Home > So Sánh > Trên tay máy ảnh mirrorless Canon EOS R50
So SánhTin TứcTin Tức Máy ẢnhĐánh giáĐánh Giá Máy Ảnh

Trên tay máy ảnh mirrorless Canon EOS R50

canon_r50_09

Canon EOS R50 là chiếc máy ảnh mirrorless nhỏ gọn được thiết kế để thu hút những người dùng đang tìm kiếm một công cụ cung cấp nhiều hơn smartphone. Máy được xây dựng trên cảm biến 24MP và ngàm ống kính RF mới nhất của Canon.

canon_r50_09

Thân máy và vận hành

EOS R50 rất nhẹ và nhỏ gọn. Rất khó để nói chính xác nó nhỏ thế nào khi chỉ nhìn qua ảnh, nhưng máy có kích thước 116 x 86 x 69mm và trọng lượng chỉ 375g đã tính pin và thẻ nhớ. Như vậy là rất nhỏ đối với máy ảnh có thể hoán đổi ống kính.

Cũng vì vậy, máy có báng cầm nhỏ, sẽ khiến nhiều người dùng muốn lắp thêm báng rời nếu muốn cầm nắm chắc chắn.

canon_r50_06

Ở phía trên có một nút command duy nhất, một nút xoay chọn chế độ, nút ISO chuyên dụng, nút quay video, công tắc bật/tắt, hotshoe, đèn flash cóc và tất nhiên là nút cò chụp ảnh. Nút command cung cấp người dùng một số điều khiển để thực hiện điều chỉnh ở các chế độ P/A/S/M, nhưng nó ít được sử dụng hơn ở các chế độ tự động. Lý do là vì máy ảnh có giao diện người dùng tập trung vào màn hình cảm ứng hơn.

Màn hình cảm ứng phía sau được thiết kế xoay lật, là công cụ chính để tương tác với máy ảnh, cho phép thực hiện nhiều điều chỉnh trực tiếp như chạm để lấy nét và hiển thị giải thích chế độ được chọn – tất cả phục vụ thiết kế UX thân thiện với người mới bắt đầu.

Một phần khác là chế độ Creative Assist, hiển thị loạt biểu tượng đại diện cho các tùy chọn như độ sáng hoặc màu sắc. Nó sử dụng khá đơn giản, tuy nhiên, trong khi nút command có thể dùng điều chỉnh cài đặt, thì chế độ này chỉ hoạt động khi bạn đang ở trong màn hình điều chỉnh cài đặt. Còn khi bạn đang thực sự chụp, nút command sẽ không làm gì cả, trông có vẻ lãng phí vì có thể ngón tay bạn đang đặt trên nút đó.

Lấy nét tự động

Tính năng hấp dẫn nhất của R50 có lẽ là hệ thống lấy nét tự động. Hệ thống tương đối đơn giản để sử dụng nhưng mạnh mẽ, kết hợp một loạt chế độ nhận dạng đối tượng với khả năng theo dõi bền bỉ. Trong nhiều trường hợp (đặc biệt khi chụp ảnh người), bạn chỉ cần chọn nơi bạn muốn máy ảnh lấy nét và máy sẽ theo dõi bất kỳ ai hoặc bất cứ thứ gì bạn chỉ vào.

canon_r50_01

Cụ thể, R50 đã được đào tạo để nhận dạng người (mắt, mặt, đầu), động vật (cụ thể là chó, mèo, chim và ngựa) hoặc phương tiện (xe hơi và xe đạp thể thao, tàu hỏa và máy bay). Ngoài ra còn có tùy chọn ‘Auto’ sẽ cố gắng xác định đối tượng nào đang ở phía trước máy ảnh.

Hệ thống này bước đầu được nhận xét là hoạt động rất hiệu quả, ít nhất là ở chế độ chụp ảnh, với giao diện giúp dễ dàng thực hiện bất kỳ cấp độ kiểm soát nào bạn muốn trong quá trình xử lý: bạn có thể chỉ cần để máy ảnh chọn đối tượng hoặc đặt điểm AF nếu bạn muốn tự định vị tiêu điểm.

R50 cũng có chế độ AF được thiết kế để quay vlog, chế độ này ưu tiên mọi thứ ở gần máy ảnh nhưng nếu không thì máy sẽ sử dụng chế độ nhận diện khuôn mặt. Chế độ này được thiết kế rõ ràng cho vlogger tự quay phim muốn cầm một vật phẩm lên và để máy ảnh nhanh chóng lấy nét vào món đồ đó, sau đó quay lại với người quay khi món đồ được hạ xuống, chẳng hạn để giới thiệu sản phẩm.

Chế độ A+ Creative Assist

R50 có Creative Assist, đây là chế độ từng thấy nhiều trên các máy ảnh Canon khác trước đó, ví dụ như R10. Ở chế độ này, người dùng có thể sử dụng màn hình cảm ứng để chọn bộ lọc màu (sống động, ấm, lạnh…) hoặc dùng xem trực tiếp để tăng độ sáng, tương phản và bão hòa màu với thanh trượt +/-. Thanh trượt và thuật ngữ tương tự trong menu cài đặt TV.

Chế độ Creative Bracketing điều khiển máy ảnh chụp lấy 4 ảnh khác nhau ở các thiết lập sáng tạo khác nhau cho mỗi lần chụp. Máy ảnh từ đó cho phép người dùng chọn đầu ra mà họ thấy ưng ý nhất.

Canon_EOS_R50_A__Assist

Advanced A+ là chế độ chỉ dùng cho JPEG, chụp nhiều ảnh khi máy ảnh xác định là cần thiết. Ở chế độ này, nếu người dùng không quyết định được liệu có cần sử dụng phơi sáng nhiều lần không, thì R50 sẽ kiểm tra khung hình và tự quyết định xem cảnh có đảm bảo HDR, giảm nhiễu hoặc các biện pháp xử lý xếp chồng khác hay không. Đã có nhiều máy khác cũng có chế độ này trong nhiều năm qua, nhưng chưa có máy này có khả năng đánh giá cảnh và chọn chế độ xử lý multi-shot thích hợp để biến thứ được chọn trở thành bức ảnh hoàn hảo.

Nhìn chung, các chế độ Creative này hoàn toàn tự động, đồng nghĩa thân thiện với người mới bắt đầu, nhờ thiết kế UX ưu tiên màn hình cảm ứng của R50 và tránh các thuật ngữ máy ảnh, chúng sẽ quen thuộc với người dùng smartphone. Ở chế độ A+, nút xoay không hoạt động và tất cả thay đổi cài đặt được thực hiện thông qua màn hình cảm ứng. Tương tự vậy, để điều hướng menu và chọn các tùy chọn, màn hình cảm ứng là công cụ duy nhất. Trong menu, nút xoay có thể dùng cuộn sang trái/phải, còn không thì nó cũng ít được dùng tới.

Tất tần tật về R50, từ thiết kế đến lời nhắc thông tin trên màn hình cảm ứng và sự nhấn mạnh vào hoạt động tự động, cho thấy chiếc máy ảnh này được thiết kế đơn giản để chụp ảnh, hướng đến người dùng muốn dễ dàng tạo ra những bức ảnh đẹp mà không cần điều chỉnh phơi sáng và cài đặt. Nó lấy mọi thứ từ kỷ nguyên ngắm và chụp (nhẹ và chủ yếu tự động), vay mượn rõ ràng từ kỷ nguyên smartphone (điều khiển bằng màn hình cảm ứng, các thuật ngữ như ‘độ sáng’ thay vì ‘khẩu độ’, các chế độ màu như ‘Vivid’ và ‘B&W’ gợi nhắc đến các bộ lọc trên ứng dụng) và cập nhật tất cả những thứ đó vào kỷ nguyên máy ảnh hiện đại (AF theo dõi dựa trên chủ thể, video HDR, sức mạnh của ống kính có thể hoán đổi).

Pin

R50 tiếp tục sử dụng pin LP-E17 như các dòng máy ảnh nhỏ có thể hoán đổi ống kính khác của Canon. Đây là pin 7.5Wh, không cung cấp điện năng quá đáng kể cho máy ảnh mirrorless.

canon_r50_02

Nếu bạn chụp ảnh không liên tục trong một ngày, bạn có thể kéo dài thời lượng pin cho mọi nhu cầu của mình, nhưng nếu bạn định chụp nhiều ảnh và/hoặc quay video trong thời gian dài hơn, bạn sẽ sớm thấy pin tụt thấp rất nhanh.

