10 điểm khác nhau giữa Sony A6100 vs A6300
Bởi A6300 từng ra mắt cách đây 3 năm và hiện tại đã ngừng sản xuất, giờ đây Sony đã sẵn sàng giới thiệu người kế nhiệm của nó: A6100. Đây là một trong ba mẫu máy ảnh mirrorless APS-C mới nhất mà hãng ra mắt trong năm nay, gồm A6100, A6400 và A6600.
Nhiều người còn băn khoăn không biết liệu Sony A6100 có phải là lựa chọn lý tưởng hơn để thay đổi, khi mà mẫu máy mới vẫn sở hữu diện mạo và giá bán gần như tương tự các thế hệ trước, nhất là với người tiền nhiệm A6300. Thế thì hãy cùng tìm hiểu ngay 10 điểm khác nhau quan trọng nhất giữa hai mẫu máy này ngay sau đây nhé!
Nội dung
1. Màn hình & kính ngắm
Thiết kế giữa A6100 và A6300 gần như tương đồng, tuy nhiên vẫn có thể nhận diện điểm khác biệt quan trọng nhất: màn hình phía sau.
Sony A6100 trang bị màn hình phía sau có cảm ứng cho phép di chuyển điểm lấy nét hoặc bật Real-time Tracking, và khả năng lật lên 180˚ để quay vlog hoặc chụp selfie dễ dàng.
Vì là đời cũ hơn nên màn hình trên Sony A6300 không có thiết kế cảm ứng cũng như chỉ có thể lật lên 90˚.
Cả hai máy đều có kính ngắm tích hợp đặt phía bên trái máy, tuy nhiên kính ngắm của A6100 có độ phân giải thấp hơn là 1,44 triệu điểm, so với 2,36 triệu điểm của A6300.
Các thông số khác như kích thước, độ phóng đại, điểm đặt mắt,… đều giống nhau.
2. Kháng thời tiết
A6300 có thân máy làm từ hợp kim magne, kháng bụi và kháng ẩm, trong khi A6100 thì không.
3. Lấy nét tự động
Bộ đôi có số điểm theo pha giống nhau (425 điểm), tuy nhiên A6300 có 169 điểm tương phản, còn A6100 có đến 425 điểm tương phản.
A6100 lấy nét trong 0,02 giây, nhanh hơn đáng kể so với thời lượng 0,05 giây trên A6300.
Độ nhạy sáng thấp nhất trong điều kiện thiếu sáng trên A6100 là -2 EV, trên A6300 là -1 EV (cùng tính ở f/2).
Ngoài các thông số kỹ thuật thì một trong những điểm khác biệt chủ yếu giữa hai mẫu máy ảnh này là thuật toán lấy nét. Sony A6100 kế thừa phiên bản mới nhất được tăng mạnh về khả năng tracking: giờ đây máy có thể chụp và phân tích chủ thể tại thời điểm thực tế trên nhiều mức độ khác nhau như màu sắc, độ sáng, khoảng cách, khuôn mặt và mắt để tăng độ chính xác.
Công nghệ Eye AF hàng đầu của Sony được trang bị trên cả hai máy và làm việc với cả chế độ chụp đơn và chụp liên tiếp. Lại một lần nữa, kẻ ra đời sau có lợi hơn: Eye AF trên A6100 có thể làm việc ngay tại thời điểm chụp và làm việc được với cả chủ thể là động vật.
4. Tốc độ chụp liên tiếp
Tốc độ chụp liên tiếp vẫn đều là 11 fps, trong khi chụp live view đạt 8 fps (có xảy ra blackout).
Với màn trập điện tử, A6100 có thể chụp đến 8 fps, còn A6300 không vượt quá 3 fps.
A6100 đồng thời sở hữu bộ nhớ đệm tốt hơn với 77 ảnh JPG Fine hoặc 33 ảnh RAW; còn trên A6300 lần lượt là 44 và 23 (cùng tính theo tốc độ 11 fps).
5. ISO
A6100 và A6300 đều sử dụng cảm biến APS-C 24.2MP nhưng A6300 lại thiếu chip ngoại vi front-end LSI hỗ trợ tăng tốc độ xử lý.
Xét về độ nhạy sáng, động cơ hình ảnh nâng cấp tăng khả năng của A6100 lên một chút, từ ISO 100 lên 32000 với mở rộng lên đến ISO 51200.
A6300 có phạm vi ISO từ 100 đến 25600, nhưng khi mở rộng cũng tương đương A6100.
6. Thiết lập video
Cả hai máy đều quay 4K đến 30 fps với khả năng xử lý toàn bộ điểm ảnh (sử dụng thông tin 6K và nén xuống 4K để tăng độ nét). Quay nội bộ là 4:2:0 8 bit còn xuất qua HDMI là 4:2:2 8 bit. Vẫn là một cổng vào mic nhưng thiếu cổng headphone. Ở Full HD, bạn có thể quay đến 120 fps.
Bất ngờ là trên A6100 lại thiếu đi một tính năng khá là quan trọng: các bộ mẫu màu (Picture Profiles). Các thiết lập chuyên dụng cho video này sẽ cho phép bạn điều hcinhr nhiều thông số khác nhau cũng như chọn cường độ gamma như S-Log2 và S-Log3. Tùy chọn duy nhất mà bạn có trên A6100 là bộ Creative Styles cung cấp ít dải tận nhạy sáng hơn và có thể chỉnh sáng dễ dàng hơn.
7. Quay ngắt quãng
A6100 có khả năng quay time-lapse tích hợp, cho phép bạn sáng tạo video time-lapse với phần mềm Imaging Edge miễn phí.
A6300 không có sẵn tích năng này. Thay vào đó bạn phải tải từ cửa hàng PlayMemories và trả một khoản phí nho nhỏ cho nó. Tin tốt là ngoài tính năng này, bạn còn có thể sắm sửa thêm nhiều ứng dụng hay ho khác trên cửa hàng nếu muốn thêm tính năng cho máy ảnh. Trong khi đó, A6100 không tương thích với các ứng dụng này.
A6300 sở hữu phiên bản menu chính đời cũ, thiếu ngăn nắp và tiện nghi hơn. A6100 sở hữu phiên bản menu chính mới nhất, vừa có sắp xếp dễ nhìn hơn, vừa có thêm trang My Menu để lưu các thiết lập thường dùng nhất.
Cả hai máy đều có nút tùy chỉnh.
9. Bluetooth
Khác với A6300, A6100 trang bị Bluetooth hữu ích để gắn thẻ địa lý cho ảnh của bạn thông qua kết nối với thiết bị di động.
10. Giá bán
Sony A6100 có giá khởi điểm là $750 đối với thân máy.
Sony A6300 có giá khởi điểm là $900 đối với thân máy, nhưng giá bán hiện tại có vẻ cùng tầm với A6100 hoặc có khi rẻ hơn, tùy vào nhà bán lẻ.
Kết
Vì cùng tầm giá, có thể nói Sony A6100 có lựa chọn tốt hơn nếu bạn muốn trải nghiệm hiệu suất AF tân tiến nhất trên thị trường mirrorless, cho phép bạn chụp ảnh không giới hạn mà không cần tốn nhiều công sức.
Sony A6300 ra mắt đã khá lâu nhưng không vì thế mà nó hoàn toàn thua thiệt: độ phân giải của kính ngắm cao hơn, có sẵn mẫu màu để làm video hoàn thiện hơn.
Tóm lại, nếu muốn một mẫu máy nhanh hơn, thông minh hơn, bắt kịp xu hướng thời đại hơn thì bạn nên chọn A6100.
Còn nếu bạn hài lòng với những gì A6300 mang lại hoặc tìm được deal giá tốt, thì đó vẫn là một lựa chọn có thể cân nhắc.
(Theo Mirrorless Comparison)