Fujifilm X-E4 là mẫu máy ảnh mới nhất của dòng X-E vừa ra mắt và cũng là chiếc mới nhất nhận được cảm biến thế hệ thứ tư cùng hệ thống AF mới nhất trong số các máy ảnh Fujifilm trang bị công nghệ X-Trans. Người kế nhiệm này ra mắt 4 năm sau sự xuất hiện của X-E3.
Cùng xem xét tân binh này so với người tiền nhiệm của nó trong phần so sánh sau đây.
Nội dung
10 điểm khác biệt giữa Fujifilm X-E4 và X-E3
1. Cảm biến ảnh
X-E3 trang bị cảm biến X-Trans thế hệ thứ ba với 24.2MP và vi xử lý hình ảnh X-Processor Pro, trong khi X-E4 có cảm biến mới nhất với 26.1MP và thiết kế BSI (chiếu sáng sau), cũng như vi xử lý X-Processor 4.
Dải ISO hơi khác một chút: X-E3 đi từ ISO 200 (hoặc mở rộng ISO 100) và ISO 12800 (hoặc mở rộng 51200). X-E4 có mức nền ISO tương tự nhưng bắt đầu từ 160 (hoặc 80 khi mở rộng).
Sự khác biệt về độ phân giải không quá lớn, và khi so sánh hai chiếc cảm biến ảnh trong quá khứ (trên X-T2 và X-T3), có thể thấy cảm biến 26MP không chỉ có khả năng khôi phục vùng tối nhiều hơn một chút mà còn có nhiều nhiễu hạt hơn một chút ở các mức ISO cao. Nhìn chung, không có sự khác biệt nào quá lớn ở chất lượng hình ảnh trên bất kỳ máy nào.
Hơn cả chất lượng hình ảnh, cảm biến ảnh và vi xử lý mới giúp X-E4 nhận được mọi tinh chỉnh phần mềm mới nhất xét về hồ sơ màu và thuật toán AF, cũng như cung cấp khả năng xử lý cảm biến nhanh hơn tăng tốc độ chụp liên tiếp và giảm méo hình rolling shutter khi sử dụng màn trập điện tử.
2. Các chế độ Film Simulation
X-E4 có vi xử lý hình ảnh và phần mềm mới nhất, bao gồm các chế độ giả lập phim bổ sung (picture profiles) và các thiết lập hình ảnh khi so với X-E3.
Cụ thể hơn, thì X-E4 có:
- Thêm ba chế độ giả lập phim (Classic Neg, Eterna, Eterna Bleach Bypass)
- Hiệu ứng Colour Chrome tái tạo màu sâu hơn và các bước chuyển tiếp màu đối với màu đỏ và xanh lam
- Thêm các thiết lập hình ảnh đơn cử Clarity
Ngoài ra, X-E4 còn có một chế độ HDR kết hợp ba ảnh vào một với khả năng bảo toàn nhiều vùng sáng và vùng tối hơn.
3. AF
Fujifilm X-E4 kế thừa cùng một hệ thống và thuật toán AF từng thấy trên X-T4 và X-S10.
Điều này đồng nghĩa tốc độ lấy nét nhanh hơn tức 0.002 giây, tính năng bám nét đối tượng và nhận diện mặt/mắt tiên tiến hơn, cũng như hiệu suất cao hơn khi chụp low light với độ nhạy sáng tối thiểu là -7Ev (khi chụp với ống kính XF 50mm f1.0), hoặc là -6Ev với khẩu độ f1.4 (so với -3Ev trên X-E3).
X-E4 cũng có nhiều điểm AF hơn: 117/425 (phụ thuộc vào thiết lập được sử dụng) so với 91/325 điểm trên X-E3. Hơn nữa, X-E3 sử dụng điểm theo pha (minh họa bằng màu xanh trong hình dưới) chỉ ở chính giữa khung hình, trong khi các điểm này xuất hiện trên toàn cảm biến đối với X-E4.
