Theo chân chuyên trang DPReview đánh giá chi tiết máy ảnh Fujifilm X-T30.
Thế hệ máy ảnh mới nhất của Fujifilm là X-T30 kế thừa bộ tính năng của mẫu máy ảnh cao cấp X-T3 với mức giá phải chăng hơn. Nghe quen quen đúng không, ấy là bởi giữa X-T20 và X-T2 cũng có mối quan hệ kế thừa tương tự.
Nội dung
1. Tổng quan
Với máy ảnh X-T30, người dùng sẽ nhận được cảm biến 26MP và bộ xử lý giống như trên X-T3, một hệ thống AF cấp tiến hơn (X-T3 cũng sẽ sớm có thông qua một bản cập nhật firmware), cùng nhiều nút điều khiển trực tiếp và màn hình cảm ứng gập; tất cả gói gọn trong một thân máy nhỏ gọn hơn. X-T30 được bán ra với mức giá thấp hơn X-T3, với giá bán cho riêng body là $899, trái ngược với giá khởi điểm $1499 của X-T3.
Thông số kỹ thuật chính của Fujifilm X-T30:
– Cảm biến APS-C X-Trans BSI-CMOS 4 26.1MP
– Bộ xử lý hình ảnh X-Processor 4
– Hệ thống Hybrid AF 425 điểm nhận diện pha bao phủ toàn khung hình
– Chụp liên tiếp 30 fps blackout-free crop 1.25X với màn trập điện tử; 20 fps không crop
– Kính ngắm OLED 2.36M điểm, độ phóng đại 0.62x và tốc độ refresh 100 fps ở chế độ tăng cường
– Màn hình cảm ứng gập 3″
– Các đĩa điều khiển, tốc độ màn trập, bù phơi sáng chuyên biệt
– Joystick để chọn điểm AF
– Chế độ mô phỏng phim Eterna
– Quay video 4K/30p DCI và UHD sử dụng toàn bộ chiều rộng của cảm biến
– Quay nội bộ 4:2:0 8 bit hoặc 4:2:2 10 bit xuất cổng HDMI
– Có cổng USB-C hỗ trợ headphone
– Một khe cắm thẻ nhớ SD (chỉ tương thích UHS-I)
Trên thị trường hiện nay có khá nhiều máy ảnh có giá bán riêng body là $900. Nếu bạn muốn thêm ống kính thì body kèm kit 15-45mm F3.5-5.6 OIS Power Zoom có giá $999, hoặc tuyệt vời hơn nữa thì kit 18-55mm F2.8-4 với giá $1299. Hai phiên bản màu sắc truyền thống là đen và bạc sẽ ra mắt vào tháng 3, trong khi phiên bản màu Charcoal Silver chính thức có hàng trong tháng 6.
2. Fujifilm X-T30 có gì mới?
Ngoài một số ngoại lệ nhất định thì ngoại hình của X-T30 trông không khác mấy so với mẫu máy X-T20 trước đó. Điều này dễ chấp nhận thôi, bởi thiết kế bề ngoài của máy cũng không cần quá phô trương làm gì. Cái chính khiến X-T30 trở nên đáng chú ý nên là những gì đang ẩn bên trong nó.
Điểm nhanh các đặc điểm quan trọng của Fujifilm X-T30:
– X-T30 sử dụng cảm biến X-Trans CMOS tương tự X-T3, hứa hẹn chất lượng hình ảnh và video xuất sắc
– Hệ thống lấy nét tự động (AF) lai gồm 425 điểm bao phủ toàn bộ khung hình
– Quay video 4K DCI và UHD 4K tốc độ 30 fps, bit rate đến 200Mbps
– X-T30 trang bị đường cong gamma F-Log và có thể xuất video 4:2:2 10 bit đến thiết bị thu ngoài
– Máy thể hiện tiềm năng cạnh tranh so với các đối thủ trong tầm giá, có những điểm nổi trội hơn mà X-T3 cũng không thể có kể cả khi được nâng cấp
Cảm biến và bộ xử lý mới
Tin cực tốt là X-T30 sử dụng cảm biến X-Trans BSI-CMOS 4 26MP và bộ xử lý X-Processor 4 tương tự X-T3. X-T3 có chất lượng hình ảnh rất xuất sắc, bao gồm nhiều dải tần nhạy sáng (dynamic range) và tất nhiên là nước màu đặc trưng của Fujifilm. Tuy vậy X-T30 có thể sẽ có màn thể hiện khác hơn một chút.
Bộ xử lý hình ảnh X-Processor 4 mang lại cho X-T30 rất nhiều lợi thế, và một trong số đó phải kể đến tốc độ chụp liên tiếp rất nhanh. Khi sử dụng màn trập điện tử, máy có thể chụp đến 30 fps mà không gặp lỗi blackout, mặc dù mắc phải tỉ lệ crop 1.25x. Nếu không muốn ảnh bị crop, người dùng có thể chụp ở tốc độ 20 fps. Nếu không muốn dùng màn trập điện tử có thể gây ra lỗi banding khi chụp dưới ánh sáng nhân tạo, thì người dùng có thể chụp với màn trập cơ với tốc độ 8 fps.
Phải lưu ý là bộ nhớ đệm sẽ bị giới hạn khá nhiều khi chụp Raw. Ở tốc độ 20 fps có thể chụp được 17 ảnh Raw trước khi chụp chậm lại và chụp được thêm một tấm nữa khi giảm tốc độ chụp xuống 8 fps. Đối với ảnh JPEG (chất lượng tốt nhất), người dùng chụp được 32 ảnh ở tốc độ 20 fps và 90 ảnh ở tốc độ 8 fps.
AF
Fujifilm X-T30 sử dụng phiên bản cải tiến hơn của hệ thống AF trên X-T3, mặc dù X-T3 cũng sẽ sớm bắt kịp nâng cấp này thông qua một bản cập nhật firmware sắp phát hành. Hệ thống AF lai này của máy bao gồm 425 điểm nhận diện pha bao phủ toàn bộ chiều rộng của khung hình. Hệ thống này có tính tùy biến cao, do đó bạn sẽ thấy nhiều thiết lập làm việc phù hợp nhất với các tình huống cụ thể.
Hai tính năng bổ sung liên quan đến lấy nét trên X-T30 liên quan đến nhận diện khuôn mặt và cách thức máy ảnh phản ứng với các chủ thể ở những khoảng cách có sự khác biệt lớn.
Bên cạnh khả năng nhận diện khuôn mặt và mắt như X-T3, với X-T30 giờ đây người dùng còn có thể chuyển đổi giữa các khuôn mặt bằng cách nhấp lên màn hình hoặc tự thiết lập tính năng Face Select cho một nút điều khiển và sử dụng joystick. Tính năng này làm việc khá là hiệu quả, tuy mẫu máy ảnh trước sản xuất chính thức mà DPReview sử dụng xử lý khá giật khi nhận diện giữa các khuôn mặt. Nếu khuôn mặt được nhận diện quay đi, máy sẽ tự động nhận diện một khuôn mặt khác.
Một tính năng mới khác gọi là Non-stop Phase Detection – nhận diện pha liên tục – cải thiện tốc độ lấy nét đến 300% khi chuyển đổi giữa các chủ thể từ-xa-đến-gần (và ngược lại), theo Fujifilm. DPReview cho biết họ sẽ quay lại đánh giá phần này khi nhận được bản X-T30 chuẩn sản xuất chính thức.
Video
Cứ ngỡ Fujifilm sẽ bỏ đi một số tính năng liên quan đến video trên X-T30 để tránh gây ảnh hưởng đến việc bán ra X-T3, nhưng thú vị (may mắn) là hãng vẫn giữ lại hầu hết tinh hoa trên thế hệ máy mới.
X-T30 có thể quay 4K cả DCI và UHD lên đến 30p, oversampling từ toàn bộ chiều rộng của cảm biến với bit rate tối đa là 200Mbps và giới hạn thời gian là 10 phút. Việc không có 4K/60p như X-T3 là lý giải phù hợp cho giá bán $900 của X-T30. Bên cạnh đó máy cũng được trang bị chế độ 1080/120p, tuy vẫn bị crop 1.29x.
Rất ấn tượng là X-T30 có khả năng xuất video 10 bit 4:2:2 đến thiết bị thu ngoài, hoặc lưu video 8 bit 4:2:0 đến thẻ nhớ SD. Máy đồng thời hỗ trợ F-Log, nhận diện khuôn mặt và mắt, time code và chế độ xử lý phim yên lặng (Movie Silent Control) cho phép người dùng sử dụng màn hình cảm ứng để chỉnh phơi sáng thay vì dùng đĩa chỉnh. Chế độ mô phỏng phim Eterna lần đầu tiên xuất hiện trên máy ảnh X-H1 nay cũng có trên X-T30. Máy có cổng nhận microphone 2.5mm, nhưng nếu muốn sử dụng headphone thì bạn sẽ phải dùng cổng USB-C.
Mặc dù vẫn còn phải thử nghiệm nhiều, nhưng trước mắt có thể nhận xét là X-T30 có khả năng quay phim với chất lượng tốt không kém X-T3.
So sánh máy thế nào?
DPReview đã thực hiện so sánh máy ảnh X-T30. Thứ nhất là so sánh máy với ba mẫu máy ảnh X-T khác nhau, đặc biệt là so sánh giữa X-T30 và X-T3, để những người dùng tương lai có thể hình dung được lý do của mức giá bán chênh lệch. Thứ hai là để thấy được làm thế nào X-T30 cạnh tranh được với các đối thủ trong cùng tầm giá đến từ Panasonic và Sony.
Có thể thấy đa phần các điểm khác biệt giữa X-T20 và X-T30 nằm về mảng video, bên cạnh thông số cảm biến chênh lệch. Bạn sẽ được kính ngắm lớn hơn, rõ hơn và video 4K/60p nếu đầu tư thêm $600 để lên hẳn X-T3.
X-T30 có chất lượng tốt hơn GX9, trừ khi bạn có đam mê nhẹ với chiếc kính ngắm lật của mẫu máy ảnh đến từ Panasonic này. Còn đối với Sony a6400, Fujifilm X-T30 sẽ tạo ra một cuộc chiến “kẻ tám lạng, người nửa cân”.
3. Body máy và thao tác
Tuy có mức giá rẻ nhưng Fujifilm X-T30 là một chiếc máy ảnh được chế tạo rất kỹ lưỡng, trang bị nhiều nút xử lý trực tiếp tăng tính hữu dụng và độ thoải mái khi thao tác máy.
Các điểm chính cần chú ý:
– Với mức giá bán hiện tại, rất ấn tượng khi thấy X-T30 được chế tạo rất tốt dù không có kháng thời tiết
– X-T30 đã đổi nút xử lý bốn hướng từ X-T20 thành joystick tám hướng linh hoạt và các chuyển động quét trên màn hình LCD
– Các đĩa chỉnh tốc và bù phơi sáng hỗ trợ thao tác và xử lý các thiết lập trực quan và dễ dàng hơn
So với nhiều mẫu máy ảnh dưới $1000 có xu hướng vừa rẻ vừa nhựa, thì X-T30 lại mang đến cảm giác như một chiếc máy ảnh đắt tiền sang trọng hơn. Phần khung gần như hoàn toàn bằng kim loại, tương tự ba đĩa chỉnh ở mặt trên của máy. Các đĩa này được thiết kế đủ chắc chắn để tránh các trường hợp dễ trượt khi đang chỉnh. Trái lại, các đĩa nằm phía trước và sau máy đều bằng nhựa và dễ trượt hơn.
Fujifilm X-T30 cầm vừa tay, không quá cao cho phép các ngón tay của bạn hỗ trợ máy từ bên dưới grip. Bản thân grip cũng không lớn nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của nó. Các nút điều khiển bố trí hợp lý, mặc dù sẽ có một số người dùng thấy joystick (mới trên X-T30) quá nhỏ và nằm quá thấp ở mặt sau của máy.
Tổng quan khả năng điều khiển
Một điều khiến X-T30 chụp rất dễ chịu là nhờ các đĩa chỉnh nằm ở mặt trên, giúp người dùng cảm thấy kết nối với máy hơn so với việc sử dụng menu. X-T30 có một đĩa chỉnh chế độ cho phép người dùng nhanh chóng truy cập các tính năng chụp liên tiếp, bracketing và các chế độ phim,… Cần gạt bên dưới đĩa này giúp mở đèn flash cóc, với đèn làm việc trong phạm vi 6m/20ft ở ISO 160. Đèn không quay về sau được để chụp đánh flash.
Phía bên kia hot shoe là các đĩa chỉnh tốc và bù phơi sáng. Đĩa chỉnh tốc độ màn trập bên cạnh làm đúng chức năng của nó, thì cũng có một mẹo vặt áp dụng riêng đối với quay video. Nếu đặt đĩa này, ví dụ là 1/60 giây, thì bạn có thể sử dụng đĩa phía sau để chọn các tốc độ màn trập phù hợp với video, ví dụ như 1/48 giây. Trong khi đĩa bù phơi sáng dừng ở ±3, bằng cách thiết lập vềC, bạn có thể tiếp cận được trọn vẹn phạm vi ±5.
Nút Fn nhỏ và khá khó với, là một trong bốn nút vật lý mà người dùng có thể gán chức năng. Một trong những ưu điểm của những chiếc máy ảnh nhà Fujifilm đó là bạn có thể thay đổi các chức năng đã được gán bằng cách nhấn giữ một lúc.
Fujifilm bỏ đi nút thao tác bốn hướng trên X-T30 và thay thế bằng các thao tác lướt trực tiếp trên màn hình cảm ứng. Tuy nhiên người dùng vẫn có thể sử dụng joystick thao tác tám hướng như đã đề cập bên trên, giúp việc định vị mọi điểm AF dễ dàng hơn một chút.
Kính ngắm điện tử (EVF)
EVF trên X-T30 là một panel OLED 2.36M điểm: khá là chuẩn xu hướng hiện nay. Ở mặc định, tốc độ refresh của EVF là 60 fps, nhưng khi chuyển sang chế độ tăng cường tốc độ này tăng lên 100 fps. Fujifilm khẳng định EVF không bị lỗi blackout khi chụp liên tiếp tốc độ cao.
