Home > Thủ Thuật > 9 bí kíp bạn cần biết trước khi đi chụp photo walk để có được những bức ảnh ấn tượng
Thủ ThuậtThủ Thuật Máy ảnhTin TứcTin Tức Máy Ảnh

9 bí kíp bạn cần biết trước khi đi chụp photo walk để có được những bức ảnh ấn tượng

ezgif-2-156e4151cc

Bất kể bạn là người mới bắt đầu chụp ảnh hay là dân chuyên nghiệp, việc tham gia một chuyến photo walk sẽ truyền cảm hứng để bạn ra ngoài dạo vài vòng và chụp nhiều ảnh hơn.

Photo walk về cơ bản là những chuyến đi bộ kết hợp chụp ảnh của các nhiếp ảnh gia. Đây không những là dịp giao lưu hoàn hảo giữa những người anh em có chung đam mê về nhiếp ảnh, mà còn là cơ hội để người chụp trau dồi kỹ năng, tìm kiếm ý tưởng mới và trải nghiệm các địa điểm khác nhau thông qua ống kính máy ảnh.

Photo walk không khó thực hiện, nhưng dĩ nhiên chuyến đi nào cũng cần sự chuẩn bị bởi bạn sẽ luôn muốn mọi thứ diễn ra suôn sẻ hết mức có thể. Nếu bạn đang định rời khỏi nhà và đi dạo chụp hình lúc này, hãy bỏ túi ngay 9 bí kíp chuẩn bị cần biết dưới đây để buổi photo walk của bạn được khai thác hiệu quả nhất và giúp bạn thu về những bức ảnh ấn tượng.

01. Chủ động tìm hiểu về địa điểm tác nghiệp

Trước khi đi chụp, hãy tìm nhiều thông tin nhất có thể về nơi bạn sẽ đến chụp, ví dụ như về nguồn gốc, các hoạt động tại chỗ, những điểm đến nổi tiếng trên suốt cung đường hay bất kỳ điểm hấp dẫn nào khác mà bạn sẽ muốn chụp ảnh.

Ảnh: Pedro Carballo
Ảnh: Pedro Carballo

Một trong những cách hữu dụng nhất để khai tác tối đa buổi photo walk là tìm kiếm hình ảnh về địa điểm chụp, quan sát ảnh người khác chụp rồi học hỏi từ đó. Chủ thể nào thường được chụp nhất? Chủ thể đó được chụp như thế nào? Bạn có muốn chụp tương tự không, hay bạn muốn trải nghiệm kiểu chụp khác? Khi bạn có tính toán và hình dung trước về ảnh chụp, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn khi bước vào buổi photo walk.

Bạn cũng cần tìm hiểu quy định ở địa điểm chụp. Mỗi nơi chốn sẽ có những điều được phép làm hoặc không. Bạn sẽ muốn nắm được những quy định này để tránh gặp rắc rối và ảnh hưởng đến trải nghiệm photo walk của bạn.

Ngoài ra, hãy nhớ quan sát và cư xử lịch sự. Khi bạn thể hiện bản thân là một nhiếp ảnh gia có phép tắc ở bất kỳ nơi nào bạn đến và bất cứ người nào bạn gặp, việc chụp ảnh sẽ thuận lợi hơn.

02. Chỉ mang những gì bạn cần

Một buổi photo walk có thể kéo dài vài tiếng nên bạn sẽ muốn gói đồ càng nhẹ càng tốt. Bạn chỉ nên mang theo những gì thực sự cần thiết để chụp ảnh, đừng cố nhét đầy ba lô của bạn. Một máy ảnh và một ống kính là đủ. Bạn nên biết, kể cả Henri Cartier-Bresson, một trong những nhiếp ảnh gia xuất sắc nhất còn sống, cũng chụp ra số ảnh đẹp nhất trong sự nghiệp của ông chỉ bằng một con máy Leica và một ống kính 50mm. Bạn có thể luyện tập bản thân theo cách tương tự.

Ảnh: Mia Domenico
Ảnh: Mia Domenico

Ngoài máy ảnh và ống kính, những món cần thiết khác gồm:

Pin dự phòng

Chụp ảnh nhiều tiếng liền sẽ bòn rút pin, vậy nên hãy mang theo pin dự phòng để bạn có thể chụp nhiều, thậm chí là chụp cả ngày.

Kính lọc ND và Polarizing

Đối với chụp phong cảnh hay tòa nhà, chụp với kính lọc ND và polarizing sẽ tạo nên sự khác biệt rất lớn về chất lượng ảnh của bạn.

Ảnh: Marco Antonio Reyes
Ảnh: Marco Antonio Reyes

Kính lọc ND hay neutral density (độ đen trung tính) sẽ hạn chế lượng ánh sáng tiến vào máy ảnh. Loại kính lọc này giúp kéo chi tiết tốt trong những tình huống mà ảnh của bạn dễ bị phơi dư sáng.

Ảnh: Ben Blennerhassett
Ảnh: Ben Blennerhassett

Ngược lại, kính lọc polarizing (phân cực) giúp tăng độ tương phản trong ảnh và loại bỏ các loại phản quang hoặc chói sáng không tốt do cửa sổ, các bề mặt bóng sáng gây ra. Loại kính lọc này cũng hỗ trợ làm tối bầu trời hoặc làm cây cỏ trông tươi tắn hơn.

Khăn lau ống kính

Do chụp ngoài trời nên ống kính máy ảnh của bạn sẽ dễ bị bám bụi bẩn, chuẩn bị sẵn một chiếc khăn lau ống kính sẽ giúp bạn lau lại ống kính tiện lợi và an toàn.

03. Chỉ sử dụng ống kính phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng của bạn

Photo by Lukasz Cwojdzinski
Ảnh: Lukasz Cwojdzinski

Chụp đường phố đồng nghĩa bạn cần chuẩn bị tâm thế để luôn có thể bắt kịp bất kỳ khoảnh khắc chớp nhoáng nào, nhưng việc dừng lại thay đổi ống kính sẽ khiến bạn bỏ lỡ không ít khoảnh khắc hiếm có. Hãy sử dụng một ống kính duy nhất trong suốt buổi photo walk để bạn có thể chụp ảnh liên tục mà không cần lốc cốc thay đổi và chụp hụt khoảnh khắc. Vậy bạn nên dùng ống kính nào? Câu hỏi này gây ra không ít tranh cãi giữa các nhiếp ảnh gia, nhưng xét cho cùng, đây chỉ là vấn đề về sở thích cá nhân mà thôi.

Ống kính zoom

Nếu muốn tiện lợi và linh hoạt, một ống kính zoom sẽ thích hợp với nhu cầu chụp của bạn. Một ống kính zoom tương đương nhiều ống kính gộp lại, cho phép bạn chụp từ góc rộng cho tới cận cảnh mà không cần thay đổi ống kính. Tuy nhiên hầu hết ống zoom có khẩu độ hẹp hơn so với ống kính một tiêu cự, đồng nghĩa ống zoom chụp thiếu sáng không tốt bằng và không đảm bảo chất lượng hình ảnh bằng ống một tiêu cự.

Ảnh: Redd Angelo
Ảnh: Redd Angelo

Ống kính một tiêu cự

Nếu bạn muốn càng đơn giản càng tốt để chụp luôn thì ống kính một tiêu cự (prime) sẽ là đáp án của bạn. Các ống kính một tiêu cự nói chung đều có khẩu độ rộng cho phép nhiều ánh sáng vào hơn và cho chất lượng hình ảnh tốt hơn. Tuy nhiên do ống một tiêu cự không zoom được nên nó sẽ không thích hợp với những ai muốn linh hoạt giữa chụp từ xa và chụp gần mà không cần đích thân tiến gần tới đối tượng để chụp ảnh.

Vấn đề không nằm ở loại ống kính nào tốt hơn loại ống kính nào, mà tùy vào lựa chọn cá nhân của bạn. Hãy cân nhắc ưu – nhược điểm của mỗi loại và chọn ống kính dựa theo nhu cầu chụp của bạn.

