25 năm sau khi ra mắt PowerBook, chiếc máy tính xách tay thực sự của mình thì Apple trình làng thế hệ MacBook Pro hoàn toàn mới và mất nhiều năm phát triển. CNET mới đây đã có bài phỏng vấn ngắn với các lãnh đạo cấp cao của Apple về những thay đổi, những nâng cấp được cho là mạnh nhất mà Apple đưa lên máy tính mới của mình.
Dòng máy tính Mac của Apple trải qua nhiều thay đổi kể từ năm 1984 chiếc máy tính Mac đầu tiên xuất hiện trên thị trường, cho tới chiếc PowerBook đầu tiên năm 1991 được coi là MTXT thực sự, rồi việc Apple đổi qua dùng chip Intel năm 2006, thiết kế unibody mới năm 2008 hay gần đây nhất là thế hệ MacBook Pro với màn hình Retina năm 2012.
Kể từ thời điểm đó thì Apple chưa có những thay đổi đáng để quan tâm như chiếc MacBook Pro mà họ ra mắt vào đêm qua (theo giờ Việt Nam). 4 năm 4 tháng và 16 ngày kể từ khi MacBook Pro Retina ra mắt thì Apple mới đạt được một “cột mốc” mới và một “bước nhảy lớn” cho dòng máy tính cao cấp nhất của mình. Tại sao Apple phải mất tới 4 năm cho việc đó?
“Thời gian không phải là cái quyết định mọi thứ”, Phi Schiller – giám đốc marketing toàn cầu của Apple trả lời. “Chúng tôi đặt ra những thách thức cho các đội ngũ, những thử thách đó có thể được giải quyết chỉ trong 1 năm, đôi khi lại mất tới 3 năm… Cái mà chúng tôi quan tâm là tạo ra những sự thay đổi, cách tân với dòng máy Mac và tiếp tục câu chuyện đã định hình nên Apple từ nhiều năm qua”.
Một trong những thay đổi được trông chờ nhiều nhất là Touch Bar, thanh cảm ứng thay thế cho các nút chức năng trên bàn phím. Jony Ive – thiết kế trưởng của Apple cho biết đội ngũ của ông đã nghiên cứu nó trong ít nhất là 2 năm và “chỉ là sự bắt đầu của một hướng đi mới hấp dẫn” là sự kết hợp của “cảm ứng và phương thức nhập liệu hiển thị với bàn phím truyền thống”. Federighi – kỹ sư phần mềm thì cho biết đây là tính năng “xuyên suốt hệ thống”, nó cũng sẽ hoạt động với các ứng dụng bên thứ 3, như Adobe Photoshop.
Chỉ một dải phím cảm ứng trên bàn phím chứ không phải màn hình cảm ứng hoàn toàn, điều đó làm thất vọng không ít người, nó không có nghĩa Apple không thể làm máy Mac cảm ứng mà vì Apple quyết định màn hình cảm ứng trên máy Mac “không cần thiết”. Jony Ive cho biết Apple đã quyết định không làm cảm ứng cho máy Mac từ nhiều năm trước.
Apple có MacBook 12 và iPad Pro 12″9 với cùng một mức giá nhưng họ vẫn quyết định không gộp hai làm một mà đi theo hai hướng khác nhau. Apple sẽ không bỏ thanh menu trên máy Mac, cũng như họ sẽ không bao giờ đưa nó lên iPad. “Thật tuyệt vời vì chúng tôi mang tới hai thiết bị, hai hướng khác nhau để giải quyết cùng một vấn đề, nhưng chúng cũng có thể làm được một tác vụ nào đó mà cái còn lại không làm được”, Phil Schiller nói. Điều đó cũng phần nào lý giải Apple vẫn có macOS và iOS riêng biệt. macOS được làm cho kiểu nhập liệu chuột và bàn phím trong khi iOS là với ngón tay.
MacBook Pro mới có nhiều cải tiến, nâng cấp cho mạnh mẽ hơn và mức giá cũng cao ngất ngưởng, từ 2399 USD cho khởi điểm của model 15″4. Nhiều người nói rằng họ có thể mua những máy tính Windows rẻ hơn nhiều, hoặc thậm chí là Chromebook với giá chỉ vài trăm USD cho mục đích giáo dục (chiếc máy Mac rẻ nhất của Apple có giá 999 USD). Lý giải về mức giá quá cao, Phil Schiller nói rằng “giá cả là thứ mà chúng tôi quan tâm. Nhưng chúng tôi không thiết kế vì giá thành, chúng tôi thiết kế sản phẩm cho trải nghiệm và chất lượng mà người dùng mong chờ từ Mac. Đôi khi điều đó có nghĩa chúng tôi ở phân khúc sản phẩm cao hơn, nhưng không chỉ vì mục đích là mức giá cao”.
25 năm kể từ khi Apple làm chiếc PowerBook đầu tiên, họ vẫn cho rằng kiểu dáng đó sẽ tiếp tục trong ít nhất 1/4 thế kỷ tiếp theo. “Ý tưởng laptop là một chiếc máy đặt trên bàn và bạn có thể gõ trên đó, thao tác trên một màn hình đã có từ 25 năm trước. Theo chúng tôi thì điều đó sẽ vẫn là cấu trúc cơ bản của laptop trong tương lai”. Phil Schiller nói.
Mac mới không chỉ tập trung vào cải thiện tốc độ. “Theo quan điểm của chúng tôi, đó là một cú nhảy vọt lớn về phía trước. Nó là cả một cấu trúc hệ thống mới, cho phép chúng tôi có thể tạo ra nhiều thứ khác nữa, những thứ mà chúng tôi còn chưa hình dung ra”.