So sánh 10 điểm khác nhau lớn nhất giữa Sony A6100 vs A6400 vs A6600
Sony đã chính thức ra mắt bộ đôi máy ảnh mirrorless mới là A6100 và A6600, cùng với A6400 trở thành bộ ba máy ảnh APS-C ngàm E mới của hãng, thay thế bộ ba trước đó là A6000, A6300 và A6500.
Chưa tính đến A6400 được ra mắt hồi đầu năm, thì bản thân việc A6600 và A6100 ra mắt đồng thời ít nhiều gây ra một sự hoang mang nhẹ với người dùng tiềm năng. Nếu chỉ nhìn thoáng qua từ ngoại hình, A6600, A6100 và kể cả A6400 đều không có quá nhiều chênh lệch để nhận diện, chưa kể nhiều điểm tương đồng khác trong thông số kỹ thuật. Vậy thì làm thế nào để người dùng tương lai phân biệt và chọn lựa một chiếc máy ưng ý, phù hợp nhất trong bộ ba APS-C mới này của Sony? Cùng tham khảo ngay bài so sánh 10 điểm khác nhau lớn nhất dưới đây nhé!
Tổng quan về phân khúc, nếu phân loại, chúng ta sẽ có A6100 là mẫu máy ảnh entry-level – dành cho người mới dùng, A6400 thuộc tầm trung, còn A6600 sẽ là một mẫu flagship, nâng cao hơn hai mẫu còn lại một chút.
Nội dung
Sony A6100 vs A6400 vs A6600: Đâu là điểm chung?
Điểm chung đầu tiên của bộ ba này là hệ thống lấy nét tự động (AF) kết hợp, với 425 điểm theo pha và 425 điểm theo tương phản, phân bổ 84% bề mặt cảm biến. Thời gian lấy nét rất nhanh chỉ trong 0.02 giây. Thuật toán phần mềm tiên tiến bao gồm công nghệ AI và Machine Learning.
Nói cách khác, hệ thống AF này là một trong những hệ thống AF đáng tin cậy nhất trong tất cả các dòng máy ảnh mirrorless từ trước đến nay. Khả năng tracking ấn tượng đối với cả chụp ảnh và quay phim, bên cạnh đó còn kết hợp công nghệ nhận diện mắt tiên tiến nhất làm việc với cả con người và động vật.
Kế đến là cảm biến. Bộ đôi A6xxx mới trang bị chip Exmor CMOS 24.2MP, có bộ lọc anti-aliasing và thành phần LSI front-end LSI nhằm tăng sức mạnh xử lý. Chất lượng hình ảnh ở mức tương đương A6400, đồng nghĩa là rất tốt.
Điểm quan trọng khác là máy nào cũng có khả năng quay phim 4K đến 30 fps và 100 Mbps. Bạn sẽ có được khả năng xử lý toàn điểm ảnh và không lỗi binning, và khi lên đến 25p, toàn bộ chiều rộng của cảm biến sẽ được sử dụng, đồng nghĩa trường nhìn sẽ được giữ trọn vẹn (tại 30p có mức crop 1.2x). Ở chế độ Full HD, tốc độ này đạt 120 fps.
Toàn bộ điểm giống nhau giữa Sony A6100, A6400 và A6600 được liệt kê như sau:
- – Tốc độ chụp liên tiếp 11 fps với tracking AE/AF (8 fps đối với màn trập điện tử)
- – Hybrid AF với 425 điểm pha và 425 điểm tương phản, thời gian lấy nét 0.02 giây
- – Real Time Tracking AF áp dụng chụp ảnh và quay phim với công nghệ AI và Machine Learning, độ nhạy sáng thấp nhất là -2 EV tại f/2
- – Real Time Eye AF đối với người và động vật
- – Quay phim 4K đến 30p và 100 Mbps; 1080p đến 120 fps và 100 Mbps
- – Tích hợp intervalometer (thiết bị chụp hẹn giờ) để chụp time-lapse
- – LCD lật 180˚ với tính năng cảm ứng (gồm Touch Tracking)
- – Kết nối Wi-Fi, NFC và Bluetooth
- – 1 khay thẻ nhớ SD (tương thích UHS-I)
Sony A6100 vs A6400 vs A6600: 10 điểm khác nhau
1. Thiết kế
A6100 nhẹ nhất, A6600 có báng cầm lớn nhất
Có thể nói là Sony đã thay đổi gì mấy về thiết kế của hai mẫu máy ảnh mới. Trên thực tế, toàn bộ dòng A6000 trông cực gì giống nhau, tuy nhiên vẫn có một số điểm khác đáng nói.
Báng cầm phía trước là một điểm khác đặc biệt nổi bật trên A6600 (lớn hơn khoảng 1 cm). Đặc điểm này nhằm cải thiện khả năng cầm nắm và tương thích với loại pin lớn hơn. Báng này cũng được làm cứng cáp hơn.
Kích thước giữa A6100 và A6400 chênh lệch gần như không đáng kể, trong khi A6600 nổi trội hơn một chút. Về trọng lượng, A6100 rõ ràng là mẫu nhẹ nhất.
- A6100: 120.0mm x 66.9mm x 59.4mm, 396g
- A6400: 120.0mm x 66.9mm x 59.7mm, 403g
- A6600: 120.0mm x 66.9mm x 69.3mm, 503g
Một điểm khác nổi bật nữa là khung của A6100 không làm từ hợp kim magne và cũng không kháng thời tiết, trong khi hai mẫu còn lại đều có bảo vệ khỏi bụi và ẩm.
Về bố cục nút bấm, A6600 có hai nút custom đặt ở mặt trên, trong khi bộ đôi kia chỉ có một nút đặt gần nút bấm màn trập.
Mẫu flagship có 11 nút custom, trong khi hai mẫu còn lại có 8 nút chức năng.
Bộ ba chia sẻ hệ thống menu phiên bản mới nhất của Sony, bao gồm trang My Menu lưu trữ được đến 30 mục.
A6100 và A6400 tích hợp sẵn đèn flash (GN6, ISO 100). A6600 thì không.
Cuối cùng là, A6400 và A6600 có màn trập bền hơn, được thiết kế để chịu được xấp xỉ 200,000 vòng đánh.
2. Kính ngắm
A6100 có độ phân giải thấp nhất
Cả ba mẫu A6xxx mới nhất đều trang bị kính ngắm OLED 0.39″, thiết kế quang học với độ phóng đại 0.70x và điểm mắt 23mm.
EVF trên A6100’ có độ phân giải thấp nhất trong cả ba, là 1,440,000 điểm (trên hai mẫu kia là 2,359,296 điểm).
A6400 và A6600 có thể chụp tốc độ khung hình cao là 100 fps hoặc 120 fps, còn A6100 chỉ chụp 50 fps hoặc 60 fps (chế độ PAL hoặc NTSC).
3. Ổn định hình ảnh
Chỉ A6600 có ổn định hình ảnh tích hợp (IBIS)
A6600 là mẫu máy ảnh APS-C thứ hai của Sony được trang bị ổn định 5 trục trên cảm biến, với tốc độ cân bằng là 5 bước (theo chuẩn CIPA).
Hệ thống này làm việc với bất kỳ ống kính nào, bao gồm các ống vintage khác ngàm (nếu ống kính đó không có tiếp điểm điện tử thì mức cân bằng là 3 trục). Máy ảnh cũng có thể kết hợp 3 trục trên cảm biến với ổn định quang học.
Trải nghiệm chống rung 5 trục trên A6500 trước đây không được đánh giá cao, nhất là ở chế độ video khi gây ra giật hình và thiếu độ mượt mà. Sẽ rất tốt nếu Sony cải thiện được điều này trên A6600.
A6100 và A6400 không có IBIS nên chúng sẽ phải dựa vào các ống kính có OSS hoặc các hỗ trợ khác như gimbal từ hãng thứ ba.
4. Chất lượng hình ảnh
Như trong phần điểm đã giới thiệu, cả ba máy đều sử dụng cảm biến APS-C 24.2MP.
Nếu đào sâu thì cũng có một số khác biệt, điển hình như phạm vi ISO cơ bản giống nhau là ISO từ 100-32000, tuy nhiên phạm vi mở rộng của A6100 dừng tại ISO 51200, trong khi hai máy kia đạt ISO 102400.
Một khác biệt nhỏ nữa là A6400 và A6600 là một chức năng gọi là Shutter AWB Lock: cho phép bạn khóa và mở khóa cân bằng trắng.
5. Video
A6100 thiếu các mẫu màu (Picture Profile)
Cả ba mẫu máy có khả năng quay phim 4K, riêng A6100 thiếu các mẫu màu chuyên dụng cho quay phim của Sony gồm các mẫu quan trọng như S-Log2, S-Log3 và HLG (HDR).
Các mẫu màu này đem lại nhiều dải tần nhạy sáng hơn mặc định (thiếu cắt sáng (highlight clipping)) so với bộ Creative Style được thiết kế cho ảnh tĩnh JPG.
Đối với mẫu S-Log3, A6400 và A6600 có thể đạt 14 bước dải tần nhạy sáng, theo Sony.
6. Lấy nét tự động
Chỉ A6600 có Eye AF dùng cho video
Eye AF của Sony là một trong những hệ thống nhận diện mắt đáng tin cậy nhất trong mọi thương hiệu mirrorless. Gần đây hãng đã giới thiệu công nghệ tương tự để quay phim, đầu tiên là trên Sony A7R IV, kế tiếp là trên RX100 VII. Giờ thì đến lượt A6600 nhận được nâng cấp tương tự.
A6100 và A6400 không có Eye AF cho video, nhưng vẫn có thể làm việcdựa trên nhận diện khuôn mặt và chế độ tracking tuyệt vời.
7. Bộ nhớ đệm
Bộ ba này có cùng một tốc độ chụp liên tiếp là 11 fps hoặc 8 fps với live view, tuy nhiên bộ nhớ đệm lại khác nhau.
A6400 và A6600 có bộ nhớ đệm nhỉnh hơn nhờ vào bộ xử lý nhanh hơn. Bộ đôi này có thể trữ 115 file JPG hoặc 46 file RAW ở tốc độ cao nhất.
A6100 cũng không kém cạnh lắm với 77 file JPG hoặc 33 file RAW.
8. Âm thanh
Chỉ A6600 có cổng ra headphone
Cả ba máy đều có cổng vào 3.5mm cho phép gắn microphone ngoài.
Riêng A6600 có thêm một cổng ra 3.5mm để gắn headphone ngoài để điều khiển thu âm chính xác hơn.
Nên lưu ý là các phụ kiện ngoài như adapter XLR có thể dùng cho cả ba mẫu máy này thông qua hot shoe đặc biệt của Sony.
9. Pin
A6600 có nâng cấp
A6600 là mẫu máy ảnh APS-C đầu tiên trong dòng ngàm E sử dụng pin NP-FZ100 lớn hơn, vốn được Sony giới thiệu song song với A9 từ hai năm trước và sử dụng cho dòng máy full frame từ đó đến nay. Cũng vì lẽ đó, A6600 có khả năng chụp 720/810 ảnh sau một lần sạc, hoặc quay 140/150 phút.
A6100 và A6400 vẫn sử dụng pin NP-FW50, có số liệu thấp hơn (360/410 ảnh, 70/75 phút quay phim).
Bộ ba sạc qua cổng USB nhưng cần lưu ý là sạc không kèm trong hộp.
Sony không sản xuất báng pin chính thức cho dòng máy APS-C, cho nên về mảng này, bạn sẽ cần tham khảo sản phẩm của hãng thứ ba.
10. Giá bán
A6100 là mẫu máy rẻ nhất với giá khởi điểm $750 (thân máy lẻ). Giá của A6400 cách đó không xa, $900.
Trong khi đó, A6600 là mẫu đắt nhất trong cả ba với giá khởi điểm là $1400.
Kết
Sony A6100, A6400 và A6600 có vẻ sẽ không có quá nhiều chênh lệch về hiệu suất khi xét chất lượng hình ảnh và AF.
A6100 là mẫu máy phải chăng nhất, đồng nghĩa máy đã phải hy sinh vài thứ như kính ngắm ít độ phân giải hơn và thiếu mẫu màu cho video, phù hợp với những người mới tập tành dùng máy ảnh.
Nếu ngân sách dư dả hơn một chút, bạn có thể chọn A6400 với EVF nhiều độ phân giải hơn, bộ nhớ đệm sâu hơn và nhiều thiết lập hơn cho video.
A6600 rõ ràng là nổi bật nhất với báng cầm lớn, pin lớn hơn, có thêm ổn định 5 trục. Đây chắc chắn là lựa chọn hấp dẫn nhất trong bộ ba này, nhưng đổi lại bạn sẽ muốn một hầu bao thật rủng rỉnh để có thể rước máy.
(Theo: Mirrorless Comparison)