Dell Precision M3800 có tất cả những phẩm chất của một “laptop trong mơ” cho những ai muốn thiết bị có hiệu suất xử lý mạnh mẽ.
Ưu điểm:
– Màn hình có chất lượng và độ phân giải tuyệt vời
– Thiết kế mỏng và nhẹ
– Hiệu suất cao
– GPU đạt chứng nhận ISV
Nhược điểm:
– Thời lượng pin ở mức trung bình
– Chậm hơn một chút so với MacBook
– Hơi ồn và hơi nóng khi xử lý các tác vụ nặng
Thông số kỹ thuật chính: Màn hình IPS cảm ứng 15.6 inch, độ phân giải 3200×1880 pixel, vi xử lý lõi tứ Haswell Core i7, đồ họa rời Nvidia Quadro đạt chứng nhận ISV, độ dày 19 mm, trọng lượng 1,8 kg, ổ SSD 256GB, RAM 16GB.
Nhìn vào thông số kỹ thuật chúng ta thấy Dell Precision M3800 có tất cả những phẩm chất của một “laptop trong mơ” cho những ai muốn thiết bị có hiệu suất xử lý mạnh mẽ. Bên trong nó có một vi xử lý Core i7 cao cấp và card đồ họa rời Nvidia Quadro, hai linh kiện này kết hợp với nhau để phục vụ cho màn hình 15.6 inch độ phân giải cực cao, 3200×1880 pixel. Tuy nhiên, bất chấp thông số kỹ thuật ấn tượng, Dell Precision M3800 vẫn là một laptop nhỏ gọn. Nhờ khung máy bằng nhôm và sợi carbon nên M3800 có trọng lượng chỉ 1,8 kg, và độ dày chỉ 19 mm. Với thông số kỹ thuật và kích thước như vậy nên chúng ta có thể dễ dàng kết luận rằng đối thủ cạnh tranh chính của Dell Precision M3800 là MacBook Pro 15 inch màn hình Retina.
Thiết kế và chất lượng Dịch vụ seo
Thiết kế của Precision M3800 có nhiều điểm chung với dòng laptop tiêu dùng cao cấp XPS của Dell hơn là so với dòng máy trạm cỡ lớn. Nắp và các cạnh được bọc trong nhôm chải xước và nội thất bên trong, thân và sườn máy được cấu tạo từ sợi carbon mềm mại trên khung nhôm cứng cáp.
Các vật liệu chất lượng cao kết hợp với các đường thẳng gọn gàng và các đường cong đơn giản tạo nên một laptop tuyệt vời, chất lượng cực tốt. Chiếu nghỉ tay có độ lún không đáng kể, và thân máy cũng có sự cứng cáp tương tự. Chỉ có màn hình là hơi yếu, với một chút biến dạng khi nhấn vào phía sau của nó, nhưng đó là vấn đề duy nhất của panel màn hình có độ dày chỉ 4mm này. Nó rất cứng cáp, và chỉ có panel màn hình MacBook Pro là cứng cáp hơn.
Bạn sẽ đặc biệt ấn tượng với kích thước của M3800. Khung máy của nó có độ dày chỉ 17 mm, với vài mm thêm vào bởi chân đế ở phía sau do đó nó có độ dày ngang bằng với MacBook Pro (18 mm), và với trọng lượng 1,88 kg M3800 nhẹ hơn 200 g so với MacBook Pro.
Các chi tiết nhỏ và tổng thể máy đều rất ưa nhìn. Đèn báo pin năm mức màu trắng nằm ở cạnh trái, lớp vỏ sợi carbon bọc thân máy và các sườn, và tấm logo kim loại trên đáy máy có khắc chìm số seri và tên dòng máy cùng số điện thoại dịch vụ.
Cạnh phải có một cổng USB 3.0 và một cổng USB 2.0 cùng đầu đọc thẻ, cạnh trái có hai cổng USB 3.0, một cổng HDMI, một jack cắm tai nghe và cổng kết nối mini-DisplayPort.
