Sony Alpha A7r III là chiếc máy mới nhất được Sony giới thiệu tuần trước với những thông số kỹ thuật đáng nể, thậm chí vượt trội hơn cả chiếc mirrorless đắt tiền nhất của hãng là chiếc Alpha A9 ở một vài khía cạnh. Dĩ nhiên mỗi dòng máy có ưu nhược khác nhau và phục vụ cho một đối tượng người dùng khác nhau. Trong bài viết này, chúng ta sẽ điểm qua những khác biệt cơ bản của A7r III so với Sony A9 và thế hệ trước A7r II.
Điểm khác biệt quan trọng nhất của A7r III so với thế hệ cũ là tốc độ chụp và tốc độ xử lý ảnh. Những ai dùng A7rII đều sẽ biết cái chậm khi chụp ảnh, đặc biệt khi ảnh RAW của A7rII lên đến hơn 85MB/tấm. Theo Sony, chip BionzX của A7r III nhanh hơn thế hệ cũ 1.8 lần nhờ bổ sung chip ngoại vi front-end LSI tăng khả năng đọc/ghi dữ liệu lớn. Từ đó ISO hữu dụng tối đa cũng tăng lên 32.000 và mở rộng 102.400, dải dynamic range lên 15-stop.
Tốc độ chụp liên tiếp của A7r III giờ đây là 10 hình/giây, trong khi thế hệ cũ chỉ chụp được 5fps. Bên cạnh đó máy cũng có màn trập điện tử, loại bỏ hoàn toàn tiếng ồn trong quá trình hoạt động. Chưa hết, bộ nhớ đệm của máy cũng được nâng cấp để có thể lưu 75 tấm ảnh RAW 12bit trong mỗi cú bấm máy, nhờ đó bạn có nhiều cơ hội hơn để bắt được các chủ thể chuyển động trong khung hình.
Cảm biến mới trên A7r III với tốc độ chụp liên tiếp 10fps, gấp đối thế hệ cũ và gây ít tiếng ồn hơn
Kèm với đó, A7r III có 2 khe thẻ nhớ, trong đó slot 1 hỗ trợ thẻ UHS-II với tốc độ lên đến 300MB/s, giúp giảm áp lực lên bộ nhớ đệm, giảm thời gian ghi ảnh. Slot 2 là khe SD UHS-I, tích hợp đọc thẻ MS Dou. Thời lượng Pin của A7r III cũng gấp đôi thế hệ cũ. Theo thử nghiệm của Sony thì máy có thể chụp lên đến 650 tấm so với 290 của thế hệ cũ, gấp 2.2 lần.
Một nâng cấp quan trọng của A7r III là EVF và hệ thống nút bấm được chia sẻ từ Sony A9. Ống ngắm điện tử mới nâng cấp từ XGA lên QuadHD, vì thế hình ảnh khi nhìn qua ống ngắm EVF sẽ mịn hơn, chi tiết hơn.
Với nút bấm, A7r III có thêm nút AF-ON giúp khoá nét và một núm Joystick 8 hướng để điều khiển các thông số linh hoạt hơn, đặc biệt khi lấy nét điểm. Hầu hết các nút bấm của máy giờ đây đều có thể được gán chức năng tuỳ theo ý thích của bạn.
Việc trang bị màn hình cảm ứng độ phân giải cao hơn cho trải nghiệm xem ảnh tốt hơn. Nhưng quan trọng nhất là trong chế độ lấy nét tự động và bám nét, bạn có thể chọn 1 chủ thể để máy lấy nét vào đó. Trên thế hệ mark II, vì không có màn hình cảm ứng nên bạn sẽ phải để máy tự nhận diện chủ thể và tỷ lệ chính xác không cao.
Về khả năng lấy nét, A7r III cũng được trang bị 399 điểm lấy nét theo Pha (phase detection), và tăng cường lên đến 425 contrast AF (nhiều hơn thế hệ cũ 400 điểm). Điều này giúp cho A7r III lấy nét nhanh và tốc độ nhận diện khuôn mặt FaceAF hơn thế hệ cũ 2 lần. Các bạn có thể xem video thử nghiệm thực tế khả năng bám nét khuôn mặt của A7r III qua video dưới đây:
Lưu ý: Hệ thống lấy nét mới ngoài việc nhanh hơn, còn chính xác hơn. Cụ thể là trong điều kiện ánh sáng tối ở mức EV -3 tại F2, máy vẫn có thể lấy nét chính xác. Ở mark II, máy chỉ lấy nét ổn định ở EV-2
Về chất lượng hình ảnh, A7r III cho ảnh nét hơn, nhiều chi tiết hơn và chống các hiện tượng quang học xấu hiệu quả hơn nhờ công nghệ Pixel Shift Multi Shooting. Những ví dụ dưới đây cho thấy sự hiệu quả của chế độ này (ảnh bên phải):
Ngoài ra, Sony cũng nâng cấp hệ thống chống rung cảm biến. Trên bản mark II, mức độ hiệu quả chống rung là 4.5 stop và trên mark III, mức độ hiệu quả lên đến 5.5 Stop. Giảm được được 1stop tốc độ là một cải thiện rất đáng kể để bắt dính được khoảnh khắc. Đối với mình thì đây là một sự thay đổi đáng giá, giúp giảm ISO, ảnh trong trẻo hơn.
Về video, Sony nâng cấp về chất lượng bằng cách bổ sung khả năng quay video Full HD 120fps. Nhờ 120fps mà bạn có thể quay video slowmotion, tăng tính đặc tả cho video. Đặc biệt hàng còn trang bị những video profile đặc biệt cho dân quay phim chuyên nghiệp là HLG (Hybrid- Log Gamma).
