Đánh giá GoPro HERO 8 Black: chống rung video HyperSmooth 2.0, ngàm tích hợp, nhưng cũng đánh đổi nhiều
Đến hẹn lại lên, GoPro mới đây vừa cho ra mắt thế hệ máy quay hành trình tiếp theo của mình trong năm 2019: HERO 8 Black.
2019 cũng là năm chứng kiến sự trỗi dậy của những hãng khác, cụ thể là DJI, đe dọa nồi cơm của GoPro với các sản phẩm action cam đầy tiềm năng cạnh tranh. Do đó có vẻ như với sự trở lại lần này cùng Hero 8 Black mới có giá $399.99, GoPro đã chấp nhận chơi liều một chút với những đánh đổi được cho là sẽ tác động không nhỏ vào chiếc máy quay mới.
Ưu điểm |
Nhược điểm |
|
|
Hãy bắt đầu với phần thân máy.
Kể từ đời Hero 5, các máy quay GoPro đã được trang bị chống nước đến 10m mà không cần hộp lặn, đổi lại bạn sẽ cần thêm một khung nhựa để gắn máy lên bất kỳ thứ gì. Khung này có hai vòng tròn nhỏ ở đáy, cho phép bạn gắn ốc qua và lắp lên bất kỳ vật gì có dạng khung. Đến Hero 8 thì điều này chẳng cần thiết nữa, bởi trong thiết kế của máy đã tích hợp sẵn một đôi ‘tay’ gập với vòng gắn ốc ở mặt dưới của máy, tiện dụng hơn là thiết kế gập để xếp gọn phần đế mới này vào thân máy. Thiết kế này rõ ràng là tiện lợi hơn hẳn, tất cả những gì bạn cần ở bước này là vít ốc cho chắc để máy không bị lung lay thôi.
Thiết kế mới khiến Hero 8 mỏng hơn một chút so với Hero 7 từ trước ra sau (28.4mm so với 33mm), nhưng máy lại rộng hơn (66.3mm so với 48.6mm) và cũng cao hơn một chút (62.3mm so với 44.9mm). Dù vậy thế hệ 8 vẫn nhỏ hơn người tiền nhiệm của nó khi xét về khoản lắp khung, cho nên tựu chung Hero 8 vẫn dễ bỏ túi hơn. Một đặc điểm khác cho phép đạt được độ nhỏ gọn này là tiết chế ở ống kính, đổi lại phía trước ống kính không còn tháo rời được nữa. Từ Hero 5 trở đi, bạn đã có thể tháo rời thành phần phía trước ống kính và sắm thay thế giá rẻ nếu có bị trầy, vỡ; còn thành phần của ống kính mới thì dày hơn và làm từ Gorilla Glass, trong khi GoPro khẳng định chất liệu này giúp kháng lực hiệu quả hơn gấp đôi. Mặc dù vậy, trong quá trình đánh giá, máy (T/N: chiếc đầu tiên trong hai máy được sử dụng cho bài đánh giá này) lại bị nứt nhẹ và thậm chí còn chẳng rõ nguyên nhân; tuy không ảnh hưởng đến hình ảnh nhưng vẫn là một điểm đáng lưu tâm.
Các điểm khác biệt chính về mặt vật lý khác bao gồm cánh cửa khoang pin khá lớn ở phía bên hông máy, thẻ nhớ microSD và cổng USB-C. GoPro sẽ sớm phát hành khá nhiều phụ kiện Mod làm việc ngay tại vị trí cửa này. Media Mod hỗ trợ microphone dạng shotgun chất lượng cao hơn, một cổng mic 3.5mm và hai cold shoe. Với hai cold shoe đó, bạn có thể gắn một màn hình rời quay mặt về phía chính diện tên là Display Mod hoặc một đèn LED 200 lumen tên Light Mod. Lưu ý là nếu dùng Media Mod, máy sẽ mất khả năng chống nước (do mở cửa kết nối), trong khi Light Mod vốn đã chống nước và có thể dùng tách khỏi máy quay. Đây có thể được xem là một chiêu trò nhằm hấp dẫn nhiều thể loại vlogger hơn, và chắc chắn là nó sẽ hiệu quả. Ở phần này, hãy cùng chờ xem những bài đánh giá chi tiết hơn khi trải nghiệm máy thực tế.
Đối với bài đánh giá này, trong quá trình thực hiện đã xảy ra một tai nạn ngoài ý muốn với chiếc máy quay và dẫn đến việc ống kính bị trầy kha khá. Cụ thể là chiếc Hero 8 khi được gắn lê n xe thì bị vô tình va phải, khiến máy bị rơi xuống đường bẩn và có thể là đã đập vào một miếng đá khá sắc; do vậy khi cứu được, toàn bộ màn hình sau đã bị trầy. Điều này cùng lúc làm nảy sinh một nghi ngại lớn, bởi nếu là các thế hệ trước, thông thường sẽ mất kha khá công sức và lực tác động thực sự để ‘vùi dập’ một chiếc GoPro Hero, trong khi thế hệ mới nhất lại dễ dàng cho thấy điều ngược lại. Kỳ khôi hơn nữa là khoảng cách từ điểm gắn đến mặt đất khi máy rơi chỉ vào tầm 50cm. GoPro sau đó đã gửi một chiếc máy mới để làm nốt bài đánh giá, và chính hãng này ‘thề’ rằng con máy đó là chiếc đầu tiên họ thấy bị vỡ màn hình. Ở một góc độ nào đó, cũng có thể nói tai nạn trên chỉ là một rủi ro rất hiếm gặp. Dẫu vậy, nó đủ khiến các chuyên giá đánh giá lưu tâm về mức độ chống chịu trên thực tế của Hero 8, và dĩ nhiên chúng ta sẽ cần nhiều bài đánh giá thực tế kỹ lưỡng hơn để xác nhận khả năng xảy ra rủi ro này có phải là cố định hay không.
Một đặc điểm vật lý gây chú ý khác là máy rất dễ bị nóng. Sau khi quay một đoạn video 4K24 thời lượng 15 phút có áp dụng chống rung, thì phần đáy máy nóng đến mức khó cầm tay. Vì không có nhiệt kế laser, nhiệt kế đo thịt đã được dùng thay thế và đoán xem? Nhiệt độ đo được là khoảng 42 độ C! Sau đó máy đã được tắt chống rung, Wi-Fi, GPS và quay lại cùng một thiết lập, và mức nhiệt đo được sau đó là 45 độ C, nghĩa là thậm chí không có dấu hiệu giảm nhiệt. Sau khi ngừng quay chừng vài phút thì máy vẫn còn nóng, có thể đoán được là nội bộ máy còn nóng hơn những gì cảm nhận được ở bên ngoài. Tuy trong suốt phần đánh giá này, máy không xảy ra hiện tượng quá nhiệt đến mức tự sập nguồn, nhưng việc máy quá nóng như vậy vẫn đủ gây quan ngại, nhất là trường hợp phải quay với nhiệt độ ngoài trời nắng nóng.
Hero 8 Black sử dụng pin mới. Pin mới có kiểu dáng và kích thước giống như trước, cũng có dung lượng 1,220mAh. Ngoài thiết kế đáy màu xanh thì có vẻ pin mới này chẳng khác gì pin cũ về ngoại hình. GoPro cho biết, khác biệt chủ yếu nằm ở chỗ pin mới có tốc độ xả cao hơn, và tốc độ xả này sẽ hỗ trợ HyperSmooth 2.0 ở mọi độ phân giải và tốc độ khung hình. Pin của Hero 8 Black vẫn tương thích với các đời từ Hero 5 Black trở đi, hay kể cả pin cũ vẫn có thể dùng trên thế hệ 8 – nhưng hãng khuyến cáo người dùng sẽ không đạt được các tính năng nhất định tương tự.
Khi đánh giá với cả pin cũ và pin mới, thì với chế độ quay thẳng 4K24, HyperSmooth 2.0 chọn High, thêm Wi-Fi và GPS – nói trắng ra là một chế độ hao pin mạnh, Hero 8 trụ được 72 phút. Còn khi quay 4K24 góc rộng, tắt mọi tính năng khác và tốc độ dữ liệu cũng thấp hơn, thì máy quay được 90.5 phút. Ngon nhưng chưa đủ bứt phá.
Nhìn chung, thiết kế mới khá là vừa ý. Khung rời không còn là nỗi trăn trở, cửa hông khá là tiện lợi khi dễ thay pin hoặc thẻ nhớ hơn mà không cần tháo máy ra vào. Đánh đổi là thành phần ống kính không tháo rời được nữa; cũng may là vẫn còn các hàng thứ ba sản xuất phụ kiện dán ống kính, filter ND dán,… Tản nhiệt cũng là một vấn đề đáng chú ý, dù chưa có trường hợp quá nhiệt đến sập máy nhưng tốt nhất là đừng quay vào những ngày trời quá nóng.