Thứ duy nhất còn thiếu là cổng Gigabit Ethernet, mặc dù cổng chuyển USB đã được trang bị kèm theo máy. Các kết nối còn lại khá tốt với khả năng hỗ trợ WiFi 802.11ac, cùng kết nối Bluetooth 4.0. Không có kết nối di động băng thông rộng, và pin của M3800 là pin liền không thể tháo rời.
Chất lượng màn hình, âm thanh
Ngoài thông số kỹ thuật cao cấp và thiết kế đẹp, M3800 còn nổi bật với màn hình cảm ứng chất lượng tuyệt vời. Đó là một panel IPS 15.6 inch có độ phân giải 3200×1880 pixel, mật độ điểm ảnh của nó là 237,9 ppi, cao hơn so với đối thủ MacBook Pro Retina màn hình 15.4 inch độ phân giải 2880×1800 pixel, mật độ điểm ảnh 220,5 ppi. Tương tự màn hình MacBook Pro, màn hình M3800 là màn hình gương, tuy nhiên có rất ít không gian giữa kính và panel do đó độ phản chiếu ở mức tối thiểu.
Màn hình sắc nét như dao cạo: Các ô Live Tiles và màn hình desktop của Windows 8.1 hiển thị cực kỳ chi tiết và văn bản trông đẹp mắt như những gì màn hình MacBook Pro có thể cung cấp. Dell sử dụng một hệ thống tương tự Apple để làm cho màn hình độ phân giải cao trở nên hữu dụng, với thanh tác vụ, biểu tượng desktop và các thành phần khác của hệ điều hành được đưa ra để tận dụng panel 1080p.
Các điểm ảnh trên màn hình không phải là tính năng ấn tượng duy nhất của Precision. Khi kiểm tra bằng phần mềm đo màu màn hình XRite i1 Display và thống kê được mức sáng là 436 nit và mức tối là 0,39 nit, đây là những con số tốt nhất từng thấy trên một laptop. Mức tối có thể hơi sâu, nhưng tỉ lệ tương phản 1.131:1 là con số tuyệt vời.
Nhiệt độ màu đo được ở mức 6.632K, cực kỳ tốt, gần với với nhiệt độ lý tưởng 6.500K. Con số 4.9 DeltaE là hợp lý, và panel của M3800 có thể hiển thị được tới 92,5% gam màu sRGB, một tỷ lệ tuyệt vời với một laptop. Điều này có nghĩa là màn hình này có thể xử lý hầu như tất cả các màu với độ chính xác và độ sáng. M3800 chỉ xử lý không tốt màu đỏ đậm.
Ánh sáng đèn nền không bị rò rỉ, góc nhìn tốt, và panel được làm từ kính Corning Gorilla Glass cứng cáp. Có thể kết luận rằng màn hình Precision M3800 có độ sáng và độ tương phản phong phú, hiển thị màu sắc chính xác, và độ phân giải cực cao khiến cho văn bản và hình ảnh hiển thị sắc nét. Nếu công việc của bạn cần một laptop có màn hình tốt thì Precision M3800 phù hợp với bạn.
Màn hình tuyệt vời của Precision M3800 đi kèm với bộ loa chất lượng khá. Chúng đủ sức tạo ra âm thanh lấp đầy một căn phòng nhỏ, mức cân bằng tốt, âm lượng lớn khá mạnh mẽ và sống động mà không quá ồn, âm lượng tầm trung khá vừa tai. Bass ở mức chấp nhận được, khá hơn đa số laptop hiện tại, nhưng nên mạnh mẽ hơn.
Hiệu suất
M3800 sở hữu vi xử lý Intel Core i7-4702HQ. Đây là một trong số những vi xử lý Haswell mạnh mẽ nhất của Intel tại thời điểm này. Tốc độ xung nhịp 2.2GHz ban đầu của vi xử lý này có thể được ép xung lên 3.2GHz bằng phần mềm Turbo Boost, và nó có 6MB bộ nhớ cache L3 qua bốn lõi Hyper-Threaded.
CPU này được kết hợp với 16GB RAM DDR3 và ổ cứng SSD LiteOn 256GB.
Điểm số Geekbench của M3800 là 11.477, một trong những điểm số tốt nhất của laptop, tuy nhiên vẫn thấp hơn 2.000 điểm so với điểm số Geekbench của MacBook Pro. M3800 đạt 5.831 điểm trong PCMark 7, đây cũng là một kết quả rất tốt. Với những tác vụ hàng ngày bạn sẽ không bao giờ phải chờ đợi.
Dell trang bị cho M3800 một card đồ họa Nvidia rời, nhưng Quadro K110M là một linh kiện tầm trung dựa trên lõi GK107, công nghệ đã từng xuất hiện trên card màn hình GTX 650 cho máy tính để bàn và GTX 750M cho thiết bị di động. Nó phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ đồ họa tích hợp mới nhất của Intel. Điểm số trung bình của Quadro trong thử nghiệm đồ họa Heaven của Unigine là 24,9fps. Trong khi đó Apple MacBook và Intel Iris Pro 5200 cùng đạt điểm số 30,3fps.
Điểm số mà M3800 ghi được khi thử nghiệm với bộ ba phần mềm 3DMark ở mức tốt, tuy nhiên vẫn thua một số laptop có giá thấp hơn. Asus N550JV sử dụng GTX 750M, có cùng lõi đồ họa, nhưng tốc độ xung nhịp của nó là 967MHz, cao hơn một chút so với mức 716MHz của Precision M3800. Điều này có nghĩa là laptop của Asus cung cấp hiệu suất đồ họa tốt hơn so với laptop của Dell nhưng với mức giá chỉ bằng khoảng một nửa.
Lõi đồ họa Quadro có thể đạt điểm số trung bình trong các bài kiểm tra đồ họa, nhưng nó đủ tốc độ để vượt qua tất cả lõi đồ họa tích hợp thế hệ cũ và các card đồ họa rời dành cho laptop tiêu dùng hoặc cho máy trạm giá rẻ. Chip Quadro có một ưu điểm nổi trội so với hầu hết các đối thủ đó là có chứng nhận ISV, có nghĩa là nó có thể tương thích với một loại các ứng dụng chuyên nghiệp.
Khi nói đến đồ họa, Dell Precision M3800 không phải là một món hời, có các laptop rẻ hơn với màn hình kém hơn nhưng lại cung cấp sức mạnh đồ họa cao hơn. Nhưng laptop của Dell vẫn tốt hơn rất nhiều laptop khác, và các chuyên gia sẽ đánh giá cao sự tối ưu của lõi đồ họa Quadro và chứng nhận ISV.
Ổ SSD LiteOne khá mạnh mẽ, tốc độ đọc và ghi tuần tự là 490MB/s và 401MB/s, và M3800 khởi động trong vòng 11s. Nó đã được sao lưu với ổ HDD 500GB, một trong những tính năng mà người tiêu dùng thường xuyên làm việc với tập tin video dung lượng lớn, hình ảnh sẽ thấy thích thú.
Nhiệt độ và tiếng ồn
Dell khá khéo léo khi nhồi nhét được rất nhiều linh kiện mạnh mẽ vào bên trong một khung máy nhỏ nhắn, nhưng bộ khung chỉ dày 19mm lại chính là nhược điểm của của Precision. Khi thử nghiệm hệ thống với mật độ làm việc căng thẳng, trong vài phút, nhiệt độ vi xử lý đã nhảy vọt tới mức 96 độ C, kém 4 độ so với mức nhiệt độ quá tải của CPU.
Nhiệt độ CPU quá cao không phải là vấn đề lớn, trừ khi bạn thường xuyên bắt CPU phải chạy hết công suất trong thời gian dài, nhưng có một vấn đề khác nảy sinh đó là tiếng ồn. Khi CPU hoạt động vất vả, các quạt tản nhiệt của laptop cũng sẽ quay rất nhanh và tạo ra tiếng ồn, khe tản nhiệt của laptop lại nằm ở đáy máy nên sẽ hơi bất tiện khi sử dụng Precision M3800 trong thời gian dài.
Đây có lẽ là một phần mà M3800 kém hơn so với MacBook, có lẽ chúng ta phải chấp nhận những nhược điểm này để có được một laptop mỏng, nhẹ mà mạnh mẽ.
Thời lượng pin
Precision M3800 có thời lượng pin hạn chế. Thỏi pin 6 cell của laptop này có thể cung cấp năng lượng cho laptop sống sót trong 4 giờ 8 phút, dùng để xem video, duyệt web và xử lý văn bản với độ sáng màn hình ở mức 40%. Con số này tăng lên 5 giờ 12 phút khi giảm độ sáng màn hình xuống thấp hơn và vô hiệu hóa kết nối WiFi.
Đó là một kết quả quá kém cỏi, nhưng điều mà chúng ta mong đợi trên một máy trạm là sức mạnh chứ không phải thời lượng pin. MacBook Pro thể hiện tốt hơn, với độ sáng màn hình ở mức 50%, máy cho phép duyệt web liên tục 10 giờ liền.
Bàn phím và Trackpad
Cũng giống như MacBook, bàn phím của Dell Precision M3800 ngay lập tức thu hút người dùng. Các phím ký tự nằm sát cạnh nhau trong một phần lõm phía trên chiếu nghỉ tay rộng rãi, và còn rất nhiều không gian chưa sử dụng ở hai bên.
Thao tác đánh máy trên M3800 khá thoải mái, thân máy cứng cáp kết hợp tốt với độ phản hồi tốt, hoạt động nhất quán của mỗi phím. Bàn phím M3800 hoạt động mềm mại tương tự bàn phím của MacBook, dễ dàng làm quen và có thể đánh máy rất nhanh. Trackpad cũng có chất lượng rất tốt, hỗ trợ cử chỉ trên bề mặt nhẵn, rộng cùng hai nút linh hoạt. Bàn phím cũng được trang bị đèn nền.
Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề, bạn phải hi sinh tính tiện dụng của bàn phím số cho yếu tố hình thức, và chẳng việc gì phải tối thiểu hóa phím Enter và các phím điều hướng trên một laptop có kích thước màn hình 15.6 inch.
Một số điểm cần chú ý
Dell cung cấp bốn cấu hình khác nhau cho Precision M3800. Mẫu được đánh giá trong bài có giá 1.856 bảng Anh (66,4 triệu đồng), nó chưa phải là mẫu đắt nhất, bỏ ra 1.974 bảng Anh (70,4 triệu đồng) bạn sẽ nhận được một ổ SSD 512GB, gấp đôi kích thước ổ SSD trong mẫu laptop vừa đánh giá.
Mẫu M3800 có giá 1.738 bảng Anh (62,2 triệu đồng) có cùng thông số kỹ thuật như mẫu vừa đánh giá nhưng không được thêm một năm bảo hanh ProSupport và mẫu rẻ nhất có giá 1.506 bảng Anh (53,9 triệu đồng) sẽ sở hữu màn hình độ phân giải kém hơn, 1920×1080 pixel, 8GB RAM và ổ cứng HDD 500GB.
Mỗi mẫu có thể được tùy biến với một loạt các lựa chọn dịch vụ như dịch vụ bảo hành tai nạn ngẫu nhiên và chống trộm. Các dịch vụ cải thiện an ninh khác như gán thẻ chống trộm, bảo vệ dữ liệu và các tùy chọn truy tìm cũng có thể được thêm vào. Thậm chí M3800 còn có thể trang bị BIOS tùy chỉnh để thiết lập bật máy từ xa qua mạng LAN với một khoản phí nhỏ.
Có nên mua Dell Precision M3800?
Màn hình tuyệt đẹp của Dell Precision M3800 ngay lập tức gây ấn tượng nhờ mật độ điểm ảnh cao hơn cả màn hình Retina của Apple, và nó còn tiếp tục làm người dùng bất ngờ ở các phần khác với thiết kế và chất lượng tuyệt vời.
Vi xử lý và chip đồ họa khá mạnh mẽ, nhưng chip Quadro và các thông số kỹ thuật còn lại của máy thì hơi kém. GPU tích hợp trên MacBook và một số laptop rẻ hơn lại có hiệu suất đồ họa thô cao hơn. Thời lượng pin của M3800 cũng không thể cao bằng MacBook.
(Theo VNReview)