gian để lúng túng với bất kỳ nút nào.
Tính năng 3D AF Tracking trở lại
Về theo dõi đối tượng, Z9 nay chào đón sự trở lại của một tính năng khác là 3D AF Tracking. AF của các máy Z6 và Z7 chưa bao giờ quá xuất sắc và không thể bằng độ uy tín hay tốc độ của D5/6, nhưng Z9 là một cú bật vượt trội so với các dòng Nikon Z trước đây đồng thời cung cấp nhiều cải tiến quan trọng so với cả dòng Nikon DSLR.
Đầu tiên phải kể đến khả năng tracking nay đã có thể hoạt động hơn 90% khu vực trên toàn phạm vi hình, sử dụng dữ liệu được thu và xử lý 120fps. Nhận diện chủ thể nay tích hợp vào 3D AF Tracking, Z9 còn sử dụng các thuật toán được huấn luyện bởi học máy để nhận diện người, động vật và xe đua (với khả năng điều khiển ưu tiên, bao gồm chế độ ‘auto’). Hệ thống này đủ thông minh để chuyển đổi theo dõi giữa mắt, mặt, đầu và thân khi cần thiết nhằm duy trì khả năng lấy nét vào chủ thể kể cả khi đối tượng quay đi hoặc di chuyển. Ví dụ nếu trước đó bạn có lỡ đặt điểm AF vào mặt hay mắt hơi vụng về một tí, đặt nhầm lên vai đối tượng chẳng hạn, thì Z9 sẽ rất thông minh mà chuyển về lấy nét lên mắt chủ thể, máy hoạt động dựa trên tính toán giữa các đối tượng chứ không vô duyên vô cớ sửa thao tác của người dùng. Bạn cũng luôn có một tùy chọn để tắt tính năng nhận diện chủ thể của 3D Tracking đi khi chỉ muốn theo dõi các đối tượng dựa trên thông tin màu sắc hay khoảng cách.
Trong các bài test thực tế, hệ thống này thể hiện được độ chính xác và tốc độ khá là ấn tượng, ít nhất là sánh được với các dòng máy mirrorless hàng đầu như Sony A1 hay A9 II. Low light AF có thể hoạt động đến -5EV với ống F2, tốt hơn một số đối thủ khác cùng phân khúc. Z9 còn nhận diện được mắt, mặt và các đặc điểm khác có kích thước nhỏ hơn rất nhiều trong khung hình so với nhiều dòng máy ảnh tương tự khác. Điều duy nhất để phàn nàn về AF ở điểm này có lẽ là tốc độ của động cơ lấy nét trong phần lớn ống kính ngàm Z, chúng có vẻ chậm hơn so với các động cơ tuyến tính tốc độ cao hơn trên những dòng ống kính mirrorless hiện nay, kích cỡ động cơ thậm chí còn nhỏ hơn một số động cơ dạng vòng đời cũ. Rất may là các ống kính Z mới nhất đã có cải thiện hơn về tốc độ lấy nét, hy vọng đây sẽ sớm không còn là yếu tố cản đường thân máy Z.
Bảo vệ màn trập
Tấm màn kim loại cứng cáp che cảm biến ảnh (hình minh họa) đơn giản là lớp bảo vệ sẽ được bật lên khi máy ảnh tắt, nhằm bảo vệ cảm biến ảnh không bị bụi hay hư hỏng khi đổi ống kính.
Trong khi đó, ổn định màn trập là hệ thống chống rung đa trục trong thân máy ảnh, Nikon khẳng định hệ thống này có khả năng cung cấp đến 6 bước dừng bù trừ sử dụng tính năng ‘Synchro VR’ hiện chỉ có ở các ống Z 70-200mm F2.8 VR S, Z MC 105mm F2.8 VR S và Z 100-400mm F4.5-5.6 VR S.
3 nút Fn ở phía trước nằm trong tầm với khi chụp ngang, không được sao lại khi chụp dọc. Nhưng khi máy ảnh được cầm ở chiều dọc, nút Fn3 về cơ bản sẽ hoạt động như Fn1 khi ở chế độ ngang.
Nikon Z9 có giá khởi điểm là $5,500.
Theo DPReview