Bình minh Ghềnh đá đĩa, Phú Yên – Canon 5D mark II, Zeiss 21 f/2.8; f/9.0; 62 giây; iso 100; auto wb
Nhiếp ảnh phong cảnh có nhiều đối tượng khác nhau, trong đó cảnh biển là một trong những chủ đề được nhiều người yêu thích sáng tác. Phong cảnh biển đặc biệt hấp dẫn trong buổi bình minh và hoàng hôn. Tuy nhiên, để có được những tấm ảnh đẹp cần phải đầu tư nhiều về kỹ thuật, thiết bị, thời gian, …
Khó khăn khi chụp hoàng hôn và bình minh trên biển:
– Khi mặt trời lặn hoặc mọc, màu sắc, ánh sáng đều rất đẹp, tạo ra sự tương phản, nhiều đường nét lạ xuất hiện. Tuy nhiên, đó là trời và đất chênh sáng với nhau rất nhiều. Nếu các bạn chĩa máy ảnh ra chụp được trời đủ sáng thì đất sẽ tối đen, nếu đất đủ sáng thì trời hoàn toàn bị cháy, mất chi tiết.
– Khoảnh khắc đẹp diễn ra rất nhanh, thường chỉ 2 – 3 phút là chấm dứt.
Những thiết bị cần thiết
Minh họa lắp kính lọc hình chữ nhật phía trước ống kính, Ảnh Internet
Dưới đây là những thiết bị cần thiết bạn phải có để có thể chụp được những tấm hình như ý.
1. Thân máy (body)
Nên dùng những thân máy có sensor lớn, tốt nhất là Fullframe (FX với Nikon). Những sensor này cho chi tiết ảnh tốt, độ mịn cao, …
2. Ống kính (lens)
Dùng những ống kính góc rộng hoặc siêu rộng. Như tôi đã sử dụng qua ống Canon EFs 10-22 F/3.5-4.5 lắp trên thân máy Canon 50D, ống kính Canon EF 17-40 F/4L lắp trên thân máy Canon 6D hoặc 5D mark II, ống kính Tokina 12-24 f/4 lắp trên thân máy Canon 550D, Zeiss 21 f/2.8 lắp trên thân máy Canon 5D mark II. Những ống kính góc siêu rộng cho ta lợi thế để chụp nét từ tiền cảnh đến hậu cảnh, nhiều bố cục lạ, …
3. Kính lọc (filter)
Sau thân máy và ống kính, kính lọc là yếu tố then chốt để cho ra bức ảnh đẹp. Đặc biệt khi chụp bình minh và hoàng hôn, nếu bạn không có kính lọc đúng loại, bạn sẽ thấy việc chụp ra ảnh đẹp dường như là điều không thể. Loại kính lọc tôi sử dụng ở đây bao gồm: Hoya CPL filter, Hoya NDX400 filter giảm 9 stops và LEE GND 0.9 hard filter giảm 3 stops.
Kính lọc LEE GND 0.9 Hard
– Kính lọc “LEE GND 0.9 Hard” có nửa trên là màu đen trung tính nửa dưới trong suốt, khi lắp kính lọc trước ống kính có thể giúp trời và đất có ánh sáng cân bằng giúp cho phần chênh sáng không bị mất chi tiết. Kính lọc hình chữ nhật, lắp phí trước ống kính như hình phía trên, bạn có thể nâng lên hạ xuống tùy theo đường chân trời và bố cục cho phù hợp. Đây là loại kính lọc đặc biệt quan trọng nếu các bạn muốn chụp bình minh và hoàng hôn.
Kính lọc GND có nhiều loại có thể giảm từ 1, 2, 3 stops, có loại hard, soft. Tùy từng trường hợp sẽ sử dụng loại phù hợp.
Kính lọc ND vuông và ND tròn, Ảnh Internet
– Kính lọc ND (Neutral Density); kính lọc này có nhiều loại khác nhau, tùy vào số stops mà nó giảm, phổ biến là loại giảm 5-6 stops và loại giảm 10 stops. Với chụp bình minh và hoàng hôn thì loại 5-6 stops là phù hợp nhất. Nếu dùng loại 10 stops thì thời gian phơi sáng sẽ rất lâu. Loại kính lọc giảm 10 stops thường dùng khi các bạn muốn phơi sáng ban ngày. Ngoài loại kính lọc vuông, các bạn cũng có thể mua kính lọc tròn, có ren lắp vào ống kính như các loại kính lọc CPL, hay UV khác, các hãng cung cấp kính lọc tròn như Hoya, BW, … Tuy nhiên, các bạn nên dùng kính lọc vuông, kính lọc vuông giúp bạn dễ dàng tháo lắp trong khi thao tác, trong khi kính lọc tròn, bạn phải xoáy vặn.
Các loại kính lọc vuông tiện dụng sử dụng tuy nhiên giá cao và không phổ biến. Vì vậy tôi chọn kính lọc tròn Hoya NDX400.
Để lắp hai loại kính lọc ND và GND vuông lên trước ống kính, chúng ta cần bộ Ring và Holder.
