Nhu cầu mua MacBook cũ cũng nhiều, từ việc anh em muốn tiết kiệm tiền cho đến muốn mua trải nghiệm thử trước khi đầu tư vào một chiếc Mac đắt hơn. Trong bài này mình nói về một số điểm chính mà anh em cần chú ý hoặc kiểm tra khi đi mua MacBook cũ, tránh trường hợp mua về thì ôm hận. Chúc anh em lựa được máy ngon và vừa tiền nhé.
Làm sao biết được khoản giá hợp lý?
Dạo một vòng qua các chợ bán đồ online như nhattao, 5giay, chotot hoặc đi hỏi bạn bè, người thân rành về vụ này, bạn sẽ có được mức giá hợp lý để mua chiếc MacBook cũ mà bạn mong muốn. Tất nhiên giá còn tùy thuộc vào tình trạng, điều kiện của máy nữa nên sẽ không thể nào có số chính xác cho bạn, nhưng ít nhất bạn có một mức để tham chiếu rồi từ đó gia giảm khi nói chuyện với người bán hàng.
Với mình, mức giá hợp lý là mức giá không quá cao so với hàng mới (nếu model đó còn bán hàng brand new 100%) hoặc không quá cao so với những người bán khác (nếu model đó không còn tồn tại nữa), quan trọng hơn hết là chất lượng phần cứng vẫn còn đủ tốt để bạn có thể xài tiếp 1-2 năm mà không gặp vấn đề gì. Nếu máy tốt, mình sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để sở hữu.
Máy còn hạn bảo hành không? Kiểm tra như thế nào?
Cách dễ nhất là lấy số series của máy rồi kiểm tra trên web. Để kiểm tra tình trạng bảo hành, anh em vào web này https://checkcoverage.apple.com/vn/en/. Còn để lấy số serial number, vào > About This Mac > Serial Number.
Một số thông tin ngắn gọn về bảo hành MacBook cho anh em:
- MacBook được bảo hành 1 năm toàn cầu
- MacBook có thể được mua gói AppleCare để kéo dài thời gian bảo hành lên tổng cộng 3 năm, một số người bán lại máy cũ có AppleCare nên đừng ngạc nhiên khi máy đời 2014 mà giờ vẫn còn bảo hành
- Máy móp méo, bị va đập… nhiều khả năng không được bảo hành
- Máy đã vào nước sẽ không được bảo hành
Xem thêm thông tin về việc bảo hành MacBook / MacBook Pro / MacBook Air tại đây.
Kiểm tra kĩ ngoại hình
MacBook bên trong rất bền, anh em không cần quá lo về chuyện hỏng hóc bên trong, nhưng bên ngoài lại rất mong manh và chỉ một va chạm hơi mạnh tí thôi cũng có thể khiến cho vỏ nhôm của máy bị móp mất một miếng. Những dấu vết này đa số đều có thể nhìn thấy bằng mắt thường, bạn chỉ cần nhìn vào là phát hiện ngay. Cũng nhớ chú ý phần viền màn hình nhé vì khi cầm nắm người ta có thể đụng phần cạnh này vào đâu đó làm nó méo hoặc có vết cứa.
Lưu ý là nếu vết móp quá nghiêm trọng, bạn không nên mua chiếc máy đó vì 1. có khả năng cao là máy không được bảo hành chính hãng, và 2. bạn không biết được chắc chắn liệu có linh kiện nào bị hư sau lần va chạm đó hay không. Những kiểu rơi rớt hay va đập kiểu này còn có thể ảnh hưởng đến màn hình nữa, mà MacBook thay màn hình tốn rất rất rất nhiều tiền. Tốt nhất là kiếm máy có ngoại hình còn nguyên hoặc chỉ bị trầy xước, móp nhẹ thôi.
Nhìn kĩ màn hình, để ý các chỗ bong tróc
Màn hình Retina của một số dòng MacBook 2013, 2012 có thể bị tróc lớp phản quang. Vụ này Apple có thay thế miễn phí ngay cả khi máy đã hết hạn bảo hành, nhiệm vụ của anh em chỉ đơn giản là kiểm tra xem máy mình có bị dính hay không, nếu có thì hãy mang đi thay. Có thể hỏi người bán xem đã từng thay chưa để anh em có thêm thông tin. Lưu ý là nên đi thay sớm vì chương trình sẽ kết thúc vào tháng 10 năm nay (2017). Địa chỉ nơi thay có thể tham khảo trong bài Bảo hành MacBook.