Với ống kính mới trên Hero 8, GoPro đã thiết kế lại khả năng cân bằng trắng tự động và tinh chỉnh màu sắc của mình. Bạn có thể thấy rõ điều này ở các tông màu da, màu đỏ trong đất, xanh lam của trời và xanh lục của cây cỏ. Về tổng thể, bộ màu mặc định của GoPro trông dội, gắt hơn. Màu da và đất ấm đáng kể, trong khi màu trời vẫn rất rực rỡ. Độ chi tiết nói chung là xuất sắc. Tuy nhiên độ tương phản có vẻ bị đẩy lên quá, các vùng sáng gần như cháy hết còn vùng tối thì tối hơn thấy rõ so với Hero 7. Nói chung nước màu được chỉnh ổn, phim sẽ trông sống động và có chất điện ảnh hơn, nhưng nhiều người dùng sẽ muốn sử dụng hồ sơ màu phẳng có tính linh động cao hơn cho hậu kỳ.
Vì máy không còn cần khung rời, GoPro giờ đây có thể di chuyển cổng mic chính ra phía trước máy, đặt ngay dưới ống kính. Hero 8 chắc chắn sẽ đạt chất lượng âm thanh tốt nhất từ trước đến nay, khi mà chống nước tích hợp cần một lớp màng chắn mỏng để bảo vệ phần mic này. Màng chắn này cùng lúc hỗ trợ lọc tiếng gió, tiếng ồn xung quanh, cho âm thanh trong trẻo, rõ ràng được cải thiện hơn. Chưa kể Hero 8 sẽ có thêm phụ kiện hỗ trợ âm thanh là Media Mod, giúp tăng hiệu suất lên nhiều lần.
Với Hero 7 ra mắt năm ngoái, GoPro trình làng tính năng ổn định hình ảnh điện tử mới của mình là HyperSmooth, khẳng định khả năng ổn định hình ảnh tương tự gimbal – mặc dù chúng ta đều biết trên thực tế nó không đạt đến cái mức ổn định chuẩn mực như một chiếc gimbal thực thụ. Dẫu vậy, với sự ra đời của phiên bản 2.0, tính năng này đã tiến thêm rất gần đến mục tiêu của nó.
Thật khó tin khi mà trong quá trình đánh giá, dù chạy nhảy, rung lắc đến thế nào, HyperSmooth 2.0 vẫn cân được tất cả và trả lại những thước phim kết quả rất mãn nhãn, trong khi quay lia máy không khác gì quay bằng một chiếc Steadicam. Đúng nghĩa đen theo con số trên phiên bản của nó, HyperSmooth được nâng cấp lên gấp hai lần và rõ ràng là rất hiệu quả. Anh em có thể tham khảo thêm trong video đính kèm.
Giờ đây bạn có bốn chế độ ổn định tùy chọn là: Off (tắt), On (bật), High (cao), và Boost (tăng cường). On được cải tiến nhẹ từ bản chống rung năm ngoái, nhưng High mới là chế độ đặc biệt khiến Hero 8 tỏa sáng, khi mà nó được nâng cấp hết mình và xuất sắc nhất là không còn bị crop nữa so với chế độ On thông thường (crop 10%). Đây cũng là đặc điểm giúp GoPro ‘gỡ vốn’ với DJI và chiếc Osmo Action của hãng nọ, khi mà đối thủ nọ cũng chống rung rất tốt nhưng lại crop phim cực mạnh và giảm cả chất lượng thành phẩm. Với Hero 8, trường nhìn rộng cực đẹp vẫn được giữ nguyên vẹn. Nếu bật lên Boost, bạn sẽ chịu crop nhẹ làm thu hẹp FOV tương tự Osmo Action, nhưng đổi lại sẽ được chống rung còn khủng hơn.
Bạn có thể sử dụng ít nhất một vài kiểu ổn định ở mỗi độ phân giải và tốc độ khung hình, nhưng một vài không phải là tất cả. Ví dụ như bạn có thể ổn định video 1080p240 để quay super slow-motion (một chế độ ngầu lòi và Hero 7 không có), nhưng bạn sẽ chỉ dùng được chế độ On. Video 4K60 hay trường nhìn SuperView áp dụng tương tự. Trong mọi trường hợp có thể, chế độ HyperSmooth 2.0 High được ưu ái hơn. Còn nếu bạn muốn theo chân ai đó đi xe đạp địa hình các thứ và không ngại tí crop thì Boost là chế độ được khuyến nghị.
Khen chọn lựa, HyperSmooth 2.0 High và Boost làm việc rất tốt trên các trục pitch và yaw, nhưng trục roll lại có phần chật vật hơn; trong khi gimbal sẽ dễ dàng xoay phần cổ robot của nó để giữ đường chân trời nằm thẳng. Tuy nhiên không thể phủ nhận khả năng và độ mượt mà rất đáng tán thưởng của Hero 8 trong một thiết kế khiêm tốn và giới hạn.
Hệ thống menu trong máy của GoPro cũng ngon lành hơn khi đến thế hệ 8. Cải thiện lớn nhất là việc bổ sung các thiết lập sẵn (preset). Lấy ví dụ: bạn đang đội mũ bảo hiểm có gắn máy và muốn đổi sang gậy selfie, rồi lại muốn theo chân một người bạn đi trên một con đường mòn nào đó. Nếu là trước đây, bạn sẽ cần chỉnh tay từng thiết lập một: trường nhìn, tốc độ khung hình, độ phân giải, tùy chọn chống rung. Còn giờ đây, bạn đã có thể thiết lập sẵn vài bộ hồ sơ kiểu ‘mỳ ăn liền’ để dễ dàng thay đổi ngay khi cần chỉ với vài thao tác nhấp chọn nhẹ nhàng. Mọi thứ trực quan hơn, ít tốn thời gian mò mẫm trong menu hơn.
Chọn đồng ý để tiếp tục: GOPRO HERO 8 BLACK
Mỗi một thiết bị thông minh giờ đây đều yêu cầu bạn đồng ý một loạt các điều kiện trước khi sử dụng — như một dạng hợp đồng nhưng chẳng ai thực sự đọc hết chỗ chữ đó. Thật sự khó mà đọc và phân tích từng khía cảnh của các điều khoản. Tuy nhiên chúng tôi (T/N: tác giả/trang web tác giả) đã bắt đầu đếm từng lần nhấn “đồng ý” để sử dụng thiết bị khi chúng tôi đánh giá các thiết bị này bởi đấy là những điều khoản mà hầu hết mọi người không đọc và chắc chắc cũng không thể phản bác được.
Vì là một chiếc máy quay, GoPro Hero 8 Black không yêu cầu bạn đồng ý bất kỳ điều khoản dịch vụ cụ thể nào để sử dụng. Bạn chỉ cần bật máy, lắp thẻ nhớ và bắt đầu quay phim.
Tuy nhiên nếu bạn sử dụng ứng dụng di động của GoPro, bạn sẽ phải đồng ý điều khoản dịch vụ của GoPro và tạo tài khoản GoPro. Ứng dụng di động này yêu cầu cài đặt mọi thể loại cập nhật phần mềm rất được khuyến nghị nên thực hiện.
Tựu chung: không có bất kỳ điều khoản bắt buộc nào, nhưng có một cái tùy chọn để sử dụng ứng dụng trên và để cài đặt các cập nhật phần mềm.
Chế độ chụp burst mới gọi là Live Burst. Khi chọn chế độ này, Hero 8 sẽ quay trên một bộ nhớ đệm. Khi khoảnh khắc bạn mong chờ đã xuất hiện, hãy bấm nút màn trập và máy sẽ ghi lại một đoạn video dài 3 giây, thêm 1.5 giây trước và 1.5 giây sau khi bấm nút. Kết quả sẽ là một đoạn video 4K với 90 khung hình riêng lẻ để bạn tùy chọn. Bạn vừa có thể chọn một ảnh mong muốn, vừa có thể lưu nguyên đoạn video 3 giây nếu muốn.
TimeWarp là cách GoPro gọi tính năng quay hyperlapse của hãng và tính năng này cũng được nâng cấp. Phiên bản 2.0 tận dụng được ưu điểm của HyperSmooth 2.0, nhưng cải tiến thực sự ở đây là vào giữa quá trình quay time-lapse, bạn có thể nhấp lên màn hình sau và quay theo thời gian thực. Hình dung là bạn đang quay time-lapse trong khi đang chèo thuyền và tự dưng có một đàn cá heo bơi xuất hiện; bạn có thể chụp lại chúng ngay tại thời điểm đó rồi nhấp lần nữa để trở lại chế độ time-lapse khi đàn cá đã bơi qua. Đáng tiếc là khoảnh khắc tại thời điểm thực tế này không có chức năng thu âm đồng thời.
Tính năng SuperPhoto cũng được nâng cấp – SuperPhoto là cách GoPro gọi chế độ tự động thông minh của hãng. Nhìn chung, Hero 8 đọc cảnh tốt hơn người tiền nhiệm của nó, cũng như có thể tự quyết định nên chọn áp dụng HDR hay liệu cảnh có quá nhiều chuyển động để sử dụng được hiệu ứng. HDR cũng được cải tiến một chút, nhưng ảnh vẫn có vẻ bị soft nhẹ và chỉ dùng hiệu quả với cảnh tĩnh, quay chắc tay. Tùy chọn tùy nhất là quay ở RAW và hậu kỳ trong Lightroom, nhưng nếu bạn muốn chụp và đăng trực tiếp từ điện thoại của mình thì SuperPhoto sẽ hỗ trợ cho bạn một bức hình hữu dụng đẹp mắt.
Trở lại mảng phim ảnh, thì chất lượng phim trên thực tế là một bước nhảy vọt khá xịn với tốc độ dữ liệu cao nhất của GoPro. Khi quay ở 4K hoặc 2.7K, bạn có thể chọn tốc độ đến 100 Mbps. Các action cam khác (đơn cử của Sony) dĩ nhiên đã quay ở tốc độ đó khá lâu rồi, nhưng quan trọng là GoPro quay ở cùng thiết lập nhưng với codec HEVC h.265 gói gọn nhiều dữ liệu hơn đối với kích thước file. Sự kết hợp của HEVC và 100 Mbps rất nổi bật khi xem video trên màn hình 4K. Ngược lại, Hero 8 là thế hệ đầu tiên của GoPro từ bỏ chế độ 720p kể từ mẫu Hero HD nguyên bản. Độ phân giải thấp nhất bây giờ là 1080p. Đây không phải là vấn đề to tát, nhưng sẽ là thiệt thòi với những người ưa thích sử dụng tùy chọn quay super slo-mo 720p480.
Máy mới, ứng dụng mới. Thay đổi lớn nhất nằm ở đối tác chỉnh sửa video của GoPro là Quik – giờ đây tích hợp vào một ứng dụng GoPro duy nhất, đơn giản hơn. Tuy ứng dụng mới chưa được đánh giá chi tiết, nhưng bước đầu có thể thấy là giao diện người dùng đã trực quan hơn, có đo trường chân trời tích hợp và thêm tùy chọn đối với mẫu nhạc, chữ và video. GoPro khẳng định hiện nay hãng sử dụng metadata để “nhận diện những khoảnh khắc ý nghĩa tốt hơn” trong các video chỉnh tự động trên ứng dụng.
Một tính năng rất thú vị đó là livestream ở độ phân giải 1080p. Ở phiên bản thử nghiệm trước của ứng dụng mới, máy có thể livestream lên Facebook và chất lượng video thực sự ổn. Đối với các nền tảng khác như YouTube hay Instagram, hy vọng cho đến lúc phân phối chính thức, Hero 8 sẽ có khả năng hỗ trợ rộng rãi hơn.
Tóm lại thì, chống rung cải tiến là thứ ấn tượng nhất trên Hero 8 Black. Tính năng này vốn đã rất ổn trên thế hệ 7 và không có lý gì để thụt lùi trên ở người kế nhiệm. HyperSmooth 2.0 ở chế độ High là đỉnh cao của sự mượt mà vẫn giữ được khung hình rộng đẹp mắt. Ống kính mới sắc nét, thêm tốc độ dữ liệu và công nghệ màu sắc giúp thành phẩm sống động hơn ngay từ máy quay ra, dù thiết lập tương phản hơi nặng tay. Các phụ kiện Mod cũng là một điểm nhấn đáng chú ý, giúp Hero 8 tăng thêm tính linh động.
Điểm đáng lưu tâm nhất trên thế hệ Hero mới nhất này nằm ở tính bền của thân máy. Ống kính hoàn toàn cố định như một giải pháp lỗi, trong khi loại kính Gorilla Glass mang tiếng bền chắc nhưng biết gì không, có kha khá smartphone ngoài kia sử dụng loại kính này và vẫn sứt mẻ liên miên. Khi được hỏi về điều này, người đại diện của GoPro gợi ý người dùng nên tham khảo dịch vụ hỗ trợ GoPro Plu, phí $5 mỗi tháng nhưng kèm theo linh kiện thay thế miễn phí. Hãng cũng cho biết là sẽ bán ra một bộ phụ kiện $20 gồm 2 tấm bảo vệ màn hình và 2 tấm bảo vệ ống kính. Bộ phụ kiện này vẫn chưa qua đánh giá, nhưng rõ ràng với những gì trải nghiệm được từ trong quá trình đánh giá trên thì đó không phải là một ý tưởng tồi.
Tóm lại của tóm lại là, GoPro Hero 8 Black xứng đáng là một người kế vị sáng giá. Việc của bây giờ là sắm ngay một em để trải nghiệm, và đương nhiên là không thiếu khâu chờ đón các đánh giá dựa trên trải nghiệm của hội vlogger xem ứng dụng của Hero 8 trong thực tế sẽ như thế nào.
Theo Brent Rose @ The Verge; Ảnh: Brent Rose