Là một phong cách chụp ảnh phổ biến trên các blog ẩm thực, Instagram và kể cả sách dạy nấu ăn, Chiaroscuro còn thường được được gọi là phong cách chụp tối, vì nhiều bức ảnh áp dụng phong cách này đều khắc họa các mảng tối mạnh và mang cảm giác ảm đạm, có chất kịch. Tuy nhiên, yếu tố đặc trưng nhất của phong cách này chính là sự đan xen khéo léo giữa mảng tối đậm và mảng sáng (trong tiếng Ý, chiar có nghĩa là ánh sáng, oscuro có nghĩa là bóng tối), nhằm làm tôn lên đối tượng. Sau đây sẽ là một vài thủ thuật giúp bạn kiểm soát ánh sáng và tạo hình để đạt được những bức ảnh chụp đồ ăn ngon miệng với phong cách Chiaroscuro, cùng nhiếp ảnh gia Reiko Nanto.
Lớp phủ icing trên bánh quy trong ảnh được làm theo chủ đề “Alice ở Xứ sở Thần tiên”, nên tôi quyết định tạo hình hậu tiệc trà trong rừng. Tôi dùng một tấm phản quang màu đen để nhấn mạnh các mảng bóng đổ và phông nền tối, đồng thời đảm bảo vẫn đủ ánh sáng trên các vùng bánh phủ icing màu trắng. Như thế, ảnh sẽ không bị xỉn toàn diện. Để mấy cái bánh không bị bằng quá, tôi áp dụng chiếu sáng một bên và dùng đồ trang trí để dựng chúng lên.
Thủ thuật 1: Kiểm soát cả sáng và tối
Cũng bởi cái tên khác của Chiaroscuro là “phong cách chụp tối”, mà nhiều người thường hiểu sai là phong cách này chỉ chụp toàn tối. Tuy nhiên, chỉ đơn giản chụp thiếu sáng một bức ảnh để làm nổi bật mảng tối không phải là cách chụp Chiaroscuro thành công. Đừng quên, “chiaroscuro” có nghĩa là “sáng-tối”, đồng nghĩa là ảnh của bạn còn cần cả ánh sáng ở những vùng nhất định. Vẻ đẹp của ảnh Chiaroscuro nằm ở khả năng sử dụng linh hoạt sự tương phản giữa các mảng sáng và các mảng tối.
Các tiểu tiết cũng quan trọng không kém. Hãy đảm bảo là ánh sáng đủ dịu để làm nổi khối đối tượng, và chuyển tiếp giữa các vùng sáng và tối phải đổ mượt và từ từ. Mấu chốt ở đây là kiểm soát cách ánh sáng đi vào ảnh bằng cách tạo ra đường đi cho chúng, và sử dụng một (hoặc vài) tấm phản quang màu đen theo cách tạo ra đủ bóng trong ảnh để tạo ra cảm giác căng thẳng.
Tôi gợi ý là bạn nên áp dụng chiếu sáng một bên trong phong cách chụp ảnh này, vì góc chiếu sáng cho phép bạn dễ dàng tạo ra sự tương phản mạnh mẽ giữa các vùng sáng và tối. Các màu tối hấp thụ ánh sáng và nhận thêm bóng tối, do đó hãy chọn các món đồ trang trí phông nền hoặc backdrop có màu tối cho ảnh của bạn.
Một bức ảnh thành công
Bức ảnh đơn sắc này ra đời với sự kết hợp hình thức của những chiếc bánh hình nắm tuyết trắng, đĩa đựng và nĩa màu đen trên nền xám. Ánh sáng hắt từ phía hông bên phải vừa đủ để làm nổi khối đối tượng, vừa là tạo nên chuyển tiếp mượt mà giữa vùng sáng và vùng tối, hướng sự chú ý của người xem lên những chiếc bánh nắm tuyết và mặt nền.
Thiết lập ánh sáng
A: Tạo lối vào cho ánh sáng
B: Tạo bóng và vùng chuyển tiếp sáng – tối trên mặt nền
C: Dùng tấm phản sáng màu đen để hấp thụ bớt ánh sáng và đổ thêm bóng
Tôi dùng các tấm phản sáng chặn quanh đối tượng và tạo một lối mở ở phía bên phải để đưa ánh sáng vào bối cảnh. Các tấm phản sáng cũng giúp nhấn mạnh mảng tối của đối tượng. Ánh sáng quá mạnh sẽ tạo nên vùng chuyển tiếp thô, phá hỏng mọi nỗ lực thiết lập, vậy nên hãy làm dịu ánh sáng bằng cách dùng màn ren hoặc một tấm tản sáng.
Yếu tố để tạo hình phong cách chụp ảnh Chiaroscuro nằm ở phông nền
Nền tối màu vs. Nền sáng màu
Khi chụp ảnh theo phong cách Chiaroscuro, hãy chọn thứ gì đó tối màu để làm phông nền. Nền tối màu sẽ đem lại hiệu ứng tương tự tấm phản sáng màu đen, bởi chúng hấp thụ ánh sáng và nhấn mạnh mảng tối như nhau. Ngược lại, nền sáng màu sẽ phản chiếu ánh sáng và làm dịu các mảng tối, mà rõ ràng là đi ngược lại với những gì bạn muốn đạt được với phong cách Chiaroscuro.
