Home > Thủ Thuật > Các góc máy quay cần biết dành cho các nhà làm phim tương lai
Thủ ThuậtThủ Thuật Máy ảnhTin TứcTin Tức Máy Ảnh

Các góc máy quay cần biết dành cho các nhà làm phim tương lai

topshot_30

Một trong những điều đầu tiên sinh viên được học ở trường là tên gọi của những loại góc máy quay cơ bản. Thứ ngôn ngữ thông dụng này cần thiết cho biên kịch, đạo diễn, quay phim và cả đạo diễn hình ảnh, nhằm có thể giao tiếp chính xác các yếu tố thị giác của một cảnh quay, nhất là về kích cỡ của chủ thể – thường là một con người – trong khung hình. Sau đây là danh sách các loại góc máy quay cần thiết mà bạn cần biết cùng với mô tả vắn tắt cho mỗi loại. Bài viết này sẽ tập trung chủ yếu vào kích cỡ chủ thể và góc máy quay mà không bàn đến chuyển động của máy quay ví dụ như tracking shot, dolly in,…

Các góc máy quay gợi tả kích cỡ chủ thể

Có rất nhiều cách để bạn có thể căn khung chủ thể của bạn, từ lấy toàn thân đến chỉ lấy đôi mắt. Nhìn chung có thể chia làm 3 cỡ shot chính là dài (Long), trung bình (Medium) và cận cảnh (Close). Long shot (còn thường gọi là Wide shot – góc rộng) thể hiện chủ thể từ một khoảng cách, nhấn mạnh nơi chốn và vị trí, trong khi Close shot cho thấy các chi tiết của chủ thể và làm nổi bật cảm xúc của nhân vật. Medium shot nằm đâu đó giữa 2 loại trên, vừa nhấn mạnh chủ thể đồng thời cho thấy phần nào khung cảnh xung quanh.

Rất cần lưu ý là các loại shot dưới đây chỉ liên quan đến kích cỡ chủ thể trong một khung hình, và không trực tiếp ám chỉ loại ống kính cụ thể dùng để quay cảnh. Lựa chọn ống kính cũng như khoảng cách giữa máy ảnh và chủ thể sẽ là quyết định của đạo diễn và/hoặc đạo diễn hình ảnh. Giờ thì bắt đầu thôi!

Extreme Long Shot (hay gọi Extreme Wide Shot)

Được dùng để thể hiện chủ thể từ xa hoặc thể hiện khu vực nơi cảnh phim diễn ra. Loại shot này đặc biệt hữu dụng khi muốn thiết lập một cảnh lấy thời gian và nơi chốn, cũng như cho thấy mối quan hệ về mặt vật lý hoặc cảm xúc của nhân vật đối với môi trường và các yếu tố theo đó. Nhân vật không nhất thiết phải xem rõ được ở góc quay này.

extreme-long

Long Shot (hay gọi Wide Shot)

Thể hiện nhân vật từ trên xuống dưới; đối với người là từ đầu tới chân, dùng không nhất thiết phải lấp đầy cả khung hình. Nhân vật sẽ được tập trung vào nhiều hơn so với loại Extreme Long Shot, nhưng shot quay vẫn có xu hướng lấy cảnh nhiều hơn. Loại shot này thường thiết lập cảnh và vị trí của nhân vật trong đó. Shot này còn được xem như Establishing Shot tức cảnh quay thiết lập, thay cho Extreme Long Shot.

long-shot

Full Shot

Lấy nhân vật từ đầu đến chân, chủ thể về cơ bản là lấp đầy khung hình. Điểm nhấn lấy nghiêng về hành động và chuyển động của nhân vật, thay vì trạng thái cảm xúc.

full-shot

Medium Long Shot (hay gọi 3/4 Shot)

Trung gian giữa Full Shot và Medium Shot. Thể hiện chủ thể từ đầu gối trở lên.

medium-long-shot

Cowboy Shot (hay gọi American Shot)

Một biến thể của Medium Shot, loại này lấy tên từ các tựa phim miền Viễn Tây trong khoảng những năm 1930 đến 1940, khớp hình chủ thể từ giữa đùi trở lên để lấy được hình thắt lưng đeo súng của nhân vật vào trong cảnh quay.

cowboy-shot

Medium Shot

Thể hiện chủ thể chi tiết hơn. Đối với người, một cảnh medium thường lấy từ thắt lưng đổ lên. Đây là một trong những shot quay phổ biến nhất thường thấy trong phim, do nó vừa tập trung vào nhân vật (hoặc các nhân vật) trong một cảnh, vừa cho thấy phần nào môi trường xung quanh.

medium-shot

Medium Close-Up

Nằm giữa loại Medium Shot và Close-Up, lấy chủ thể từ ngực hoặc vai đổ lên.

medium-close-up

Close-Up

Lấy đầy khung hình với một phần chủ thể, ví dụ với người thì là lấy vào đầu hoặc khuôn mặt. Góc máy lấy gần, cảm xúc và phản ứng của nhân vật chiếm trọn cảnh quay.

close-up

Choker

Một biến thể của Close-Up, loại cảnh này căn khuôn mặt của chủ thể lấy khoảng giữa từ phía trên chân mày đến dưới miệng.