– Chú ý: trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại kính lọc khác nhau với nhiều mức giá. Những loại kính lọc rẻ tiền thường cho hiệu quả không cao, ảnh thường bị ám một số màu nhất định hoặc ảnh không được trong trẻo. Các bạn lưu ý không nên mua loại quá rẻ nếu muốn có những tấm hình ưng ý.
4. Chân máy (tripod)
Chân máy là phụ kiện quan trọng thứ 2 sau kính lọc, chúng ta cần một chân máy đủ cứng vững để có thể chịu được sức nặng của Body và lens, đồng thời ổn định trước gió, sóng biển. Nếu điều kiện cho phép, các bạn nên đầu tư những chân máy được làm từ sợi carbon, vừa nhẹ và chắc chắn, dễ di chuyển, hoặc có thể chọn những chân máy hợp kim khác.
5. Dây bấm mềm (remote control)
Để hạn chế việc rung khi chụp, ảnh hưởng đến chất lượng ảnh, tốt nhất chúng ta không nên chạm vào máy trong quá trình phơi sáng. Vì vậy, việc có một chiếc dây bấm mềm là rất cần thiết. Ở đây, có thể dùng các loại dây bấm mềm bình thường giá rẻ, nhưng các bạn cũng có thể đầu tư những chiếc Intervalometer, có khả năng hẹn giờ, đếm thời gian, chụp theo khoảng thời gian nhất định, …
Nếu không có dây bấm mềm, các bạn chỉ phơi sáng tối đa được 30s, nếu có dây bấm mềm, chúng ta chuyển máy sang chế độ B (Bulb) có thể phơi sáng nhiều hơn 30s (60s, 90s, 150s, …) tùy vào ý tưởng của tác giả.
6. Các phụ kiện cần thiết khác như pin dự phòng, thẻ nhớ dự phòng, kính lọc dự phòng, máy ảnh dự phòng, đèn pin, …
Thông số máy:
Tôi thường chỉnh các thông số máy như sau:
– Khẩu độ: từ f/8 đến f/13. Sở dĩ chúng ta chọn khoảng khẩu độ này là để độ sâu trường ảnh (DOF) lớn nhất, và chất lượng ảnh của các ống kính thường tốt nhất trong khoảng này.
– Định dạng file: RAW, luôn chụp ảnh raw để ảnh lưu được nhiều thông tin nhất để dễ dàng trong khâu xử lý hậu kỳ.
– Tốc độ: tùy theo ánh sáng, và ý đồ tác giả muốn chụp, với phơi sáng lâu tôi thường để trên 20s, với những ảnh bắt khoảnh khắc sóng, tôi thường để 1-2s.
– Iso: luôn để iso nhỏ nhất có thể, các máy tôi sử dụng thường là 100. Nếu trong trường hợp iso 100 quá tối, các bạn có thể tăng lên 200 hoặc 400.
– Cân bằng trắng: Nếu không quá khắt khe, bạn có thể để tự động, sau đó hậu kỳ sẽ chỉnh lại sau. Tuy nhiên, để ưng ý, các bạn nên set cân bằng trắng theo độ K, thử nhiều mức để tìm ra mức phù hợp nhất.
Trên đây là các thông số tôi thường dùng, tuy nhiên, trong các trường hợp đặc biệt, các bạn có thể thay đổi như khép khẩu nhỏ đến f/16, mở khẩu lớn hơn f/8, hạ iso đến 50, …
Kỹ thuật chụp
Chuẩn bị trước khi chụp:
Các bạn nên đến nơi chụp để ngắm các góc mình muốn chụp, đặt máy chụp thử nếu được và xem xét, đánh giá. Tốt nhất, các bạn nên ra đó trước 1 buổi, chụp thử các góc, sau đó copy ra máy tính và xem xét để tìm ra góc đẹp nhất.
Kinh nghiệm khi chụp
Sau khi chọn được góc chụp và đặt máy, bạn đo sáng vào đất (tiền cảnh) chụp thử 1 tấm với chế độ Av với thông số iso 100, khẩu độ f/8-11, auto wb. Ghi nhận tốc độ chụp.
Chuyển sang chế độ M, cài thông số iso 100, auto wb, khẩu độ và tốc độ như trên. Lắp GND filter trước ống kính, kéo GND sao cho đường chân trời vừa khớp với phần chuyển tiếp trắng đen của GND filter. Chụp thử và điều chỉnh tốc độ, khẩu độ sao cho ảnh đủ sáng.
Cách đơn giản nhất để kiểm tra ảnh đủ sáng, thiếu sáng hay dư sáng là kiểm tra histogram.
Các bạn theo dõi hình dưới đây. Histogram đầu tiên là ảnh đủ sáng, tức đủ thông tin để chúng ta làm hậu kỳ. Histogram thứ hai là ảnh dư sáng, tức có phần bị cháy, mất chi tiết. Histogram thứ ba là ảnh thiếu sáng, có phần tối đen, mất chi tiết.
Lắp kính lọc ND. Với từng loại kính lọc ND khác nhau, các bạn sẽ nhân với tốc độ ở trên và ra tốc độ khi lắp kính lọc mà ảnh vẫn đủ sáng. Ví dụ như khi bạn chụp đủ sáng, tốc độ là 1/20s, bạn lắp kính lọc giảm 5 stops, thì tốc độ mới sẽ là 2 giây. Các bạn có thể dùng các phần mềm như ND filter Calc cài trên điện thoại iPhone hoặc Android để tính toán các tốc độ chụp này.
Chú ý để lấy nét tốt, bạn nên chụp ở chế độ live-view. Cách thức như sau: chuyển chế độ lấy nét sang lấy nét tay, chuyển máy sang chế độ live view, zoom bằng phím zoom 200%, xoay ống kính và quan sát trên màn hình khi nào thấy nét nhất thì dừng lại.Cách lấy nét này đảm bảo hình ảnh sẽ nét nhất. Lưu ý, mỗi khi bạn thay đổi tiêu cự, bạn phải lấy nét lại đối với ống kính zoom.
Trong quá trình chụp, các bạn lưu ý không để nước biển bám trên kính lọc, bị bẩn. Nếu kính lọc bị bẩn, dù bạn có body và lens đắt tiền, bạn vẫn không thể cho ra tấm ảnh ưng ý. Theo kinh nghiệm của tôi, những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thường mang theo thêm 1 bộ kính lọc dự phòng và nếu có thể là 1 bộ máy ảnh dự phòng. Vì chụp ảnh phong cảnh phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, khoảnh khắc. Có những khoảnh khắc không bao giờ quay lại lần thứ 2. Bạn sẽ tiếc mãi nếu như chỉ vì kính lọc bẩn không kịp lau mà bỏ lỡ mất khoảnh khắc đẹp.
Cài đặt trên máy ảnh, kinh nghiệm của tôi là không để chế độ khử nhiễu khi phơi sáng lâu (long exposure noise reduction), vì thực tế cho thấy việc khử nhiễu không có hiệu quả cao và khá tốn thời gian, mỗi khi bạn phơi sáng 30 giây, bạn phải chờ máy xử lý ít nhất là 30-45 giây mới xong, như vậy sẽ bỏ lỡ nhiều khoảnh khắc đẹp. Các bạn cũng chú ý ko để sensor máy quá nóng, sensor quá nóng sẽ dẫn đến việc các pixel chết, hỏng lộ ra rất nhiều và ảnh bị noise hơn.
Xử lý hậu kỳ
Tôi thường dùng phần mềm Lightroom của hãng Adobe để xử lý hậu kỳ cho ảnh. Về cách dùng phần mềm này, các bạn có thể tìm các hướng dẫn sử dụng bằng tiếng anh hoặc tiếng Việt trên Youtube, rất dễ dàng làm chủ và cho ra những tấm ảnh ưng ý.
Chúc các bạn chụp ảnh đẹp.
Một số tấm hình tham khảo:
Bình minh trên bãi Hoàng Hậu hay còn gọi là bãi đá trứng, Quy Nhơn
Canon 5D mark II + Zeiss 21 f/2.8; 6 giây, f/13, iso 50. Kính lọc CPL, GND 3 stops hard
Buổi trưa tại Hang Rái, Ninh Thuận
Canon 5D mark II + 24-105 f/4L; 4 giây, f/13, iso 100; kính lọc Hoya NDX400 giảm 9 stops.
Hoàng hôn biển Cổ Thạch, Bình Thuận
Canon 5D mark II + 17-40 f/4L; 30 giây, f/8, iso 100. Kính lọc Hoya NDX400 giảm 9 stops, LEE GND 3 stops hard
Bình minh tại biển Cổ Thạch, Bình Thuận
Canon 50D + 10-22 f/3.5-4.5; 20 giây, f/13, iso 100, auto wb. Kính lọc Hoya NDX400 giảm 9 stops, LEE GND 3 stops hard.
Hoàng hôn trên đảo Cù Lao Câu, Bình Thuận
Canon 50D + 10-22 f/3.5- 4.5; 40 giây, f/13, iso 100, auto wb. Kính lọc Hoya NDX400 giảm 9 stops, LEE GND 3 stops hard.
Một góc bãi đá Ông Địa, Mũi Né, Phan Thiết
Canon 6D + 17-40 f/4L; 13 giây, f/7.1, iso 100, auto wb. Kính lọc Hoya NDX400 giảm 9 stops, LEE GND 3 stops hard.
Bãi đá Kê Gà, Bình Thuận
Canon 6D + 17-40 f/4L; 30 giây, f/8, iso 100, auto wb. Kính lọc Hoya NDX400 giảm 9 stops, LEE GND 3 stops hard.
Rêu trên đảo Cô Tô, Quảng Ninh
Canon 550D + Tokina 12-24 f/4; 30 giây, f/11, iso 100, auto wb. Kính lọc Hoya NDX400 giảm 9 stops, LEE GND hard 3 stops.
( Nguồn: Vuanhiepanh.vn)