4. Chụp liên tiếp
X-E4 nhanh hơn X-E3 khi xét đến sức mạnh xử lý, và điều này được xác nhận từ tốc độ chụp liên tiếp.
Khi sử dụng màn trập cơ, cả hai máy chụp được tối đa 8fps.
Khi sử dụng màn trập điện tử, X-E4 có thể chụp nhanh đến 20fps, hoặc 30fps với mức crop 1.25x.
Có một tính năng đặc biệt gọi là Pre-Shot cho phép bạn lưu lại hình ảnh trước khi bấm nút trập xuống hoàn toàn. Hơn nữa, các tốc độ này xảy ra ở chế độ live view và không blackout trên EVF hoặc LCD.
X-E3 có thể đạt đến 14fps với e-shutter so với đó.
5. Video
Bộ đôi này quay phim 4K đến 30fps không crop cảm biến nhưng trong trường hợp X-E3, máy không xử lý toàn bộ điểm ảnh đồng nghĩa sẽ xuất hiện nhiều hiệu ứng răng cưa hơn một chút và ít chi tiết sắc nét hơn một chút.
X-E4 có thêm các thông số kỹ thuật và thiết lập sau:
- 4K DCI (17:9)
- Lên đến 200Mbps (so với 100Mbps trên X-E3)
- Slow motion ở Full HD đến 240fps (X-E3 không có tùy chọn quay High Speed và chế độ 1080p thông thường đến 60fps)
- Hồ sơ F-Log với F-Log View Assist (quay nội bộ)
- Đầu ra 4:2:2 10 bit qua HDMI
- Đèn tally
- Zebra pattern và time-code
Bạn có thể xem tham khảo chế độ 240fps trông như thế nào trong video sau. Video được quay bằng X-T4 (X-E4 sử dụng công nghệ tương tự).
X-E4 cũng được trang bị tốt hơn với kết nối âm thanh: đầu vào 3.5mm và đầu vào headphone qua cổng USB-C (adapter mini-jack đi kèm trong hộp). X-E3 chỉ có giắc vào 2.5mm.
6. Màn hình LCD
Dòng X-E duy trì màn hình sau cố định suốt ba thế hệ. Với X-E4, Fujifilm đã thay đổi (phần lớn có vẻ do phản hồi của khách hàng) và cho chiếc máy ảnh mới này màn hình LCD lật có thể lật lên 180˚, tiện dụng chụp selfie hoặc quay v-log.
Cả hai màn hình đều có cảm ứng và cho phép thao tác đa dạng như chụp ảnh, di chuyển điểm lấy nét hoặc thay đổi các thiết lập bằng cách quét trái, phải, lên hoặc xuống (thay thế cho nút 4 hướng vật lý).
Màn hình X-E4 cũng có độ phân giải cao hơn (1.62 triệu điểm so với 1.04 triệu điểm).
7. Khung ngắm
Hầu hết đặc tính của khung ngắm điện tử đều giống nhau trên cả hai máy: 0.39-in panel OLED, phóng đại 0.62x, độ phân giải 2.36 triệu điểm và eyepoint 17.5mm.
Điểm mới trên X-E4 là chế độ boost (gồm hai thiết lập: low light và resolution priority).
8. Thiết kế
Bộ đôi này có ngoại hình rất giống nhau, nhưng với X-E4, Fujifilm đã quyết định bỏ đi mọi yếu tố không cần thiết để máy đơn giản và tối giản nhất có thể, cũng như dành thêm không gian để tựa ngón tay cái ở mặt sau máy.
Ở mặt trước, báng nhỏ trên X-E3 nay hoàn toàn biến mất, ít đường cong hơn, cho phép thiết kế phẳng tương tự các thế hệ X100 gần đân. Phần gờ tựa ngón cái ở phía sau máy cũng đã bị loại.
Ở mặt trên, nút gạt Auto được thay bằng nút Q trước đây đặt ở mặt sau.
Về mặt sau, X-E4 có ít hơn vài nút (5 so với 9 trên X-E3). Nút command phía sau đã bị lược bỏ.
Kích thước là tương tự nhau; X-E4 nặng hơn một chút.
- X-E3: 121.3 x 73.9 x 42.7mm, 337g
- X-E4: 121.3 x 72.9 x 32.7mm, 364g
Không máy nào có kháng thời tiết. Top plate làm từ hợp kim magne.
9. Thời lượng pin
Cả hai máy dùng pin giống nhau là NP-W126S, nhưng X-E4 có vẻ khai thác hiệu quả hơn và có điểm CIPA cao hơn là 460 lần chụp, so với X-E3 đạt 350 lần chụp.
Cả hai máy đều sạc qua cổng USB.
10. Giá bán
X-E3 đã ngừng sản xuất và thậm chí ngừng bán ở khá nhiều nơi. Hầu hết trường hợp còn phân phối là để xả kho cho đến khi hết hàng hẳn. Hoặc bạn cũng có thể tìm mua hàng cũ, secondhand.
X-E4 có giá khởi điểm là $850 cho thân máy, hoặc kèm kit XF27mm f/2.8 II với giá khởi điểm $1050.
Giá bán này được cập nhật vào cuối tháng 01/2021.
Kết
X-E1 ra mắt từ năm 2012 là thân máy ảnh mirrorless APS-C thứ hai của Fujifilm và vào thời điểm đó cung cấp cảm biến tương tự trên chiếc flagship X-Pro1 trong một tổng thể nhỏ gọn và rẻ hơn.
Kể từ đó đã có rất nhiều thứ xảy ra. Fujifilm đã bổ sung không dưới ba dòng máy, với dòng X-T trở thành dòng máy ảnh Fuji nổi tiếng nhất ngày nay.
Có người sẽ tranh cãi rằng Fujifilm X-E4 là không cần thiết, nhưng vì dòng máy này vẫn luôn có một thị phần khách hàng trung thành nhất định (tương tự dòng X-Pro), nên cũng không bất ngờ khi thấy Fuji nâng cấp, cũng như phải xét đến việc X-E3 nay đã hơn ba năm tuổi và sử dụng cảm biến ảnh cũ.
Nhưng ngoài công nghệ mới nhất, liệu X-E4 có đem đến điều gì thú vị cho người dùng X-E?
Dễ thấy nhất có lẽ là màn hình LCD lật 180˚, kế đến là các tính năng quay phim bổ sung. Rõ ràng là hãng không hề muốn đánh liều bỏ qua những tính năng có thể thỏa mãn giới vlogger đang ngày một đông hơn.
Dẫu vậy thay đổi về thiết kế lại không được lòng nhiều người dùng. Việc muốn máy tối giản và trực quan là dễ hiểu, tính thẩm mỹ được đáp ứng, nhưng điều này đồng nghĩa máy phải hy sinh tính thực dụng cho những ai muốn nhiều hơn là đơn thuần thay đổi thiết lập phơi sáng. Màn hình cảm ứng là một điểm cộng lớn, nhưng bộ nút lỗi thời vẫn còn đó, nhất là trên một chiếc máy ảnh loại này.
Điểm mạnh thực sự của X-E4 có vẻ nằm ở kích thước nhỏ gọn, giống như người tiền nhiệm của nó. Không có EVF lồi lên như dòng X-T, máy thật sự nhỏ và nhẹ. Kết hợp ống kính một tiêu cự cỡ nhỏ, đơn cử ống kit mới 27mm F2.8 II – và đây sẽ là chiếc máy ảnh dòng X di động nhất mà bạn có thể thấy hiện nay (song song chiếc máy ảnh có ống kính cố định X100V).
Theo Mathieu @ Mirrorless Comparison