Home > Tin Tức > 10 năm sau khi ra đời, iPhone vẫn là thứ dùng để đo lường sự thành công của một chiếc smartphone
Tin Tức

10 năm sau khi ra đời, iPhone vẫn là thứ dùng để đo lường sự thành công của một chiếc smartphone

44

10 năm trước, iPhone lần đầu ra mắt và nó đã thay đổi hoàn toàn thị trường smartphone. Steve Jobs định vị iPhone là một chiếc smartphone dễ dùng trong khi vẫn “thông minh”, và điều đó vẫn còn giữ vững cho đến tận ngày hôm nay. iPhone vẫn là một sản phẩm mà bất kì một nhà sản xuất điện thoại nào cũng muốn so kè nhưng không nhiều công ty có thể đứng chung với Apple dù họ đã thử nhiều cách khác nhau. Có thể nói iPhone đã và đang là một chuẩn mực để so sánh mỗi khi có một cái smartphone nào đó mới ra đời.

10 năm trước

Hãy quay ngược dòng lịch sử lại 10 năm về trước. Vào thời điểm iPhone ra đời, hầu hết những cái điện thoại thông minh thời đó đều có những đặc điểm chung như: màn hình nhỏ + bàn phím cứng + cảm ứng điện trở + bút stylus. Không nhiều thiết bị thoát khỏi cái khuôn mà Palm, BlackBerry, Motorola hay các hãng làm Windows Mobile đã đặt ra. Hơn nữa, smartphone trong hình ảnh của người tiêu dùng là một cái điện thoại khó sử dụng, bạn cần phải có kiến thức khá tốt về đồ công nghệ thì mới xài được.

Lich_su_iPhone_2007.jpg

Song song với iPhone còn có rất nhiều điện thoại phổ thông. Đây là thứ mà nhiều người dùng chứ còn smartphone thời đó vẫn còn khá đắt đỏ. Một vài dòng hơi “smart” một chút, ví dụ như N-Series của Nokia, vẫn còn thiếu nhiều điểm mà chiếc smartphone BB hay WinMo có thể làm được, còn điện thoại phổ thông đúng nghĩa thì không có cửa so sánh. Bù lại chúng dễ dùng hơn (do mọi người đã quen với điện thoại phổ thông), chưa kể giá cũng rẻ hơn, dễ tìm mua hơn.

Steve Jobs thấy rõ được khoảng trống của thị trường và quyết định khai thác nó để kiếm tiền. Khoảng trống đó là một chiếc smartphone thật sự “smart” nhưng vẫn phải dễ dùng để ai cũng có thể sử dụng được. Trên sân khấu hôm ra mắt iPhone, Jobs đã nói rõ điều này bằng một bản đồ định vị sản phẩm như bên dưới. Đây cũng là thông điệp mà Jobs muốn truyền tải tới cho người dùng.

cv_iPhone_10_nam_ra_doi.jpg

iPhone đã làm được điều đó. Thao tác sử dụng đơn giản, cảm ứng nhạy và hỗ trợ đa điểm, thiết kế tốt là những vũ khí mà iPhone sử dụng để đánh bật các đối thủ khác trong thị trường smartphone, còn những tính năng như lướt web, chụp ảnh, xem lại ảnh, bản đồ, máy tính là thứ iPhone dùng để đánh điện thoại phổ thông. Xem như Jobs đã tạo được một mũi tên bắn hai con chim.

Kết quả thì ai cũng thấy, thị trường smartphone bàn phím cứng chết hẳn, BlacKBerry còn sống thoi thóp đến hôm nay nhưng cũng chỉ dưới hình bóng của TCL. Màn hình smartphone gần như đều từ 4″ trở lên, không còn kích cỡ nhỏ bé 2-3″ như nhiều năm về trước. iPhone đã tạo ra một quả bom buộc tất cả các hãng điện thoại phải thay đổi còn không sẽ chết, và mỗi hãng đều cố gắng làm theo triết lý dễ dùng + smartphone của iPhone. Cuối cùng, người dùng chúng ta là người hưởng lợi nhiều nhất.

iPhone vẫn duy trì được những đặc tính của mình

Đến tận ngày hôm nay, iPhone vẫn giữ lại hầu hết những đặc tính đã làm nên thành công của iPhone thế hệ đầu. iPhone vẫn còn là một cái điện thoại rất dễ sử dụng với tất cả mọi người, từ người lớn cho tới trẻ con, từ đàn ông cho đến phụ nữ, từ những người rành công nghệ cho tới những người chưa từng tiếp xúc với máy tính đều có thể nhanh chóng làm quen với cái iPhone họ cầm trên tay. Trong khi các hãng Android luôn cố gắng nhét thật nhiều tính năng cao cấp vào thiết bị của họ thì Apple vẫn trung thành với phong cách đơn giản, dễ xài, và chỉ đưa vào những thứ cần thiết nhất.

Ứng dụng camera đi kèm là một ví dụ dễ thấy nhất, hiện tại chỉ có app camera của Google và iPhone là dễ dùng với người dùng phổ thông, các máy khác đều phức tạp hóa vấn đề và không phải là thứ dành cho đại bộ phận khách hàng. App nào cũng có khả năng đưa lên chụp rồi xem lại ảnh, nhưng cách làm giao diện, cách để chữ và nút cho đến cách lựa chọn tiếng click lúc nhấn chụp thì Google và Apple làm tốt hơn hẳn.

iPhone_7_Plus_van_la_dien_thoai_tot.jpg

Xét về thiết kế, đồng ý iPhone 7 đang sử dụng lại thứ đã có từ năm 2014 nhưng vẫn phải thừa nhận rằng đây là một thiết kế tốt. Ngoài ra, với anh em Tinh tế chúng ta iPhone 7 trông nhàm chán, nhưng với đa phần những người khác thì đây vẫn là một sản phẩm mới hoàn toàn và họ thậm chí còn chẳng để tâm tới chuyện nó giống thế hệ trước ở những điểm nào. Hãy nhớ rằng anh em thích vọc như chúng ta không nhiều, phần còn lại thế giới là những người dùng phổ thông, họ chỉ quan tâm một cái máy có đẹp, có ngon hay không chứ chẳng màn tới lịch sử dụng phát triển của nó là gì.

Ngay cả Google khi được hỏi là họ cảm thấy như thế nào khi chiếc Pixel và Pixel XL trông quá giống iPhone, họ chỉ bình thản trả lời rằng họ muốn tạo ra một sản phẩm quen thuộc với khách hàng, việc giống nhau đó không phải là vấn đề lớn và họ cũng chẳng quan tâm mấy tới những lời chê bai về sự giống nhau. Miễn là người dùng cảm thấy thích là được. Thật ra cũng có khá niều máy làm theo kiểu của iPhone, tuy không giống hoàn toàn nhưng chúng ta vẫn có thể nhìn ra sự tương đồng phảng phất đâu đó. Mức độ hoàn thiện sản phẩm của Apple cũng nằm ở vị trí mà rất ít hãng có thể sánh bằng. Chẳng phải tự nhiên mà nhiều đối thủ khi ra mắt thiết bị mới đều đem iPhone ra so sánh và nói với người dùng rằng món đồ mới của họ hơn gì so với iPhone.

iPhone tạo ra xu hướng và cải tiến cái sẵn có

iPhone cũng là chiếc điện thoại tạo ra xu hướng, thứ mà ngay cả Samsung cũng không thể làm được tốt như cách của Apple. Ví dụ, iPhone 5s là một trong những chiếc điện thoại hiếm hoi có cảm biến vân tay vào năm 2013, sau này cảm biến vân tay gần như là tính năng mặc định phải có trên một cái smartphone từ trung đến cao cấp. iPhone 5s dùng chip 64-bit trong khi cả thị trường di động vẫn đang say mê với SoC 32-bit, và bây giờ không một smartphone Android cao cấp nào là không dùng kiến trúc 64-bit. Với khả năng tạo ra xu hướng như vậy, không ngạc nhiên khi các hãng luôn nhìn vào iPhone để làm sản phẩm và luôn cố gắng tạo ra thứ tốt hơn iPhone về một mặt nào đó.

Samsung cũng từng tạo được xu hướng màn hình to, bắt đầu với chiếc Galaxy Note 1 ra đời năm 2010, sau này điện thoại đều sử dụng màn hình to cả. Người ta cũng tiếp nhận điện thoại màn hình to tốt hơn hẳn so với thời mà dòng máy này mới bắt đầu xuất hiện. Đây có lẽ là đóng góp quan trọng nhất của Samsung cho sự phát triển của ngành smartphone, và nó cũng góp phần thay đổi chiến lược của Apple sang làm điện thoại màn hình to 4,7″ và 5,5″.

Apple không chỉ đi tiên phong trong cái mới mà họ còn cải tiến những cái sẵn có, đúng như câu nói “Bạn không cần là người đầu tiên, nhưng bạn phải là người làm tốt nhất”. Những tính năng đôi khi xuất hiện từ 10 năm trước và đã biến mất bỗng nhiên xuất hiện trở lại trên iPhone. Nói đâu xa, nhìn vào camera của iPhone 7 Plus là thấy. Camera kép đâu phải mới, nhưng Apple đã khéo léo kết hợp 1 ống góc rộng và 1 ống tele để cho ra hiệu quả xóa phông tốt kèm khả năng zoom ảnh. Trong khi đó, LG hay Huawei tuy đã làm smartphone camera kép từ lâu nhưng mức độ tiếp nhận kém hơn hẳn so với iPhone 7 Plus. Cảm biến vân tay cũng chẳng phải là ngoại lệ, có điều Apple đã cải tiến nó thành một thứ nhanh hơn, nhạy hơn so với cảm biến quét của nhiều năm trước.

Ngoài các khía cạnh kĩ thuật, không thể phủ nhận Apple đã làm quá tốt khâu quảng bá và nâng cao nhận thức của người dùng về iPhone. Bạn hỏi về LG G-Series, bạn hỏi về HTC One, bạn hỏi về Google Pixel sẽ không có nhiều người biết, trong khi nếu bạn hỏi iPhone thì gần như ai cũng nhận ra nó là gì và ngay lập tức hình ảnh của một cái iPhone hiện ra trong đầu họ. Khâu làm thương hiệu của Apple quá tốt và hiện tại chỉ có Samsung Galaxy là có thể so sánh được với iPhone mà thôi, các hãng khác đều bị khuyết đi trong suy nghĩ của khách hàng trừ khi họ đã mua một cái máy của hãng đó.

Đây cũng là một lợi thế mà Apple đã luôn tận dụng tốt để bán hàng. Những bậc thầy marketing và quảng cáo ở Apple tìm được cách để giữ chân người dùng hết năm này tới năm khác, khéo léo lấy tiền từ túi khách hàng mà vẫn khiến họ vui sướng. Không phải công ty nào cũng có khả năng và tiềm lực để làm được điều đó, và chuyện này cũng đóng góp không nhỏ cho sự thành công của iPhone.

iPhone còn được sử dụng như là một cách benchmark về doanh thu. Dù đã sụt giảm trong các quý gần đây nhưng trong Q4/2016, Apple vẫn bán được 45,1 triệu chiếc iPhone, mang về cho công ty số tiền 28 tỉ USD. Chỉ riêng khoản này đã cao hơn tổng số tiền kiếm được của nhiều hãng điện thoại khác rồi. Vì giá cao nên biên độ lợi nhuận của iPhone cũng cao không kém khiến các hãng điện thoại Android phải thèm thuồng trong bối cảnh họ đang phải cạnh tranh khốc liệt về giá với các nhà OEM Android khác. Apple cũng đã bán được tổng cộng 1 tỉ chiếc iPhone tính đến tháng 6 năm ngoái, một con số lớn khủng khiếp và là giấc mơ với các đối thủ như LG, HTC, Sony (Samsung bán được nhiều hơn nhưng không có số cụ thể của Galaxy S và Note nên chúng ta chưa so trực tiếp được).

10 năm trôi qua, nhiều thứ đã thay đổi. Nokia đã thất bại, BlackBerry buộc phải chia tay phần cứng trong khi đây là hai trong số những tay chơi dữ dằn nhất ở thời iPhone mới xuất hiện. Những chiếc “iPhone Killer” không thể hoàn thành sự mạng của mình mà ngược lại còn bị iPhone giết chết. Sự chậm trễ trong thay đổi tính năng và thiết kế, cách tiếp cận người dùng chưa tốt, tính dễ dùng chưa được đề cao là những yếu tố khiến các hãng thường thất bại khi cạnh tranh với iPhone. Trong khi đó, iPhone đưa Apple trở thành công ty có giá trị cao nhất thế giới, là một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới, và điều đó dường như sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới đây chứ chưa sớm phai tàn.

Cuộc chiến bây giờ gần như là cuộc đấu tay đôi giữa Samsung với Apple mà thôi, những cái tên như Sony, LG, HTC đang bị đẩy vào thế yếu, trong khi các hãng Trung Quốc như Huawei, Lenovo thì đang lên. Dù gì đi nữa, iPhone vẫn là một thứ dùng để benchmark cho smartphone.

 ( Nguồn: Tinhte.vn)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *