Nhiếp ảnh phong cảnh trừu tượng (abstract landscape photography) mang đến cơ hội độc đáo để khám phá thế giới xung quanh chúng ta theo một cách thức hoàn toàn khác biệt. Bằng việc tập trung vào các họa tiết, hình dáng và chất liệu, chúng ta có thể khám phá ra những thế giới chưa từng được nhìn thấy thậm chí ở những nơi tầm thường nhất.
Mặc dù phong cách nhiếp ảnh này trông có vẻ phức tạp, nhưng mình sẽ chia nhỏ sáu mẹo đã giúp mình trong hành trình chụp ảnh trừu tượng của mình.
Nội dung
Mẹo 1: Quan sát xung quanh
Tuy có vẻ là một mẹo đơn giản, nhưng nó thường bị các nhiếp ảnh gia bỏ qua khi khám phá các địa điểm mới. Thay vì chỉ tập trung vào khung cảnh rộng lớn hoặc các đối tượng nổi bật ở đằng xa, hãy dành một chút thời gian để quan sát xung quanh bạn. Bạn sẽ ngạc nhiên khi tìm thấy các hình mẫu và kết cấu trừu tượng hấp dẫn ở những nơi không ngờ tới nhất, thậm chí ngay dưới chân bạn.
Hãy chú ý đến môi trường xung quanh bạn và đừng ngại tiến sát mặt đất để chụp những chi tiết phức tạp, chỉ cần chú ý nơi bạn bước đi. Ví dụ, mình có thể chụp được những mô hình cát tuyệt đẹp được tạo ra bởi dòng thủy triều lên xuống tự nhiên.
Mẹo 2: Dàn phẳng mặt phẳng tiêu điểm của bạn
Để nhấn mạnh các mẫu, hình dạng và kết cấu trong ảnh của bạn, hãy thử tạo giao diện 2D cho cảnh chụp. Kỹ thuật này giúp đơn giản bố cục và mang lại cho hình ảnh của bạn một cảm giác trừu tượng. Một cách để đạt được hiệu ứng này là chụp thẳng xuống bằng ống kính góc rộng hoặc tầm trung.
Ngoài ra, nếu đối tượng của bạn là một vật thẳng đứng chẳng hạn như cái cây hoặc bức tường đá, hãy cố gắng giữ máy ảnh của bạn song song với nó. Cách tiếp cận này cho phép bạn chụp ảnh lấy nét hoàn hảo ở F16 mà không cần sử dụng kỹ thuật focus stacking (lấy nét chồng, xếp chồng tiêu điểm). Tuy nhiên, nếu mặt đất hoặc tường không hoàn toàn bằng phẳng, bạn sẽ cần sử dụng focus stacking để đảm bảo bức ảnh được lấy nét toàn diện từ trên xuống dưới.
Luôn chụp nhiều khung hình ở các tiêu điểm khác nhau để đảm bảo bạn có nhiều tùy chọn đầu ra. Ngay cả khi bạn không cần thêm ảnh, bạn sẽ luôn có lợi khi có sẵn các bức ảnh phụ trợ trong trường hợp sau này bạn cần nâng cao tiêu điểm của cảnh từ trên xuống dưới.
Mẹo 3: Dung hòa với điều kiện làm việc của bạn thay vì cố chống lại nó
Vẻ đẹp của chụp ảnh phong cảnh trừu tượng là bạn có thể chụp được những bức ảnh tuyệt đẹp trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào. Tất cả phụ thuộc vào chủ thể và những gì bạn muốn làm nổi bật.
Ví dụ, khi chụp ở bãi biển, mình bắt đầu với ánh sáng khuếch tán tuyệt đẹp mang lại cho phong cảnh vẻ mềm mại. Đột nhiên, mặt trời xuyên qua những đám mây và tạo ra ánh sáng vàng lạ thường. Thế là mình quyết định chụp cả hai và so sánh hai bức ảnh.
Nếu bạn đang chụp vào một ngày nắng đẹp và muốn tránh bóng râm gắt, thì hãy tìm những cảnh trong bóng râm hoặc tạo bóng râm của riêng bạn bằng một tấm phản quang hoặc thậm chí là chính bạn. Lấy ví dụ với mình đi, mình từng chụp gạch bùn ở sa mạc, lấy nét vào một mảng nhỏ và sử dụng bóng của mình để tán sáng. Bất ngờ là bức ảnh ra khá tốt.
Ngay cả khi bạn đang ở trên bờ biển và nghĩ một ngày trong xanh sẽ không phù hợp với ánh sáng gắt, thì các chi tiết phản chiếu trên cát và nước có thể tạo ra những kết quả đầy mê hoặc. Vì vậy, đừng để thời tiết cản trở bạn chụp được những bức ảnh đẹp. Nếu đủ quyết tâm, bạn sẽ luôn tìm thấy thứ gì đó thú vị để chụp.
Mẹo 4: Thử sử dụng kính lọc phân cực
Sức mạnh biến đổi của kính phân cực trên một cảnh thực sự đáng kinh ngạc. Nó có thể thay đổi hoàn toàn cách hình ảnh phản chiếu xuất hiện, mang đến một góc nhìn hoàn toàn mới. Hãy xem hai bức ảnh trừu tượng này đặt cạnh nhau, một bức sử dụng kính phân cực và bức còn lại không dùng.
Bạn có thể thấy sự khác biệt rõ rệt mà nó tạo ra. Nếu bạn chuẩn bị chụp ảnh trên bờ biển hoặc trong rừng, hãy đảm bảo mang theo kính phân cực trong túi và thử nghiệm với nó. Bạn không bao giờ biết mình có thể chụp được những loại hình ảnh đẹp nào.
Mẹo 5: Tạo ra câu chuyện
Tạo ra những bức ảnh trừu tượng tuyệt vời là tập trung vào các hình dáng và họa tiết, tìm kiếm sự lặp lại trong tự nhiên và các mẫu màu thú vị. Đôi khi, việc này có cảm giác hơi quá trừu tượng (thứ cho mình chơi chữ ở đây). Nhưng đừng ngại! Một kỹ thuật có thể giúp bạn tạo tác phẩm trừu tượng thú vị là kể những câu chuyện thực tế thông qua hình ảnh của bạn, nghĩ về các hình dạng như một thứ gì đó hoàn toàn khác với bản chất của chúng. Ví dụ, trong các bức ảnh bên dưới, mình không chỉ nhìn thấy các mẫu cát hoặc bùn mà còn nhìn thấy khuôn mặt của các sinh vật, phối cảnh trên không của cồn cát và thậm chí cả động vật hoang dã.
Điều này không chỉ mang lại nhiều ngữ cảnh hơn cho bức ảnh thay vì chỉ nói, “Nhìn kìa, có vài hình dạng và màu sắc”, mà còn làm cho việc săn lùng những bức ảnh này trở nên thú vị hơn. Vì vậy, lần tới khi bạn muốn chụp ảnh trừu tượng, hãy thử kỹ thuật này và xem bạn có thể tạo ra những câu chuyện thú vị nào.
Mẹo 6: Chụp những gì bạn thích
Đừng cảm thấy là bạn cần phải đến những địa điểm đầy cảm hứng nhất để tạo ra những bức ảnh trừu tượng đẹp. Bạn có thể tìm thấy vẻ đẹp và sự hấp dẫn trong thế giới hàng ngày xung quanh mình. Điều quan trọng là hãy vui vẻ và tập trung vào việc chụp những thứ khơi gợi sự quan tâm của bạn. Khi bạn tìm kiếm các hình mẫu và kiểu dáng, hãy tự hỏi bản thân, “Mình có thích cái này không?”
Nếu câu trả lời là có, thì hãy hỏi tiếp, tại sao bạn lại cảm thấy như vậy. Khi bạn chụp xong, hãy dành thời gian để chỉnh sửa cẩn thận bất kỳ yếu tố nào làm giảm đi sự thú vị trong bức ảnh của bạn. Điều này có thể có nghĩa là cắt bớt không gian trống, loại bỏ các đối tượng gây mất tập trung ở rìa hình hoặc điều chỉnh bố cục để loại bỏ các đường hội tụ. Nên nhớ, mục tiêu là tạo ra một bố cục hấp dẫn và “đưa mắt” người xem.
Chụp ảnh phong cảnh trừu tượng là một cách tuyệt vời để khám phá thế giới xung quanh chúng ta theo cách thức hoàn toàn khác. Bằng cách tập trung vào các mẫu, hình dạng và kết cấu, chúng ta có thể khám phá những thế giới vô hình ở cả những nơi tầm thường nhất. Hy vọng sáu lời khuyên này của mình sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình chụp ảnh phong cảnh trừu tượng.
Đôi nét về tác giả: Michael Shainblum là nhiếp ảnh gia kiêm nhà làm phim và nhà giáo dục hoạt động tại San Francisco, California. Anh đã làm việc chuyên nghiệp với tư cách là một nhiếp ảnh gia và nhà làm phim trong 17 năm kể từ khi 16 tuổi. Anh từng được ủy thác bởi các khách hàng lớn như Disney, Nike, Samsung, Apple, Google. Anh cũng thường chia sẻ kiến thức qua Youtube, Instagram và các hội thảo.
Theo Michael Shainblum @ PetaPixel