R50 được đánh giá là có thể chụp được 370 ảnh tĩnh sau mỗi lần sạc đầy nếu bạn sử dụng màn hình LCD ở chế độ tiêu chuẩn, nhưng chỉ được 230 ảnh tĩnh khi chụp qua kính ngắm. Chế độ tiết kiệm năng lượng sẽ tăng số lần chụp lần lượt lên 440 và 310 ảnh. Việc tăng gấp đôi các giá trị này là điều bình thường, tùy vào cách sử dụng của bạn và những con số này cũng là hợp lý đối với máy ảnh nhỏ như vậy.

Pin có thể sạc trên máy ảnh qua cổng USB bằng sạc USB PD.

Cổng giao tiếp

Ở bên phải có một đầu cắm USB-C có thể dùng sạc pin và một cổng micro HDMI. Cổng HDMI có thể dùng cắm trực tiếp vào màn hình HDR để xem video HDR 10bit từ máy ảnh, giống cách các máy quay gia đình hoạt động với VCR vào những năm 90, giúp dễ dàng chia sẻ video nhanh chóng trên TV gia đình. Cổng USB đáng chú ý là nhanh bất thường: Canon đã chọn cung cấp USB 3.2 Gen 2 với ổ cắm loại C, trong khi các máy ảnh khác ở mức cơ bản này vẫn đang sử dụng USB 2.0 / Micro B. Đây là sự khác biệt giữa giới hạn cửa trên 10Gb/s với tốc độ truyền tải 0.48Gb/s.

canon_r50_04

Dọc theo phía bên trái của máy ảnh là giắc cắm mic thu âm ngoài, nhưng không có cách nào để kết nối headphone để theo dõi âm thanh từ máy ảnh.

Bên cạnh pin ở đế máy ảnh là một khe cắm thẻ SD. Để phù hợp với tham vọng tương đối khiêm tốn của máy ảnh, khe này nhận đọc loại UHS-I cũ, chậm hơn.

Chỗ đứng của R50

Canon R50 về cơ bản là bản thay thế của Canon cho M50 và nằm dưới R10 một chút trong dòng APS-C đang phát triển của ngàm RF. Là máy ảnh ngàm RF rẻ nhất, chiếc máy mới cũng là bổ sung đáng chú ý nhất trong danh mục máy ảnh có thể hoán đổi ống kính cơ bản/giá dưới $800 hiện nay. Những gì M50 làm được, R50 cũng làm được và còn làm hơn thế, chưa kể nó sử dụng hệ thống ngàm RF đang rất được hãng hậu thuẫn.

Canon_EOS_R50_vs_M50

Tuy nhiên, phải thừa nhận dù Canon đã sản xuất rất nhiều ống kính ngàm RF full frame cao cấp, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có nhiều ống kính RF-S (APS-C) hoặc thậm chí ống kính giá rẻ trong hệ thống. R50 có thể chấp nhận cả ống kính RF full frame và APS-C, nhưng nên nhớ máy ảnh còn kèm hệ số crop 1.6x. Ví dụ: bất kỳ ống kính 50mm nào lắp lên R50 cũng sẽ có trường nhìn giống như ống kính 80mm trên máy ảnh full frame.

Nhưng đối với nhiếp ảnh gia mới bắt đầu mà chiếc máy mới nhắm đến, họ có thể bắt đầu chụp với các ống kính kit zoom, đây có lẽ cũng là điểm mấu chốt ở R50, tức Canon đang thể hiện cam kết với ngàm ống kính RF ngay cả trong các thân máy APS-C nhỏ gọn. Điều này đồng nghĩa với sự hỗ trợ lâu dài của hãng đối với hệ thống ngàm RF.