HLG giúp tăng chi tiết vùng tối và sáng, giúp tạo ra video HDR mà không cần chỉnh màu trong khâu hậu kỳ. Trong thời đại mà video HDR đang được ủng hộ và ngày càng phổ biến thì đây rõ ràng là một bước tính xa và cần thiết cho những người chuyên quay video.
Mục tiêu của HLG Profile là khi bạn quay xong, sẽ có video HDR để xem trực tiếp trên các TV hỗ trợ. Trong khi đó nếu không có HLG thì bạn phải quay bằng S-log, sau đó dùng phần mềm hậu kỳ chỉnh sửa màu sắc để tạo thành video HDR thành phẩm
Ngoài ra bạn sẽ chụp được những bức ảnh tĩnh độ phân giải 5K trong lúc quay video. Đây là phương pháp nội suy dựa trên nhiều khung hình, nhờ đó hứa hẹn chất lượng ảnh tốt.
Bạn là người hay chụp Flash? A7r III giờ đây tươn thích với nhiều Flash hơn nhờ cổng Flash sync mới.
Ngoài ra, một nâng cấp mới, lần đầu xuất hiện trên máy ảnh Sony: cổng USB-C 3.1 gen 1 với tốc độ lên đến 5Gbit/giây. Bên cạnh đó Sony cũng vẫn giữ lại cổng Micro USB 2.0 cũ. Với quyết định lạ lẫm này, bạn có thể dùng 2 phụ kiện cùng lúc cho chiếc A7r III. Cụ thể là vừa có thể sạc cho máy qua cổng C, vừa dùng bộ bấm mềm. Sự kết hợp này đặc biệt hữu ích cho anh em chơi video timelapse.
- A7r III và A9
Trong khi A9 hướng đến những người chuyên chụp ảnh thể thao, bắt các chuyển động nhanh thì A7r III tập trung vào việc cho ra chất lượng ảnh cao nhất. Vì thế A7r III được trang bị những điểm mạnh so với A9 như:
- Cảm biến độ phân giải cao hơn: 42MP vs 24MP
- Dynamic Range 15 stop
- USB-C băng thông 3.1 gen1 (5 Gbps) tốc độ cao hơn nhiều so với A9, hỗ trợ chép dữ liệu tốc độ cao.
- Pixel Shift Multi Shooting mode cho ảnh chi tiết hơn, màu sắc đúng hơn.
Về video:
- Vẫn quay 4K 30fps nhưng có HLG, S-log2 & S-log3 để tạo nội dung HDR.
- Có thể quay full cảm biến hoặc chuyển về dạng super35mm
- Chụp được khung hình 5K từ video 4K
Cảm biến độ phân giải cao hơn cho kích thước ảnh lớn hơn, nhiều chi tiết hơn, kết hợp với dải dynamic range rộng cho nhiều chi tiết hơn ở vùng sáng và tối trong các tình huống ánh sáng chênh lệch mạnh. Nếu bạn muốn biết 42MP chi tiết như thế nào thì có thể xem ảnh chụp thử bởi trang Image Resource dưới đây:
Nhắc đến A9, chúng ta nhắc đến khả năng chụp liên tiếp 20fps. Nhưng đó là chụp bằng màn trập điện tử. Nếu chụp bằng màn trập cơ học thì A9 chỉ chụp được 5fps. Bù lại A7r III lại có thể chụp 10fps với màn trập cơ. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi bạn chụp với đèn Flash với các nhu cầu cụ thể như first curtain hay second curtain.
Về quay video, dòng A7r vốn có S-log 2 và 3, đến A7r III thì bổ sung thêm HLG profile. Còn A9? Không có log profile, đồng nghĩa vơi việc bạn không thể quay video HDR trực tiếp với A9.
Ngược lại, A9 lại có cảm biến nhanh hơn Exmor RS với công nghệ chồng lớp (stacking). Điều này giúp cảm biến này ghi/đọc nhanh hơn 20 lần so với cảm biến BSI thông thường. Với tốc độ này thì A9 sẽ phù hợp hơn cho những người cần chụp những thứ chuyển động rất nhanh và nhu cầu bắt dính chính xác nhất.
Dải ISO của A9 cũng rộng hơn A7r III gấp đôi, lên đến 204800. Điều này giúp A9 sẽ hoạt động tốt hơn trong điều kiện thiếu sáng.
- Mua Sony A7r III không?
Giá bán hiện tại của A7r III là $3200, rẻ hơn A9 $1100 và đắt hơn A7r II $800. Theo một số nguồn tin thì A7r III sẽ lên kệ sớm tại Mỹ. Các bạn có thể đặt mua online tại đây: B&H | Adorama | Amazon
Những nâng cấp mà Sony trang bị cho A7r III sẽ thực sự đáng giá nếu bạn là người mong chờ tính bền bỉ, tính ổn định, chất lượng ảnh/video, đặc biệt là những ai có nhu cần in ấn hay chụp ảnh thương mại. Nếu bạn đặt chất lượng ảnh/video lên hàng đầu thì A7r III sẽ phù hợp hơn.
Tuy nhiên một bộ máy ảnh tốt phải đi kèm với một dàn ống kính tương xứng để phát huy sức mạnh của thân máy. Nếu không cần quay video và hầu bao không rủng rỉnh thì việc chọn A7rII và đầu tư $700 cho ống kính cũng là sự lựa chọn không tồi và mang tính cân đối hơn, ví dụ Zeiss 16-35mm hoặc G-Master 24-70mm.
Còn nếu bạn đặt tính độc nhất của khoảnh khắc lên trên chất lượng ảnh và hầu bao rủng rỉnh, hãy suy nghĩ về A9
(Nguồn: Tinhte.vn)