Home > Tin Tức > Lens Full-Frame có nên dùng trên máy ảnh Crop?
Tin Tức

Lens Full-Frame có nên dùng trên máy ảnh Crop?

canon 70d zshop

Chúng ta đều biết thế giới máy ảnh ống kính rời DSLR chia làm 2 giai cấp: 1 là tầng lớp “quý tộc” full-frame, được phục vụ bởi dàn lens Luxury hùng mạnh. Thứ 2 là tầng lớp “quần chúng” crop  với dàn lens EF-S, nhỏ nhắn, khiêm tốn và rẻ tiền.

Tham khảo các dòng ống kính cho máy ảnh DSLR 

Tất nhiên là người dùng không bao giờ cam chịu sự phân biệt như vậy. Chúng ta luôn sáng tạo ra những cách phối hợp nhằm đạt kết quả tốt nhất. Ví dụ như nghiến răng dành phần lớn tiền mua full-frame, sau đó dùng lens “mì ăn liền” kiểu 50mm f/1.8 để chống cháy, chờ thời sau này phất lên thì mua lens L. Ở thái cực ngược lại, rất nhiều người đang dùng máy crop lại muốn thử cắm dòng lens cao cấp full-frame lên xem kết quả thế nào. Đây cũng là thắc mắc của không ít người dùng máy ảnh, ống kính hiện nay. Sau đây chúng ta sẽ đi vào chi tiết xem – có nên hay không nhé?

Chúng ta sẽ xem xét bao gồm lens full-frame là tất cả những hãng dành cho full-frame: Cả Canon L lẫn Sigma Art, Tamron, Zeiss… Lens cho crop sẽ bao gồm cả EF-S, Sigma, Tamron và các lens fix rẻ tiền như 40mm f/2.8, 50mm f/1.8…

Thứ nhất, ta xét đến lens đa dụng

1. Lens đa dụng như 24-105mm f/4L, 17-40mm f/4L… – Cân nhắc kỹ trước khi mua

a. Về tiêu cự

Không phải tự nhiên mà các hãng đưa ra các con số chuẩn như 24-70mm, 24-105mm: Đây là khoảng tiêu cự lý tưởng cho hầu hết các nhu cầu nhiếp ảnh phổ thông (Khoảng 20 năm trước, phổ biến là tiêu cự 28 chứ không phải 24, tuy nhiên hiện nay tiêu cự 28 vắng bóng do nhu cầu 24mm phát sinh nhiều). 24mm đủ rộng để chụp phong cảnh hùng vĩ, cũng như lý tưởng cho chụp tập thể, chụp trong phòng hẹp cần góc rộng. Và một điều ít người biết: các hãng máy ảnh đã nghiên cứu ra khoảng tiêu cự chuẩn này để người dùng ít phải di chuyển nhất, đứng một chỗ cũng chụp được mọi thứ. Tuy nhiên khi cắm lens đa dụng dành cho full-frame như 24-105mm lên crop thì tiêu cự biến thành 38-168mm, mất hẳn tính chất góc rộng, và về bản chất là bạn sẽ lỡ rất nhiều khoảnh khắc đẹp yêu cầu tiêu cự 24mm. Hơn thế nữa, bạn sẽ phải chạy như đèn cù để chọn góc đẹp.

Trái lại, ngay cả lens kit 18-55mm (cắm lên crop tương đương 28.8 – 88mm) cũng bao phủ rất tốt 90% nội dung nhiếp ảnh. Khi chọn lens thì tiêu cự là yếu tố số 1. Vì vậy trong nhiều tình huống, lens kit rẻ tiền – chỉ hơn 1 triệu cũng có thể cho kết quả tốt hơn lens L giá 10 triệu.

Để minh chứng cho điều này, sẽ thử nghiệm thực tê qua 2 lens Sigma 17-50mm f/2.8 và Canon 24-105mm f/4L. Chúng ta sẽ nhận thấy sự bất tiện của lens 24-105 f/4L khi dùng trên crop. Với Sigma 17-50mm, hầu hết chỉ cần đứng một chỗ zoom ra zoom vào là có thể chụp được. Trong khi với Canon 24-105mm L, bạn sẽ phải di chuyển nhiều hơn hẳn, và trong một số tình huống, đặc biệt chụp phong cảnh mây trời, núi, lens này không tài nào lấy hết được nội dung cần chụp.

Sigma 17-50mm có thể lấy cả bầu trời, Canon 24-105 thì không

 

 

 

Sigma 17-50mm lấy được nhiều cảnh hơn so với Canon 24-105mm

b. Độ sắc nét, chi tiết, màu sắc

Nhiều người vẫn hy vọng có thể hy sinh cái bất tiện của tiêu cự để bù lại chất lượng siêu việt của lens L. Thế nhưng lens L có thực sự cho kết quả gì đó khác biệt hay không? Điều này sẽ được thực nghiệm với Sigma 17-50mm, Canon 24-105mm L và Sigma Art 35mm f/1.4!

Dưới đây là 3 tấm ảnh chụp bởi 3 lens, trong cùng thời điểm, trên cùng máy Canon 70D

Phóng to ảnh hết cỡ, ta sẽ thấy kết quả: 24-105mm L không hơn Sigma 17-50mm f/2.8 về độ sắc nét và chi tiết ảnh, trong khi đắt hơn tới 4 triệu đồng! Riêng Sigma Art 35mm thì chứng tỏ mình ở đẳng cấp khác hoàn toàn: chi tiết rõ nét mồn một và rất sắc sảo.