Chế độ Sports Finder từ X-T3 cũng được chia sẻ với X-T30. Chế độ này áp dụng tỉ lệ crop 1.25x (làm giảm độ phân giải gốc xuống khoảng 16MP) và đặt một khung hình quanh vùng sẽ được chụp. Đặc điểm này giúp người dùng quan sát được chủ thể đang tiến vào hoặc rời khỏi vùng chụp. Sports Finder chỉ có thể dùng với màn trập cơ.
Trên EVF có gắn cảm biến mắt. Một điều mà X-T3 không thể sánh với X-T30 đó là cách cảm biến mắt này vô hiệu hóa khi người dùng lật màn hình LCD. Đặc điểm này giúp cảm biến tránh bị xung đột khi chụp.
Cổng giao tiếp
X-T30 được trang bị một bộ ba cổng giao tiếp ẩn dưới tấm cửa nhỏ bên hông trái của máy. Các cổng này gồm cổng thu mic 2.5mm và các cổng USB-C và micro-HDMI. Bên cạnh việc sạc pin và truyền ảnh thì người dùng cũng có thể sử dụng cổng USB-C để kết nối với headphone.
Pin và thẻ nhớ
Fujifilm X-T30 sử dụng pin lithium-ion NP-W126S trữ 8.7Wh năng lượng cho 380 lần chụp/lần sạc sử dụng màn hình LCD (theo chuẩn thử nghiệm CIPA), được xem là một thông số khá là ổn. Tuy vậy Fujifilm chưa công bố thời lượng pin khi dùng EVF.
Mức chụp 300-400 lần cho phép người dùng chụp sự kiện hoặc những dịp chụp ảnh kéo dài vào ngày cuối tuần. Dù vậy, trải nghiệm của người dùng sẽ phụ thuộc khá nhiều vào chế độ chụp liên tiếp, Wi-Fi và thiết lập video được sử dụng, cũng như thời gian dùng để xem ảnh.
Cửa bên cạnh dành cho khe cắm thẻ nhớ SD, chỉ hỗ trợ UHS-I.
4. Xử lý và công cụ điều khiển
Fujifilm X-T30 là máy ảnh có tính tùy biến cao, dù không được trang bị quá nhiều nút bấm. Hệ thống menu hiện đại, tính phản hồi tốt và dễ định vị bằng cách sử dụng joystick hoặc các đĩa điều khiển.
Các điểm chính cần chú ý:
– Màn hình cảm ứng gập cho phép chạm để lấy nét, dùng như touchpad AF và định vị Quick Menu tùy chỉnh
– X-T30 có chế độ Movie Silent Control cho phép sử dụng màn hình cảm ứng thay vì các đĩa chỉnh khi quay video, nhưng các nút trên màn hình quá nhỏ
– Có bốn nút tùy thiết lập và có thể gán chức năng để lướt trên màn hình LCD
Màn hình cảm ứng
Fujifilm X-T30 trang bị màn hình LCD gập quen thuộc, với độ phân giải 1.04M điểm và có thể lật lên hơn 90° một chút và xuống 45°.
Màn hình cảm ứng có thể dùng để đặt điểm lấy nét, và có thể dùng như một touchpad khi sử dụng kính ngắm. Người dùng có thể chọn vùng sử dụng touchpad để tránh lấy nét nhầm. Di chuyển điểm AF nhạy bất kể phương pháp sử dụng là gì.
Màn hình cảm ứng cũng có thể dùng để điều chỉnh các thiết lập trên Quick Menu tùy chỉnh. Khi nhấp vào khung sẽ có đến năm tùy chọn hiển thị và nếu muốn xem nhiều tùy chọn hơn thì nhấp vào mũi tên nhỏ nằm ở bên phía danh sách. Theo DPReview thì trên thực tế sử dụng các đĩa điều khiển cho phép định vụ các tùy chọn nhanh hơn so với dùng tay. Người dùng có thể nhấn nút màn trập xuống một nửa hoặc nhấn nút Menu/OK để xác nhận thiết lập đã chọn.
Trường hợp đang quay video và không muốn sử dụng nút bấm (do tiếng ồn của nút có thể lọt vào mic), người dùng có thể sử dụng tính năng gọi là Movie Silent Control. Không cần chạm vào nút bấm vật lý, tính năng này vẫn cho phép chỉnh ISO, ân lượng mic/headphone, bộ lọc tiếng gió, cân bằng trắng và chế độ mô phỏng phim. Tuy nhiên các phím ảo cũng khá là nhỏ, khó chọn đúng thiết lập mong muốn. Hy vọng Fujifilm sẽ lắng nghe góp ý và sớm tăng kích thước của các phím ảo này lên.
Điểm cộng là joystick có thể dùng để định vị các nút trên màn hình. Quan trọng hơn là, sử dụng Movie Silent Control đảm bảo các thiết lập phơi sáng ảnh tĩnh và video riêng biệt, dễ dàng hơn khi cần chuyển đổi qua lại giữa chụp và quay.
Các thiết lập tùy biến
Có bốn nút vật lý tùy biến trên X-T30 gồm nhấn vào trong đĩa ở mặt sau máy. Có đến bảy trang tùy chọn nhưng đảm bảo chức năng nào cũng đều có thể gán được. Quét màn hình LCD theo bốn hướng cũng là một cách để chỉnh thiết lập.
Hướng của vòng chỉnh khẩu cũng thiết lập được, rất hữu dụng đối với các nhà quay phim.
Nếu không muốn lạc trong menu X-T30, bạn có thể dễ dàng thiết lập riêng menu cho mình với My Menu.
Auto ISO
Fujifilm X-T30 có ba thiết lập Auto ISO, mỗi thiết lập cho phép xác định thông số ISO tối đa và tối thiểu, bên cạnh mức tốc độ màn trập cần tăng ISO. Một tùy chọn Auto có thể liên kết mức tốc độ này với chiều dài tiêu cự, nhưng không sửa nhanh hơn hay chậm hơn được.
Tuy không thể gán tốc độ màn trập tối thiểu cho nút tùy biến, nhưng bạn có thể gán ISO và từ đó sử dụng joystick để điều chỉnh thông số khá là nhanh.
Auto ISO có thể sử dụng ở chế độ thủ công đối với cả chụp tĩnh và quay video, sử dụng để bù phơi sáng được, do đó bạn có thể chọn tốc, khẩu và độ sáng mục tiêu của mình, rồi để máy ảnh giữ nguyên mọi thứ trong khi sử dụng ISO.
Bảng thông số kỹ thuật đầy đủ của Fujifilm X-T30
5. Ấn tượng đầu tiên
Phần ấn tượng đầu tiên này do anh Jeff Keller/DPReview thực hiện.
Điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí Jeff khi anh nghe tin X-T30 chuẩn bị ra mắt đó là “xin đừng là một con X-T100 khác.” X-T100 là chiếc máy ảnh nghe rất hứa hẹn nhưng rốt cuộc lại là một nỗi thất vọng lớn, do bộ xử lý chậm, hệ thống AF ồn và quay video 4K/15p.
May mắn là X-T30 không giống X-T100. Trên thực tế, X-T30 thực sự là ‘hậu duệ của X-T3’, và trừ khi bạn là một nhà quay phim nghiêm túc hoặc cần một thân máy cứng cáp hơn nữa, thì bạn chắc chắn có thể chọn X-T30 vừa rẻ hơn vừa tiết kiệm được $600 để mua ống kính.
Một điều anh Jeff luôn rất thích ở các máy ảnh dòng X của Fujifilm đó là cách bộ điều khiển thực sự kết nối người dùng với máy ảnh. Dù không có nút chỉnh ISO như X-T3, X-T30 vẫn có nút bù phơi sáng và chỉnh tốc, bên cạnh đó nhiều ống kính ngàm X có cả vòng chỉnh khẩu. Jeff từng trên tay rất nhiều máy ảnh tầm $1000 và anh cho biết mình rất vui khi thấy Fujifilm không hề hạ thấp chất lượng gia công: X-T30 cho cảm giác thật sự cứng cáp.
Bản thân anh không thích một vài điểm trong thiết kế, trong đó có joystick (quá nhỏ, cần thiết kế cao hơn), cảm biến mắt nhạy quá mức (Jeff cũng nhắn nhủ Fujifilm: nên tắt cảm biến này khi màn hình LCD đang lật), và đặc biệt là vị trí của nút Q. Nút này nằm ngay phía trước grip ngón tay, khiến Jeff bấm nhầm không biết bao nhiêu lần mỗi một lần chụp hình. Nếu Jeff có thể tắt nút này và gán menu cho nút Fn thì anh khẳng định mình sẽ làm ngay.
Nếu không có những điểm trên, thì Jeff thực sự bị ấn tượng bởi khả năng phản hồi của X-T30 (xét về hoạt động và AF) và các kết quả anh thu được sau khi dành vài tuần với máy. Máy ảnh lấy nét rất tốt, mặc dù Jeff chụp chủ thể ít động là chủ yếu và mèo (đối tượng duy nhất có sẵn giữa mùa tuyết trong suốt cơn bão tuyết ngoài dự liệu của anh).
Ngay khi tuyết tan và Jeff có thể ra ngoài, anh có thể chụp được màu sắc luôn rất mãn nhãn của Fujifilm, và thật tuyệt khi có chế độ giả lập phim Acros trên một chiếc máy ảnh có giá cả phải chăng hơn. Dynamic range của cảm biến gây ấn tượng với anh khi Jeff có thể chụp một bức ảnh sáng đến ấn tượng của chú chim gõ kiến trên một cái cây ngược sáng nặng, mà không bị lỗi nhiễu lớn. Kể cả sau khi lỡ tay thiết lập ISO đến 51,200, cuối cùng Jeff vẫn chụp được một bức ảnh đủ đẹp để lên mạng sống ảo.
Tuy Jeff không thích một số điểm trong thiết kế của X-T30, nhưng nhìn chung đây là một chiếc máy ảnh rất đáng chú ý so với giá bán của nó. Bạn có thể có được chất lượng hình ảnh, hệ thống AF và hầu hết các tính năng của X-T3, bên cạnh các tính năng như xuất video 10 bit 4:2:2 chắc chắn sẽ không thể tìm thấy trên những chiếc máy ảnh khác trong cùng phân khúc. Jeff đặt câu hỏi liệu anh có muốn EVF lớn hơn và thân máy bền hơn của X-T3 hay không? Dĩ nhiên là có, nhưng bản thân Jeff thích để dành $600 để sắm thêm một trong những chiếc ống kính xuất sắc của Fujifilm. Jeff cũng hóm hỉnh đùa là liệu anh đã nói qua ngoại hình đẹp long lanh của máy trong màu bạc than (charcoal silver) chưa.
6. Chất lượng hình ảnh
Phần cảnh để chụp đánh giá được kết hợp nhiều loại chất liệu, màu sắc và chi tiết cùng một lúc mà mọi người có thể bắt gặp trong đời sống hàng ngày. Bố trí này cũng có hai chế độ chiếu sáng để thể hiện tác động của các điều kiện ánh sáng khác nhau.
Các điểm chính cần chú ý:
– Chất lượng hình ảnh của X-T30 tương tự của X-T3: xuất sắc.
– Ảnh JPEG có màu sắc đặc trưng của Fujifilm.
– Cảm biến 26MP cho phép người dùng chụp ở các mức ISO thấp nhằm cùng lúc giữ nguyên các vùng sáng và làm sáng các vùng tối khi hậu kỳ các tập tin RAW, không có lỗi nhiễu rõ.
Cảnh trong studio
Bởi sở hữu cảm biến giống của X-T3, X-T30 cũng chụp được ảnh rất giàu chi tiết. Đối thủ của nó là Sony a6400 thể hiện được nhiều chi tiết hơn một chút, đổi lại là rủi ro gặp lỗi răng cưa (aliasing).
Ở các mức ISO cao, sự khác biệt giữa X-T30 và X-T3 không còn quá rõ ràng nữa. Trong khi đó, Sony a6400 bị nhiễu màu (chroma noise) thấy rõ hơn, còn Panasonic GX9 và chiếc cảm biến Four Thirds nhỏ hơn của nó thì xếp chót vè khoản này.
Khi đổi sang JPEG, bạn có thể thấy rõ các màu sắc sống động, bắt mắt vốn là thế mạnh của máy ảnh Fujifilm. Các chi tiết được làm sắc nét trông rất ổn ở những vùng có độ tương phản cao, mặc dù Sony a6400 có phần phức tạp hơn một chút. Ở mức ISO cao, máy tránh nhiễu tốt, tuy các chi tiết nhỏ dễ bị tính năng giảm nhiễu làm vỡ.
Dynamic range của ảnh RAW
Về đánh giá tính bất biến của ISO thì nhìn chung, cảm biến của X-T30 xử lý rất tốt, gần như không có khác biệt gì giữa chụp RAW ở mức ISO nền 160 và kéo vùng tối lên đến 4+ stop, so với chụp ở ISO 3200. Đối với những người dùng nâng cao, phương pháp này giúp giữ được các vùng sáng ở mức sáng nhất mà bạn muốn giữ cho không bị leo lề (clipping) trắng và không thể phục hồi. Đây được xem là thiết kế cảm biến ‘một mũi tên trúng hai đích’, và nếu bạn chụp trong những môi trường cực kỳ tối thì bạn sẽ muốn đánh ISO từ 160 đến 800 và đánh sáng từ đây.
Hãy xem vĩ độ phơi sáng khi DPReview dùng mức ISO nền của máy ảnh và thử tăng sáng dần dần trên các vùng phơi sáng bị tối để xem nhiễu ảnh xuất hiện trong các vùng tối sẫm nhiều đến mức nào. Có thể thấy X-T30 bị nhiễu ít hơn Sony a6300 (máy sử dụng cảm biến giống trên a6400).
Các chế độ dynamic range của ảnh JPEG
Đáng chú ý là trên X-T30, tương tự các máy ảnh khác của Fujifilm, có ba chế độ dynamic range cho người chụp JPEG. Chế độ mặc định là 100% với các tùy chọn cho 200% (1 stop chụp vùng sáng bổ sung) và 400% (2 stop). Thiết lập ISO tối thiểu sẽ tăng theo mỗi lần bạn tăng thiết lập DR: ISO 160, 320, 640. Bên cạnh các điểm kỹ thuật phức tạp, quan trọng là X-T30 có khả năng chụp các tông cực sáng ở định dạng JPEG, nếu bạn không ngại đánh đổi một chút ISO và nhiễu ảnh đi kèm.
7. AF
Hệ thống AF lai trên X-T30 được cải tiến hơn rất nhiều so với những người tiền nhiệm của nó. Giờ đây hệ thống này có số điểm nhận diện pha bao phủ toàn bộ khung hình, cùng với độ nhạy trong tình trạng thiếu sáng và hiệu suất nhận diện khuôn mặt/mắt được cải thiện, như Fujifilm chia sẻ.
Các điểm chính cần chú ý:
– X-T30 nhận diện khuôn mặt và mắt nhanh hơn mặc dù còn hơi giật một chút
– Một điểm khá bực là nhận diện mắt luôn ghi đè lên điểm lấy nét đã chọn. Giải pháp tốt nhất là tắt nhận diện khuôn mặt hoàn toàn trong những tình huống này.
– Máy ảnh có thể bám theo đối tượng khá là hiệu quả nhưng DPReview phát hiện có một ưu điểm nhất định khi chỉnh hệ thống AF cho phù hợp với chuyển động của đối tượng.
Các chế độ AF và nhận diện khuôn mặt
X-T30 có bốn chế độ vùng AF: Single Point, Zone, Wide/Tracking và All (là cách dễ dàng nhất để dùng kết hợp cả ba chế độ trước). Ở chế độ Single Point, bạn có thể chọn tay từ 117 đến 425 điểm.
Fujifilm khẳng định là hệ thống nhận diện mắt và khuôn mặt đã được đại tu từ X-T20. Hệ thống này tuyệt vời hơn, dù vẫn chưa là đỉnh nhất. X-T30 có thể nhận diện khuôn mặt và mắt khá là tốt (trừ những đối tượng đeo kính mắt), tuy thỉnh thoảng máy vẫn bị nhảy nét giữa mặt và mắt nếu bị mất lấy nét khuôn mặt và phải tìm một khuôn mặt khác. Khi đặt Auto, lấy nét giữa hai mắt sẽ được chuyển đổi, từ khi đối tượng đứng yên. Khi máy ảnh bị mất điểm lấy nét trên một khuôn mặt, nó sẽ trả về bất kỳ chế độ nào vừa sử dụng trước đó (ví dụ zone, single-point,…)
“Nhận diện khuôn mặt sẽ luôn được ưu tiên so với chế độ AF đã chọn”
X-T30 cho phép bạn di chuyển từ khuôn mặt này sang khuôn mặt khác bằng cách dùng màn hình cảm ứng hoặc joystick. Trên thực tế, khả năng này khá là khó dùng bởi có đôi khi, đối tượng mà bạn muốn lấy nét lại có hoặc không thể được nhận diện khuôn mặt. Hệ thống sẽ bãi bỏ lựa chọn của bạn nếu đối tượng quay mặt đi, chuyển sang một khuôn mặt khác mà nó có thể tìm được. Còn như trước thì máy ảnh sẽ trở lại thiết lập AF trước đó (có hiển thị khung cho điểm lấy nét) nếu khuôn mặt biến mất.
Sẵn tiện đang nói về việc ghi đè, thì nhận diện khuôn mặt sẽ luôn được ưu tiên so với chế độ AF mà bạn đã chọn. Ví dụ như nếu bạn chọn trước một điểm lấy nét và một khuôn mặt xuất hiện, thì thay vào đó máy ảnh sẽ lấy nét trên khuôn mặt mới đó, bất kể là khuôn mặt này ở khoảng cách nào so với điểm lấy nét bạn đã chọn. Bạn có thể dùng joystick để giành lại quyền xử lý, tuy nhiên máy ảnh sẽ nhảy ngược lại khuôn mặt được lấy nét mới gần như ngay lập tức. Lựa chọn tối ưu nhất cho các tình huống chụp hình bình thường sẽ là tắt nhận diện khuôn mặt đi hoàn toàn, và tùy chỉnh một nút bấm thành nút dùng chéo giữa bất kỳ thiết lập nhận diện khuôn mặt nào hiện tại của bạn với chế độ tắt.
Continuous AF
Xem chi tiết kết quả của phần đánh giá này tại đây.
Để đánh giá hiệu suất AF liên tục (Continuous AF), DPReview thử chụp một đối tượng đang tiến lại với tốc độ nhanh sử dụng điểm AF chính giữa. Điều này cho phép nhóm đánh giá thấy được máy ảnh tiếp cận đối tượng ở khoảng cách xa tốt đến mức nào, và liệu máy có điều khiển được ống kính của nó đến vị trí đó nhanh hay không. Dưới đây là hình ảnh chụp thử nghiệm của DPReview sử dụng ống kính XF 50-140mm F2.8 tốc 1/1000 giây, khẩu mới tối đa.
Nhóm đánh giá cho biết họ mong đợi những chiếc máy ảnh hiện đại có thể vượt qua được bài đánh giá này dễ dàng, trừ một tấm ảnh bị mất nét, và X-T30 đã hoàn thành công việc của nó khá là xuất sắc, kể cả ở tốc độ 20 fps (sử dụng màn trập điện tử). Tấm cuối bị giật nét một chút là do bộ nhớ đệm lúc này đã bị chậm dần lại.
Kế tiếp nhóm đánh giá cho đối tượng ảnh của họ đạp xe đạp di chuyển liên tục trong vùng AF của máy ảnh theo cách mà máy ảnh không thể dự đoán trước. Như thế có thể thấy được các khả năng tiếp cận của máy ảnh đối với các hướng di chuyển khác nhau của đối tượng. Đối với phần đánh giá này, nhóm sử dụng chế độ Wide/Tracking, cần xác định và theo dõi đối tượng xung quanh cảnh, cũng như cố gắng giữ lấy nét trên đối tượng.
Tại các thiết lập mặc định, X-T30 không làm tốt lắm ở phần đánh giá này. Máy có thể bám đối tượng khi đối tượng cố tình ‘đánh võng’, tuy nhiên bản thân điểm lấy nét lại bị trễ so với đối tượng dù chỉ một chút do những chuyển động mạnh và bất ngờ. Tương tự các máy ảnh tầm trung đến cao cấp khác của Fujifilm, X-T30 trang bị năm bộ thiết lặp sẵn (kèm theo một thiết lập custom) sử dụng các thiết lập tốt nhất cho tình huống chụp. Các thiết lập này gồm có:
Trong tình huống ‘đánh võng’ của bài đánh giá bằng xe đạp, nhóm DPReview cũng phát hiện ra các thiết lập custom với độ nhạt tracking có thể đặt đến 4 và tốc độ tracking có thể đặt đến 2 để cho kết quả tốt nhất – dù không đồng nghĩa là hoàn hảo nhất. Cuối cùng là chế độ số 1 (Multi-purpose; Nhiều mục đích) có thể sẽ không phải lúc nào cũng làm việc, do đó bạn sẽ cần điều chỉnh các thiết lập trên khi cần thiết.
7. Video
Thông thường đa số người dùng khi nghĩ đến các hãng sản xuất máy ảnh làm tốt ở cả mảng ảnh tĩnh và video, thì chắc chắn sẽ không nghĩ đến Fujifilm. Nhưng thật sự là Fujifilm đã có X-T2 là một chiếc máy ảnh cho phép quay phim khá ổn, còn X-T3 thậm chí còn xuất sắc hơn khi chứng tỏ được khả năng vừa chụp tĩnh vừa quay phim nhất nhì thị trường máy ảnh hiện nay.
Khá ấn tượng là chiếc X-T30 rẻ tiền hơn lại được kế thừa phần lớn các tính năng tinh hoa của X-T3. Đơn cử, X-T30 có thể quay 4K DCI và UHD oversampled (lên đến 30p), hỗ trợ F-Log và có thể xuất phim 10 bit 4:2:2 ra thiết bị quay ngoài. Những thứ X-T30 thiếu là 4K 60p, codec H.265, bit rate 400Mbps và quay 10 bit (đồng nghĩa không có HLG).
Các điểm chính cần chú ý:
– X-T30 quay phim 4K 30p tuyệt đẹp sử dụng toàn bộ chiều rộng của cảm biến, mặc dù thời gian quay tối đa chỉ 10 phút.
– Có hỗ trợ F-Log và xuất 10 bit 4:2:2 – là các trang bị hiếm hoi lắm mới xuất hiện trên các máy ảnh cùng phân khúc.
– AF cho video rất tốt, dù máy chỉ tra dấu được một vài khuôn mặt và cũng không chọn được trên màn hình cảm ứng.
– Có các công cụ điều khiển và hỗ trợ video rất tốt.
– Mẫu màu Eterna rất hấp dẫn.
Các tùy chọn video
Fujifilm X-T30 không có nhiều tùy chọn về độ phân giải, tốc độ khung hình hay tốc độ bit như trên X-T3.
Máy cũng có chế độ quay phim tốc độ cao, cho phép quay Full HD (1920 x 1080) ở tốc độ 100p hoặc 120p và xem lại ở 59.94p, 50p, 29.97p, 25p, 24p hoặc 23.98p. Chế độ tốc độ cao sẽ chịu mức crop 1.3x.
Một điều quan trọng nữa là quay 4K có giới hạn 10 phút để tránh bị nóng máy.
Các công cụ quay video
Trên X-T30 không thiếu công cụ hỗ trợ quay video. Bạn sẽ có focus peaking (với khả năng mở rộng màn hình để lấy nét tay chính xác hơn, nhưng không sử dụng được trong lúc chụp), zebra pattern, điều khiển mức âm lượng riêng cho micro trong và ngoài, dùng được các chế độ mô phỏng phim của Fujifilm bao gồm Eterna, đây là mẫu màu điện ảnh có độ tương phản và bão hòa màu khá là thấp và có thể sử dụng trực tiếp trên máy ảnh hoặc khi bắt đầu làm color grading bổ sung.
Những người dùng nhiều kinh nghiệm hơn sẽ cảm thấy hài lòng bởi hỗ trợ F-Log cũng như xuất 10 bit 4:2:2 qua cổng HDMI, với khả năng quay nội bộ 8 bit 4:2:0 cùng lúc.
Bên cạnh đó là tính năng Movie Silent Control, cho phép bạn điều khiển các công cụ liên quan đến quay video quan trọng nhất, từ khẩu, tốc đến ISO và mức độ micro, tất cả thông qua màn hình cảm ứng. Các biểu tượng trên màn hình đều ở một bên, nhưng kích thước nhỏ rất dễ khiến bạn bấm nhầm. Ưu điểm là bạn sẽ không phải nghe tiếng xoay nút nữa.
Một điểm đáng khen về chế độ Movie Silent Control nói trên là nó cho phép bạn sử dụng hai nhóm thiết lập hoàn toàn khác nhau: một cho ảnh tĩnh và một cho video. Nếu bạn muốn sử dụng chế độ mô phỏng phim Provia cho ảnh tĩnh và Eterna cho video, bạn có thể dễ dàng thiết lập cả hai và cứ thế mà dùng. Đồng thời bạn cũng có thể nhảy thẳng từ video đến chụp tĩnh mà không cần chỉnh tốc 1/48 giây.
Trên X-T30 còn có cổng 2.5mm để dùng mic phụ. Máy cũng nhận headphone qua cổng USB-C.
AF video
Fujifilm X-T30 chỉ có hoặc lấy nét liên tục hoặc lấy nét tay, dù cũng có một chế độ kiểu như Single AF cho phép bạn tắt lấy nét liên tục bằng cách nét giữ nút AF-L (hoặc còn có nút chuyển đổi). Đổi lại, bạn có thể nhận nút AF-L ở chế độ lấy nét tay để xử lý một điểm AF đơn nếu bạn muốn đặt lấy nét nhanh chóng trước khi bắt đầu quay phim.
Có hai chế độ lấy nét vùng. Chế độ lấy nét đa vùng Multi-area cho phép lấy nét bất kỳ thứ gì trong khoảng lấy nét gần nhất, trong khi chế độ Area cho phép bạn chọn từ 91 điểm lấy nét. Nhận diện khuôn mặt và mắt cũng có thể dùng và làm việc khá là hiệu quả, kể cả khi đối tượng di chuyển. Máy ảnh sẽ chỉ tra dấu các khuôn mặt trong lúc quay video, nhưng không tra dấu khi bạn nhấp lên màn hình.
Có thể thấy trong hình ảnh bên trên là hệ thống AF sử dụng nhận diện khuôn mặt và mắt để giữ lấy nét trên đối tượng khi đối tượng di chuyển về phía máy ảnh. Nếu bạn quan sát ánh sáng ở hậu cảnh, bạn có thể thấy là máy lấy nét lại khá là mượt mà và không bị hunt quá nhiều.
Có hai thiết lập cho phép bạn tinh chỉnh AF liên tục. Một thiết lập là độ nhạy tracking, đi từ 0-4, xác định thời gian máy ảnh sẽ chờ trước khi lấy nét lại trên đối tượng bước vào khung hình. Thiết lập thứ hai là tốc độ AF, điều chỉnh tốc độ phản hồi của máy ảnh.
Nhìn chung, nhóm đánh gia thấy hệ thống làm việc khá ổn, cả về nhận diện khuôn mặt nói riêng và mọi thứ nói chung.
Chất lượng video
Xem chi tiết phần đánh giá này tại đây.
Ở độ phân giải 4K UHD video trên X-T30 trông rất tuyệt, giàu chi tiết hơn Sony a6400, tiềm năng cạnh tranh với các máy ảnh lai chụp/quay cũng rất cao, ví dụ như Sony a7 III. Chất lượng của phim 4K DCI thì lại có phần mịn hơn UHD.
Xuống 1080 thì X-T30 vẫn có vẻ nhỉnh hơn a6400. Chất lượng tương đối đạt đến cỡ Panasonic GX9 (theo DPReview thì hơi bị sắc nét quá mức) nhưng vẫn chưa đạt đến mức chi tiết như Panasonic GH5.
X-T30 gặp lỗi rolling shutter khá là thấp và đỡ hơn Sony a6400.
8. Nên mua Fujifilm X-T30 hay không?
Nhìn chung, khi xét X-T30 là một máy ảnh mirrorless tầm trung, chúng ta có thể thấy được sơ bộ có bao nhiêu chủ đề nhiếp ảnh mà máy có thể chụp.
Du lịch
Thiết kế nhỏ gọn, màu sắc mãn nhãn, khả năng video mạnh và kết nối không dây biến X-T30 trở thành bạn đồng hành du lịch lý tưởng. Ảnh JPEG chuyển ngoài máy trông rất ổn. Ống kính du lịch zoom linh hoạt của Fujifilm là 18-135mm F3.5-5.6, hoặc cũng có thể chọn trong nhiều lựa chọn thay thế khác khi bạn không cần zoom nhiều. Dù giao diện hơi rối và kết nối chậm, nhưng ảnh có thể truyền qua máy ảnh đến điện thoại thông qua ứng dụng khá là dễ dàng.
Ưu:
- Nhỏ, nhẹ
- Ảnh JPEG ngoài máy đẹp
- Chất lượng video 4K xuất sắc
- Sạc USB
Khuyết:
- Thiết kế LCD không dễ chụp selfie
- Không kháng thời tiết
- Cần xử lý lại giao tiếp Wi-Fi
Video
Với mức giá $900, X-T30 là một chiếc máy ảnh lai quay phim tuyệt vời. Máy kế thừa hầu hết các tính năng video chính từ X-T3, do đó trừ khi bạn làm chuyên nghiệp lắm thì thôi, còn không thay vào đó bạn có thể tiết kiệm $600 để mua X-T30. X-T30 quay 4K giới hạn 10 phút kém hơn 30 phút trên X-T3, do để tránh vấn đề quá tải nghiệt. Và X-T30 cũng không có ổn định hình ảnh trong máy, do đó trừ khi bạn dùng ống kính có O.I.S, thì mọi thứ sẽ hơi bị rung lắc một chút.
Ưu:
- Video oversampled 4K DCI và UHD 4K đẹp
- Bộ điều khiển mở rộng
- Xuất Log 10 bit 4:2:2 ra thiết bị quay ngoài
- Giắc mic phụ; cổng USB-C có thể dùng để gắn headphone
Khuyết:
- Quay 4K giới hạn 10 phút
- Quay nội bộ giới hạn 8 bit
- Không có ổn định hình ảnh trong thân máy
Khoảng khắc và gia đình
- Nhỏ, nhẹ
- Ảnh JPEG ngoài máy đẹp
- Chất lượng video 4K xuất sắc
- Sạc USB
Bới thân máy nhỏ gọn, giao diện cảm ứng dễ dùng và ảnh JPEG ngoài máy đẹp, X-T30 chụp ảnh hàng ngày dễ dàng, kèm theo nút gạt trên phần top plate cho phép người mới dùng sử dụng chế độ Auto chọn cảnh linh hoạt.
Đáng tiếc là nhóm đánh giá lại phát hiện tính năng nhận diện mắt và mặt ít nhạy hơn mong đợi, khi chụp trẻ em hiếu động thì ảnh dễ bị mất nét. Máy cũng dễ lấy nét trên các đồ vật hơn, và cũng thường bất ngờ mất dấu khuôn mặt đang lấy nét. Điều này cũng đồng nghĩa là bạn sẽ thường không thể chuyển đổi lấy nét giữa các khuôn mặt trong cùng một cảnh.
Mặt khác, nếu bạn trung thành với điểm lấy nét đơn hoặc vùng lấy nét đơn, ảnh trông sẽ ổn hơn, đồng thời sử dụng các ống kính prime nhỏ gọn và ống zoom linh hoạt xuất sắc của Fujifilm như 18-55mm F2.8-4 để chụp hình mỗi ngày. Video cũng khá là vượt trội so với các sản phẩm cùng phân khúc khác.
Ưu:
- Nhỏ, nhẹ
- Nhiều lựa chọn ống kính prime nhỏ, nhanh
- AF đáng tin cậy với điểm/vùng đơn
- Ảnh JPEG ngoài máy xuất sắc
- Chất lượng video 4K vượt trội
Khuyết:
- Nhận diện mặt/mắt khi AF liên tục khá là giật
- Thiết kế LCD không dễ chụp selfie
Lifestyle và con người
X-T30 có khả năng chụp ảnh nghệ thuật với các chế độ mô phỏng phim Film Simulation cho phép tăng tính sáng tạo. Màu sắc của Fujifilm xuất sắc nhất nhì rồi, còn thêm hỗ trợ của các ống kính prime nhanh cho phép chụp độ sâu trường nông. Hệ thống nhận diện mắt/mắt phản hồi tốt (chỉ hơi giật một chút) và bạn có thể chuyển đổi giữa các khuôn mặt sử dụng joystick hoặc màn hình cảm ứng, tuy không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Ưu:
- Ảnh JPEG tuyệt vời
- Cảm biến linh hoạt cho phép người dùng nâng sáng các vùng tối, vừa giữa nguyên vùng sáng
- Nhận diện mắt/mặt phản hồi tốt
Khuyết:
- Nhận diện mặt có thể thỉnh thoảng chuyển nhanh giữa các đối tượng
Phong cảnh
Cảm biến 26MP mang lại kha khá độ phân giải phù hợp chụp ảnh phong ảnh, với dải dynamic RAW rộng cho phép nâng sáng các vùng tối mà không bị nhiễu hạt quá rõ. Nếu thích chụp JPEG, bạn có thể chụp được màu sắc rất đẹp ngay từ trên máy ảnh, và các chế độ DR của máy cũng dễ dàng mở thêm dynamic range cho bạn. Fujifilm có nhiều lựa chọn ống kính prime và zoom linh hoạt lý tưởng cho các nhiếp ảnh gia chụp phong cảnh. Mặc dù vậy, máy lại không có kháng thời tiết và cũng không phù hợp để sử dụng trong nhiều điều kiện môi trường khắc nghiệt. Bù lại thời lượng pin khá là ổn, tuy không quá xuất sắc, và được khuyên là nên mang theo pin dự phòng. Bạn có thể sạc máy qua cổng USB-C, có hỗ trợ sạc bằng pin sạc dự phòng.
Ưu:
- Màu ảnh JPEG tuyệt vời
- Cảm biến phân giải cao với dynamic range rộng
- LCD xoay lật
- Nhiều lựa chọn ống kính phù hợp chụp phong cảnh
Khuyết:
- Không có kháng thời tiết
Thể thao và hành động
X-T30 không chụp chuyên thể thao, nhưng trong một số tình huống máy có thể xử lý tốt ở cả chế độ vùng và Wide/tracking, nhất là khi bạn tự thiết lập AF. Về trên tay, vì báng cầm trên máy khá là nhỏ nên khi sử dụng với ống kính dài, nặng một thời gian sẽ thấy cực một chút, khuyên dùng thêm phụ kiện hỗ trợ nếu cần chụp lâu.
Ưu:
- Hệ thống AF phản hồi tốt
- Tracking đối tượng tốt sau khi chỉnh thiết lập
- Tốc độ chụp liên tiếp cao
Khuyết:
- Bộ nhớ đệm còn hạn chế
- Báng nhỏ khiến khó trụ ống kính lớn
Đường phố
Bới màn hình lật, màn trập điện tử không gây ồn và thân hình nhỏ gọn, X-T30 có thể sử dụng mà không gây sự chú ý, phù hợp chụp đường phố. Kho ống kính prime nhỏ gọn của Fujifilm góp phần hỗ trợ máy chụp thể loại này dễ dàng hơn.
Ưu:
- Màn hình cảm ứng xoay lật
- Rất nhiều ống kính prime nhỏ gọn có sẵn
- Màn trập điện tử êm
Khuyết:
- Dễ bị banding khi dùng màn trập điện tử dưới ánh sáng nhân tạo
Chân dung thông thường
Hệ thống nhận diện mắt/mặt đáng tin cậy và các ống kính chân dung hữu ích như 56mm F1.2 và 90mm F2 sẽ là hỗ trợ tốt ở thể loại chụp này. Tuy trên X-T30 không có chỗ đồng bộ đèn flash, bạn vẫn có thể gắn đèn flash ngoài lên adapter hot shoe.
Ưu:
- Cảm biến phân giải cao
- Nhiều ống kính chân dung tuyệt vời có sẵn
- File ảnh RAW dễ xử lý
Khuyết:
- Các tùy chọn đèn flash phụ chính hàng không nhiều, cần tham khảo sản phẩm của hãng thứ ba
- Không có cổng đồng bộ flash
Nhóm đánh giá của DPReview cho biết, chỉ còn thể loại chụp cưới và sự kiện là họ còn đang cân nhắc, bởi có vẻ như X-T30 không được thiết kế cho thể loại chụp này. Ngay cả khi bạn cố sử dụng X-T30 như một máy phụ thì cũng khá là khó bởi thiết kế cứng, báng nhỏ và chỉ có hệ thống đèn flash không dây tiêu chuẩn.
Kết luận
Sau một hồi đánh giá thì nhóm của DPReview rút ra những điểm họ thích và không thích trên máy ảnh Fujifilm X-T30 như sau:
Điểm ưa thích:
- Ảnh JPEG ngoài máy vượt trội
- File ảnh RAW dễ xử lý
- Chất lượng video 4K tuyệt vời
- Nhỏ gọn, được chế tạo kỹ lưỡng
- Tốc độ AF rất tuyệt, tracking đối tượng ổn sau khi chỉnh thiết lập
- LCD cảm ứng lật
- Tốc độ chụp liên tiếp đến 20 fps với màn trập điện tử
- Hỗ trợ F-Log, xuất 10 bit 4:2:2
- Thiết lập chụp tĩnh và quay phim có thể đặt riêng
- Đầy đủ chế độ mô phỏng phim, gồm cả Eterna
- Cổng USB-C có thể dùng để truyền dữ liệu, sạc và cắm headphone
Điểm không thích:
- Bố trí Q.Menu và joystick AF tệ
- LCD nên linh hoạt hơn nữa để quay video
- Tracking đối tưởng với AF video chỉ áp dụng được với mặt
- Quay 4K giới hạn 10 phút
- EVF hơi nhỏ
- Có thể mất nhận diện mặt
- Không có ổn định hình ảnh trên thân máy
Tổng kết
Fujifilm X-T30 có thể là hậu duệ của gã khổng lồ X-T3, với mức giá chỉ $900 với thân máy nhưng bạn đã có thể sở hữu một chiếc máy ảnh nhỏ gọn với cảm biến 26MP, video 4K oversampled và bộ điều khiển trực tiếp ấn tượng. Máy cũng còn nhiều khuyết điểm gồm thiếu ổn định hình ảnh trên thân máy (công bằng mà nói thì hiện tại cả dòng máy của Fujifilm tính đến nay chỉ mới có X-H1 là có tính năng này, cũng như công thái học sau máy có phần yếu.
Tương tự các máy ảnh khác của Fujifilm, ảnh JPEG ngoài máy trông rất ấn tượng, đặc biệt về màu sắc. Mức nhiễu hạt thấp của cảm biến khiến X-T30 trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn để chụp thiếu sáng, chụp được đủ dynamic range để làm sáng các vùng tối mà không bị lỗi nhiễu rõ. Chất lượng vượt trội với cả quay DCI và UHD sử dụng toàn bộ chiều rộng cảm biến. Về cơ bản X-T30 trang bị gần như mọi công cụ quay mà bạn cần, cộng thêm khả năng xuất Log 10 bit đáng ngạc nhiên (bạn sẽ cần thiết bị quay ngoài để tận dụng đặc diểm này).
DPReview cũng chia sẻ, nếu X-T30 có người kế nhiệm, họ hy vọng những thay đổi trên máy mới sẽ chỉ xoay quanh LCD linh hoạt hơn, khả năng tra dấu nhiều khuôn mặt hơn trong chế độ quay phim cũng như bố trí lại nút Q và joystick AF ở vị trí đẹp hơn (nếu không thì chí ít cũng có thêm chức năng tắt).
Fujifilm X-T30 vs. các máy ảnh mirrorless cùng phân khúc khác
Đối thủ cạnh tranh gần nhất của X-T30 không ai khác là Sony a6400. a6400 hơn X-T30 chủ yếu là ở hệ thống AF: Real-time Tracking của Sony thực sự xuất sắc: chỉ cần chĩa máy về phía đối tượng và máy sẽ tự động thực hiện nhiệm vụ của nó. Nhận diện mắt/mặt của a6400 cũng đáng in cậy hơn, cho phép người dùng chọn lấy nét từ xa chính xác hơn. a6400 cũng có EVF lớn hơn và tuổi thọ pin cao hơn. Đổi lại X-T30 lại dễ xử lý hơn. Các khả năng video của X-T30 cũng tốt hơn nhiều, không bị crop khi quay 4K 30p, ít gặp rolling shutter hơn.
Panasonic Lumix DC-G95(90) cũng là một đối thủ đáng gờm khi trang bị ổn định hình ảnh trong thân máy (làm việc kết hợp với ống kính có ổn định), EVF lớn và hỗ trợ V-Log L. X-T30 chiếm ưu thế về AF, thời lượng pin và video 4K ít crop hơn. Fujifilm X-T30 cũng rẻ hơn $200 khi mua kèm ống kính kit.
Điểm đánh giá
Xem chi tiết kết quả so sánh tại đây.
Kết
Fujifilm X-T30 là một ngoại lệ có giá trị vừa về giá bán, chất lượng hình ảnh ấn tượng và thiết bị thân máy nhìn chung rất được chau chuốt với nhiều nút điều khiển trực tiếp, cùng một hệ thống AF có thể xử lý dễ dàng trong hầu hết các tình huống chụp, chỉ có nhận diện khuôn mặt là còn lấn cấn một chút. Khả năng video thực sự là một điểm sáng vượt trội, xét về cả chất lượng và điều khiển, với nhiều tính năng mà trước đây chỉ có thể tìm thấy trên những mẫu máy ảnh đắt tiền.
Nói tóm lại, Fujifilm X-T30 là một trong những mẫu máy ảnh tầm trung tốt nhất mà DPReview từng đánh giá tính đến thời điểm này.
Dành cho: Những ai đang tìm kiếm một chiếc máy ảnh nhỏ, gọn, nhẹ, vừa cho chất lượng hình ảnh xuất sắc, file RAW linh hoạt và video vượt trội.
Không dành cho: Những ai đang tìm kiếm khả năng AF khuôn mặt và mắt tốt nhất, cũng như các nhà quay phim cần những thông số kỹ thuật nhất định.
(Theo DPReview)
Tham gia Group CHỢ MÁY ẢNH, MACBOOK để thảo luận và cập nhật tin tức máy ảnh, công nghệ cùng cơ hội nhận được nhiều ưu đãi khuyến mãi hấp dẫn!