Home > Thủ Thuật > Vòng tam giác của ba yếu tố cơ bản: Tốc độ, Khẩu độ và Độ nhạy ISO
Thủ ThuậtThủ Thuật Máy ảnh

Vòng tam giác của ba yếu tố cơ bản: Tốc độ, Khẩu độ và Độ nhạy ISO

huong_dan_chup_anh

Chào bạn, bạn có thể đang mỉm cười khi đọc bài viết về tốc độ, khẩu độ, và độ nhạy ISO này, “đây là bài học vở lòng, ai cũng biết khi cầm máy chụp hình…”, và đúng là như vậy. Những bài học vỡ lòng này, lại chính là cốt lõi để tạo nên những tấm hình đẹp sau này. Những bài viết trên mạng, và những bài dạy của rất nhiều giảng viên nhiếp ảnh, thường khá phức tạp, dài dòng, và khó hiểu, chính tôi đọc có khi còn phải phân vân. Tôi đọc rất nhiều bài viết, và soạn lại theo sự suy nghĩ của tôi về 3 yếu tố cơ bản này, tôi gọi là vòng tam giác, vì 3 yếu tố tạo thành hình tam giác, và vòng tròn bao bọc sẽ làm thí dụ và nối kết các yếu tố hoàn chỉnh hơn. Tôi đã dựa vào tam giác ngoại tiếp, là một trong những họa đồ của toán học mọi người biết từ lâu về trước, kết hợp với vòng tròn màu sắc trong hội họa, để tạo ra vòng tam giác của nhiếp ảnh, hy vọng sẽ giúp bạn hiểu, thấy, chỉ nhìn một lần là nhớ.

Mỗi bức ảnh được tạo nên bởi cảm biến quang trên máy ảnh kỹ thuật số, tiếp xúc với ánh sáng trong khuôn hình muốn chụp. Quá trình tiếp xúc này được gọi là phơi sáng. Để điều tiết mức độ phơi sáng của một bức ảnh, và tạo một giá trị phơi sáng nhất định, trong nhiếp ảnh sử dụng 3 yếu tố cơ bản là tốc độ cửa chập (shutter speed), khẩu độ mở của ống kính (aperture) và độ nhạy của phim hay cảm biến (ISO). Ba yếu tố này kết hợp lại gọi là tam giác phơi sáng. Hiểu, làm chủ và sử dụng tam giác phơi sáng này một cách hữu hiệu chính là phần quan trọng nhất để phát triển tài nghệ của một nhiếp ảnh gia kinh nghiệm.

as_1475-9ba

Cửa chập và tốc độ cửa chập (shutter speed)

Trong cấu tạo của máy ảnh, chắn trước cảm biến thu nhận ánh sáng là nhiều lá thép để không cho ánh sáng đi tới cảm biến khi máy ảnh chưa “chụp ảnh” được gọi là cửa chập. Khi bấm nút chụp, cửa chập mở ra để ánh sáng đi vào cảm biến và đóng lại rất nhanh. Thời gian của chập mở rồi đóng lại nhanh hay chậm chính là tốc độ của cửa chập. Cửa chập mở lâu thì thời gian phơi sáng của cảm biến sẽ lâu hơn và cảm biến sẽ thu được nhiều ánh sáng hơn, làm cho ảnh sáng hơn; ngược lại, của chập mở-đóng nhanh ảnh sẽ tối hơn. Thời gian cửa chập mở rồi đóng rất nhanh và thường được tính bằng phần của giây đồng hồ, ví dụ 1, 1/2, 1/4, 1/8, 1/15, 1/30, 1/60, 1/125, 1/250, 1/500, 1/1000, 1/2000, 1/4000, 1/8000 giây. Từ trị số 1/15 giây, nó được làm tròn trong nhiếp ảnh (đúng ra là 1/16 giây), để đơn giản hóa việc tính toán sau này. Tốc độ có tính tương quan 1:1 với lượng ánh sáng đi vào trong camera. Ví dụ: khi thời gian phơi sáng gấp đôi, thì lượng ánh sáng đi vào camera cũng tăng gấp đôi. Tốc độ được sử dụng để chụp hình nhanh hay chậm tùy theo ý của bạn cho một tấm hình. Như vậy việc sử dụng tốc độ nhanh hay chậm là còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, chủ thể, và mục đích chụp hình của bạn.

Nếu bạn muốn chụp hình không dùng chân mà hình không bị mờ vì rung, thì bạn phải chụp ít nhất là  1/Lens Focal Length; thí dụ bạn dùng ống kính 50mm, thì bạn phải chụp ít nhất là 1/50 giây để hình không bị mờ; nếu bạn dùng ống kính 500mm, thì bạn phải chụp ít nhất là 1/500 giây.

Tốc độ Những thí dụ ứng dụng lúc chụp hình
1 đến 30 giây (+) Chụp đêm, dải ngân hà, sao chạy, hoặc thành phố về đêm với đèn xe trượt dài.
1/2 đến 4 giây Chụp suối hoặc thác nước để tạo nét mềm mại.
1/2 đến 1/80 giây Chụp lia máy để tạo nét cho chính thể, mờ cho hậu cảnh.
1/80 đến 1/125 giây Chụp tay với hệ thống chống rung không cần chân máy
1/125 đến 1/200 giây Chụp chân dung với Flash. Máy thông dụng có Flash Sync là 1/200 giây
1/250 đến 1/500 giây Chụp thể thao, những chuyển động trong đời sống, chụp với tele lens
1/1000 đến 1/8000 giây Chụp chim hoặc những vật thể di chuyển cực nhanh.

Khẩu độ mở của ống kính (aperture)

Mỗi ống kính được tạo bởi nhiều thấu kính và một lỗ điều tiết ánh sáng có thể điều chỉnh to hay nhỏ. Kích thước của lỗ điều tiết này khi chụp một bức ảnh gọi là khẩu độ mở của ảnh (aperture). Giá trị to hay nhỏ của lỗ điều tiết ánh sáng này trên ống kính thường được tính bằng một hệ số, ví dụ, f/1, f/1.4, f/2, f/2.8, f/4, f/5.6, f/8, f/11, f/16, f/32, f/64. Chính vì đây là một hệ số nên chỉ số càng nhỏ có nghĩa là khẩu độ mở của lỗ điều tiết ánh sáng càng lớn, chỉ số càng lớn khẩu độ đóng càng nhỏ. Bạn có thể xem hình bên dưới để có khái niệm về khẩu độ:

as_1475-9b

Khẩu độ được sử dụng để điều chỉnh độ sâu cho trường ảnh, hay nói một cách khác là độ nét của các chủ thể trong ảnh; chỉ số khẩu độ càng nhỏ (thí dụ f/1.4), màng chập của ống kính mở càng lớn, chủ thể chính được lấy làm điểm canh nét sẽ nét, các chủ thể phụ, trong đó có hậu và tiền cảnh sẽ nhòa mờ do độ nét thấp hơn; và ngược lại, chỉ số khẩu độ càng lớn (thí dụ f/11), màng chập của ống kính đóng nhỏ, chủ thể và các chủ thể phụ, trong đó có hậu và tiền cảnh sẽ nét rất đều. Bạn có thể xem hình thí dụ dưới đây để thấy rõ hơn sự khác biệt giữa trị số khẩu độ lớn và nhỏ.

Theo kinh nghiệm của riêng tôi, thì chụp chân dung với f/5.6; chụp đời thường hoặc báo chí, hay những vật thể có thể di động, dùng f/8 sẽ hay nhất trong hầu hết các trường hợp; nếu chụp phong cảnh, thì dùng f/11.

Khẩu độ Những thí dụ ứng dụng lúc chụp hình
f/1.4 đến f/2.8 Chụp những nơi ánh sáng yếu và không dùng đèn.
f/4 đến f/5.6 Chụp chân dung để tạo nét cho chính thể và mờ cho phụ thể.
f/8 Chụp ảnh đời thường, báo chí, những vật thể có thể di động.
f/11 đến f/22 Chụp ảnh phong cảnh, kiến trúc

Độ nhạy ISO

Yếu tố thứ ba ảnh hưởng tới độ sáng tối của một bức ảnh là độ nhạy bắt sáng của phim hay cảm biến quang trên máy ảnh kỹ thuật số, gọi là độ nhạy ISO. ISO càng cao thì cảm biến bắt sáng càng nhạy, giúp giảm thời gian phơi sáng. Tuy nhiên, một nhược điểm của cả phim nhựa lẫn cảm biến kỹ thuật số là ISO càng tăng thì độ nhiễu màu và hạt càng tăng. Vì vậy, xu hướng khi chụp là cố gắng giữ ISO ở mức thấp nhất và cùng bất đắc dĩ, sau khi đã mở khẩu độ tối đa cũng như giảm tốc độ cửa chập xuống hết mức cho phép mà ảnh vẫn không đủ sáng người ta mới phải dùng đến việc tăng độ nhạy ISO, như là một giải pháp cuối cùng, thí dụ lúc bạn chụp dãi ngân hà hoặc sao xẹt. Bạn hãy xem hình dưới đây để thấy sự khác nhau giữa IOS thấp và cao.

che-do (1)

Như vậy, 3 yếu tố nêu trên gồm tốc độ của chập, khẩu độ mở và ISO là các yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới độ sáng của ảnh và các hiệu ứng hình ảnh khác. Việc kết hợp hài hòa 3 yếu tố này để ánh có ánh sáng đẹp và chuẩn xác nhất chính là điểm căn bản trong nghệ thuật nhiếp ảnh từ xưa tới nay.

ISO Những thí dụ ứng dụng lúc chụp hình
ISO 50 – 200 Chụp chân dung, phong cảnh, lúc ánh sáng tốt.
ISO 320 – 800 Chụp chân dung, đời thường, nơi có ánh sáng yếu mà không dùng đèn
ISO 1000 – 3200 Chụp đêm, chụp dải ngân hà hay sao xẹt (riêng chụp sao chạy cần ISO thấp)
ISO 4000 – 25600 Chụp thử, chụp hình những nơi bị cấm dùng đèn mà quá tối.

 Khi bạn đã đọc và hiểu được 3 yếu tố cơ bản, bây giờ là lúc mà bạn có thể nhìn hình vòng tam giác bên dưới để thấy sự tương tác giữa 3 yếu tố này. Bạn có thể vùng vòng tam giác này để so sánh về 2 yếu tố tốc độ và khẩu độ. Thí dụ, khẩu độ đóng nhỏ (f/11), thì tốc độ chậm (1/30 giây), trường ảnh sâu, nên bạn có thể thấy rõ cả 4 người; nếu khẩu độ mở lớn (f/4.0), thì tốc độ sẽ nhanh hơn (1/250 giây), nhưng trường ảnh rất mỏng, bạn chỉ có thể chụp người đầu tiên rõ, những người phía sau mờ hơn. Trị số của ISO là do bạn chọn trước, chỉ thay đổi ISO khi mà tốc độ và khẩu độ không thể ghi nhận được hình trong những tình huống khó khăn, nhưng khi bạn tăng ISO lên cao, chất lượng hình sẽ giảm, bạn sẽ bỏ hình sau đó, nên không chụp vẫn hay hơn. Ngoại trừ bạn chụp dải ngân hà, bắt buộc phải dùng ISO cao.

Lucian Vương

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *