Đánh giá MacBook Pro 14 inch M1 2021 cấu hình $1,999 bởi Miles Somerville @ 9to5mac
Hai dòng MacBook Pro M1 14 inch và 16 inch mới cuối cùng cũng ra mắt. Mặc dù cấu hình M1 Max với bộ thông số toàn diện nhất có vẻ đang thống trị trên mọi mặt trận, nhưng mình nghĩ xem xét hiệu suất của cấu hình MacBook Pro 14 inch M1 Pro 8-core cơ bản nhất cũng quan trọng không kém. Hình dung nếu bạn dành ngân sách thấp nhất cho một chiếc MacBook Pro mới thì trải nghiệm của bạn sẽ như thế nào?
Xem quá trình đánh giá trong video:
Thiết kế
Nếu nhìn máy ở chế độ clamshell, bạn sẽ suýt quên chiếc máy này ra mắt năm 2021. Apple đã tăng trọng lượng và độ dày của cả hai dòng MacBook Pro 14 inch và 16 inch mới. Hình dáng và công thái học tổng thể của máy mới gợi liên tưởng đến các dòng MacBook Pro ra mắt giai đoạn giữa những năm 2000. Cá nhân mình thích những thay đổi này. Việc tăng trọng lượng và độ dày cũng không khiến mình khó chịu miễn là chúng có mục đích.
Hãng cũng bỏ touchbar, bàn phím chiếu sáng sau, cảm giác gõ phím nhìn chung không đổi. Nhưng hãng đã thay đổi thiết kế của nút TouchID, nút này nay nhìn giống hệt trên các bàn phím tích hợp TouchID mới mà Apple ra mắt với iMac M1.
Nói chung mình nghĩ Apple đã làm rất tốt ở khoản ngoại hình máy. Một sự giao thoa hoàn hảo giữa mới và cũ. Với tất cả những thay đổi nho nhỏ này cộng lại, Apple đã tạo ra một thiết bị có vẻ ngoài rất trang nhã.
Cổng giao tiếp
Các cổng trên MacBook Pro 14 inch lại một lần nữa đa dạng. Hai dòng MacBook Pro 14 inch và 16 inch M1 mới đều mang đến sự trở lại của MagSafe, cổng nam châm từng xuất hiện trên MacBook trước 2016, theo đó còn có cổng HDMI và khay đọc thẻ SD. MagSafe vẫn luôn là một trong những đặc trưng tiêu biểu và tiện dụng của dòng MacBook Pro. Mặc dù mình đã trải qua 4 năm không dùng nó nhưng mình rất vui khi thấy nó trở lại. Điểm tuyệt vời nhất về sự trở lại của MagSafe đó là giờ đây nó là một tùy chọn. Cả 3 cổng Thunderbolt trên các MacBook Pro mới đều có khả năng sạc tương tự. Như vậy bạn sẽ có thêm phương án dự phòng trong trường hợp một trong các cổng hoặc cáp hỏng.
Cổng HDMI 2.0
Cổng HDMI tuy tiện lợi nhưng không thực sự bằng các cổng Thunderbolt. Dễ hiểu Apple để cổng này trở lại để làm vừa lòng số đông người dùng chuyên nghiệp nói chung và bỏ đi các phụ kiện nối chuyển khi trình bày bằng máy chiếu. Tuy nhiên đáng lẽ Apple có thể tập trung hơn vào người dùng chuyên nghiệp thiết kế hình ảnh và videographer thường làm việc với các màn hình 6K, 8K và 4K có refresh rate cao bằng cổng HDMI 2.1.
MacBook Pro 14 inch M1 này trang bị cổng HDMI 2.0 chỉ hỗ trợ màn hình đến 4K tại 60Hz. Trong khi HDMI 2.1 hỗ trợ màn hình 4K 120Hz và cả màn hình 8K. Nhất là khi cân nhắc về giá bán, mình nghĩa Apple lẽ ra nên bổ sung cổng HDMI 2.1, nhưng có vẻ hãng muốn để dành nâng cấp này cho một phiên bản mới hơn trong năm tới.
Khay đọc thẻ SD
Khay đọc thẻ SD tương thích UHS-II cho phép các tốc độ đọc và ghi 3 chữ số phục vụ truyền tải hoặc xem tệp trên thẻ SD. Người dùng chuyên nghiệp sẽ đánh giá cao khoản tốc độ này bởi họ sẽ luôn cần tốc độ cao nhất có thể, còn đối với những người dùng khác đây đơn giản là sự trở lại của một cổng giao tiếp tiện lợi đã bị loại bỏ một cách không cần thiết. Hy vọng Apple sẽ không loại nó đi lần nữa.
Các cổng Thunderbolt 4
Mình nghĩ những gì Apple đã làm với các cổng Thunderbolt cũng là điểm sáng nhất về I/O trên hai dòng MacBook Pro 14 inch và 16 inch mới. Đầu tiên là có đến 4 cổng Thunderbolt 4 chứ không phải USB4 hay Thunderbolt 3. Thunderbolt 4 không hẳn là một bước nhảy về hiệu suất so với Thunderbolt 3 hay USB4, nhưng vì các yêu cầu chứng chỉ khắc khe bởi các nhà sáng tạo ra Thunderbolt, nên nay mới có các tiêu chuẩn phổ biến hơn cho những gì Thunderbolt có thể và không thể làm được.
Thunderbolt 3 được cho là chỉ hỗ trợ tối thiểu 1 màn hình 4K, nhưng vẫn có những thiết bị Thunderbolt 3 hỗ trợ 2 màn hình 4K và kể cả màn hình 8K. Chứng nhận Thunderbolt 4 yêu cầu khả năng hỗ trợ tối thiểu 2 màn hình Thunderbolt. Tóm lại, Thunderbolt 4 đã loại bỏ sự phân cấp sức mạnh trong bản thân cổng Thunderbolt, giờ thì không còn sự khác biệt nào giữa các phiên bản Thunderbolt.
Điểm sáng nhất về việc bổ sung cổng Thunderbolt ở đây là mỗi cổng Thunderbolt có bộ điều khiển riêng, đồng nghĩa bạn sẽ không cần lo lắng về băng thông bị chia năm xẻ bảy giữa hai cổng cùng lúc. Mỗi cổng sẽ cung cấp một lượng hiệu suất tối đa nhất có thể qua Thunderbolt, tức 40Gb/s. Đây là sự thay đổi đáng hoan nghênh với những ai kết nối nhiều thiết bị ngoại vi cao cấp cùng lúc với laptop.
Giắc headphone
Apple đã chuyển giắc headphone sang bên trái trên MacBook Pro tương tự thiết kế năm 2016. Bản thân giắc này cũng được nâng cấp để hỗ trợ các headphone có trở kháng cao, do đó các headphone thông thường cần bộ khuếch đại để chạy chuẩn thì giờ có thể cắm trực tiếp ngon lành. Có thể chất lượng bạn đạt được qua giắc headphone này sẽ không quá ấn tượng, nhưng cũng phải khen Apple đã cân nhắc đến người dùng là nhạc sỹ và kỹ sư âm thanh.
Trừ việc HDMI là bản 2.0 thì có vẻ Apple đã làm rất tốt khoản I/O trên các dòng MacBook Pro 14 inch và 16 inch mới. Mình nghĩ không có quá nhiều người dùng chuyên nghiệp chê bai bố cục cổng mới, như vậy đồng nghĩa Apple đã thành công ở đây.
Tai thỏ
Apple quả thực đã động chạm không ít người khi ráng nhét tai thỏ vào màn hình MacBook Pro 14 inch và 16 inch mới. Đây vốn là một đặc điểm gây tranh cãi trên iPhone, nhìn trên MacBook lại càng gây sốc bởi trước giờ chưa có hãng nào khác thêm tai thỏ lên laptop.
Tai thỏ khớp viền với thanh menu ở rìa trên của giao diện người dùng, về cơ bản không chiếm dụng thêm diện tích. Nhưng đáng tiếc là đến nay Apple chưa thực sự nghĩ thấu đáo cho các item trên thanh menu có thể bị tai thỏ che khuất. Những người dùng đầu tiên có cơ hội trải nghiệm sớm MacBook Pro 14 inch và 16 inch đều thấy được vấn đề này. Apple đối xử với tai thỏ từ góc nhìn UI như thể nó không hề hiện diện, nhưng khi bạn di chuyển con trỏ chuột lên trên tai thỏ, con trỏ chuột sẽ biến mất.
Nếu bạn không có nhiều item cùng hiển thị trên thanh menu thì tai thỏ không thành vấn đề. Trừ khả năng che mất item trên thanh menu thì tai thỏ này không chiếm thêm diện tích hay ăn bớt diện tích màn hình hiển thị so với các đời máy trước. MacBook Pro 14 inch và 16 inch M1 mới không có tỉ lệ khung hình 16:9, nên khi bạn xem video phóng lớn, các thanh đen sẽ luôn xuất hiện ở phía trên và dưới hình, bất kể có tai thỏ hay không.
Màn hình
Công nghe màn hình thực được sử dụng trên hai dòng MacBook Pro 14 inch và 16 inch mới là gần như hoàn hảo với phần lớn người dùng. Từ góc nhìn của một kỹ sư, mình phải công nhận các màn hình này rất xuất sắc. Công nghệ này xuất hiện trước trên iPad Pro 12.9 inch ra mắt hồi đầu năm nay.
Màn hình chiếu sáng sau mini-LED nay cung cấp độ tương phản, dải tần nhạy sáng và độ sáng cao nhất tính đến thời điển hiện tại trên MacBook. Công nghệ mini-LED này còn cho phép xem nội dung HDR chân thực. Màn hình này có thể đạt độ sáng liên tục cao nhất là 1000 nits và hỗ trợ độ sáng đỉnh đến 1600 nits đối với nội dung HDR, tức là cực kỳ sáng so với độ sáng tối đa 500 nits thường thấy trên các máy trước đây.
Việc Apple có thể vun vén chiếc màn hình đỉnh vậy vào trong một bộ khung mỏng quả thật là xuất sắc. Chưa kể độ phân giải không chỉ 3.5K mà còn có thể đạt refresh rate đến 120Hz. Màn hình này trang bị công nghệ ProMotion của Apple từng ra mắt lần đầu trên iPad Pro. Một số người dùng cho biết sự chênh lệch là không quá rõ, nhưng mình để ý mỗi lần mình điều khiển UI nói chung, chỉ cần di chuyển con trỏ chuột loanh quanh hoặc lướt qua các danh mục trong menu thì cũng đủ thấy là rất mượt mà. Trải nghiệm màn hình vốn xuất sắc nay lại còn được hơn thế.
Kết hợp độ phân giải cao, cấu hình độ sáng cao ấn tượng, sự mượt mà và hiệu suất của ProMotion kết hợp hỗ trợ của dải màu rộng, có thể gói trọn màn hình này là trong một từ “xuất sắc”. Chúng sẽ khiến nhiều màn hình laptop khác bị mất giá đi khi so sánh cạnh nhau và chỉ có một số rất ít là ngoại lệ.
Webcam
Webcam mới 1080p trên MacBook Pro 14 inch và 16 inch không quá tuyệt vời, nhưng đây là bước tiến bộ rõ rệt từ những chiếc webcam trên các thế hệ MacBook Pro trước đó. Nó ngang ngửa với chiếc webcam trên dòng iMac 24 inch M1 mới tính đến hiện nay về chất lượng, mà như vậy thì không có gì phải phàn nàn.
Loa
Bộ loa trên MacBook Pro luôn rất tốt dù không phải là tốt nhất trên laptop. Tuy nhiên nay Apple đã quyết định gia tăng khoảng cách bằng cách cải thiện hệ thống lên 6 loa với các loa woofer kháng lực cho cảm nhận rõ hơn khi thưởng thức các bài hát thiên về âm trầm. Bộ loa này có hỗ trợ Dolby Atmos và spatial audio nhằm đạt được cảm nhận âm thanh vòm.
Nhìn chung bộ loa này rất tuyệt, chất âm có thể nói là tốt nhất hiện nay trên laptop, thể hiện được chất âm đầy và trong rõ tốt hơn cả nhiều những loa laptop cao cấp khác. Xét đến khung máy mỏng và hạn chế như MacBook Pro hiện nay thì thật khó mà phàn nàn chất lượng âm thanh ở đây.
Microphone
Một thành phần gây ấn tượng khác trên hai dòng MacBook Pro mới là microphone. Đây là microphone laptop đầu tiên cho mình cảm giác rất đáng tin cậy nếu mình cần làm công việc ghi âm và không thể sử dụng các thiết bị ghi âm chuyên dụng. Nếu bạn ở trong một môi trường yên tĩnh, bạn sẽ càng không có lý do để phàn nàn về hiệu suất của microphone trên MacBook Pro mới.
