Home > Tin Tức > Trên tay Nikon D500: nhà vua mới của dòng máy Crop
Tin Tức

Trên tay Nikon D500: nhà vua mới của dòng máy Crop

1485282

Người hâm mộ Nikon đã phải kiên nhẫn chờ đợi rất lâu về sự tồn tại của series Nikon DX. Cho đến khi mọi thứ được sáng tỏ tại CES 2016, khi Nikon chính thức giới thiệu chiếc D300s mới nhất mang hình dạng của chiếc D500.

Đã 7 năm kể từ khi chiếc D300s lần đầu tiên đc công bố, tính đến nay, D500 là thành viên mới nhất trong dòng Nikon DX được trình làng, nâng số lượng máy ảnh trong series này lên con số 4.

Ra mắt cùng lúc với Nikon D5, D500 được coi như phiên bản thu gọn của siêu phẩm này, giống như cách mà Nikon D3 và Nikon D300 đã làm trước kia. D500 được thừa hưởng rất lớn từ dòng DX như thiết kế nhỏ gọn nhưng mang trong mình nhiều tính năng cao cấp.

Bài viết được tham khảo từ trang What Digital Camera sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn rõ hơn về “niềm hi vọng mới” của gia đình Nikon.

Các tính năng chính

Sự chú ý đầu tiên được dồn vào cảm biến trên D500, máy sở hữu cảm biến CMOS định dạng DX, độ phân giải 20.9MP hoàn toàn mới được thiết kế bởi Nikon mà không có bộ lọc thông thấp giúp hình ảnh giữ được độ sắc nét tối đa. Tiếp đó là bộ vi xử lý hình ảnh EXPEED 5 cho phép D500 chụp liên tục 10 khung hình/giây mà vẫn đảm bảo chất lượng tốt.

Trong khi D300s trước đây chỉ có dải ISO hạn chế theo tiêu chuẩn hiện nay, “người kế nhiệm” D500 đã đảm nhiệm rất tốt việc này khi nâng cấp dải ISO tiêu chuẩn từ 100-51.200 và có thể mở rộng từ 50-1.640.000.

Mặc dù dải ISO này chưa là gì so với Nikon D5, nhưng con số này cũng vô cùng ấn tượng, cao nhất trong số những cảm biến định dạng DX được Nikon cung cấp trước đó khi mới chỉ dừng lại ở con số mở rộng 102.400. Đây cũng là dải ISO cao hơn rất nhiều so với những đối thủ khác trong phân khúc máy ảnh entry-level.

Nikon tuyên bố đây là chiếc máy ảnh tốt nhất được thiết kế dành tặng người hâm mộ dòng DSLR. Minh chứng rõ nét nhất khi D500 được trang bị hệ thống lấy nét tự động thật sự ấn tượng. Máy được thừa hưởng từ mô-đun lấy nét tự động Multi-CAM 20K trên Nikon D5, có nghĩa D500 cũng có 153 điểm lấy nét bao trùm toàn bộ khung hình. Trong số đó có 99 điểm là cross-type và 55 điểm tuỳ chọn.

Đây không chỉ là số lượng điểm AF gây ấn tượng mà hệ thống tự động lấy nét tiên tiến này cho phép D500 có thể bắt nét dễ dàng trong điều kiện ánh sáng yếu ở mức -4 EV với những điểm trung tâm và -3 EV với tất cả các điểm khác.

Một tính năng tiên tiến khác là màn hình cảm ứng 3.2 inch phía sau D500 có độ phân giải 2.359 triệu điểm ảnh, có khả năng lật nghiêng. Màn hình này có khả năng hiện thị hình ảnh rất tốt khi được nghiêng ở nhiều góc độ cũng như ngoài trời.

Nikon đã khéo thêm vào tính năng “Auto AF Fine-Tune” cho phép khi chuyển sang chế độ Live-View, người dùng có thể định vị các điểm lấy nét đơn giản bằng cách chạm vào màn hình.

Ngoài ra máy cũng có tùy chọn kích hoạt chức năng chụp khi chạm vào màn hình. Chức năng tương tự như các dòng mirrorless được trang bị màn hình cảm ứng hiện nay. Khi không sử dụng màn hình này, Nikon D500 được trang bị sẵn Viewfinder có kích thước phủ 100% khung hình với độ phóng đại 0.72x.

Về khả năng quay video, D500 có thể xuất ra video chất lượng 4K UHD ở 30p/25/24p tối đa 30 phút. Hơn nữa, đây là chiếc DSLR duy nhất của Nikon cho phép quay video time-lapse với cùng chất lượng 4K UHD.

Một điểm chú ý khác khi Nikon giới thiệu một loại công nghệ kết nối mới mang tên SnapBridge lần đầu tiên được áp dụng trên D500. Công nghệ này cung cấp một liên kết và giúp chia sẻ nhanh chóng hình ảnh từ máy ảnh sang các thiết bị di động được cài đặt ứng dụng cùng tên.

Theo các chuyên gia của Nikon cho biết, một trong những lợi ích của SnapBridge đó là sử dụng sức mạnh của Bluetooth được tích hợp sẵn trên D500 và đảm bảo luôn được kết nối với smartphone cũng như các thiết bị di động khác.

SnapBridge là một trong nhiều các tính năng mới được đưa vào thử nghiệm trên D500 nhằm đánh giá và nâng cấp cho các thiết bị tiếp theo. Ngoài SnapBridge, Nikon cũng bổ sung thêm kết nối Wi-Fi/NFC cho phép người dùng có thể chia sẻ các tệp tin với kích thước lớn một cách nhanh chóng.

Hơn nữa, “tân binh” của Nikon sử dụng pin MB-D17 như trên Nikon D750, D810, D7200 trước đây, cung cấp năng lượng dồi dào cho phép bạn chụp tới 1240 hình theo chuẩn CIPA.

Một trong những tranh cãi trong thiết kế của Nikon khi bổ sung thêm khe cắm thẻ XQD bên cạnh khe cắm thẻ SD. Nikon đã rất đắn đo khi trước đây phải lựa chọn 2 phương án: sử dụng 2 khe cắm thẻ SD hay thay thế 1 khe cắm thẻ SD bằng thẻ CF. Theo Nikon, tốc độ đọc của thẻ CF hiện tại không thể bằng thẻ XQD và đây được coi là giải pháp hợp lý trong thời gian dài.

Nếu muốn tận dụng tối đa sức mạnh và tốc độ của Nikon D500, người dùng phải cân nhắc về việc bỏ thêm một khoản tiền để sắm ít nhất 1 chiếc thẻ XQD.

Thiết kế

Đúng như tuyên bố của Nikon, Nikon D500 mang đến một thiết kế rất chắc chắn và không có gì nghi ngờ khi đây sẽ là một thiết bị rất đáng tin cậy dành cho tín đồ yêu thích máy ảnh, đặc biệt là DSLR. Phần trên và cạnh máy sử dụng hợp kim magie, trong khi đó phần trước sử dụng carbon fiber.

Đây đều là những vật liệu có độ bền cao, thêm đó là khả năng chống bụi, ẩm giúp D500 chống chọi tối với môi trường khắc nghiệt.

Hơn nữa, cảm giác cầm D500 trên tay cũng rất chuyên nghiệp, hơn hẳn các dòng máy trước đây trong series DX của Nikon. Người dùng sẽ có cảm nhận đầu tiên là D500 nặng hơn D7200, nhưng cho cảm giác cầm gọn gàng, thoải mái mà không có cảm giác mỏi hay khó khăn khi thao tác.

Giống với chiếc D7200, D500 cũng đc thiết kế với 4 nút chức năng nằm ở phía trên bên trái bao gồm nút cần bằng trắng, chọn chất lượng hình ảnh, đo sáng và truy cập nhanh các chế độ. Ngay phía dưới là vòng xoay mode dial tương tự như trên mẫu D300/D300s  trước đây.

Bằng cách thiết kế các nút sang bên trái, Nikon đã tạo ra không gian lớn hơn phía nút chụp và bố trí duy nhất nút ISO ngay phía sau công tắc ON/OFF thao tác dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, người dùng có phần hụt hẫng khi Nikon đã không trang bị Flash cóc cho D500 cũng như D5, mục đích giúp 2 thiết bị này chống chọi tốt hơn với môi trường bên ngoài. Thay vào đó, hãng ra mắt mẫu Flash rời SB-5000 mới nhất, mang trong mình sức mạnh như chiếc SB-910 trước đó nhưng nhỏ gọn hơn và tương thích tốt với 2 mẫu máy trên.

Báng cầm của D500 được thiết kế khá lớn giúp người dùng cầm máy được chắc chắn, trong khi đó các nút chức năng được thiết kế dọc theo phía bên trái đã vô cùng quen thuộc trên các dòng máy của Nikon. Chỉ có đôi chút khác biệt khi máy xuất hiện thêm nút Fn2 ở phía dưới và nút Fn1 được đẩy ra phía trước.

Nikon đã thiết kế lại nút chọn chế độ lấy nét tự động/bằng tay lên phía trước giống như trên chiếc D5. Khi cầm máy, người dùng chỉ cần dùng ngón tay cái là có thể sử dụng được.

Kết luận

Sự xuất hiện của Nikon D500 đã ít nhiều gây được sự bất ngờ dành cho người tiêu dùng, đặc biệt là với những người dự đoán rằng thế hệ Nikon DX tiếp theo sẽ là sự thay thế cho Nikon D3300.

Chỉ với chút thời gian trên tay và trải nghiệm, D500 đã mang lại rất nhiều sự thích cũng như sự mới mẻ cho người dùng. Hệ thống lấy nét tự động đặc biệt ấn tượng trên thiết bị này, điều đó không có gì khó hiểu khi D500 được thừa hưởng công nghệ lấy nét từ siêu phẩm D5.

Nikon hi vọng trong thời gian tới, D500 sẽ được phổ biến rộng rãi như những gì mà “người tiền bối” D300/D300s làm được. Đây sẽ là một sự lựa chọn rất hấp dẫn cho người dùng Nikon đang muốn tìm kiếm một chiếc DSLR trong series DX cao cấp, nhỏ gọn mà không cần phải nâng cấp lên Full-Frame.

Nikon D500 sẽ có mặt tại các cửa hàng và trên các trang bán hàng trực tuyến vào tháng 3 năm nay. Giá của sản phẩm này là 2000 USD (khoảng 45 triệu đồng) cho thân máy. Nếu mua kèm với ống kính AF-S 16-80mm f/2.8-4G VR ED khách hàng sẽ phải chi 3070 USD (khoảng 69 triệu đồng).

( Nguồn: Vnreview.vn)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *