Surface Studio là một chiếc máy tính có giá khởi điểm tới 3000$, tức là số người sẽ mua chiếc PC này về xài là rất ít so với một chiếc All-in-One bình thường. Nhưng Microsoft biết rõ điều này, họ đặt tên cho nó là “Studio” vì đối tượng chính mà sản phẩm nhắm tới là những người sẽ tạo ra nội dung. Đó sẽ là các kĩ sư, nhà thiết kế, kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia, chuyên viên xử lý phim ảnh. Và màn hình chính là tâm điểm của Surface Studio khi Microsoft dành rất nhiều thời gian để thiết kế, tối ưu và giúp trải nghiệm hình ảnh với màn hình thật nhất có thể.
Chiếc all-in-one nhưng không phải là all-in-one
Đây là lần đầu tiên Microsoft lấy các tính năng, phong cách thiết kế và vật liệu của dòng Surface Pro và Surface Book mang lên một chiếc máy tính để bàn. Surface Studio cũng là chiếc AIO đầu tiên Microsoft làm ra và tự mình đem đi bán. Giống với những chiếc Surface khác, Studio hỗ trợ bút Surface Pen lẫn ngón tay khi cần xài cảm ứng. Một phụ kiện ấn tượng có thể dùng với máy là Surface Dial, một núm vặn giúp tinh chỉnh các thông số một cách vật lý chứ không chỉ rê chuột trên màn hình như bình thường. Đây là nỗ lực của Microsoft nhằm đem tới một cách tương tác tự nhiên cho những người tạo nội dung.
“Thứ mà chúng tôi muốn ở sản phẩm này đó là đưa bạn từ một người làm việc có năng suất cao trở thành một người có khả năng sáng tạo tốt, và đưa bạn đến gần hơn với khả năng của mình”, Panos Panay, giám đốc chương trình Surface, cho hay. “Đó là khi bạn bước tới bàn làm việc, và chiếc bàn của bạn biến thành một cái studio – đó là thứ mà bạn sẽ muốn quay trở lại đó nhiều lần nữa”. Panay đã quản lý bộ phận Surface từ lâu và trong năm 2015 ông được giao quyền kiểm soát luôn cả những phần cứng khác của Microsoft như HoloLens, Xbox, điện thoại.
Panay không thích người ta gọi Surface Studio là máy tính all-in-one mặc dù về bản chất nó là như thế. Với màn hình có thể thay đổi góc, bút Surface Pen và núm xoay Surface Dial, chiếc Studio đã đi xa hơn so với định nghĩa về một chiếc All-in-One theo cách mà chúng ta hay nghĩ về iMac, đối thủ lớn nhất của Surface Studio ở thời điểm hiện tại. Với tất cả những nỗ lực mà Microsoft đã đổ vào thiết bị này, có thể thấy tham vọng của họ trong việc trở thành một sản phẩm đối đầu với Apple khi mà iMac đã trở thành lựa chọn mặc định của nhiều người làm trong ngành thiết kế.Màn hình kiêm bản vẽ
Surface Studio bao gồm một phần đế nơi chứa các linh kiện cơ bản như CPU Core i7, GPU NVIDIA, loa stereo, 3 cái quạt tản nhiệt. Phần đế này sẽ được kết nối với màn hình nhờ vào một bản lề linh hoạt, và màn hình cũng là thứ Microsoft dành nhiều thời gian để giới thiệu trong sự kiện ra mắt Surface Studio. Đây là một tấm nền 28″ với độ mỏng chỉ 12,5mm. Ở vị trí nằm thẳng ra, màn hình sẽ che hoàn toàn phần chân đế cũng như bản lề.
Vô cùng bất ngờ, Panay nằm đè lên trên màn hình của Surface Studio. Ông làm như vậy để cho thấy rằng bản lề của máy hoàn toàn có thể chịu được sức nặng của ông dù nhìn khá mỏng mang. Không có bất kì tiếng ….. nào phát ra, màn hình cũng không hề bị cong hay méo gì cả. Đây là một yếu tố rất quan trọng với những nhà thiết kế thường tì tay lên màn hình để vẽ ra những đường nét chính xác, và cũng là một thứ mà những hãng sản xuất AIO truyền thống không cần quan tâm đến.
Robyn McGlaughlin, kĩ sư trưởng nhóm Surface Studio, giải thích rằng bản lề được làm từ chrome chứa 11 cái lò xo để cho phép nó di chuyển từ góc thẳng để dựng màn hình lên như desktop bình thường cho đến góc nghiêng chỉ 20 độ nằm sát mặt bàn. Đó là khi Studio trở thành một cái bảng vẽ thực thụ. Bạn càng kéo bản lề xuống thấp thì nó càng nâng màn hình lên cao so với phương ngang, để rồi dừng ở đường thẳng song song với mặt bàn.
Độ phân giải cao thôi chưa đủ
Bạn sẽ kì vọng một chiếc máy tính 3000$ dành cho các họa sĩ, nhà thiết kế sẽ sở hữu màn hình độ phân giải cao, và Studio đúng là như vậy. Tuy nhiên, việc làm cho các pixel trở nên nhỏ tới mức không thể dễ dàng phân biệt bằng mắt thường không phải là thách thức duy nhất. Microsoft tin rằng nhiệm vụ của màn hình là hiển thị lại những gì bạn thấy trong đời thực một cách chính xác nhất có thể, vậy nên họ còn phải tinh chỉnh nó một cách hoàn hảo để chạy với hệ điều hành và phần mềm chứ không chỉ chạy đua cấu hình.
Có lẽ ví dụ rõ ràng nhất cho việc tinh chỉnh này đó là nhóm Surface quyết định sẽ chọn tỉ lệ hiển thị bằng với ngoài đời, và họ gọi kĩ thuật này là True Scale Display. True Scale có nghĩa là một kí tự hiển thị bằng 12 điểm ảnh trên màn hình sẽ bằng đúng với kích thước của chính kí tự đó khi in ra giấy với cùng một font chữ. Đây là thứ mà nhiều nhà thiết kế quan tâm, nhất là khi thành phẩm của họ rồi sẽ được in ra giấy. Màn hình của Surface Studio có PPI là 192, tỉ lệ 3:2 cũng như kích thước đường chéo đúng bằng 28.165 inch cũng vì lý do này mà ra.
Khi Microsoft bắt đầu chọn lựa cấu hình cho màn hình của Surface Studio, Apple cũng vừa ra mắt iMac 27″ 5K. Ở thời điểm này, nếu chỉ dùng độ phân giải thì Microsoft có sẵn một lựa chọn khác để dễ dàng đánh bại Apple, nhưng rồi đội ngũ lãnh đạo công ty quyết định chọn hướng đi về tỉ lệ hiển thị vì đây là yếu tố quan trọng hơn. Kết quả là màn hình của Surface chỉ có độ phân giải 4,5K so với 5K của Apple, tức là ít hơn khoảng 1,5 triệu điểm ảnh, nhưng nhiêu đây vẫn đủ để các pixel biến mất ở khoảng cách sử dụng bình thường.