Home > Đánh giá > Touch Bar của MacBook Pro 2016: những điểm bất tiện
Đánh giá

Touch Bar của MacBook Pro 2016: những điểm bất tiện

photo-oct-27-11-30-49-am

MacBook Pro 2016 nổi bật nhất là thanh Touch Bar. Nó có thể giúp bạn chuyển giữa các tab nhanh hơn, có thể giúp bạn chà đĩa như DJ hay soạn nhạc, chơi đàn. Tuy nhiên, Touch Bar vẫn còn nhiều hạn chế lớn khiến trải nghiệm với nó chưa thật sự tốt như những gì mình mong đợi. Bạn vẫn sẽ phải nhìn xuống mỗi khi cần sử dụng dù đã làm quen với máy nhiều tháng, thanh trượt volume tuy sướng như kì quặc, hay như nút emoji không cần thiết mà vẫn hiện diện liên tục.

Trước khi bắt đầu, nếu anh em nào chưa biết Touch Bar có thể làm được gì, anh em có thể xem video này

Bạn vẫn sẽ phải nhìn xuống dù đã xài nhiều tháng

Đây có lẽ là nhược điểm lớn nhất của Touch Bar so với dãy phím Fn truyền thống. Nếu như lúc trước bạn luôn biết rõ phím cứng nào có chức năng volume và tự tin bấm vào thì nay bạn sẽ phải nhìn xuống mỗi khi cần tăng giảm âm lượng. Hay như khi bạn cần play, pause, chuyển bài nhạc, với phím Fn bạn có thể chắc chắn rằng nó nằm ngay đó và chỉ cần nhấn một cái là xong, trong khi ở Touch Bar bạn phải liếc xuống một cái để chắc chắn rằng vị trí mình vào chính xác.

Có thể bạn sẽ nói như thế này: nút tăng giảm âm lượng dù là cứng hay mềm thì nó cũng đều nằm cố định ở một nơi thôi, vì sao lại cần nhìn xuống? Chính xác, nhưng chưa đủ. Có một số nguyên nhân khiến bạn cần phải dòm vào thanh Touch Bar mỗi lúc tương tác:

  • Phím cứng chạm vào chưa nhận ngay, bạn vẫn có thời gian ngắn để não xác nhận thao tác của bạn là đúng, trong khi phím ảo bấm vào là dính nên nếu bấm lộn sẽ gây khó chịu
  • Khoảng cách giữa các phím cứng xa hơn nhiều so với phím ảo
  • Cảm giác tự tin hơn khi bấm phím cứng

Ba yếu tố này chủ quan và khách quan đều có, khi chúng kết hợp lại đã làm thao tác với Touch Bar chậm đi một tẹo, nhất là khi bạn đã nhiều năm sử dụng phím cứng quen. Hiện tại mình đã xài MacBook Pro 2016 được 3 tháng nhưng vẫn chưa đủ tự tin để bấm Touch Bar mà không cần nhìn. Chưa biết xài khoảng vài tháng nữa thì có thay đổi gì hay không, có thì sẽ báo anh em tiếp :D

Nhung_diem_kho_chiu_touch_bar_3.jpg

Volume: ngón tay của bạn không đúng vị trí con lăn!

Đây rõ ràng là một điểm mà mình chẳng thể nào hiểu vì sao Apple lại thiết kế như vậy, nó quá kì dạ và khác lạ so với các nguyên tắc làm giao diện thông thường. Khi bạn chạm vào biểu tượng tăng giảm volume (và cả tăng giảm độ sáng), một thanh trượt sẽ xuất hiện. Chẳng có gì đáng nói ở đây nếu như thanh trượt đó không nằm dưới ngón tay bạn, thay vào đó nó lại nằm ở bên trái! Lúc bạn di chuyển ngón tay để tăng giảm mức volume, thanh này vẫn chạy theo như bình thường.

Với mình, đây là chuyện không thể chấp nhận được vì nó không mang lại cảm giác đúng đắn cho người sử dụng mỗi khi cần thao tác. Bạn không cảm thấy tự tin vì bạn không chạm vào cái nút trên Touch Bar. Trong khi đó, bạn đã rất quen với thao tác kéo con trượt này trên màn hình máy tính, trên chiếc tablet hay thậm chí là cái smartphone của bạn. Có thể hiểu ý Apple đó là vì nút volume đã nằm sát bìa quá rồi nên họ không muốn làm con trượt sát thêm, cũng như không để ngón tay che mất hình dáng của công cụ điều khiển volume. Nhưng nếu như cái được ít hơn cái mất thì sao lại không làm cách khác?

Đây là vấn đề liên quan đến phần mềm và thiết kế giao diện, Apple hoàn toàn có thể khắc phục bằng một bản update trong tương lai. Hóng tới ngày đó quá.

Nhung_diem_kho_chiu_touch_bar_4.jpg

Control Strip: nút mở rộng quá nhỏ, khó bấm, dễ gây hiểu lầm

Control Strip là tên gọi chung cho những gì hiển thị trên Touch Bar, từ nút volume, Escape cho đến phần thay đổi tùy theo app. Control Strip cũng bao gồm cụm phím cố định luôn nằm góc phải Touch Bar. Mặc định cụm cố định này sẽ có nút tăng giảm volume, độ sáng và Siri và một dấu mũi tên để mở rộng sang hàng phím F1 – F12. Bên cạnh đó là một nút tròn để mở thanh điều khiển nhạc.

Vấn đề thứ nhất: nút mở rộng quá nhỏ. Mình thường xuyên bấm nhầm sang biểu tượng tròn kế bên trong khi mình lại đang muốn mở hàng F1-F12. Xác suất bấm hụt cũng lên đến 50% chứ không ít, và rõ ràng đây là con số không thể chấp nhận được.

Vấn đề thứ hai: trên Control Strip khi bung dãy F1-F12 ra bạn có thể tinh chỉnh âm lượng và độ sáng, và khi bạn dùng hàng phím cố định thì cũng chỉnh được hai thông số này. Chuyện không có gì nghiêm trọng nếu như thao tác chỉnh volume trong dãy F1-F12 cũng là dạng trượt, nhưng không, nó là dạng bấm từng nấc như bao đời MacBook từ 2015 về trước.

Nhung_diem_kho_chiu_touch_bar_7.jpg

Nói cách khác, trên cùng một thanh Touch Bar, bạn có thể chỉnh volume cả theo dạng trượt và bấm nút, mà hai tình huống sử dụng này lại không khác nhau nhiều nên dễ làm người dùng bối rối. Như mình, do quen dùng thao tác trượt nên khi bật hàng F1-F12 thì cứ quen kéo qua lại nhưng chẳng được gì. Một người bạn mình quen mới mua MacBook Pro 2016 thì cứ đè thanh kéo mà bấm, và đương nhiên cũng chẳng được gì luôn.

Emoji có cần không?

Khi bạn gõ văn bản trong những khung viết dài, nút Emoji sẽ xuất hiện trên Touch Bar để bạn truy cập nhanh hơn. Tuy nhiên, với mình thì Emoji chẳng xài bao giờ nên nút này vô dụng. Mà buồn cái là dù không xài nhưng mình không thể tùy biến nó theo cách riêng được. Vụ này có lẽ cần sự can thiệp của riêng từ app. Apple có vẻ rất tự hào với việc chọn Emoji từ Touch Bar, còn với mình thì vụ này hoàn toàn vô dụng.

Nhung_diem_kho_chiu_touch_bar_6.jpg

Các nút control vẫn không thể so được với shortcut, với người mới thì ổn

Những nút control này có thể kể đến như phím bold, italic, underline khi gõ văn bản, phím search của Safari, hay nút back, foward của settings. Tất cả đều khó có thể so được với những phím shortcut mà bạn có thể làm trên bàn phím. Một phần là vì tay bạn không phải với lên cao, một phần nữa là do quen thuộc. Hơn nữa, hầu hết các app mình hay sử dụng đều không hỗ trợ Touch Bar hoặc có nhưng lại là những tính năng không thường sử dụng nên mức độ hữu dụng không làm mình ấn tượng.

Ở đây là nhìn dưới góc cá nhân, chứ còn nếu nhìn theo cách của một người mới xài máy tính hay mới tiếp cận những phần mềm này thì sẽ thích thú hơn. Bạn có thể thấy ngay nút đó để làm gì và vẫn có thể xài như shortcut mà không cần ghi nhớ thêm thông tin. Mình đã thử nghiệm vụ này ngay với mẹ mình, rõ ràng việc chọn lấy một đoạn văn rồi nhấn vào chữ B trên Touch Bar dễ hơn so với việc ghi nhớ phím Command + B. Hình ảnh lúc nào cũng kích thích não bộ hơn cơ mà.

Nhung_diem_kho_chiu_touch_bar_5.jpg

Mình hi vọng rằng trong tương lai sẽ có thêm nhiều app hỗ trợ Touch Bar, và những tính năng đó nên có khả năng tùy biến vì không phải ai cũng dùng máy như nhau, có người sẽ thích shortcut này, có người thích shortcut khác nên việc thay đổi Touch Bar sẽ giúp nhiều lắm.

Sửa chữa sẽ rất đắt tiền

Thanh Touch Bar dính vào khung nhôm bên ngoài, nên nếu Touch Bar hỏng thì bạn hiểu chuyện gì xảy ra rồi đấy: thay cả khung. Tương tự cho bàn phím, trackpad hay loa ngoài, tất cả đều dính chung vào khung và bạn sẽ phải thay thế cả cụm khi một linh kiện bị hỏng. So với việc thay phím của MacBook Pro cũ thì rõ là đắt hơn rất nhiều. Mấy anh chàng bên iFixit cũng gặp khó khăn lớn khi thử mở Touch Bar và đã làm gãy nó trong quá trình tháo lắp.

Tất nhiên, nếu máy bạn còn trong thời gian bảo hành thì bạn sẽ được thay miễn phí, còn nếu hết hạn thì phải trả tiền. Mình đang cân nhắc đến việc mua Apple Care cho con MacBook Pro này để lỡ sau này có hư hao gì thì sửa không mất phí.

Nhung_diem_kho_chiu_touch_bar_2.jpg

Kết lại: Touch Bar chưa phải 100% tiện, vẫn còn khoảng 60% những thứ gây khó chịu và chỉ 40% là tỏ ra hữu ích. Hầu hết những điểm khó khăn mà mình kể trên đều có thể khắc phục bằng phần mềm, hi vọng Apple có thể khắc phục nó trong các bản update macOS sắp tới, cũng như thúc đẩy cộng đồng lập trình viên làm tốt hơn các app hỗ trợ Touch Bar.

 

Nguồn: Tinhte.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *