Nhiếp ảnh là một loại hình nghệ thuật và là phương tiện truyền đạt luôn liên tục tiến hóa và đổi mới. Rất nhiều trào lưu và phong cách nghệ thuật liên quan đến nhiếp ảnh nổi lên xuyên suốt năm tháng — và một trong những phong cách chuyển mình vào nhiếp ảnh thành công nhất là phong cách tối giản (Minimalism). Nhiếp ảnh tối giản nhấn mạnh vào sự đơn giản trong bố cục và cách kể chuyện với càng ít yếu tố càng tốt, điều này cho phép người chụp tạo ra các bức ảnh ấn tượng từ những đối tượng đơn giản nhất, chỉ chụp những gì quan trọng nhất và kể chuyện song song đó thông qua việc khám phá mối quan hệ giữa chủ thể của người chụp với người xem.
Nội dung
Nguồn gốc của phong cách Tối giản trong nghệ thuật và nhiếp ảnh
Minimalism là trào lưu nghệ thuật nổi lên vào cuối những năm 1950 và được dẫn dắt bởi các nghệ sỹ muốn tách biệt khỏi các trào lưu nghệ thuật đương đại khác do cảm thấy chúng đã lỗi thời và tẻ nhạt. Còn được biết đến dưới các hình thức nghệ thuật ABC Art, Cool Art, Primary Structure Art và Object Art, phong cách tối giản thay thế các biểu tượng thị giác tiêu chuẩn bằng cách đơn giản hóa chủ thể bằng nhiều kỹ thuật, ví dụ như trừu tượng hình học (geometric abstraction).
Minimalism tác động lên mọi loại hình nghệ thuật tị giác, bao gồm điêu khắc, nhiếp ảnh và điện ảnh. Phong cách này cũng thay đổi âm nhạc và văn học: các nhà soạn nhạc Philip Glass và Steve Reich hay tác giả Samuel Beckett đã sáng tác các tác phẩm được mô tả là có tính tối giản.
Hiểu các ý tưởng Minimalism
Tương tự các loại hình nghệ thuật tối giản khác, nhiếp ảnh tối giản phải đạt được độ dung dị cao nhất và chỉ tập trung vào một đối tượng thay vì khiến người xem choáng ngợp bởi màu mè, chủ thể, hoa văn và chi tiết. Nhiếp ảnh tối giản cho người xem thấy được “đơn giản là tốt nhất” và thách thức cả người xem lẫn chính người chụp quan sát mọi vật dưới một góc nhìn khác.
Cốt lõi của Minimalism là cắt nghĩa đối tượng và ghi lại bản chất của đối tượng đó. Là một nhiếp ảnh gia, trước hết bạn phải nhìn vào chủ thể hoặc cảnh và từng bước phân tích đến bản chất tận cùng của nó cho đến khi bạn chụp được đặc tính quan trọng nhất của nó hoặc thể hiện được nó dưới trạng thái mộc mạc nhất. Chú trọng vào chủ thể và cố gắng trình bày nó chỉ bằng phần quan trọng nhất để truyền tải ý nghĩa thực sự của nó.
Các kỹ thuật thiết yếu để chụp tối giản đẹp
Nhiếp ảnh tối giản cũng như bao loại hình nhiếp ảnh khác, cũng có một số kỹ thuật và phương thức nhất định.
Mấu chốt là bố cục
Để sáng tạo ảnh tối giản, trước khi nghĩ xem nên dùng các đường dẫn và màu sắc như thế nào trong ảnh, bạn cần thay đổi và cải thiện bố cục bức ảnh của bạn. Hạn chế lượng yếu tố xuất hiện trong khung hình, bắt đầu từ hậu cảnh giản lược chỉ ngắm một đối tượng duy nhất cho đến việc kết hợp thật ít đường dẫn để định hướng mắt nhìn của người xem. Thử nghiệm nhiều bố cục khác nhau cho tới khi bạn học được cách kể chuyện chỉ với rất ít “nhân vật”.
Chú trọng màu sắc sử dụng
Ảnh tối giản khỏa lấp sự thiếu vắng về chủ thể bằng cách tạo sự tương phản mạnh với những màu sắc khác nhau. Các khối màu thuần túy có thể bù trừ hoặc đối lập với chủ thể của bức ảnh, giúp ảnh của bạn nổi bật dù chỉ gồm vài yếu tố. Sử dụng bóng đậm giúp làm bật lên màu sắc của một vật thể, trong khi sử dụng các màu có tính tương hỗ nhau sẽ giúp ảnh của bạn trông thuận mắt hơn. Chú ý sự kết hợp giữa các màu sắc để tạo nên ảnh tối giản đẹp mắt và biến nó thành một thuộc tính trong bố cục ảnh của bạn.
Thử nghiệm với texture
Hãy chụp kết cấu của nhiều bề mặt và vật thể khác nhau trong ảnh của bạn bởi chúng sẽ góp phần tăng chiều sâu và cá tính cho bố cục. Ít vật bóng đổ từ một nguồn sáng mạnh có thể giúp bạn gợi ra texture trong ảnh. Ví dụ một bức tường đơn sơ vẫn có thể trở nên thú vị nếu bạn nhấn mạnh vết sơn nứt hoặc bề mặt sần sùi của nó. Chụp một vật thể nhẵn nhụi trên nền texture hoặc ngược lại sẽ tạo ra sự đối lập sắc sảo, đồng thời giữ ảnh của bạn vừa sạch vừa hấp dẫn. Đưa texture vào ảnh của bạn giúp người xem cảm nhận được những gì họ thấy.
Tận dụng đường nét
Các đường thẳng và hình dạng thường được dùng để thu hút và điều hướng người xem vào bố cục bức ảnh. Kỹ thuật bố cục này có thể làm nổi bật, chia tách hoặc kết nối các yếu số khác trong bức ảnh của bạn với nhau. Các đường thẳng dọc hoặc ngang tạo nên cấu trúc trong ảnh và có thể dùng để hướng mắt người xem vào nơi bạn muốn họ tập trung vào.
Tầm quan trọng của không gian âm
Không gian âm (Negative Space) là một trong những ý tưởng cốt yếu nhất trong nhiếp ảnh tối giản. Bố cục của bạn sẽ ổn hơn nếu bạn sử dụng các vùng xung quanh chủ thể. Dùng các kiểu phông nền thuần túy như tường hay đường chân trời kết hợp nhiều kết cấu hoặc độ tương phản mạnh và đặt tất cả chúng trong bức ảnh của bạn sẽ giúp bạn dễ dàng nhấn mạnh chủ thể ảnh.
Chụp tối giản dùng ống kính nào?
Minimalism không yêu cầu ống kính hay thiết bị cụ thể nào để có thể chụp cho đúng, nhưng bạn nên bắt đầu với một ống kính có thể chụp và làm nổi bật chủ thể của bạn thật tốt. Các ống kính thường dùng trong nhiếp ảnh đường phố sẽ là xuất phát điểm tuyệt vời nhờ tính linh hoạt và thiết kế nhỏ gọn của chúng.
Ống kính 50mm đủ linh hoạt kết hợp khẩu độ lớn sẽ cho phép bạn chụp dưới điều kiện thiếu sáng trong khi tiêu cự của nó hữu dụng với phần lớn thể loại ảnh. Ví dụ Canon EF 50mm f/1.8 STM là ống kính full frame giá rẻ có thể kết xuất ảnh trong và sắc nét với độ tương phản cao.
Trong khi đó Sigma 24mm f/1.4 DG HSM ART cho phép bạn chụp đa dạng phong cảnh và cảnh thành thị, đây là ống kính góc rộng được thiết kế cho máy ảnh full frame. Việc có thể chụp toàn cảnh và được ảnh sắc nét sẽ cho phép bạn tận dụng không gian âm tốt hơn, giúp ảnh của bạn rõ chất riêng và ấn tượng hơn.
Tuy nhiên tùy theo loại máy ảnh hay ống kính bạn sử dụng, cần nhớ rằng nhiếp ảnh tối giản là chụp ảnh đơn giản tận dụng những gì bạn có. Bạn không cần tập trung vào bokeh khi chụp ảnh tối giản khi mà phong cách này chủ yếu phụ thuộc vào cách bạn bố cục ảnh, sử dụng các đường nét và tạo ra nét đối lập. Hãy chụp đối tượng bạn đã chọn ở mọi góc độ có thể thay vì dựa dẫm vào trang thiết bị để có được bức ảnh hoàn hảo. Hãy để bức ảnh và bố cục của bạn tự cất lên tiếng nói của nó bất kể bạn chụp bằng ống kính hay máy ảnh nào.
Kết hợp các kỹ thuật tối giản vào phong cách của bạn
Phong cách chụp ảnh tối giản có chút thách thức do sự cố tình bị giới hạn của nó. Dù vậy việc sử dụng các kỹ thuật kể trên có thể giúp bạn mở rộng sức sáng tạo. Thỉnh thoảng hãy thay đổi cách thức tiếp cận nhiếp ảnh của bạn, điều này sẽ giúp bạn phát triển phong cách cá nhân tốt hơn và cho phép bạn nhìn nhận vạn vật từ góc nhìn mới.
Hạn chế các lựa chọn
Minimalism là luyện tập với sự cản trở bởi nó khiến bạn phải phân tích đối tượng đến tận bản chất và kể chuyện theo phương thức đơn giản nhất. Các hạn chế từ loại bỏ những yếu tố không cần thiết trong khung hình cho tới tìm kiếm đối tượng tối giản sẽ buộc bạn phải tìm ra cách chụp ảnh mới, tối ưu hơn.
Giữ con mắt sáng tạo
Khi bạn đã nắm vững cách chụp ảnh tối giản đẹp, bạn cũng sẽ phát triển được mắt nhìn ra vẻ đẹp từ trong những thứ đơn giản nhất. Luôn giữ con mắt sáng tạo này mỗi khi bạn tìm kiếm những đường thẳng sạch, rõ hay những chất liệu, kết cấu khác biệt ở xung quanh bạn. Đồng thời, vừa tìm kiếm những sự tương phản đậm nét và các khối hình học trong kiến trúc, vừa tận dụng không gian âm thật tốt để tạo ra ảnh tối giản đúng nghĩa.
Kể chuyện qua ảnh
Nhiếp ảnh tối giản không đơn giản như người ta. Thể loại này phụ thuộc rất nhiều vào bố cục để truyền tải được một câu chuyện hay. Kết hợp các kỹ thuật khác nhau được đề cập ở trên sẽ cho phép bạn kể một câu chuyện hay dù trong ảnh chỉ có rất ít yếu tố. “Đơn giản là tốt nhất” là một điều không thể phủ nhận trong nhiếp ảnh tối giản, khi mà nó để người xem nhìn vào thế giới của bạn theo một cách khác biệt và mang lại khả năng truyền tải và phong cách đậm chất nghệ thuật.
Ảnh: Shutterstock
Theo Adorama