Trên thị trường máy ảnh tầm trên 100tr đồng hiện nay đang có 3 chiếc là Leica M10, Sony A9 và Fuji GFX gây được nhiều sự chú ý bởi cộng đồng vì mỗi cái điều có những điểm đặc biệt để người dùng cảm thấy khao khát. Ở đời mà không có tiền thì rõ ràng là khổ nhưng mà nhiều khi có tiền nhiều quá cũng khổ bởi vì phải bận lăn tăn suy nghĩ nên mua cái gì. Chúng ta sẽ bàn cụ thể ở từng máy để xem từng chiếc máy phù hợp với đối tượng nào nhé.
Leica M10
Xét về mục đích sử dụng thì phải thừa nhận Leica M10 giống như một đồ trang sức đắt tiền nhiều hơn là một thiết bị dành cho công việc, mặc dù nó có chất lượng ảnh khiến cho nhiều người chúng ta ao ước nhưng để có ra được tác phẩm hay không thì chúng ta phải đánh đổi nhiều quá. Sự hạn chế ở hệ thống lens có tiêu cự cố định (prime lens), ở thao tác lấy nét bằng tay và vấn đề là giá của các lens cũng không hề rẻ
Cái hạn chế lớn nhất của Leica với người dùng vẫn là vấn đề lấy nét. Bức ảnh có được hoàn toàn phụ thuộc vào cảm xúc của bạn khi cầm máy. Chán nản hay mệt mỏi mà bảo xách Leica đi chụp thì ờ thôi miễn đi, trừ phi bạn thuộc tuýp người hay xách máy đi lang thang chụp để xả stress.
Leica M10 + 50 1.4
Tuy nhiên mình cũng phải công nhận là Leica mang đến cho chúng ta một trải nghiệm chụp ảnh đúng nghĩa nhất, mỗi bức ảnh nhận được đều chứa đựng rất nhiều đóng góp của người chụp trong đó, từ việc canh nét, canh góc và lựa chọn để bắt khoảnh khắc. Với Leica khi chụp bạn cứ từ từ thong thả quan sát và nắn nón từng frame hình một.
Cầm đến Leica M10 thì hãy xác định bạn là một người vô ưu, vô lo đi rồi hẳn mua nó!
Sony Alpha A9
Ngược hoàn toàn với Leica M10 thì Sony A9 lại là một chiếc máy quá nhanh, nó nhanh đến mức có thể ví như máy đã chụp 1 cơ số ảnh trước cả khi bạn nhòm vào ống ngắm và nhấn nút chụp, chỉ một cái chớp mắt của bạn thôi là chiếc máy này đã chụp được vô số ảnh rồi. Sony A9 hướng đến những đối tượng sử dụng máy ảnh cho mục đích công việc mà đặc biệt là những công việc thiên về tốc độ như ảnh thể thao hoặc thiên nhiên hoang dã.
Leica M10 và Sony A9 cũng có triết lý thiết kế hoàn toàn trái ngược nhau, nếu một bên đi theo trường phái cổ điển khi giữ nguyên kiểu thân máy range finder từ năm 1900 hồi đó với sự tối giản về hệ thống nút và thao tác chỉnh tay toàn bộ thì Sony lại có dáng vẻ quá hiện đại có hệ thống nút bấm phong phú và mang bên trong mình hệ thống điện tử tự động khắp mọi tính năng.
Ở đời không có cái gì là hoàn hảo, được cái này thì mất cái kia, trong khi A9 được lợi thế về body nhỏ gọn thì hệ thống lens chất lượng tốt cho máy này lại là một sự mất cân đối trầm trọng khi nó có kích thước quá to không khác gì lens cho DSLR
Cái trải nghiệm với các máy ảnh Sony thì không chỉ riêng mình mà nhiều người cũng phải công nhận là nó hết sức công nghiệp và thực dụng. Dĩ nhiên là quá trình chụp với máy ảnh của Sony và chất lượng ảnh của nó thì cũng khó có gì để mà chê được. Chỉ có điều là cảm xúc của cá nhân khi chụp nó không còn nữa, Nếu như Leica M10 rèn cho bạn tính kiên nhẫn và trải nghiệm chụp ảnh thì Sony giống như sẽ làm hư bạn
Fujifilm GFX 50s
Mình có cảm giác là khi tham gia vào sân chơi Medium Format thì Fujifilm đã dường như đã bắt đầu quá trình phổ thông hóa một dòng sản phẩm vốn còn khá xa lạ với đa số người dùng bởi mức giá trước giờ vốn khá cao của nó. Thêm nữa là nhiều người trước giờ vốn e ngại với thiết kế quá to, cồng kềnh của hệ thống Medium Format, trong khi đó thì Fuji GFX có kích thước chỉ cỡ 1 chiếc DSLR nhưng lại mang trong mình sức mạnh của một máy Medium Format và một mức giá dễ chịu hơn, mọi chuyện kể từ lúc này quả thật là đã rất khác
Bạn thử tưởng tượng sau vài ba năm nữa, khi chiếc Fuji GFX bây giờ xuống đến một mức giá dễ chịu hơn thì các em sinh viên nghèo ít tiền cũng có thể sở hữu một cái để chụp kỷ yếu cho nhau được rồi
Quay lại vấn đề chính khi nói về chất lượng ảnh của Fuji GFX thì đó chính là điểm mạnh nhất của chiếc máy này. Tất cả đều hoàn toàn nhờ vào chiếc cảm biến Medium Format. Nói thế này cho các bạn dễ hình dung, nếu các bạn chơi máy ảnh mà chuyển từ dòng crop sang fullframe thì các bạn khó có thể nhận ra được sự khác biệt của bức ảnh chụp từ 2 định dạng này. Nhưng khi lên đến Medium Format thì đó lại là một chuyện hoàn toàn khác và rất khác (mặc dù Medium Format của GFX chỉ là crop chứ chưa phải là full medium format như trên Phase One)
Các bạn sẽ giống như đang bước chân vô một thế giới hoàn toàn khác, ở đó các bạn sẽ tha hồ zoom lên để soi chi tiết mà không bị sợ bị vỡ ảnh, bạn sẽ thấy các chủ thể như nổi bần bật trong frame hình đến mức có thể lấy tay sờ đến được, bạn sẽ có một vùng chuyển hậu cảnh phía sau cực kỳ mượt mà, chủ thể vẫn được tách phông rất êm chứ không phải bị xóa bét nhòe như thường thấy với các ảnh xóa phông bằng lens tele trên fullframe. Nếu bạn thuộc tuýp người chụp ảnh xong là phải zoom lên soi chi tiết, soi từng lỗ chân lông thì hẳn là bạn sẽ rất khó lòng cưỡng lại cảm giác nghiện ngập khi xem ảnh fullsize từ chiếc máy này.
Fuji GFX ngoài việc khác phục được sự cồng kềnh quá cỡ của hệ thống Medium Format thì nó còn mang đến một trải nghiệm chụp ảnh cũng thân thiện hơn với người dùng, Nhờ lợi thế của cảm biến máy ảnh dòng mirrorless với số điểm lấy nét trải rộng gần như khắp cả frame hình kết hợp với cần joystick để chọn điểm nét thì quá trình bố cục chủ thể cũng trở nên nhẹ nhàng hơn rất là nhiều, chưa kể là màn hình cảm ứng cũng giúp cho quá trình duyệt ảnh cũng sướng hơn.
Tóm lại
Trong phạm vi 3 máy được nêu tên trong bài viết này thì Fuji GFX được xem như là sự dung hòa ưu nhược điểm của cả Leica và Sony A9. Tuy nhiên nói cho chính xác thì 3 chiếc máy này hoàn toàn không có một mối liên quan cụ thể nào để có thể cùng đặt lên bàn cân so sánh ngoài mức giá hiện tại đang ở mức ngất ngưỡng. Nếu như Leica M10 phù hợp cho dân chơi tìm đến một trải nghiệm nhiếp ảnh đơn thuần thì Sony A9 lại dành phục vụ cho mục đích công việc chuyên nghiệp. Với Fuji GFX thì bạn chơi ảnh cũng được mà sử dụng để làm việc cũng được, rất thoải mái (dĩ nhiên là những công việc đòi hỏi chất lượng ảnh thật cao chứ không phải ảnh tốc độ).
Hình ảnh minh họa được mượn từ Flickr và Google