R50 cũng mượn một số tính năng đến giúp nó vươn lên tầm R10, chẳng hạn như theo dõi AF và video từ quay 6K. Sự khác biệt chính giữa R50 với R10 là thân máy nhỏ hơn, ít nút bấm và nút xoay điều khiển hơn (gồm thiếu nút gạt cơ bản để chuyển đổi MF/AF), không joystick, ít tùy chọn điều khiển thủ công hơn ở một số chế độ nhất định, tốc độ chụp liên tục và bộ đệm chậm hơn, không hỗ trợ thẻ nhớ nhanh và không có màn trập cơ học hoàn toàn.

eos-r50-specs

Cuối cùng, lựa chọn giữa chúng phụ thuộc vào cách người dùng dự định sử dụng máy ảnh. Nếu bạn đang tìm kiếm một bước tiến mới từ smartphone vẫn luôn gọn nhẹ, dễ cầm lên và sử dụng để ghi lại những kỷ niệm trong một đêm đi chơi hoặc sản xuất video cho mạng xã hội, thì bạn có thể chọn R50. Nếu bạn là nhiếp ảnh gia đang tìm kiếm khả năng kiểm soát tốt hơn, muốn có nhiều nút vật lý, báng cầm tốt và khả năng quay video nâng cao hơn, đồng thời bạn không ngại thân máy lớn hơn chút, thì R10 sẽ đáng xem xét hơn.

Vậy là R50 sẽ thay thế M50?

Đặt cạnh nhau, R50 và M50 có bề ngoài rất giống nhau. R50 trên danh nghĩa chỉ cao hơn 2mm và sâu hơn 10mm so với M50 (mặc dù vai của nó tròn hơn và nhô cao hơn, khiến nó trông lớn hơn).

Sự tương đồng giữa hai máy ảnh cũng rất nhiều. Cả hai đều cung cấp video và ảnh, ngàm ống kính có thể hoán đổi và một số công cụ điều khiển thủ công – nhưng lại với số nút mở rộng hạn chế, ưu tiên màn hình cảm ứng và đặc điểm thiết kế xoay quanh phong cách “tự động trước trước, thủ công sau”. Tựu chung, dường như chúng nhắm vào cùng một đối tượng người dùng gồm người dùng thông thường, người mới bắt đầu và những ai đang tìm kiếm một chiếc máy ảnh nhỏ, đơn giản.

Canon_EOS_R50_vs_M50_front

Vậy R50 có ý nghĩa gì đối với dòng máy ngàm M?

Canon chưa đưa ra bất kỳ thông tin chính thức nào về tương lai của ngàm M, nhưng đã 4 năm rưỡi kể từ lần ra mắt ống kính EF-M gần nhất và 2 năm rưỡi kể từ lần ra mắt thân máy EOS M mới nhất. M50 là một trong những dòng máy ngàm EF-M bán chạy nhất của Canon, nhưng nhiều năm rồi, hãng chưa có động thái hay hỗ trợ mới nào để mở rộng ngàm này. Giờ thì ngoài việc không có tin tức mới, chúng ta nhận được thứ giống như một bản nâng cấp/thay thế trực tiếp của M50 II, mới hơn và được cải tiến về mọi mặt.

Trên mặt chữ, khá rõ ràng là Canon có vẻ đã bỏ lại ngàm M và sẽ hợp nhất mọi thứ xoay quanh ngàm RF.

Mặt khác, điều này làm nảy sinh nghi vấn: còn lý do nào để nâng cấp trong ngàm M hay mua dòng máy này không? Mọi thứ dường như cho thấy ống kính và máy ảnh ngàm EF-M đã chết, chỉ là Canon chưa tuyên bố mà thôi.

Tùy chọn màu thân máy

Canon R50 có 2 tùy chọn màu: màu đen truyền thống và màu trắng. Không có sự khác biệt nào về chức năng hay vận hành giữa 2 màu.

eos-r50-body-white

Giá bán và phân phối

Canon EOS R50 chính thức phân phối vào tháng 3/2023 với 3 phiên bản. Bản lẻ thân máy có giá khởi điểm $679.99. Kit kèm ống kính co duỗi RF-S 18-45mm F4.5-6.3 IS STM có giá tầm $799.99 và kit 2 ống kính thêm ống 55-210mm F5.0-7.1 sẽ có giá khoảng $1029.99. Canon có kế hoạch bổ sung phiên bản thứ 4 ‘Content Creator Kit’ cho các nhà sáng tạo nội dung vào cuối năm 2023, dự kiến kèm microphone, báng tay cầm và ống kính, tuy nhiên hãng chưa nói rõ đây là ống kính nào hay ngày ra mắt cụ thể.

Theo DPReview