Home > Tin Tức > Đánh giá nhanh action camera DJI Osmo Action: Bộ đôi màn hình là nỗ lực rất nghiêm túc nhằm soán ngôi GoPro
Tin TứcTin Tức Máy ẢnhĐánh giáĐánh Giá Máy Ảnh

Đánh giá nhanh action camera DJI Osmo Action: Bộ đôi màn hình là nỗ lực rất nghiêm túc nhằm soán ngôi GoPro

dji-osmo-action-review-8064-1920x1280

Đánh giá nhanh action camera DJI Osmo Action: Bộ đôi màn hình là nỗ lực rất nghiêm túc nhằm soán ngôi GoPro.

Osmo Action có kích thước vừa trọn lòng bàn tay, dạng hộp chữ nhật bo góc, với khả năng chống nước đến độ sâu 11m mà không cần hộp lặn (housing). Ống kính tròn đặt tại một góc ở phía trước, kế bên là màn hình LCD 1.4″ có tỉ lệ màn hình 1:1. Chiếm diện tích phía sau máy là màn hình chính 2.25″ cảm ứng với tỉ lệ 16:9. Màn hình chính này rộng hơn màn hình chính của GoPro, trong khi bản thân máy quay chỉ nhỉnh hơn đôi chút (thậm chí là còn lùn hơn) so với dòng máy quay GoPro Hero7.

dji-osmo-action-review-8060-1920x1280

dji-osmo-action-review-8061-1920x1280 dji-osmo-action-review-8062-800x534-c

Màn hình phía trước là điểm tạo nên sự khác biệt rõ ràng giữa Osmo Action với các máy quay hành trình khác trong phân khúc. Tỉ lệ màn hình không chuẩn khá là lạ nhưng lại cho phép người dùng xem trước ảnh chụp của mình theo phong cách letterboxed (dạng khung hình phim có các thanh màu đen ở phía trên và phía dưới thường dùng cho việc lấp đầy khung hình hiển thị hoặc để chạy phụ đề) hoặc ở chế độ toàn màn hình với các bên của khung hình bị crop lại. Chất lượng khung hình không quá vượt trội, khi mà người dùng sẽ chủ yếu muốn xem trên màn hình phía sau hơn — tuy nhiên màn hình phía trước này vẫn vừa đủ cho nhu cầu căn khung hình.

Giao diện cảm ứng (chỉ làm việc trên màn hình phía sau) hoạt động rất ổn, và đây có lẽ cũng là điểm mà DJI đã làm rất tốt để mô phỏng lại ưu điểm hàng đầu của GoPro. Giao diện người dùng này sẽ ngay lập tức cho cảm giác quen thuộc với những ai đã từng sử dụng từ đời GoPro Hero5 trở đi; lướt sang phải để vào thư viện, xuống để vào trung tâm điều khiển, sang trái để vào các thiết lập và tùy chọn phơi sáng, và lướt lên trên để hiển thị độ phân giải và các thiết lập tốc độ khung hình. Cảm ứng có độ phản hồi nhạy, dù các icon không phải lúc nào cũng trực quan.

RockSteady lược đi mọi chuyển động gây rung nhất trên máy quay một cách thần kỳ và biến nước phim quay được trở nên mượt mà.

Trên thân máy có ba nút vật lý: trên đỉnh gồm nút nguồn và nút quay phim, bên hông là nút Quick Switch. Hai nút đầu thì đơn giản rồi, riêng nút Quick Switch lại có hai chức năng khác nhau. Người dùng có thể nhấn nút này để bật menu chế độ chụp lên, gồm các chế độ Video, Video HDR, Time lapse và Photo, hoặc nhấn giữ nút để khởi động màn hình phía trước.

Người dùng cũng có thể khởi động màn hình trước bằng cách dùng hai ngón tay nhấp đôi lên màn hình phía sau. Tuy nhiên trong các tình huống cần xem màn hình phía trước khi không thể xem màn hình phía sau thì nút Quick Switch chắc chắn có hữu ích hơn nhiều.

Máy quay cho phép điều khiển từ xa thông qua ứng dụng di động DJI Mimo. Khi được đánh giá trên phiên bản beta, chỉ có một điểm duy nhất mà DJI còn tụt lại so với GoPro đó là Mimo còn thiếu các tùy chỉnh cách thức hiển thị và định vị thiết lập, đồng thời một số icon thông số quá nhỏ. Trên máy quay có ổn định hình ảnh điện tử được biết đến với tên gọi RockSteady, vậy nhưng trên ứng dụng, tính năng này chỉ được hiển thị là EIS. Điều này sẽ làm người dùng mới bị bối rối do chưa nắm hết các thuật ngữ chuyên môn. Lạ nữa là, không có cách nào để xem trước cảnh phim khi ngửa màn hình lên nếu cầm điện thoại theo chiều dọc (portrait) — do tính năng xem trước video đã bị khóa vào chiều ngang (landscape).

dji-osmo-action-review-8066-1200x9999

Ưu điểm có lẽ là ứng dụng chạy khá nhạy, chỉ bị giật nhẹ khi xem các cập nhật trực tiếp.

Các kính lọc ống kính vặn được xem là bổ sung hữu ích. Kính lọc trong gốc có thể tháo rời bằng tay và thay bằng một kính lọc ND chỉ trong nháy mắt. Đây là một điểm cộng lớn, so với nắp ống kính ngạnh lưỡi lê khó thao tác trên GoPro Hero5 trở đi.

