Sau một khoảng thời gian dài chờ đợi, cuối cùng hai mẫu drone mới nhất Mavic 2 Pro và Mavic 2 Zoom từ nhà sản xuất drone danh tiếng DJI cũng đã ra mắt.
Cả Mavic 2 Pro và Mavic 2 Zoom đều sở hữu nhiều tính năng mới mẻ hấp dẫn với những người đam mê drone. Tuy nhiên việc DJI cùng lúc đưa ra hai chiếc Mavic 2 có thể sẽ khiến nhiều người dùng không tránh khỏi băn khoăn liệu họ nên sắm loại nào. Đây là lần đầu tiên DJI phát hành hai mẫu drone riêng rẽ mà không chỉ rõ sự khác biệt về tính năng giữa chúng.
Mavic 2 Pro hay Mavic 2 Zoom sẽ đều có những lợi thế riêng, chuyên dụng cho các mục đích nhất định hơn. Bài viết này chính là để chỉ rõ những lợi thế và tính năng chuyên dụng của từng chiếc Mavic 2. Qua đó, những ai đang có ý định sắm Mavic 2 mà vẫn còn băn khoăn sẽ dễ dàng đưa ra được lựa chọn cuối cùng của mình.
Nội dung
Cùng bắt đầu với điểm khác biệt lớn nhất: Camera.
Thiết kế: Tròn chọi Vuông
Về cơ bản Mavic 2 Pro và Mavic 2 Zoom khá là dễ nhận diện. Trong khi Mavic 2 Zoom dùng camera tròn, thì Mavic 2 Pro dùng camera vuông.
Mavic 2 Zoom sở hữu thiết kế camera tuyệt vời. Nhỏ nhắn, cân xứng và bền là những gì có thể dùng để đánh giá chiếc camera này ở thời điểm hiện tại. Với thiết kế tròn, camera sẽ tìm được những chiếc kính lọc ống kính ND (neutral density) và CP (circular polarized) dễ dàng hơn.
Mavic 2 Pro lại sở hữu một chiếc camera vô cùng độc đáo. Bởi kích thước cảm biến ảnh lớn hơn, DJI phải tìm cách khiến camera “phát tướng” theo để trở nên tương xứng, nhưng vẫn giữ được kích thước đủ nhỏ gọn để nằm vừa vào vị trí tương tự trên chiếc drone.
Để làm được điều này, hãng đã thiết kế camera có vẻ ngoài hình vuông với ống kính tròn nhỏ hơn ở phía trong.
Ấn tượng đầu tiên đối với camera của Mavic 2 Pro là… hơi dị một chút, tuy nhiên càng nhìn lại càng cho cảm giác thú vị bởi tính độc lạ của nó.
Có một điều chắc chắn là Mavic 2 Pro cũng sẽ được trang bị kính lọc ND và CP, nhưng dĩ nhiên là giá cả cũng sẽ có phần nhỉnh hơn so với những chiếc kính lọc tương tự cho Mavic 2 Zoom do kính sẽ phải lớn hơn nhiều.
Khi nhìn trong ảnh thì camera của Mavic 2 Pro trông có vẻ lớn, nhưng trong thực tế nó lại nhỏ hơn một chút, dễ hình dung khi so với camera của Phantom 4 Pro (đây là drone lớn hơn của DJI với cảm biến 1 inch).
Thật tuyệt vời khi DJI có thể lắp vừa một cảm biến to như thế vào một chiếc camera tí hon.
Ngoài camera, thì cả hai chiếc drone đều có thiết kế bóng bẩy hơn và khí động lực hơn so với Mavic Pro đời đầu, nhưng nếu nhìn từ xa thì chúng cơ bản cũng không khác biệt gì mấy.
Chỉ có một điểm khác lớn đó là vị trí đặt đèn LED trên 2 arm phía sau, giúp Mavic 2 bay dễ hơn khi ở xa.
Zoom chọi Không Zoom:
Có thể bạn chưa biết: Mavic 2 Pro sở hữu ống kính cố định, trong khi Mavic 2 Zoom sở hữu ống kính zoom.
Trên Mavic 2 Zoom, bạn sẽ có được trường nhìn tương đương 24mm ở khẩu mở tối đa và 48m khi khép khẩu đến cuối dải zoom (crop 2X).
Điều này đồng nghĩa là bạn có thể áp dụng được nhiều thể loại chụp, quay hơn.
Bạn có thể mở khẩu siêu rộng rồi ghi hình mọi thứ, hoặc zoom vào để tách chủ thể khỏi hậu cảnh và đạt cảnh trông như phim.
Thêm vào đó, bạn có thể zoom kỹ thuật số 2X ở 1080p. Khi kết hợp zoom kỹ thuật số và zoom quang học với nhau, bạn hoàn toàn có thể đạt đến mức zoom 4X hoặc trường nhìn tương đương 96mm. Đây là mức zoom rất khủng đối với một chiếc drone nhỏ nhắn như vậy.
Đây cũng là chiếc drone đầu tiên của DJI có ống kính zoom và cũng là chiếc drone duy nhất ghi hình chất lượng 4K với tính năng zoom quang học.
Trong khi đó, Mavic 2 Pro sở hữu ống kính cố định với trường nhìn tương đương 28mm. Mặc dù không được rộng như Mavic 2 Zoom, ống kính này cũng không đến nỗi quá hẹp.
Bạn sẽ có được khả năng zoom kỹ thuật số 1.4X chất lượng 4K và nếu crop video 4K và drop vào timeline 1080p, bạn có thể đạt được mức zoom lên đến 2.4X. Tuy nhiên bạn chắc chắn sẽ phải chịu mất một chút chất lượng ảnh nếu bắt đầu giảm độ phân giải khi zoom vào.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao DJI phải trang bị ống kính không zoom cho chiếc Mavic 2 đắt tiền hơn?
Chưa có câu trả lời xác đáng cho nghi vấn này, tuy nhiên giả thiết hàng đầu là có thể là do ảnh hưởng từ việc không gian bị giới hạn.
Trên Mavic 2 Zoom, kích thước cảm biến nhỏ hơn nhiều, nên ống kính zoom rõ ràng cũng nhỏ hơn so với ống kính tương đương trên Mavic 2 Pro có cảm biến lớn hơn.
Kế tiếp, hãy cũng xem xem hai chiếc drone này mang đến những gì.
Chất lượng hình ảnh
Các tính năng ảnh có trên cả hai mẫu drone
+ D-HDR
Cải tiến đầu tiên từ Mavic Pro đời đầu là D-HDR. Chế độ này sẽ ghi lại liên tiếp ảnh RAW rồi kết hợp các ảnh này lại với nhau để đạt được 13 bước dải tần nhạy sáng (14 bước trên Mavic 2 Pro), vừa làm giảm nhòe do chuyển động và các yếu tố thường gặp khác thường xuất hiện khi chụp gộp phơi sáng truyền thống.
+ HyperLight
Một tính năng tương tự HDR khác là HyperLight. Tính năng này sẽ ghi lại một chuỗi ảnh và đặt chúng lại với nhau để thu được kết quả cuối cùng tốt nhất khi chụp ảnh vào ban đêm.
Tính năng này đặc biệt tốt để giảm nhiễu ảnh (hiện ứng grainy thường gặp khi chụp ban đêm).
Hiệu ứng tương tự cũng có thể đạt được trong Photoshop hoặc Affinity Photo bằng cách sử dụng một tính năng gọi là “image stacking”, nhưng tốt hơn vẫn là có một phương pháp thực hiện tức thời và đơn giản, thu được kết quả tại chỗ, thay vì phải chờ đợi bất kỳ ứng dụng chỉnh sửa đắt đỏ nào.
+ Khẩu độ tùy chỉnh được
Cả hai mẫu Mavic 2 giờ đây đều sở hữu ống kính có khẩu độ đa dạng (f/2.8-f/11). Điểm này sẽ giúp bạn linh hoạt hơn khi chụp phơi sáng dài hay bất kỳ tình huống chụp nào cần kiểm soát phơi sáng ổn định.
Điểm duy nhất cần lưu ý đó là việc thay đổi khẩu có thể gây ra hiệu ứng không tốt cho độ sắc nét tổng thể của ảnh.
Lấy ví dụ thế này: nếu bạn chụp f/2.8, chỉ có một phần nhỏ của cảnh là rất sắc nét, hậu cảnh sẽ không được lấy nét. Đây gọi là độ sâu trường ảnh nông.
Chụp ở các giá trị cao hơn như f/11 sẽ giữ mọi thứ trong vùng lấy nét, nhưng tổng thể ảnh sẽ bị soft nhẹ.
Trong trường hợp bạn không mặn mà với ảnh soft thì bạn nên chụp ở f/2.8 đến f/5.6 để đạt được ảnh sắc nét nhất.
Các tính năng ảnh của Mavic 2 Zoom
Mavic 2 Zoom có cảm biến 1/2.1 inch 12 triệu điểm ảnh tương tự cảm biến trên Mavic Pro đời đầu, nhưng được trang bị thêm một số tính năng mới nâng cấp đáng kể so với người tiền nhiệm.
+ Super Res
Bên cạnh ống kính zoom, tính năng ảnh mới lớn nhất trên Mavic 2 Zoom là Super Res.
Chế độ ghi hình này sử dụng ống kính zoom để ghi lại nhiều ảnh cùng lúc rồi kết hợp các ảnh này lại với nhau thành một ảnh Super Res – siêu phân giải – với độ phân giải lớn hơn gấp 4 lần so với ảnh thường.
Tính năng này cực kỳ hữu ích với nhiếp ảnh phong cảnh, nhưng vì nó yêu cầu nhiều ảnh để làm việc nên bạn sẽ không thể ứng dụng chụp chuyển động. Cảnh cần tĩnh gần như hoàn toàn và bản thân drone cũng không được di chuyển.
Các tính năng ảnh của Mavic 2 Pro
+ Camera Hasselblad
Trước khi xét đến chất lượng hình ảnh, hãy điểm qua đặc điểm gây xao xuyến nhất trên Mavic 2 Pro: camera Hasselblad.
Trở lại năm 2015, DJI giành được một chân góp vốn chính trong công ty máy ảnh Thụy Điển Hasselblad. Đây là một công ty nổi tiếng với những chiếc máy ảnh định dạng tầm trung siêu đắt đỏ được sử dụng bởi rất nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng và thậm chí cả NASA cũng dùng. Trước đây DJI từng hợp tác với Hasselblad cho các thiết bị drone điện ảnh lớn hơn của hãng, nhưng chiếc Mavic 2 Pro mới là sản phẩm đầu tiên nhất được phát triển một tay bởi DJI theo công nghệ Hasselblad.
Vì sao lại là Hasselblad? Cảm biến lớn, độ phân giải cao và công nghệ màu tiên tiến. Đó là cũng những gì bạn sẽ có được trên Mavic 2 Pro.
+ Cảm biến 20 triệu điểm ảnh chân thực
Cảm biến 20 triệu điểm ảnh cho ảnh siêu sắc nét. Không có tính năng Super Res cũng chẳng sao; 20 triệu điểm ảnh đủ tốt cho hầu hết các tình huống chụp, và bởi các điểm ảnh quá chân thực, bạn cũng có thể chụp chuyển động (một điều mà bạn không thể làm với tính năng Super Res trên Mavic 2 Zoom).
+ Màu sắc tuyệt vời hơn
Tuyệt vời hơn cả độ phân giải là công nghệ màu Hasselblad HNCS tích hợp. HNCS nói đơn giản là một phương pháp của Hasselblad để kết xuất màu sắc chính xác trong bất kỳ tình huống nào.
Với Mavic 2 Pro, bạn sẽ có được màu chuẩn đến bất ngờ, nhưng nếu bạn chụp ở định dạng RAW, bạn có thể xử lý các file RAW với phần mềm Hasselblad Phocus cho kết quả màu tốt nhất,
+ Chụp thiếu sáng tốt hơn
Nếu bạn biết nhiều máy ảnh, bạn sẽ hiểu việc tăng độ phân giải sẽ thường làm giảm kích thước mỗi điểm ảnh trên cảm biến ảnh. Điều này có nghĩa mỗi điểm ảnh sẽ bắt được ít ánh sáng hơn, dẫn đến giảm mạnh hiệu suất chụp thiếu sáng.
Camera Hasselblad L1D-20c trên Mavic 2 Pro sở hữu cảm biến ảnh 1 inch (là cảm biến ảnh lớn nhất trên bất kỳ drone nào trên thị trường tính đến thời điểm này), mỗi điểm ảnh trong tổng số điểm ảnh cao hơn đều lớn hơn điểm ảnh của Mavic 2 Zoom. Đặc điểm này và công nghệ cảm biến cải tiến mang lại cho Mavic 2 Pro những khả năng chụp thiếu sáng tốt hơn.
+ Độ sâu trường ảnh nông
Đối với chụp cận cảnh, cảm biến lớn hơn kết hợp khẩu f/2.8 cũng cho phép bạn đẩy hậu cảnh khỏi vùng lấy nét để bắt được ảnh không khác gì tác phẩm của DSLR. Đây là điểm chưa từng có trên các drone trước đây.
Chất lượng video
Các tính năng video có trên cả hai mẫu drone
Chất lượng video được cải thiện cực kỳ xuất sắc, chủ yếu nhờ màu sắc tuyệt hơn, tốc độ bit cao hơn và codec video mới. Màu sắc trên Mavic 2 Zoom rất giống với Mavic Air. Còn so với chiếc Mavic Pro đời đầu thì mọi thứ trông bớt ám tím hơn.
+ Tốc độ bit cao hơn
Khả năng ghi hình chất lượng 4K rất tuyệt vời, nhưng độ phân giải không có nghĩa lý gì nếu tốc độ bit không đủ cao. Mọi video quay được đều được camera nén lại trước khi truyền tới thẻ SD. Tốc độ bit của video cơ bản kiểm soát mức độ video sẽ được nén xuống bao nhiêu. Thành ra, tốc độ bit càng cao, video sẽ càng bị nén ít hơn.
Cả Mavic 2 Pro và Zoom đều ghi hình ở tốc độ 100Mbps (40Mbps nhanh hơn Mavic Pro), nhưng cải tiến lớn nhất lại là codec video mới H.265.
+ H.265
HEVC (hay là H.265) là định dạng nén video tương tự H.262, nhưng có khả năng duy trì chất lượng video gần như tương đương trong khi chiếm phân nửa không gian.
Điều này có nghĩa là khi bạn ghi hình ở H.265, bạn sẽ thật sự đạt được chất lượng tương đương như khi bạn sử dụng H.264 và chụp ở tốc độ bit gấp đôi (trong trường hợp này là 200Mbps).
Các tính năng video trên Mavic 2 Zoom
Mavic 2 Zoom có hai tính năng video mà bạn không thể tìm thấy trên Mavic 2 Pro. Đây là điểm khiến người ta băn khoăn khi chọn lựa giữa hai chiếc drone.
+ Dolly Zoom
Đầu tiên phải nói đến Dolly Zoom (đây là một trong những chế độ Quickshot của DJI). Tính năng này khá là khó để giải thích, nhưng về cơ bản thì khi drone bay lùi lại, Mavic 2 sẽ zoom vào một cách chậm rãi trong khi cùng lúc tạo ra sự chuyển tiếp phối cảnh vô cùng độc đáo.
Hiệu ứng điện ảnh này trở nên nổi tiếng nhờ đạo diễn người Anh Alfred Hitchcock.
+ Lấy nét tự động liên tục
Một tính năng khác mà Mavic 2 Pro không có đó là lấy nét tự động liên tục nhận diện theo pha và nhận diện tương phản.
Trên Mavic 2 Pro, bạn cũng có lấy nét tự động nhưng không thực sự là lấy nét tự động liên tục, nên khi bạn bay cận thứ gì đó gì bay xa ra thì thường sẽ không tiếp tục giữ lấy nét trên cảnh được.
Có nhiều cách ứng dụng như thiết lập khẩu ở giá trị cao để lấy nét mọi thứ, hoặc trượt kiểm soát lấy nét một cách thủ công trong lúc bay.
Các tính năng video trên Mavic 2 Pro
Được rồi, lại một câu hỏi khác: Tại sao lại mua Mavic 2 Pro nếu tính năng video không xuất sắc được như vậy?