Kết quả tương tự với 3 tấm hình dưới đây. Sigma Art tốt từ tâm tới rìa, Sigma 17-50mm f/2.8 thậm chí còn tốt hơn 24-105mm L ở rìa ảnh!

Sigma 17-50mm 

 

Canon 24-105mm L

Sigma Art 35mm

So sánh giữa 3 lens

Về màu sắc, 24-105mm f/4L không có gì nổi trội so với Sigma 17-50mm. Nếu nhìn rất kỹ thì ta sẽ thấy Sigma 17-50mm hơi thiên về xanh lạnh tương phản, trong khi Canon 24-105mm có màu ấm hơn. Sigma Art dù có màu khá tinh tế nhưng cũng không nổi trội hẳn. Điều này vì Sigma Art được thiết kế cho full-frame và màu sắc đẹp nhất sẽ chỉ được phát huy trên full-frame đời mới.

So sánh màu sắc giữa 3 lens

 

So sánh màu sắc giữa 3 lens

c. Kết luận với lens đa dụng

Nếu bạn đang băn khoăn có nên mua 24-105mm f/4L hoặc 17-40mm f/4L cho chiếc máy crop của mình không thì Duytom vừa tiết kiệm cho bạn vài triệu đồng! Sigma 17-50mm, Tamron 17-50mm hay Canon 15-85mm sẽ cho kết quả tương tự mà giá rẻ hơn nhiều, chưa tính đến việc lợi khẩu lớn f/2.8. Kể cả những lens gần 20 triệu như 24-70mm f/2.8L hay thậm chí 16-35mm f/2.8L cũng không nên, vì bạn phải mua lens giá đắt gấp 3 lần nhưng ảnh sẽ không bao giờ đẹp gấp 3, nó chỉ nhỉnh hơn chút xíu không đáng kể. Vì thế riêng với lens đa dụng, hãy cân nhắc kỹ trước khi mua.

2. Lens fix, lens tele chụp chân dung – Nên sử dụng

Trái với trường hợp lens đa dụng, trong trường hợp bạn cần chụp chân dung xóa phông, chân dung ngoại cảnh thì lại có thể dùng lens cao cấp full-frame cắm trên crop vì những lens đó sẽ cho chất lượng vượt trội hoàn toàn so với các lens rẻ tiền như 50mm f/1.8, 40mm f/2.8, 55-250mm… Những ứng viên hàng đầu gồm: 135mm f/2L, 70-200mm L các đời, Canon 50mm f/1.2, Canon 35mm f/1.4, Sigma Art…

 Canon 70D – Lens canon 135mm f/2L

Điều duy nhất bạn nên cân nhắc là những lens này đều có giá rất đắt. Ví dụ với chiếc 70-200mm f/2.8 IS L, giá có thể lên đến gần 20 triệu. Bạn hoàn toàn có thể bán chiếc crop của mình đi để thêm tiền lên đời full-frame như 5D mark II hoặc 6D. Thêm nữa là những lens này được thiết kế tối ưu với full-frame nên cắm lên crop, đặc biệt crop đời cũ như 40D, 50D có thể khá lãng phí vì chất lượng ảnh sẽ kém đi nhiều.

3. Lens tele dùng chụp thể thao, động vật hoang dã trên dòng crop chuyên nghiệp 7D, 7D Mark II – rất nên mua

Với nhu cầu đặc thù chụp tele từ xa, máy ảnh crop có ưu thế rất lớn so với full-frame về tiêu cự. Chúng ta đều biết trên crop, tiêu cự sẽ được nhân lên 1.6 lần, vì thế nếu cắm chiếc lens Canon 100-400mm L lên, tiêu cự sẽ biến thành 160 – 640mm(!), một tiêu cự tuyệt vời mà bất kỳ nhà nhiếp ảnh động vật nào cũng thèm khát. Chưa kể các hãng thứ ba như Tamron còn ra những lens siêu tiêu cự như 150-600mm. Trên 7D, nó sẽ thành 240-960mm! Còn gì đáng để mơ ước hơn! Không phải tự nhiên Canon lại đưa 2 chú crop 7D, 7D Mark II lạc loài vào dòng 1 số danh giá. Họ làm ra để phục vụ cho những nhu cầu này: Thể thao tele và động vật hoang dã. Nếu bạn cũng có sở thích tương tự thì đừng ngần ngại: Hãy sắm cho chiếc crop của mình chiếc lens L khổng lồ – ví dụ Canon 100-400mm L, Canon 500mm f/4L… hay ít nhất cũng là 70-200mm L. Chúng sẽ phục vụ bạn rất đắc lực.

1D Mark III – Canon 100-400mm L

Canon 100D – Canon 70-300mm IS USM

Canon 70D – Canon 135mm f/2L

Kết luận

Qua bài viết này, hy vọng các bạn sẽ có những quyết định chọn lens đúng đắn cho chiếc máy crop của mình. Quyết định đúng không chỉ giúp các bạn tiết kiệm được rất nhiều tiền mà ngoài ra còn cho các bạn chất lượng ảnh tốt nhất có thể.

Nguồn: duytom.com

Leave a Reply