Hiệu suất
Như kỳ vọng, hiệu suất được cải thiện đáng kể từ chip M1. Tuy nhiên điều đầu tiên khiến mình chú ý xuyên suốt quá trình chạy test là sự thiếu vắng các thông báo khi bộ nhớ xuống thấp, vốn là đặc sản thường gặp khi mình sử dụng Mac mini M1 và nhất là trên MacBook Air M1 8GB của mình khi mình đẩy chúng đến cực hạn. Mặc dù cấu hình này có bộ nhớ tương tự mini M1 của mình, nhưng chip M1 Pro có vẻ quản lý bộ nhớ tốt hơn chip M1, đây là một ưu điểm. MacBook Pro 14 inch và 16 inch mới còn cực kỳ yên tĩnh dù sử dụng trong các tình huống yêu cầu sức mạnh xử lý lớn, ví dụ như khi xuất video phân giải cao mình hầu như không nghe thấy tiếng quạt như trước. So với dòng MacBook Pro Intel, đây quả thực là những kẻ thay đổi cuộc chơi.
Khi chạy các test GeekBench CPU và test đồ họa Metal, có thể thấy điểm hiệu suất CPU và GPU tăng. Đây rõ ràng là điểm M1 còn thiếu sót nhất về hiệu suất. Tuy nhiên…
Hiệu suất chỉnh sửa video
… Chip M1 có thể xử lý chỉnh sửa video 8K nhưng không phải lúc nào cũng được vậy, và đáng tiếc là cấu hình M1 Pro 8-core ở đây của mình cũng không khá hơn là bao. Mình thấy tốc độ xuất video so với M1 đã được cải thiện kha khá đối với video 6K và 8K, tuy vậy chất lượng xem lại nhìn chung trong phần mềm chỉnh sửa vẫn chưa đủ, còn cồng kềnh, phụ thuộc vào loại codec bạn làm việc. Hầu hết máy ảnh mirrorless có khả năng quay 8K ở dạng H265 tức codec chất lượng cao nhưng bị nén khá nhiều, và hiện ở cấu hình MacBook Pro 14 inch cơ bản này mình chưa thấy sự khác biệt rõ ràng về mặt hỗ trợ encode và decode H265.
Mình đã chạy khá nhiều test xuất với video từ các loại camera khác nhau. Lớn nhất trong đó là test suất video 8K với con Canon R5 của mình. R5 quay 8K ở RAW hoặc H265. Tuy xem lại ở chế độ chất lượng cao nhất là không hữu dụng nhưng thời gian xuất thực trên chip M1 Pro lại có vẻ được cải thiện khá nhiều so với chip M1. Dù vậy vẫn còn tùy vào khâu chỉnh sửa của bạn nặng nhẹ đến mức nào.
Nếu bạn làm việc với video ProRes, bạn sẽ thấy sự cải thiện lớn về tổng thể xem lại và tốc độ xuất. Các chip M1 Pro và M1 Max có các encoder và decoder riêng cho dạng ProRes. Apple cũng nói bạn có thể vừa xem lại nhiều dòng video 4K và 8K cùng lúc vừa tiêu tốn rất ít điện năng. Điều này hoàn toàn đúng với dạng 4K ProRes, chip M1 Pro xử lý nó rất đẹp luôn.
Hiệu suất 8K ProRes trên M1 Pro lại không đẹp như mình kỳ vọng, nhưng chắc chắn là codec thân thiện và có hiệu năng cao nhất đối với chip M1 Pro và M1 Max. Xem lại video 8K ProRes chất lượng cao nhất trên chip M1 Pro thì khá vất vả, nhưng hiệu suất xuất thì dư sức hữu dụng đối với các tác vụ thường ngày khi so với chip M1.
Tóm lại, ở cấu hình cơ bản tầm giá $2,000 này, mình không quá bất ngờ trước hiệu suất tổng thể ở mức độ chỉnh sửa video cao nhất, chí ít là so với chip M1. Nhưng mấu chốt cần lưu ý ở đây là trong suốt quá trình xuất và test, máy vẫn duy trì được mức pin rất ổn khi chạy riêng trên pin, và rất im lặng trong suốt 95% quá trình mình test máy. Máy Windows cùng tầm giá sẽ khó đạt được thành tích tương tự. Đây là lý giải tại sao dòng máy này xét từ điểm hiệu suất lại rất được đánh giá cao bất kể giá bán đội trời của nó.
Mình đặc biệt tập trung vào hiệu suất Final Cut Pro trong bài đánh giá này, không chỉ vì đây là chương trình chỉnh sửa cơ bản Apple tối ưu nhắm tới, mà vì đây còn là ứng dụng chuyên nghiệp mình sử dụng hàng ngày. So với chip M1, các dòng MacBook Pro mới sẽ lại đem đến sự cải tiến cho các ứng dụng sản xuất như Xcode, Cinema4D, Logic, Photoshop, DaVinci. Đối với bất kỳ thứ gì không yêu cầu sức mạnh GPU, thì khoảng cách hiệu suất giữa M1 Pro với M1 không phải là quá xa. Nhưng điều này không đồng nghĩa hiệu suất tệ hay gì mà còn ngược lại.
SSD
Cấu hình M1 Pro 512GB đạt tốc độ đọc 5400 MB/s và tốc độ ghi 4500MB/s, gần như gấp đôi những gì mà ổ SSD cùng kích cỡ trên các đời máy tính Mac trước đó đạt được. Đối với truyền tải phương tiện lớn như video hay tệp nhạc, ổ cứng SSD này là một trong những tùy chọn nhanh nhất hiện có trên thị trường. Rất ấn tượng khi đây là ổ cứng trang bị cho cấu hình cơ bản ở mức giá $2,000.
Thời lượng pin
Thời lượng pin trên hai dòng MacBook Pro mới là một trong những điểm yếu nhất. Nó không quá xuất sắc như mình kỳ vọng, dù vậy nó vẫn đủ vượt mặt dòng MacBook Pro Intel, cũng như hầu hết laptop Windows cùng tầm giá. Mình đã thử các tác vụ nặng trên máy chạy thuần trên pin và thấy rõ không thể dùng máy cả ngày mà không cắm sạc lần nào. Tuy vậy nếu bạn hầu như chỉ dùng máy để duyệt web đơn giản thì nó đúng là có thể đồng hành với bạn cả ngày, tương tự các máy tính chip M1 thông thường.
MacBook Pro 14 inch M1 Pro cấu hình cơ bản giá $2,000 là một lựa chọn thú vị, bởi bạn sẽ đồng thời thưởng thức mọi ưu điểm của phần cứng MacBook mới nhất trên cấu hình SoC M1 Pro 8-core yếu nhất trong cả dàn cấu hình mới, và theo những gì mình có được sau test thì sức mạnh ở phần lớn khía cạnh cũng không vượt quá xa so với M1. Nhưng đừng vội hiểu lầm ý mình, các dòng MacBook Pro mới là cực nhanh đối với hầu hết tác vụ chuyên nghiệp. Mình chỉ không tin mấy vào riêng hiệu suất của nó có thể tạo nên cách biệt lớn với dòng MacBook Pro 13 inch M1.
Khi kết hợp hiệu suất xuất sắc nhất trong phân khúc với màn hình và bộ loa cực đỉnh, pin cả ngày, thiết kế cao cấp và kết nối thượng hạng, bạn sẽ nhận được một chiếc máy đáng tiền đến từng xu mà bạn phải bỏ ra. Khi sử dụng máy, có thể nói Apple đã thực sự để tâm đến việc bán ra một sản phẩm có thể đáp ứng đến từng khía cạnh. Trừ giá bán cao thì gần như không có điểm nào để bạn phải trăn trở trên hai dòng MacBook Pro mới. Cấu hình 14 inch sẽ là bạn đồng hành hàng ngày mới của mình cho đến khi nào Apple ra mắt phiên bản máy bàn chuyên nghiệp mới chạy chip silicon chính hãng. Những gì mình được trải nghiệm trên con máy này là rất tuyệt vời. Và nếu bạn đang tìm kiếm những chiếc laptop chuyên nghiệp toàn diện nhất trên thị trường hiện nay thì đây chính là đề xuất của mình dành cho bạn.
Theo 9to5mac