choker

Extreme Close Up

Nhấn mạnh một vùng nhỏ hoặc chi tiết của chủ thể, ví dụ như miệng hoặc đôi mắt. Một cảnh Extreme Close Up chỉ lấy đôi mắt đôi khi còn được gọi là Italian Shot, được đặt tên từ các bộ phim Ý-Âu nổi tiếng của đạo diễn Sergio Leone.

extreme-close-up

Các góc máy quay gợi tả góc độ/vị trí của máy quay

Bên cạnh kích cỡ chủ thể trong khung hình thì cũng có các loại cảnh quay gợi tả vị trí đặt máy quay tương quan với chủ thể. Sau đây là một số thuật ngữ thông dụng nhất:

Eye Level

Cảnh quay bằng máy quay đặt ở tầm mắt người nhìn, tạo nên hiệu ứng trung lập ở khán giá.

eye-level

High Angle

Chủ thể được lấy hình từ phía trên tầm mắt. Loại shot này có thể tạo hiệu ứng khiến chủ thể trông yếu thế, bị động, sợ hãi.

high-angle

Low Angle

Chủ thể được quay từ bên dưới tầm mắt. Loại shot này có thể tạo hiệu ứng khiến chủ thể trông mạnh mẽ, quả cảm hoặc nguy hiểm.

low-angle

Dutch Angle/Tilt

Cảnh quay thực hiện khi máy quay được đặt góc trên trục xoay (roll) từ đó đường chân trời không nằm thẳng nữa. Góc máy này thường được dùng để thể hiện trạng thái tinh thần không ổn định hoặc rối loạn.

dutch-angle

Over-the-Shoulder Shot

Đây là cảnh quay phổ biến được quay từ phía đằng sau vai của một nhân vật khác, căn hình chủ thể từ Medium đến Close-Up. Vai, cổ hoặc/và phía sau đầu của chủ thể hướng khỏi máy quay nhưng vẫn nhìn thấy được, khiến góc máy hữu dụng tả phản ứng trong cuộc đối thoại. Shot quay này thường dùng để nhấn mạnh mối liên kết giữa hai người đang đối thoại thay vì cảm giác xa cách hay đối đầu khi quay ở dạng cảnh đơn.

over-the-shoulder

Bird’s-Eye View (hay gọi Top Shot)

Cảnh quay từ góc cao quay trực tiếp từ phía trên đầu xuống và từ một khoảng cách nhất định. Loại shot này cho khán giả góc nhìn rộng hơn và hữu dụng để tả phương hướng và chủ thể đang di chuyển, nhằm làm nổi bật các mối liên hệ đặc biệt hoặc để hé lộ với khán giả về các yếu tố bên ngoài tầm hiểu biết của nhân vật. Cảnh quay này thường được quay bằng crane hoặc trực thăng.

birds-eye-view

Các loại góc máy quay phổ biến khác

Cut-In

Giống như Cutaway, nhưng cho thấy cảnh Close-Up của một thứ gì đó thấy được trong cảnh chính.

cut-in

Cutaway

Cảnh quay một thứ gì khác chủ thể và không có trong cảnh chính. Cảnh này thường được tiếp nối bởi một cảnh cut back trở lại cảnh liền trước đó và hữu dụng tránh tình huống nhảy cảnh (jump cut) khi cần biên tập với một phần của một cuộc đối thoại hoặc biên tập chung với 2 cú máy riêng biệt khác.

cut-away

Establishing Shot

Đây thường là cảnh đầu tiên, được dùng để thiết lập địa điểm và môi trường. Nó cũng có thể dùng để thiết lập không khí và cho khán giá những gợi ý dạng hình ảnh theo thời gian (đêm/ngày, năm) và tình huống chung. Do cần cung cấp một lượng thông tin quan trọng nên Establishing Shot thường là Extreme Long Shot hoặc Long Shot.

establishing-shot

Master Shot

Thuật ngữ này để gọi một cảnh quay đơn, không bị ngắt quãng của một cảnh. Cảnh quay này có thể là cảnh quay duy nhất mà đạo diễn dùng để kết một cảnh phim hoặc để biên tập chung với các cảnh quay phụ. Dù thường nó là một cảnh Long Shot hoặc Full Shot, thì Master Shot vẫn có thể là một cảnh quay cận cảnh hoặc chứa nhiều loại cảnh quay trong đó trong trường hợp máy ảnh di chuyển xung quanh cảnh phim.

Point of View Shot (POV)

Cảnh quay mô phỏng góc nhìn của một nhân vật cụ thể trong một cảnh phim. Góc máy này đặt khán giả trực tiếp vào đầu nhân vật, cho họ trải nghiệm trạng thái cảm xúc của nhân vật. Một số ví dụ thường gặp là nhân vật vừa thức dậy, dần dần mất nhận thức hoặc đang nhìn qua ống nhòm.

pov

Reaction Shot

Cho thấy phản ứng của nhân vật trước cảnh quay liền trước đó.

reaction

Reverse Angle Shot

Cảnh quay được quay từ một góc 180 độ ngược lại với cảnh quay trước đó. Thuật ngữ này thường được dùng trong cuộc đối thoại, là một dạng cảnh quay Over-the-Shoulder Shot đảo ngược.

reverse-angle-shot

Two Shot

Cảnh quay trong đó 2 chủ thể cùng xuất hiện trong 1 khung hình.

two-shot

Theo Justin Dise @ bhphotovideo