DJI có sẵn bốn loại kính lọc ND khác nhau, cho các mức giảm sáng từ 2, 3, 4 đến 5 stop. Các kính lọc phân cực (polarizing) và kính lọc dưới nước sẽ sớm ra mắt. Bản thân ngàm vặn cũng không độc quyền, thay vào đó, DJI cho phép các nhà sản xuất thứ ba sản xuất các loại kính lọc tương thích, cũng như cung cấp các loại kính lọc có sẵn tương thích với action camera mới của hãng. Dẫu vậy, ngàm của Osmo Action sẽ không tương thích trong nội bộ, nghĩa là các bộ lọc cho drone Mavic hoặc gimbal camera Osmo sẽ không sử dụng chéo được với người anh em mới.

Chất lượng video và thông số kỹ thuật

DJI Osmo Action có thể quay độ phân giải 4K đến 60 fps đạt chuẩn xu hướng hiện tại, trong khi đó video Full HD quay được đến 240 fps cho chế độ slow motion 8x. Máy còn có thể quay HDR (High Dynamic Range) ở độ phân giải 4K 30p. Tuy nhiên, ngôi sao sáng ở đây phải nói tới ổn định hình ảnh điện tử RockSteady (đáng tiếc là không dùng được ở chế độ HDR).

Osmo Action là nỗ lực đầu tiên rất đáng khen ngợi, kết hợp giữa thiết kế và chức năng của một chiếc action camera đúng nghĩa.

Tương tự HyperSmooth của GoPro, RockSteady lược đi mọi chuyển động gây rung nhất trên máy quay một cách thần kỳ và biến nước phim quay được trở nên mượt mà. Tính năng ổn định này cũng cho chất lượng chống rung chuẩn gimbal đối với những cảnh quay cầm máy, giữ được đường chân trời thẳng khi lia máy.

Cảm biến nhỏ trên máy quay hành hình thường là thủ phạm gây cháy vùng sáng và vỡ nét vùng tốt. Dù vậy, khi quay với mẫu màu D-Cinelike tùy chọn, Osmo Action có khả năng chạy được một phạm vi dải tần nhạy sáng rất ổn. Mặc dù vậy D-Cinelike bị phẳng khi xuất khỏi máy quay và cần phải chỉnh màu để trông bình thường trở lại, do đó tùy chọn này không được khuyên dùng cho người mới bắt đầu.

Ống kính gây méo hình khá tệ, dù có thể chỉnh sai trong máy với tính năng Dewarp. Dewarp buộc người dùng phải crop phim, nhưng cũng đừng lo vì ống kính rất rộng, sẽ không phải đánh đổi quá nhiều.

Một điểm rất cần lưu ý là bản thân RockSteady có gây crop hình, cộng thêm Dewarp sẽ làm khung hình bị thu nhỏ lại. Dù cái gì cũng có cái giá của nó, không phủ nhận các tính năng này có hỗ trợ không nhỏ với quá trình quay phim, nhưng chúng vừa gây mất góc nhìn, vừa khiến phim bị soft đi nhiều. Độ phân giải 4K khi đó cũng không còn chuẩn 4K nữa. Cho nên tuy xem 100% nhưng chi tiết vẫn bị nhòe.

Công bằng mà nói, đây là những thử thách quen thuộc mà chiếc action camera nào cũng đều gặp phải. Khi xem lại phim trên điện thoại hoặc màn hình nhỏ, người dùng sẽ gần như không để ý được các chi tiết bị thiếu hụt; nhưng xem trên màn hình TV 4K 65″ chẳng hạn thì lại khác nhé.

Có đủ để soán ngôi GoPro?

Với giá khởi điểm là $349, có thể nói Osmo Action là nỗ lực đầu tiên rất đáng khen ngợi, kết hợp giữa thiết kế và chức năng của một chiếc action camera đúng nghĩa với nhiều cải tiến hữu dụng. Nhưng liệu bấy nhiêu có đủ để đuổi kịp GoPro Hero7 Black? Đối với hầu hết người dùng, câu trả lời là chưa. Chất lượng hình ảnh vẫn ở mức chấp nhận được, ổn định hình ảnh rõ ràng là rất ổn, nhưng so với HyperSmooth thì còn thiếu sót nhiều.

GoPro cũng khó lòng bị qua mặt ở mảng ứng dụng cho di động. Hãng này đã bỏ rất nhiều công sức để phát triển phần mềm thành viên Plus, mang đến cho các khách hàng của mình nhiều lợi ích bổ sung như lưu trữ đám mây không giới hạn và các mã giảm giá cho phụ kiện.

Điểm khiến DJI Osmo Action tỏa sáng nằm ở màn hình phía sau với tỉ lệ màn hình rộng và các kính lọc vặn dễ dùng. Màn hình phía trước cũng hỗ trợ nhiều và linh hoạt hơn so với các máy quay hành trình khác. Xét tổng thể thì đây là một chiếc action camera khởi đầu rất tiềm năng. Hy vọng Osmo Action sẽ mở đường cho các tiến bộ hơn về sau của DJI để tiến sâu hơn vào phân khúc action camera.

(Theo Daven Mathies @ Digital Trends)