Thử hết tất cả phím trên bàn phím
Theo kinh nghiệm tình trường của mình, bàn phím là một trong những thứ dễ bị hỏng khi mua lại MacBook Pro, đặc biệt nếu chủ cũ là người thường hay gõ phím chém gió như mình. Phím Space là phím thường có vấn đề nhất, những lỗi mình đã gặp bao gồm phím cứng không nhấn được, phím không còn đàn hồi, thậm chí tróc phím và không còn dính chặt vào khung kim loại bên dưới. Lỗi này tuy nhỏ nhưng lại ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm thường ngày của bạn nên bạn cần cẩn thận và kiểm tra kĩ trước khi mua nhé. Bàn phím là thứ xài rất nhiều, đừng thỏa hiệp bất kì điều gì liên quan tới bàn phím.
Kiểm tra pin
Pin của MacBook có thể kiểm tra dễ dàng bằng cách vào > About This Mac > System Report > Power. Bạn có thể để ý xuống dòng “Cycle count”. Đây là số lần sạc mà chiếc MacBook đã trải qua. Trích lời @TDNC nói về cycle count:
Apple có quy định tuổi thọ (số CC) cho MacBook, từ 300 – 1000 CC, tùy loại máy và đời máy (xem bảng CC chi tiết ở bên dưới). Khi CC đạt đến con số này thì bạn nên đem máy đi thay pin. Hoặc bạn dựa vào số CC đó để giúp định giá máy khi mua MacBook cũ, cũng như ước lượng thời lượng pin có thể sử dụng được khi mua đồ second hand.
Một cách nữa để biết pin có còn tốt hay không đó là bạn hãy bật MacBook lên, bấm vào biểu tượng cục pin ở thanh menu. Nếu bạn thấy dòng chữ “Service battery” thì có nghĩa là pin của chiếc MacBook này đang có vấn đề, bạn cần phải thay thế hoặc đem ra trung tâm bảo hành cho Apple kiểm tra. Dựa vào đây bạn có thể thỏa thuận giá lại với người bán hoặc không mua tùy ý. Trong trường hợp bạn cần thay pin, giá sẽ không rẻ đâu, mất từ 5 đến 10 triệu tùy đời MacBook. Anh em xem thêm về bảo hành và thay thế pin MacBook trong topic này nhé.
Chạy Apple Hardware Test
Apple Hardware Test là bài kiểm tra mà Apple sẽ chạy trên MacBook của bạn khi bạn đem đến trung tâm bảo hành, và bạn cũng có thể tự mình chạy bài test này tại nhà để xem có linh kiện nào trong máy của bạn bị hỏng hóc hay không. Cách thực hiện như sau:
- Ngắt tất cả kết nối với thiết bị ngoại vi (trừ bàn phím, chuột, màn hình, cổng Ethernet
- Nhớ cắm nguồn cho MacBook
- Để MacBook lên một mặt phẳng (do Mac có tích hợp cảm biến độ nghiêng và bài test cũng sẽ kiểm tra luôn chức năng này)
- Tắt máy hẳn
- Bật máy lên, ngay khi vừa nhấn nút nguồn thì ấn giữ phím chữ D cho tới khi bạn thấy biểu tượng như hình
- Chọn ngôn ngữ bằng phím mũi tên hoặc chuột, nhấn Enter
- Nhấn tiếp phím chữ T để bắt đầu chạy bài test. Bạn có thể chọn tùy chọn “Perform extended testing” để bài test chạy kĩ hơn và đưa ra tất cả mọi kết quả chứ không chỉ test những thành phần cơ bản
- Kết quả chạy xong sẽ xuất hiện trên màn hình trong ô “Test Result”. Thấy chữ No Trouble Found là ngon đó, không bị vấn đề gì cả.
Xem thêm về Apple Hardware Test ở đây
Đừng quên kiểm tra camera, loa, micro, jack tai nghe
Mấy tính năng nhỏ nhỏ này mà hư thì đi sửa cũng mệt lắm, mà chúng ta lại hay quên test nữa. Những thứ này có chạy hay không thì chỉ cần cho chúng bật lên là biết ngay nên anh em có thể test nhanh, không phải để người bán chờ lâu. Mở webcam bằng ứng dụng Photo Booth, mở loa, thử jack tai nghe bằng các web NhacCuaTui, ZingMP3, YouTube, còn micro thì thử bằng ứng dụng nền web nào đó cũng được. Đừng quên kiểm tra mấy thứ này nhé anh em.
(Theo Tinh Tế)