Câu trả lời nằm ngay bên dưới đây.
Mavic 2 Pro có thể thiếu vắng một vài tính năng ngầu tòe của Mavic 2 Zoom, điển hình là vụ lấy nét tự động liên tục, nhưng dĩ nhiên Mavic 2 Pro vẫn có những vũ khí bí mật của riêng nó khiến người ta phải ngoái nhìn.
+ Crop 4K Lossless
Dù Mavc 2 Pro không có ống kính zoom quang học, bạn vẫn có thể quay video chế độ crop 4K cho khả năng zoom lossless xấp xỉ 1.4X.
Thực ra, khi quay ở chế độ crop 4K, bạn sẽ đạt chất lượng video tốt hơn bởi độ phân giải của cảm biến với mức crop 1.4X và độ phân giải của chế độ quay 4K là gần như tương đương.
Trường nhìn hẹp kết hợp chất lượng tăng giúp mọi thứ trông tuyệt vời hơn.
+ Dlog-M 10-bit
Tính năng tiếp theo khiến Mavic 2 Pro trở nên đáng đồng tiền bát gạo chính là profile màu Dlog-M 10-bit. Đây là tính năng xuất sắc nhất trên chiếc drone này.
Với Dlog-M, mọi chi tiết màu sắc đều được giữ nguyên bằng cách thu hết tất cả thông tin ánh sáng đến từ cảm biến ảnh và nén vào không gian màu có thể xem được trên bất kỳ màn hình nào.
Bởi mọi thông tin màu sẽ bị cân nhỏ lại, điều này lý giải tại sao phim Dlog-M sẽ bắt đầu có vẻ hơi phẳng và xấu. Nghĩa là sẽ không đăng trực tiếp lên mấy kênh như YouTube được đâu nhé!
Một khi bạn sửa video với các ứng dụng chỉnh sửa video, bạn có thể kéo màu ra bằng cách sử dụng công cụ màu để đạt được cảnh trông như ý.
Nhờ có H.265, tốc độ bit cao hơn và độ sâu màu 10-bit, mọi thứ kết hợp tạo ra cảnh phim dễ làm việc hơn rất nhiều, cũng như bạn sẽ có thời gian để chơi đùa với màu sắc.
+ Video HDR
Sử dụng profile màu Dlog-M 10-bit, bạn có thể tạo video HDR để chiếu trên TV tương thích HDR, nhưng nếu bạn không quen làm việc với HDR thì còn có chế độ quay video HDR sử dụng tiêu chuẩn màu HLG (Hybrid Log Gamma).
Dùng chế độ HLG, bạn có thể quay HDR và xem trực tiếp trên các thiết bị tương thích mà không phải qua chỉnh sửa gì. Đây là một tính năng hữu ích cho người dùng muốn xuất nội dung HDR chân thực, tuy nhiên để kiểm soát được nhiều hơn và cũng linh hoạt hơn, bạn vẫn nên sử dụng profile màu Dlog-M.
Cuối cùng là, nên chọn drone nào?
Mavic 2 Zoom có giá $1249, Mavic 2 Pro có giá $1449. Chênh lệch giữa hai chiếc drone cũng có vẻ nhiều, nhưng vẫn còn tùy vào góc nhìn của bạn.
Khi trả thêm $200, bạn có profile màu chuẩn hơn, khả năng chụp thiếu sáng tốt hơn, độ phân giải cao hơn. Đây cũng là lý do Mavic 2 Pro được dán nhãn Hasselblad.
Nếu bạn vẫn trung thành với ống kính zoom, đương nhiên là chẳng có gì sai trái ở đây cả. Đừng quên Mavic 2 Zoom sở hữu tính năng Dolly Zoom và khả năng lấy nét tự động liên tục rất đáng tự hào.
Nhưng bạn cũng nên biết là, chế độ crop 4K trên Mavic 2 Pro là tương đương với ống kính 40mm – chỉ ít hơn 8mm so với zoom quang học của Mavic 2 Zoom. Thế nên, nếu bạn chọn Mavic 2 Pro, bạn cũng chẳng thiệt thòi gì mấy đâu.
(Theo myfirstdrone
Ảnh, video: myfirstdrone, DJI)