04. Cài đặt trước cho máy ảnh

Photo by Kristian Karlsson
Ảnh: Kristian Karlsson

Burst Mode

Có hàng tá thứ có thể xảy ra trong suốt buổi photo walk. Hãy giữ sát máy ảnh bên người để bạn luôn có thể bấm chụp ngay khi bắt gặp khoảnh khắc. Như vậy trước khi chụp, bạn cần thiết lập máy ảnh trước vào chế độ chụp liên tiếp, nó sẽ cho phép bạn chụp ảnh theo chuỗi liên tục, đảm bảo bạn không bỏ sót khoảnh khắc nào kể cả khi chính bạn còn bỏ lỡ.

Auto Mode

Nếu bạn vẫn đang làm quen với máy ảnh, đứng ngại để chế độ tự động. Khi bạn không biết chắc nên dùng thiết lập nào trong những tình huống khó, việc chuyển sang chế độ tự động sẽ cho phép bạn chụp nhanh mà không cần chỉnh gì trên máy. Tất cả những gì bạn cần làm là nhấn nút bấm màn trập và máy ảnh sẽ làm nốt phần việc còn lại. Dĩ nhiên điều này không đồng nghĩa bạn có thể phụ thuộc vào chế độ tự động mãi. Hãy học cách dùng chế độ thủ công Manual để giúp mở khóa các tính năng mở rộngcủa máy ảnh.

Zone Focus

Nếu bạn bắt đầu có nhiều kinh nghiệm hơn thì học cách dùng tính năng lấy nét vùng sẽ giúp bạn chụp ảnh nhanh hơn. Được dùng chủ yếu bởi các nhiếp ảnh gia đường phố, lấy nét vùng là kỹ thuật cần tập trung máy ảnh bằng tay trước để thiết lập khoảng cách.

Lấy nét vùng cần luyện tập nhiều nhưng kỹ thuật này rất hữu dụng khi ống kính cần chỉnh nhanh mà không phụ thuộc vào tính năng lấy nét tự động. Vì lý do này mà nó được sử dụng rất rộng rãi bởi nhiều nhiếp ảnh gia chụp thú cưng và nhiếp ảnh gia chụp đường phố, là những người rất cần khả năng lấy nét nhanh chóng khi chụp hành động.

Ảnh: Adam Wilson
Ảnh: Adam Wilson

Để dùng lấy nét vùng, bạn vặn distance indicator (thường được đánh dấu ở hệ feet hoặc hệ mét) trên vòng lấy nét của ống kính để xác định tiêu cự của những khoảng cách nhất định. Bất kỳ đối tượng nào trong khu vực mà bạn đã thiết lập sẽ đều được tập trung sắc nét.

05. Phán đoán cảnh chụp

Photo by Myles Tan
Photo by Myles Tan

Rất nhiều người mới chụp sợ phải phán đoán cảnh chụp, nhưng bạn không cần là nhà ngoại cảm mới làm chủ được kỹ năng này. Hãy học cách khi nào thì chụp một bức ảnh tương tự cách bạn ghi nhớ ca từ của một bài hát, một khi đã nhớ lời thì bạn chẳng cần nhạc mà hát luôn.

Tham gia một buổi photo walk là cơ hội tuyệt vời để luyện tập cho mắt của bạn khả năng phán đoán một cảnh chụp. Khi đi loanh quanh, bạn đồng thời quan sát mọi thứ đang xảy ra quanh, hãy chọn một nơi có nhiều hoạt động diễn ra, chờ đợi và luyện tập đưa ra phán đoán của bạn.

Ảnh: Craig Whitehead
Ảnh: Craig Whitehead

Bạn có thể không tin nhưng việc phán đoán chuyển động của con người là khá dễ dàng. Ví dụ bạn biết ngay khi đèn xanh sáng thì người đi bộ sẽ băng qua đường. Việc phán đoán này cho bạn cơ hội chụp đúng khoảnh khắc bạn muốn. Nếu bạn chụp lỡ, bạn vẫn có thể đợi đợt đèn xanh tiếp theo để tình huống tương tự trở lại và chụp lại.

Khi bạn bắt nhịp được nơi bạn đang định chụp, bạn sẽ nhanh chóng nắm được nơi nào và khi nào thì phù hợp nhất để chụp ảnh ở địa điểm đó. Bí kíp ở đây là hãy ở yên tại nơi bạn đã dự đoán được hành động xảy ra kế tiếp, chuẩn bị máy ảnh sẵn sàng và kiên nhẫn chờ thời điểm thích hợp để bấm máy.

06. Chụp từ các góc độ khác nhau

Photo by Sonja Guina
Ảnh: Sonja Guina

Chụp ảnh từ tầm mắt đã quen thuộc quá rồi, vậy nên hãy thử thay đổi bố cục và thử nghiệm với nhiều góc rộng mới lạ khác. Bạn có thể chụp từ nhiều góc nhìn khác nhau để không chỉ làm thư viện ảnh của bạn trông đa dạng hơn mà còn để thay đổi cảm xúc cho ảnh của bạn. Khi đi photo walk, hãy thử căn nhièu khung hình chụp khác nhau để xem bạn sẽ chụp được gì mỗi lần bấm máy.

Ảnh: Opsa
Ảnh: Opsa

Chụp một tòa nhà ở góc rộng là một cách thể hiện kích thước của nó cũng như cách nó giao lưu với các đối tượng xung quanh nó, từ đây ảnh được thiết lập cảm xúc. Ảnh minh họa trên đây chụp giáo đường Thánh Basil không chỉ cho thấy sự to lớn của nó, mà việc thêm bầu trời xanh ở hậu cảnh tạo cảm giác tòa nhà này như một lâu đài cổ tích.

Ảnh: Falco
Ảnh: Falco

Chụp cận cảnh để lấy các chi tiết mà thường chụp góc rộng sẽ bỏ sót. Ảnh trên chụp cận cảnh giáo đường Thánh Basil cho thấy rõ các họa tiết 3 chiều hơn ảnh góc rộng ở trên.

Ảnh: Jacob Rank
Ảnh: Jacob Rank

Chụp góc cao hơn hoặc thấp hơn sẽ khiến ảnh của bạn trông thú vị, bố cục này đem đến cho người xem trải nghiệm các phối cảnh khác mà họ không thường thấy. Bạn có cúi xuống chụp giày hoặc đưa máy lên cao để tạo cho người xem cảm giác như bức ảnh được chụp từ tầm mắt chim.

Ảnh: Verne Ho
Ảnh: Verne Ho

Ảnh trên là một minh họa về chụp góc cao tốt, tận dụng cầu thang cuốn để tạo cảm giác kích thước và chiều sâu không gian cho bức ảnh. Từ góc này, các đường dẫn tự nhiên hướng mắt người xem trực tiếp vào đối tượng chính.

07. Chụp bất kỳ thứ gì lọt vào mắt xanh của bạn

Photo by Clem Onojeghuo
Ảnh: Clem Onojeghuo

Đi photo walk cũng là một cách để bạn khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của những địa điểm khác nhau qua góc nhìn của một nhiếp ảnh gia.

Ảnh: Mervyn Chan
Ảnh: Mervyn Chan

Nhìn ra xung quanh bạn và khám phá các họa tiết khác nhau, hậu cảnh màu sắc và cả tính đối xứng, bạn sẽ tự nhiên bị thu hút và muốn chụp lại những chi tiết này một khi bạn nhìn ra chúng.

Mắt chúng ta thường tự động bị hấp dẫn bởi cả những thứ nằm trong và ngoài trật tự. Đây là lý do vì sao ta luôn phát hiện ra nếu khung hình không thẳng. Bạn có thể sử dụng kiến thức này để thu hút sự chú ý của người xem vào bức ảnh của bạn, nhưng dĩ nhiên vẫn nên cân đối trong bố cục hợp lý nhé.

Ảnh: Flo Karr
Ảnh: Flo Karr

Cố gắng tìm nguồn sáng phù hợp nhất, mặc dù điều này không phải lúc nào cũng khả thi. Nguồn chiếu sáng tốt nhất sẽ giúp bức ảnh trông sống động hơn. Các nhiếp ảnh gia thì thường đợi “giờ vàng”: đây là khoảng thời gian ngắn ngủi (tầm 30 phút – 1 tiếng) sau hoàng hôn hoặc trước bình minh khi ánh nắng mặt trời đổ xuống một màu cam dịu mắt. Nhưng nếu buổi photo walk của bạn không bắt đầu lúc sáng sớm hay chiều muộn vào khung giờ vàng thì không sao, bạn vẫn có thể tìm kiếm các nguồn sáng thay thế như đèn màu nhân tạo, ánh sáng môi trường qua cửa sổ hay bất kỳ nguồn sáng nào giúp thay đổi tâm trạng cho bức ảnh.

08. Đừng ngại chụp một mình

Ảnh: Kanenori
Ảnh: Kanenori

Đôi khi vấn đề nằm ở nhóm đông nhiếp ảnh gia. Photo walk thỉnh thoảng bổ sung khía cạnh xã hội vào nhiếp ảnh, nhưng đa phần nó vẫn là cuộc dạo chơi của một người. Đừng ngại tách đoàn một chút nếu bạn nghĩ bạn có thể chụp tốt hơn nếu ở một mình.

Một vấn đề khác khi chụp photo walk là do nhiều người cùng đi với nhau cùng lúc, bạn sợ sẽ chụp trùng với nhiều người khác. Để tránh tình huống oái oăm này, bạn nên quan sát xung quanh và tìm kiếm những đối tượng mà các nhiếp ảnh gia khác chưa chú ý tới hoặc vận dụng nhiều góc độ, khoảng cách chụp khác nhau. Như vậy bạn sẽ chụp được nhiều bức ảnh nguyên bản hơn cho dù có đi thành đoàn đi nữa.

Ảnh: Shelby White
Ảnh: Shelby White

Một phương pháp tuyệt vời để chụp ảnh nguyên bản trong buổi photo walk là bước lùi lại một chút và ngẫm lại về ảnh của bạn. Quan sát những thứ được chụp bởi những đồng nghiệp khác và tìm cho bạn phương hướng chụp riêng. Thử nghiệm nhiều điểm nhìn và khung hình độc đáo. Phong cách nhiếp ảnh đậm cá tính của bạn sẽ tạo nên sự khác biệt và khiến ảnh của bạn thú vị.

09. Học hỏi từ các nhiếp ảnh gia khác

Photo walk là dịp để giao lưu với các nhiếp ảnh gia khác. Đa số người đi chụp photo walk thường không chỉ dùng máy ảnh của họ mà thường còn học hỏi từ những người khác. Bạn có thể chia sẻ tác phẩm của bạn với các anh em đồng nghiệp khác và trao đổi ý kiến với họ, đừng chỉ chia sẻ cho bạn bè để nghe khen đẹp mà không có lý do lý giải. Bạn cần những người có chuyên môn hiểu được vì sao bạn chụp được kiểu ảnh như vậy mà người khác thì không.

Ảnh: Stefan Schweihofer
Ảnh: Stefan Schweihofer

Đổi lại cũng sẽ có người khác hỏi ý kiến của bạn về ảnh của họ chụp. Bạn có thể trả lời thẳng thắn nhưng hãy lịch sự. Nếu bạn không thích ảnh họ chụp, bạn có thể nói cho họ biết dưới quan điểm của bạn kèm theo những gợi ý tích cực để họ cải thiện bức ảnh, đừng vô cớ nói lời cay đắng.

Điều cuối cùng cần nhớ khi đi chụp photo walk là phải vui. Photo walk không phải là một cuộc thi đua mà nó như một chuyến ngoại khóa nhiếp ảnh có tính tương tác. Hãy thả lỏng đầu óc và tận hưởng buổi chụp, chia sẻ tác phẩm và kỷ niệm. Rất nhiều nhiếp ảnh gia kết bạn mới nhờ những chuyến photo walk, đây cũng là dịp mọi người được khích lệ sáng tạo ra những bức ảnh ấn tượng. Thử photo walk, bạn sẽ cảm thấy góc nhìn về nhiếp ảnh của bạn được đổi mới.

Theo Chad Verzosa