Sự khác biệt giữa ảnh Chiaroscuro và ảnh thiếu sáng
Ảnh Chiaroscuro vs. Ảnh thiếu sáng
Trong ảnh Chiaroscuro, bóng tối được cố tình tạo ra sao cho đồ ăn, là đối tượng chính của ảnh, trông sáng hơn về độ tương phản. Bạn sẽ gần như tưởng tượng đồ ăn kêu xèo xèo vì cách tỏa sáng của nó, nhưng hãy để ý những vùng sáng này vẫn được kiểm soát như thế nào để không bị cháy sáng. Trong khi đó, ảnh thiếu sáng chỉ là ảnh có tổng thể tối, hoàn toàn không có độ tương phản giữa vùng sáng và tối.
Thủ thuật 2: Đừng để đồ ăn chờ trong khi bạn dựng bối cảnh! Hãy chuẩn bị trước mọi thứ
Nếu bạn muốn bức ảnh của bạn trông ngon miệng, điều quan trọng nhất là chụp ảnh khi đồ ăn mới mang ra từ bếp. Đồ ăn càng để lâu càng kém ngon, vậy nên hãy đảm bảo bạn chụp món nóng khi nó còn bốc khói, và món lạnh trước khi nó tan chảy. Tóm lại, tốc độ rất quan trọng đối với tất cả các loại chụp ảnh đồ ăn.
Với mọi tinh chỉnh về góc chiếu sáng cần thiết, bạn nên dành ra một lúc trước khi bố trí xong hết. Để đảm bảo đồ ăn tươi mới nhất và ngon nhất có thể, hãy chuẩn bị kỹ trước khi đồ ăn được nấu xong, hoặc thậm chí trước cả khi bạn bắt đầu chuẩn bị đồ ăn. Điều quan trọng là đảm bảo một khi đồ ăn được đưa ra khỏi bếp và đặt lên bàn, buổi chụp diễn ra suôn sẻ nhất có thể.
Khi bạn chuẩn bị bối cảnh, hãy quyết định hậu cảnh, đĩa và đồ dùng, tạo kiểu và ánh sáng. Sau đó, chụp thử vài tấm với đĩa (không đựng đồ ăn) tại vị trí đã chọn. Cố định khoảng cách và góc chụp, độ dài tiêu cự của ống kính, các thiết lập máy ảnh, và kỹ thuật lập bố cục (chẳng hạn như bạn có định sử dụng bố cục quy tắc 1/3 hay không). Lắp máy ảnh lên chân máy sẽ giúp ổn định máy ảnh nếu bạn quyết định thay đổi các thiết lập phơi sáng, khẩu độ hay tiêu điểm trong khi chụp. Khi mọi thứ đã lý tưởng, tất cả những gì bạn cần làm tiếp theo là đặt đồ ăn vào và chụp.
Bất kỳ món gì có hương vị matcha thường được tạo kiểu với những yếu tố Nhật Bản truyền thống. Tuy nhiên ở đây, tôi quyết định sử dụng một phong cách mang tính Tây Phương hơn. Sự kết hợp giữa Đông và Tây tạo ra một hình thức thanh lịch, tinh tế. Để làm nổi bật chi tiết hoa văn của những cây kem và đảm bảo sự chuyển tiếp giữa vùng sáng và tối được mượt mà, đổ từ từ, tôi tinh chỉnh góc chiếu sáng và vị trí của những tấm phản quang màu đen trong khi chụp thử. Tôi chỉ múc kem sau khi đã chuẩn bị xong hết.
Tinh chỉnh hướng ánh sáng và tất cả chi tiết khác trong khi chụp thử
Tôi thực hiện nhiều điều chỉnh nhỏ với vị trí và bố cục của những cây kem, để đảm bảo hình dạng đặc trưng của chúng sẽ tạo thành một chủ đề có thẩm mỹ và hài hòa. Đối với những điều chỉnh như thế, điều tuyệt đối cần thiết là phải cố định máy ảnh bằng chân máy.
Thủ thuật 3: Đồ ăn trông ngon hơn nhiều nếu bạn chụp với độ sáng và lấp lánh vừa phải
Súp và đồ ăn có nước sốt hay nước thịt trông “mọng nước” và ngon miệng hơn nếu bạn chụp các vùng sáng theo cách làm nổi bật độ sáng hoặc làm món ăn trông lóng lánh hơn. Bí quyết nằm ở góc chụp: Chọn kỹ thuật chiếu sáng một bên hoặc ngược sáng một nửa, sau đó chụp từ góc chéo bên trên đối tượng. Tuy nhiên, có một điều quan trọng không kém là phải điều hòa tỉ lệ độ sáng với đồ ăn. Nếu có quá nhiều vùng sáng bóng, đồ ăn sẽ có vẻ dư sáng, còn nếu không đủ sáng, đồ ăn sẽ kém hấp dẫn. Nên duy trì vùng sáng ở không quá 20-30% đồ ăn.
Hãy cố gắng chụp từ các góc khác nhau để chụp lại những vùng sáng như vùng lấp lánh trên bề mặt súp. Làm thử và sửa lỗi sẽ là cần thiết trước khi bạn tìm được vị trí chụp hoàn hảo có độ sáng vừa phải. Cẩn thận không mở khẩu quá nhiều bởi hiệu ứng mất nét quá mạnh sẽ làm mất các chi tiết ở những vùng sáng và chén đĩa. Tôi cũng đề nghị nên sử dụng một độ dài tiêu cự ít nhất là 70mm (tương đương phim 35mm), vì các đặc điểm của ống kính góc rộng ở độ dài tiêu cự ngắn hơn có thể làm méo hình dạng của đĩa và khiến ảnh trông thiếu tự nhiên.
(Theo snapshot.canon-asia)