Microsoft có Surface Studio, đây là một chiếc máy tính All-in-One rất đặc biệt vì nó không chỉ là thứ mà công ty đem ra kinh doanh. Nó còn đóng vai trò như một chiếc đầu tàu để kéo các nhà sản xuất khác cùng đi chung con đường với Microsoft, tương tự như những gì hãng đã làm với máy tính 2 trong 1 mà cụ thể hơn là dòng Surface Pro. Rồi một ngày chúng ta sẽ thấy các máy All-in-One như thế này xuất hiện nhiều hơn trên thị trường, với mẫu mã, cấu hình đa dạng hơn và quan trọng là sẽ có nhiều mức giá cho bạn lựa chọn.
Hiện tại thị trường All-in-One đang khá trầm lặng. Các hãng như Acer, HP, Dell, Asus năm nào cũng có những chiếc AIO mới, tuy nhiên không thiết bị nào thật sự đặc biệt và khác biệt so với các sản phẩm còn lại. Ở phía bên kia chiến tuyến, Apple cũng không có nhiều thay đổi với iMac ngoại trừ việc nâng độ phân giải cao cho các máy tính của mình. Dường như có một rào cản vô hình nào đó khiến các OEM không đổ nhiều sức lực vào AIO bên cạnh thực tế rằng thị trường PC nói chung đang vô cùng ảm đảm, đặc biệt là máy tính để bàn.
Để thúc đẩy các OEM, Microsoft – với vai trò là một người dẫn đầu – phải ra mắt một chiếc Surface Studio để các công ty khác thấy rằng thị trường này vẫn có nhiều thứ có thể khai thác được, từ đó tạo ra dòng tiền mới. Microsoft có trong tay sự ảnh hưởng lên các nhà sản xuất, lại có thể tùy biến được hệ điều hành để hỗ trợ tốt hơn cho các thiết bị AIO, vậy nên chỉ có hãng mới tạo được niềm tin với những đối tác phần cứng. Giả sử Dell có làm ra một chiếc AIO thật sáng tạo đi nữa thì các công ty khác chưa chắc đã đi theo vì với họ, Dell cũng chỉ là một đối thủ mà thôi, trong khi vị trí của Microsoft là đối tác chiến lược nên suy nghĩ của họ về sản phẩm sẽ khác.
Đây không phải là lần đầu tiên Microsoft đứng ra tạo xu hướng để các đối tác làm theo. Năm 2012, khi Windows 8 ra mắt, hãng cũng giới thiệu luôn chiếc Surface và Surface Pro, đem ý tưởng tablet lai laptop trở thành một thứ rất gần với người dùng và không chỉ dừng lại ở mức ý tưởng. Theo sau đó, hàng loạt các công ty khác cũng bắt tay vào làm máy tính lai, trong đó nhiều model trông chẳng khác gì Surface: cũng có màn hình cảm ứng, cover bàn phím, chân dựng phía sau… Ngày nay, Surface và Surface Pro đang là một nguồn tài chính ổn định và vững chắc cho công ty sau nhiều thăng trầm, còn hệ quả có được từ hai chiếc máy này đó là thị trường máy tính 2 trong 1 càng lúc càng mở rộng ra.
Microsoft đương nhiên chẳng để tâm mấy đến việc các OEM có sao chép ý tưởng của mình hay không, vì thường hãng định vị dòng Surface của mình ở phân khúc cao hơn, đắt tiền hơn, và đương nhiên là xịn hơn. Các mẫu tablet lai giống Surface đều có giá rẻ hơn từ vài trăm đô cho đến cả nghìn đô nên Microsoft chẳng màn đến việc cạnh tranh với những thiết bị này.
Với Surface Studio cũng thế, công ty có thể khuyến khích đối tác của mình làm nhiều mẫu AIO hơn với nhiều cấu hình và lựa chọn giá, như vậy thiết bị AIO chạy Windows 10 sẽ dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn so với mức giá 3000$ của Surface Studio. Nói đâu xa, trước mắt đã có Dell bắt đầu làm rồi đấy thôi, sẽ không lâu nữa cho đến khi HP, Acer, Lenovo, Asus và các công ty khác nhảy vào thị trường này.
Mà làm gì thì làm, Microsoft vẫn là người được lợi nhất trong vụ phổ biến AIO này. Số người sử dụng Windows 10 tăng lên đồng nghĩa với việc hệ sinh thái của công ty có thêm khách hàng, Microsoft bán được nhiều bản quyền Windows 10, các dịch vụ cloud như OneDrive, Office 365 cũng theo đó mà tăng trưởng. Nên nhớ Microsoft giờ đã là một công ty cloud và dịch vụ, hãng không còn quá chú trọng vào việc bán bản quyền Windows như trước, và nguồn thu từ các dịch vụ cũng đang tăng trưởng rất mạnh. Mỗi người dùng tham gia vào hệ sinh thái của công ty là một nguồn tiền mới.
Nói riêng về cục Surface Dial, hiện tại nó chỉ có thể dùng với Surface Studio để xoay xoay, vặn vặn chỉnh thông số nhưng không gì ngăn cản Microsoft đem công nghệ này phổ biến cho các đối tác của mình. Biết đâu một ngày đẹp trời Dell, HP cũng ra mắt máy tính có thể dùng với Surface Dial, bản thân các công ty này cũng là núm riêng của họ theo chuẩn do Microsoft đặt ra nhưng chất liệu và thiết kế khác để phù hợp với dòng sản phẩm của họ thì sao?
Tất cả những điều trên cho thấy giá trị của Surface Studio không chỉ nằm ở cái máy, nó còn nằm ở sự dẫn dắt của Microsoft đối với các đối tác của mình. Khi tất cả hợp sức lại thì có thể chúng ta sẽ thấy được sự thay đổi ở mạng AIO.
Nguồn: Tinhte