Home > Đánh giá > Đánh giá nhanh OPPO Mirror 5
Đánh giá

Đánh giá nhanh OPPO Mirror 5

zShop_092420151901258

Chỉ nửa năm sau khi ra mắt chiếc Mirror 3, nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc OPPO tiếp tục tung ra phiên bản kế nhiệm Mirror 5 được cải tiến cấu hình và thay đổi nhiều về kiểu dáng thiết kế.

Mirror 5 bắt đầu bán ra thị trường Việt Nam từ đầu tháng Tám với giá công bố của hãng là 5,49 triệu đồng. Sản phẩm chúng tôi sử dụng trong bài đánh giá lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile với giá bán tương tự nhưng người mua được tặng viên pin sạc dự phòng 10400 mAh của Xiaomi và chiếc điện thoại cơ bản Nokia 105 (người mua có thể quy đổi 2 quà tặng để trừ luôn vào giá máy 549.000 đồng).

Điện thoại này tập trung vào yếu tố thiết kế nên cấu hình không thật ấn tượng so với các sản phẩm trong cùng tầm giá. Đặc biệt, khá bất ngờ là độ phân giải màn hình của máy chỉ là qHD (960 x 540 pixel) chứ không phải là HD như các sản phẩm cạnh tranh. Với cấu hình như vậy, liệu OPPO Mirror 5 có mang lại trải nghiệm tương xứng với mức giá của sản phẩm hay không?

Thiết kế

Thiết kế là điểm mà nhà sản xuất tập trung ở sản phẩm này. Máy hiện có hai lựa chọn màu: xanh và trắng, trong đó màu xanh là màu được OPPO chọn để quảng bá sản phẩm. Thực tế thì tôi thấy màu xanh trông nổi bật hơn, đặc biệt là các hiệu ứng màu sắc trên lưng máy.

Điểm nhấn trong thiết kế của các mẫu Mirror gồm cả Mirror 5 là mặt lưng. Ở sản phẩm này, mặt lưng phẳng được thiết kế với các mảng cắt hình kim cương và điều đặc biệt là các mảng cắt này sẽ thay đổi theo ánh sáng và góc nhìn khác nhau trông ấn tượng và lạ.              Dịch vụ seo 

Nhìn vào bề mặt nắp lưng, nhiều người sẽ tưởng đó là mặt kính nhưng thực chất thì lưng máy bằng nhựa có bề mặt bóng như kính. Nắp lưng này mỏng, dẻo và tháo rời được để lắp hai SIM (một SIM chuẩn Nano và một SIM chuẩn Micro) và khe cắm thẻ nhớ ngoài.

Mặc dù nắp lưng là điểm nhấn trong thiết kế nhưng điểm tôi đánh giá cao hơn ở điện thoại này là bộ khung kim loại mang lại cảm nhận đầm tay và rất chắc chắn trong quá trình sử dụng. Đây là điểm mà nhiều máy cùng tầm giá không có được. Nó giúp hoàn thiện thiết kế của sản phẩm không chỉ ở hình thức. Tuy vậy, viền máy có một điểm không thật ưng là có hơi nhiều chi tiết, tới 4 lớp chồng lên nhau trên viền máy nên khi cầm vào mép thấy gợn tay. Ngoài điểm này, các phím phím nguồn và âm lượng có độ nảy, hành trình bấm sâu và được đặt ở vị trí dễ bấm.

Phía mặt trước của Mirror 5 lại có kiểu dáng hơi vuông, tương tự như chiếc OPPO R5 với các phím điều hướng cơ bản (Menu, Home và Back) được đặt trên viền máy, không bị chiếm dụng màn hình như các máy đặt những phím này trên màn hình. So với mặt sau, mặt trước của máy trông hơi đơn điệu, có lẽ do không có những chi tiết nào là điểm nhấn thực sự và phần viền màn hình trên dưới cũng khá dầy.

Nhìn chung, Mirror 5 có thiết kế nắp lưng lạ mắt, khung máy bằng kim loại chắc chắn và trọng lượng đầm (160g). Thân máy có độ dày vừa phải, kết hợp với kích cỡ máy không lớn nên dễ cầm và sử dụng một tay tương đối thoải mái. Tuy vậy, thiết kế của máy có điểm trừ là bề mặt nắp lưng rất dễ bám vân tay, phiên bản màu xanh dễ nhận thấy hơn bản màu trắng. Thêm nữa, loa ngoài được bố trí ở mặt sau được thiết kế phẳng nên âm lượng bị giảm nhiều khi đặt máy trên mặt phẳng.  

Màn hình

Đây là thành phần có lẽ bị chê nhiều nhất trên Mirror 5. Không hiểu tại sao nhà sản xuất lại chỉ trang bị cho sản phẩm này độ phân giải qHD (960 x 640 pixel) với mật độ điểm ảnh khá thấp (220 PPI), trong khi ở tầm giá này thì các thương hiệu chiếu trên như Samsung hay Sony cũng đều dùng màn hình HD và có mật độ điểm ảnh gần 300 PPI trở lên. Độ phân giải thấp nên nếu để ý có thể thấy chữ hiển thị trên màn hình không sắc gọn như các máy kích cỡ màn hình tương tự có độ phân giải HD. Tuy vậy, màn hình vẫn đủ đảm bảo cho việc sử dụng hàng ngày nhờ các yếu tố còn lại đều khá tốt.

Màn hình có nhiệt màu ấm, trông dễ chịu

Màn hình của Mirror 5 có nhiệt màu ấm, hơi ám hồng nhẹ chứ không bị xanh như một số máy giá rẻ. Khi đo trên thiết bị chuyên dụng, điện thoại này thể hiện độ sáng tối đa cao và độ tương phản tốt so với tầm giá. Tuy vậy, các màu sắc cơ bản lại được chỉnh theo hướng nịnh mắt nên trông đậm hơn so với màu thực tế hay nói cách khác là màu sắc cơ bản bị lệch khá nhiều. Nếu so với thế hệ Mirror 3 cũ thì Mirror 5 đã được cải thiện về độ sáng, nhiệt màu và cả khả năng hiển thị màu chính xác (xem bảng phía dưới).

Bảng đo chất lượng màn hình của Mirror 5 so với các sản phẩm cùng tầm giá.

Bảng đo không gian màu cho thấy màn hình của Mirror 5 có một số màu lệch khá nhiều so với màu tiêu chuẩn.

Các màu cơ bản: hàng phía trên là màu máy hiển thị so với màu gốc phía dưới.

 

   Thang màu xám: hàng phía trên là màu máy hiển thị so với màu gốc phía dưới.

Phần mềm và các tính năng

Phần mềm của Mirror 5 hiện chạy phiên bản phần mềm ColorOS v2.1 được tuỳ biến dựa trên Android 5.1.1. Cả giao diện và tính năng phần mềm không thay đổi gì đáng kể so với phiên bản phần mềm trên chiếc Mirror 3 chúng tôi đánh giá hồi đầu năm ngoại trừ ứng dụng camera.

Các điểm đặc trưng ở khía cạnh phần mềm của OPPO là không có khay ứng dụng riêng mà đưa toàn bộ ứng dụng lên thẳng màn hình chủ kiểu như iOS, cung cấp cho người dùng nhiều bộ theme để thay đổi giao diện cùng với các thao tác điều khiển bằng cử chỉ khi màn hình tắt và bật. Chẳng hạn, bạn có thể vẽ chữ O để kích hoạt ứng dụng camera khi màn hình tắt, đưa máy lên tai để ngay luôn cuộc gọi, chạm hai lần vào màn hình để đánh thức, tăng giảm âm lượng bằng cách quét hai ngón tay lên xuống trên màn hình, lật úp máy để tắt chuông cuộc gọi đến…

Máy hỗ trợ nhiều thao tác điều khiển bằng cử chỉ khi màn hình tắt và bật quen thuộc của OPPO.

Bộ ứng dụng Trung tâm bảo mật gộp các tính năng dọn dẹp bộ nhớ, quản lý quyền sử dụng các ứng dụng, đặt mật khẩu cho các ứng dụng hay quản lý năng lượng và bảo mật dữ liệu (hình ảnh, video và ẩn ứng dụng) của Color OS cũng tiếp tục được đưa vào Mirror 5 và tỏ ra hữu ích trong quá trình sử dụng smartphone. Những người hay đọc báo trên điện thoại vào ban đêm có thể sẽ thích chế độ màn hình bảo vệ mắt bằng cách lọc bớt ánh sáng xanh để nhiệt màu màn hình dịu hơn.

Ứng dụng Trung tâm bảo mật và chế độ bảo vệ mắt

Bên cạnh đó, máy cũng được tích hợp cảm biến hồng ngoại để điều khiển các thiết bị điện gia dụng như TV, điều hoà, máy chiếu, đầu DVD hay các bộ giải mã truyền hình từ điện thoại.

Hiệu năng hoạt động

Bên trong của OPPO Mirror 5 được trang bị bộ vi xử lý 64-bit Qualcomm Snapdragon 410 tốc độ 1.2GHz, nhân đồ hoạ (GPU) Adreno 306 và dung lượng RAM 2GB. Cấu hình này đủ dùng cho phần lớn tác vụ thông dụng như lướt web, Facebook, xem YouTube hay chơi các game nhẹ và trung bình. Các game đồ hoạ nặng như Real Racing 3 và Modern Combat 5 thì máy vẫn chơi được do những game này tự động giảm chất lượng đồ hoạ xuống mức thấp cho phù hợp với cấu hình nhưng không thật mượt. Nhìn chung, nếu muốn tận hưởng hết các game trên di động thì Mirror 5 không phải là lựa chọn hợp lý.

Với cấu hình không cao, điểm hiệu năng của Mirror 5 chỉ ở mức trung bình, thấp hơn một chút so với nhiều máy cùng tầm giá.

Điểm Antutu đánh giá hiệu năng tổng thể

Điểm Geekbench đánh giá hiệu năng xử lý của CPU

Điểm GFX Bench (Manhattan) đánh giá hiệu năng của GPU 

Bộ nhớ trong 16GB của Mirror 5 còn trống khoảng 10GB dành cho người dùng lưu dữ liệu và cài đặt ứng dụng, tạm đủ với những người dùng thông thường không có nhu cầu cài nhiều ứng dụng lớn, nhất là game. Máy cũng có khe cắm thẻ nhớ ngoài có thể mở rộng dung lượng tới 128GB nếu cần thiết.

Thời lượng pin

Mirror 5 có pin dung lượng 2420 mAh, mức trung bình so với cấu hình của máy. Trong các thử nghiệm của VnReview, thời lượng pin của máy được cải thiện khá nhiều so với Mirror 3, đặc biệt là thời gian lướt web. Tuy vậy, thời gian pin của Mirror 5 vẫn đuối hơn khi so với một số máy cùng tầm giá như Galaxy E5 hay Sony M4 Aqua.

Camera

OPPO Mirror 5 sử dụng camera chính phía sau 8MP với một đèn flash trợ sáng và camera trước 5MP.

Giao diện ứng dụng camera được thiết kế mới thay đổi nhiều so với trước đây và dường như có học hỏi giao diện ứng dụng camera của iPhone. Ứng dụng camera có nhiều chế độ chụp tự động, không cho người dùng tuỳ chỉnh gì ngoài thanh tăng giảm độ sáng trên màn hình tương tự như iPhone. Tuy vậy, máy cũng có một chế độ chụp chỉnh tay hoàn toàn (chế độ chuyên gia) cho phép người dùng chỉnh ISO, bù trừ sáng, cân bằng trắng, thời gian phơi sáng (tối đa 8 giây) và lấy nét khoảng.

Giao diện các chế độ chụp mặc định của Mirror 5

Về trải nghiệm, điểm gây ấn tượng đầu tiên ở ứng dụng camera là tốc độ chụp rất nhanh. Ảnh chụp của camera chính ở những môi trường đủ sáng có chất lượng khá đẹp, màu sắc trung thực, nhiều chi tiết và dải sáng tương đối rộng. Ở điều kiện ánh sáng đèn trong nhà, máy thể hiện màu sắc tốt và ít nhiễu. Nhưng do máy đẩy thời gian phơi sáng lên cao khi chụp ở môi trường trong nhà để đảm bảo độ sáng cho bức ảnh nên các đối tượng ảnh chuyển độ như chụp trẻ rất dễ bị mờ nhoè. Tuy vậy, đây cũng là điểm yếu chung của camera trên các smartphone tầm trung khác.

Ảnh chụp ở chế độ tự động

Ảnh chụp ở chế độ HDR

Ở môi trường ánh sáng trong nhà, ảnh chụp dễ bị rung nhoè nếu đối tượng trong ảnh chuyển động.

Kết luận

Mirror 5 có ưu thế rõ rệt nhất ở thiết kế lạ mắt và cũng rất chắc chắn với khung kim loại. Máy có trải nghiệm phần mềm thú vị và camera chụp ảnh nhanh nhẹn, chất lượng ảnh khá. Tuy vậy, độ phân giải màn hình thấp so với nhiều smartphone cùng tầm giá và thời lượng pin cũng không thật ấn tượng.

Nhìn chung, đây là sản phẩm đáng cân nhắc dành cho người dùng quan tâm nhiều đến thiết kế, hình thức của điện thoại với hiệu năng ở mức đủ dùng. Nếu cần đến hiệu năng, tầm giá của Mirror 5 có một số sản phẩm cấu hình nhỉnh hơn như Asus Zenfone 2, Sony M4 Aqua hay Xiaomi Mi4.

TP

(Theo VNReview)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *