Home > Tin Tức > DJI Osmo Pocket vs GoPro Hero 7 Black: Kẻ tám lạng, người nửa cân?
Tin TứcTin Tức Máy ẢnhĐánh giáĐánh Giá Máy Ảnh

DJI Osmo Pocket vs GoPro Hero 7 Black: Kẻ tám lạng, người nửa cân?

DJI Osmo Pocket vs GoPro Hero 7 Black: Kẻ tám lạng, người nửa cân?

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng điểm qua tất cả các tính năng chính có trên hai đối thủ mới nhất của thị trường action camera: DJI Osmo Pocket và GoPro Hero 7 Black, đồng thời đặt chúng trong một số tình huống thử nghiệm về hiệu suất chụp thiếu sáng, chất lượng audio,… Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ xem xem nên chọn máy nào và lý do vì sao.

>> Gopro Hero 9 Black 2020

Cuối cùng thì, sau bao ngày trông ngóng, DJI Osmo Pocket chính thức ra mắt và sắp sửa chính thức bước chân vào thị trường chỉ trong vài ngày tới. Siêu phẩm mới của DJI ghi điểm ngay từ ngoại hình nhỏ gọn đúng với cái tên gọi ‘bỏ túi’ của nó, bên cạnh khả năng quacho y video thuộc hàng khủng 4K30p và gimbal chống rung 3 trục. Trong khi đó, đến từ hãng đối thủ GoPro là thế hệ HERO mới nhất với đại diện nổi bật là GoPro Hero 7 phiên bản màu đen (Black), rất được tán dương về khả năng ổn định hình ảnh cùng các ứng dụng quay phim, live stream tiên tiến và mới mẻ.

Nhiều người cho rằng DJI Osmo Pocket và GoPro Hero 7 Black quá là khác nhau để đặt cả hai lên bàn cân, tuy nhiên trên thực tế, chúng vẫn chia sẻ khá nhiều điểm tương đồng.

Thiết kế: Vuông chọi Chữ nhật

Siêu phẩm của GoPro sở hữu một thiết kế rất đỗi quen thuộc. Hẳn là tất cả chúng ta đều đã quá quen với các mẫu thế hệ trước của GoPro, và Hero 7 cũng không quá khác biệt với người tiền nhiệm Hero 6. Điểm khác biệt lớn nhất là Hero 7 được phủ đen hoàn toàn, thay vì có màu xám xám như các mẫu cũ. Số nút bấm vật lý chỉ có hai – một nút ở mặt trên để quay phim/chụp ảnh và một nút nguồn ở bên thân máy. Các thiết lập khác có thể được thay đổi bằng màn hình cảm ứng hoặc trên ứng dụng di động.

5bfe4eb69cbe2d1bd6eceadc_dsc04412

Xét về độ bền, Hero 7 được ví von là ‘có thể chống đạn’, cho thấy máy có thể sống sót qua vài lần lỡ tay đánh rơi mà không gặp trục trặc gì, nhất là ở đằng trước và các mặt bên hầu hết là cao su. Dĩ nhiên, nếu bạn test nó kiểu vứt đại ra khỏi cửa ô tô thì thế nào màn hình cảm ứng to to phía sau cũng vỡ đầu tiên; nhưng nếu bạn đặt nó trong hộp bảo vệ trong lúc chụp thì chí ít màn hình sẽ được an toàn hơn phần nào. GoPro Hero 7 Black còn chống nước lên đến 10m mà không cần dùng hộp lặn.

Mặc dù siêu phẩm của DJI nhìn có vẻ lẻo khoẻo, gặp người đánh giá chua một chút thì là ‘như một cái gậy mỏng dính dễ gãy’, trên thực tế nó lại được thiết kế khá là cứng cáp. Osmo Pocket sử dụng màn hình thủy tinh tương tự GoPro Hero 7, nhưng có kích thước nhỏ hơn. Thân gimbal tuy nhỏ nhưng làm hoàn toàn từ kim loại cơ giới. Thành thật mà nói thì khó mà tin tưởng Osmo Pocket có thể chịu được nhiều hơn đôi ba cú rơi tự do, nhưng cấu tạo của nó chắc chắn là vẫn tốt đủ chuẩn đối với một thiết bị ứng dụng gimbal 3 trục.

5bfe50a01c79454869be35f5_dsc04409

Độ bền không phải là nhất khi so sánh với Hero 7, nhưng có một điều mà chỉ Osmo Pocket mới có, đó là cổng phụ kiện. Cổng phụ kiện được dùng để kết nối Osmo Pocket với điện thoại của bạn để sử dụng một trong các adapter, nhưng đó chưa phải là tất cả. Sắp tới, DJI sẽ cho ra mắt một kho phụ kiện thông minh kết nối được với cổng này để thêm độ tiện ích cho siêu phẩm mới của hãng, như là thêm nút, điều khiển gậy selfie,…

Nhược điểm là Osmo Pocket không thể làm việc dưới nước. Thiết bị không được thiết kế chống nước, nhưng DJI dĩ nhiên là sẽ không để siêu phẩm của mình thua bạn kém bè, mà sẽ tạo cho nó một hộp lặn riêng. Hộp lặn đặc biệt này sẽ cho phép bạn xuống đến độ sâu gần 60m – giống với độ sâu mà hộp lặn ngoài của Hero 7 đạt được.

5bfe517df34f6d73a848aa52_dsc04418

Giao diện người dùng

GoPro Hero 7 Black sở hữu một trong những giao diện người dùng được đánh giá cao nhất từng thấy trên một chiếc máy quay. Giao thức dễ sử dụng, không tràn ngập menu để phải lặn lội kiếm một cái gì đó li ti như tốc độ khung hình khi cần chỉnh sửa nhanh, có thể làm được mọi thứ chỉ từ màn hình phía sau thay vì phải dùng đến điện thoại. Dù vậy, nhược điểm không phải là không có. Ví dụ như, Hero 7 không có điều khiển thủ công hoàn toàn. Có một số thiết lập chuyên nghiệp như cân bằng trắng hay mẫu màu khi người dùng bật tùy chọn Protune, nhưng bạn sẽ không thể điều khiển tốc độ màn trập hay ISO bằng tay.

Quá trình kết nối Hero 7 với smartphone với Wi-Fi tích hợp lẽ ra phải đơn giản, nhưng thỉnh thoảng một số người dùng vẫn gặp lỗi không thể kết nối. Nghi vấn đề firmware được đặt ra, tuy nhiên câu trả lời đành phụ thuộc vào GoPro.

Cũng giống như Hero 7, người dùng có thể điều khiển hầu hết các thiết lập của Osmo Pocket từ màn hình cảm ứng ở phía sau. Bạn có thể thay đổi độ phân giải, tốc độ khung hình của video, thiết lập gimbal, xem video và ảnh đã chụp, nhưng bạn sẽ không dùng được bất kỳ tính năng chuyên nghiệp nào trừ khi kết nối thiết bị với điện thoại.

DJI Osmo Pocket không có kết nối WiFi, nhưng bạn vẫn có thể kết nối điện thoại bằng các adapter đi kèm – một điểm tưởng chừng sẽ nhận nhiều ý kiến trái chiều, nhưng lại được hưởng ứng nhiệt tình bởi độ đảm bảo so với kết nối không dây lúc chập chờn lúc… mất hẳn. Còn nếu bạn là một người dùng đam mê kết nối không dây? Không phải lo, bạn có thể cắm module Wi-Fi vào cổng USB C để dùng. Khi điện thoại đã được kết nối, bạn sẽ truy cập được vào mọi tính năng chuyên nghiệp mà siêu phẩm của GoPro có, hay thậm chí còn nhiều hơn cả thế. Bạn còn có thể điều chỉnh tốc độ màn trập và ISO. Nếu bạn ngắt kết nối điện thoại với Osmo Pocket, các thiết lập thủ công sẽ giữ nguyên, cho đến khi bạn cố gắng thay đổi chúng từ màn hình cảm ứng.

Resolution and Frame Rates

Cả hai máy đều có khả năng quay video 4K video ở các tốc độ 24, 30 và 60 fps, nhưng chỉ có GoPro Hero 7 Black mới có thể quay 2.7K ở 120 fps hoặc 1080p ở 240 fps. DJI Osmo Pocket có thể quay 4K ở 48 fps phù hợp hơn với timeline 24 fps. Đối với nhiều người dùng, 4K 60 fps là độ phân giải quan trọng nhất, nhưng nếu bạn cần tốc độ khung hình cao hơn, siêu phẩm GoPro có vẻ là sự lựa chọn có ưu thế hơn hẳn.

Color And Dynamic Range

Nếu bạn thích tạo nên các thước phim đậm chất điện ảnh, thì một trong những tính năng quan trọng nhất đối với một máy ảnh chính là dynamic range và màu sắc phải chuẩn. Cho những ai chưa biết, dynamic range, hay dịch là dải tần nhạy sáng, đơn giản là phạm vi ánh sáng mà máy ảnh có thể ghi lại (đi từ sáng đến tối). Một máy ảnh với dynamic range chuẩn phải chụp được gần như mọi cảnh mà không làm mất chi tiết trong vùng sáng hoặc vùng tối.

Dưới đây là ảnh chụp thử một bảng màu để thể hiện sự khác biệt giữa các màu sắc khi chụp lại từ hai thiết bị. Mẫu màu được thiết lập phẳng giống nhau (Cinelike trên DJI Osmo Pocket và Flat trên GoPro Hero 7 Black).

5c087a1d196a49521178d6d4_osmo-pocket-vs-hero-7-black-cinelike-flat-test

Có thể thấy rõ là màu sắc hai bên không giống nhau. Ở ảnh đầu tiên, bạn sẽ thấy GoPro Hero 7 có độ bão hòa cao hơn. DJI Osmo Pocket có dynamic range rộng hơn một chút, tuy điều này khá là khó thấy.

5c087a4d7ca232859141ebf8_osmo-pocket-vs-hero-7-black-vectorscope-graphs

Biểu đồ vectorscope cho thấy siêu phẩm của GoPro thực sự có độ bão hòa màu nhỉnh hơn.

Nếu video quay ở mẫu màu thông thường (không bị cố tình làm color grading), việc có độ bão hòa cao hơn có thể là chuyện tốt. Tuy nhiên khi quay ở mẫu màu phẳng, phim của bạn không nên có độ bão hòa như vậy. Bão hòa quá cao có thể khiến phim của bạn trông bị loạn sau khi làm color grading.

5c087a8e196a49a92b78d6ea_osmo-pocket-vs-hero-7-black-waveforms-graphs

Để kiểm tra dynamic range, bạn có thể sử dụng màn hình hiển thị hình dạng sóng (waveform). Không biết đọc biểu đồ này cũng không sao, bạn chỉ cần nằm được là phần dưới của biểu đồ là phần tối nhất trong ảnh, còn phần trên sẽ là phần sáng nhất trong ảnh.

Chú ý cách waveform của Osmo Pocket nằm gọn trong biểu đồ, trong khi của Hero 7 Black lại bị cắt trên xén dưới.

Độ sắc nét

Trường nhìn của cả hai máy quay khác nhau, do đó rất khó để đánh giá một số khía cạnh một cách khách quan; ví dụ như độ sắc nét.

Dưới đây là ảnh crop của bảng màu đặt ở khoảng cách 46 cm. Theo thử nghiệm, thiết lập sắc nét ở mức trung bình trên Hero 7 Black, còn Osmo Pocket không để thiết lập sắc nét.

5c087ad085b15d76999ba034_osmo-pocket-vs-hero-7-black-sharpness

Thử nghiệm này cho thấy Osmo Pocket có vẻ sắc nét hơn. Phải lưu ý một điều là Hero 7 luôn lấy nét đến vô cực, do đó có thể nó sẽ trông sắc nét hơn đối với các vật ở phía xa. Điều này sẽ được thử nghiệm sau.

Chụp thiếu sáng

Một khía cạnh hoàn toàn khác nữa là khả năng làm việc trong điều kiện thiếu sáng. Trên Hero 7 Black, ISO tối đa đạt 3200. Trên Osmo Pocket, ISO tối đa chỉ đạt 1600. Nhưng đừng vì thế mà lầm tưởng. Các thông số này thực chất chẳng có nghĩa lý gì khi bạn xem những thước phim ngay trên máy quay.

Trong video thử nghiệm bên dưới, mọi thứ được quay bằng Osmo Pocket và Hero 7 Black. Ở góc dưới bên trái của video là thông tin của máy cho từng cảnh quay. Video được quay theo cách trải nghiệm thực tế, không dùng tripod hay thiết lập phơi sáng.

Để đạt được chất lượng cao nhất, video được quay ở chất lượng 4K 24 fps. Trên Osmo Pocket, chế độ Pro được áp dụng để thiết lập màu sắc với chế độ Cinelike và tắt giảm nhiễu. Trên Hero 7 Black, Protune được dùng để thiết lập màu sắc với chế độ Flat và ISO tối đa là 1600 – để công bằng cho siêu phẩm của DJI không thể đạt đến con số 3200. Có vẻ như Hero 7 Black không có chức năng tắt giảm nhiễu ảnh nên chúng ta sẽ tạm bỏ qua.

Trong phần thử nghiệm này, cả hai máy quay được quay với phơi sáng và cân bằng trắng tự động. Đáng tiếc là, do các máy ảnh sử dụng để làm thử nghiệm là máy mẫu nên không có metadata gắn trong file video, thành ra cũng không thể xem cụ thể ISO của từng cảnh quay.

5c087ba9196a49584178d728_osmo-pocket-vs-hero-7-black-low-light-test

Bạn có thể thấy tổng thể ảnh trên siêu phẩm của DJI trông ổn hơn của GoPro, nhất là cảnh đêm. Nhiễu trên Osmo Pocket trông mịn hơn và giống phim, trong khi nhiễu trên Hero 7 Black trông như đã được xử lý rất kỹ bởi chức năng giảm nhiễu trong máy ảnh.

5c087c8f8c433a5859e10401_osmo-pocket-vs-hero-7-black-low-light-test-cropped

Khi zoom ảnh trên, người thắng cuộc càng rõ ràng. Chất lượng hình ảnh của Osmo Pocket đánh bật con cưng của GoPro ra khỏi mặt nước khi xét về chụp thiếu sáng. Lý do có lẽ một phần đến từ khẩu độ lớn hơn của Osmo. Đồng thời, khi Hero 7 Black ở chế độ Hypersmooth, chế độ phơi sáng tự động có thể đã tăng tốc độ màn trập lên một chút để giảm tối thiểu chuyển động làm nhòe trong video (mặc dù không hẳn, bởi bên cạnh đó vẫn có rất nhiều yếu tố làm nhòe khác).

Color Grading

Ảnh raw thì đẹp đấy, nhưng sẽ thế nào nếu chúng trải qua quá trình color grading?

5c087d0d886040e8900a1804_osmo-pocket-vs-hero-7-black-low-light-test-color

Một bức ảnh làm ví dụ. Đây là ảnh trước khi làm color grading. Vì ảnh được chụp với mẫu mà phẳng, màu sắc không nổi bật như với mẫu tiêu chuẩn, nhưng đó mới là lý do để thực hiện color grading.

5c087dddd12a313563a24587_osmo-pocket-vs-hero-7-black-low-light-test-color-graded

Và đây là ảnh sau khi color grading. Vấn đề duy nhất với một video được làm color grading đó là bạn phải bắt đầu chỉnh từ một thước phim đẹp. Còn trong ảnh này, ta có thể thấy một số yếu tố xuất hiện trên nắp xe (chủ yếu trong ảnh chụp bằng Hero 7 Black), dù cũng không đến nỗi quá tệ.

5c087ef78860403be00a18f3_osmo-pocket-vs-hero-7-black-low-light-test-artifacts-cropped

Đây là một ảnh zoom 400% vào nắp xe. Để ý ảnh của Hero 7 Black bị bể rõ hơn khi làm color grading.

Ngoài ra, trong đoạn video quay thiếu sáng ở trên, có một ảnh ở phút 2:27 được giảm nhiễu bằng phần mềm chỉnh sửa. Nếu bạn xem kỹ bức ảnh của chiếc xe màu cam, bạn sẽ thấy ảnh của Osmo Pocket trông mượt đến mức nào sau khi áp dụng giảm nhiễu. Trong quá trình thử nghiệm, Hero 7 Black cũng được xử lý tương tự, nhưng vì nhiễu xuất hiện quá nhiều và có kích thước khá lớn nên không đạt hiệu quả bằng.

Chất lượng video 60 fps auto hoàn toàn

Dưới đây là một đoạn vlog thử nghiệm từ trên hai máy. Cả hai đều sử dụng thiết lập 4K 60 fps và mọi thiết lập đều ở chế độ Auto.

GoPro Hero 7 Black có vẻ phơi sáng theo toàn cảnh, trong khi DJI Osmo Pocket phơi sáng cảnh theo bất cứ thứ gì nằm ở chính giữa khung hình. Không thể đánh giá điều này là hoàn toàn tốt hay không tốt, đơn giản đây là một điểm khác nhau nữa giữa hai chiếc máy quay và cho thấy đặc điểm của chúng xét trên nhu cầu sử dụng của người dùng. Ví dụ như Osmo Pocket làm sáng bừng khuôn mặt của nhân vật chính của đoạn video nhưng dìm mọi thứ của bầu trời; trong khi Hero 7 Black giữ nguyên các chi tiết của bầu trời nhưng lại khiến mặt của nhân vật bị tối đi nhiều.

Có vẻ đó là do DJI Osmo Pocket có ống kính có khẩu độ lớn hơn. Và thêm nữa nó cũng có bokeh ở hậu cảnh đẹp hơn.

Điểm yếu của Osmo Pocket có lẽ nằm ở AF. Khả năng lấy nét tự động khá chậm so với các máy quay khác. Hero 7 Black không lấy nét bởi mọi thứ luôn nằm trong tầm lấy nét (nhưng đó cũng là lý do ta khó có được bokeh vi diệu trên siêu phẩm của GoPro).

Chất lượng âm thanh

Đối với những người dùng chung chung thì chất lượng trên cả hai máy… là đủ dùng. Tuy nhiên, nếu bạn là một người khó tính khi nói đến chất lượng âm thanh thì xin chia buồn, có vẻ là bạn nên cân nhắc tậu thêm micro ngoài để đồng bộ âm thanh ở khâu chỉnh sửa sau rồi.

Siêu phẩm của DJI hiện tại có một thiết lập cho âm thanh là Audio Amplification (khuếch đại âm thanh). Bạn có thẻ tìm thấy chức năng này trong các thiết lập chuyên nghiệp. Ở thiết lập Low, âm thanh nghe khá lặng; thiết lập Moderate có vẻ lớn hơn một chút; còn thiết lập Fine sẽ thiết lập âm thanh bình thường. Khi sử dụng ứng dụng chỉnh sửa, Fine cho chất lượng ổn nhất. Nếu bạn quay phim ở những nơi có âm thanh lớn như concert chẳng hạn, thì các thiết lập thấp sẽ giữ Osmo Pocket không bị grain và clip mức độ âm thanh nhiều.

GoPro Hero 7 Black có 2 thiết lập âm thanh. Thiết lập đầu tiên dùng để điều chỉnh thời lượng xử lý đã hoàn thành. Có 4 tùy chọn là Raw Audio, Low, Medium và High. Trừ Raw và High thì các thiết lập khác nghe bình thường. Chế độ Raw nghe thô hơn, còn chế độ High nghe tương tự Osmo Pocket. Thiết lập còn lại dùng để loại nhiễu ồn do tiếng gió. Khi để chế độ Stereo Audio, âm thanh nghe giống micro bình thường. Bạn có thể nghe thấy tiếng gió nếu lúc ghi hình có gió. Khi đặt chế độ Wind, gần như toàn bộ tiếng gió được loại bỏ.

Nhìn chung, âm thanh trên DJI Osmo Pocket rất tốt, cho đến khi xuất hiện yếu tố môi trường và điều kiện quay. Như khi bạn quay ai đó nói chuyện thì Osmo Pocket làm việc ổn; còn khi quay với những âm thanh xung quanh thì vấn đề sẽ nảy sinh. Có vẻ như thuật toán âm thanh mà DJI sử dụng đã lọc ra hầu như toàn bộ các tiếng ồn từ môi trường xung quanh.

GoPro Hero 7 Black có chất lượng nằm đâu đó ở… lưng chừng. Không tốt bằng Osmo Pocket nếu để quay vlog; tiếng nghe như bị nén lại, kém trong trẻo ở tông cao, nhưng máy có thể thu các âm thanh từ môi trường xung quanh tốt hơn nhiều so với Osmo với âm raw ít có cảm giác đã qua chỉnh sửa hơn. Mặc dù vậy, có thể nói Hero 7 Black sẽ tỏa sáng nếu bạn không cố tình thu tiếng.

Cả hai máy đều có những nhược điểm khác nhau khi so sánh chỉ dùng mic ngoài. Hãy chọn một chiếc mic ngoài tốt nếu bạn muốn chất lượng âm thanh tốt. Ngoài ra, một lựa chọn khác nếu bạn không muốn dùng mic ngoài, đó là dùng adapter âm thanh USB-C. GoPro có bán adapter để gắn vào cổng USB-C kèm jack âm thanh ở đầu còn lại, cho phép sử dụng bất kỳ mic nào người dùng muốn. DJI cũng có adapter tương tự nhưng hiện tại thì chưa mở bán.

Khả năng ổn định

Cả hai máy đều có ổn định hình ảnh nhưng có cách làm việc khác nhau. Trên Hero 7 Black, tính năng ổn định là kỹ thuật số hoàn toàn. Sử dụng dữ liệu từ cảm biến gyro (hay gyroscopes; con quay hồi chuyển), Hero 7 Black có khả năng nhận diện được cách máy ảnh xoay và sử dụng dữ liệu này để ổn định phim tại thời gian thực tế. Để ổn định một cảnh, ảnh sẽ bị crop đi 10%, nhưng với ống kính rộng, cảnh phim trông vẫn khá là rộng.

Ổn định loại này có 2 nhược điểm. Nhược điểm lớn nhất là ống kính chỉ quá rộng, quá lớn hoặc các di chuyển nhanh sẽ không thể ổn định được cho đến khi máy quay ngừng xoay quá nhanh. Nhược điểm còn lại là ổn định không làm việc tốt lắm trong điều kiện thiếu sáng. Chuyển động nhòe từ di chuyển của máy quay vẫn rất rõ cả khi tốc độ màn trập thấp.

Với Osmo Pocket, bạn không gặp bất kỳ nhược điểm nào về ổn định kỹ thuật số. Bạn có thể quay được các chuyển động lớn mà phim gần như luôn giữ được độ mượt mà. Gimbal 3 trục làm việc bằng cách tính toán dữ liệu giống như GoPro, nhưng thay vì sử dụng dữ liệu này cho ổn định kỹ thuật số thì sử dụng cho 3 động cơ trên gimbal.

Bên cạnh đó, trên siêu phẩm của Gopro, ổn định hoặc là bật, hoặc là tắt; còn trên siêu phẩm của DJI, bạn sẽ có một vài chế độ khác nhau để lựa chọn.

Chế độ thứ nhất trong video là Follow, có thể dùng cho hầu như mọi cảnh quay, giúp khóa trục Roll trong khi ổn định Pan và Tilt. Trong quá trình sử dụng chế độ này, bạn có thể chuyển đổi giữa chế độ thông thường và chế độ thể thao nếu muốn gimbal di chuyển nhanh hơn. Chế độ tiếp theo gọi là Tilt Locked, tương tự Follow nhưng chế độ này sẽ khóa trục Tilt để gimbal không ngước lên hoặc nhìn xuống.

Một chế độ khác có trong video là FPV. Chế độ này khóa trục Roll giúp đoạn phim của bạn trông không khác gì phim quay từ máy quay truyền thống. Mọi chuyển động vẫn được ổn định, nhưng gimbal sẽ phản ứng nhanh hơn nhiều so với chế độ Follow.

Thời lượng pin

DJI Osmo Pocket có vẻ có thời lượng pin nhỉnh hơn GoPro Hero 7 Black. Sau khi thử nghiệm với một vài shot cùng chất lượng 4K và thiết lập, siêu phẩm của GoPro còn khoảng 20% pin trong khi siêu phẩm của DJI còn được đến 36% pin.

Osmo Pocket có một ưu điểm đó là cổng USB C ở dưới đế, do đó khi sử dụng đế sạc USB, bạn vẫn có thể vừa dùng vừa sạc (mặc dù với những ai muốn giữ tuổi thọ cho cả pin và máy thì sẽ không làm thế). Trên Hero 7 Black thì có một cửa mở từ bên hông để sạc pin hoặc bạn chỉ cần thay pin mới rồi dùng tiếp.

Các tính năng khác

Trước khi kết thúc phần so sánh này thì bạn cũng cần biết thêm một số tính năng nữa. GoPro Hero 7 Black có hai tính năng thực sự rất tuyệt vời mà DJI Osmo Pocket không có. Thứ nhất là điều khiển bằng giọng nói. Tính năng này cho phép bạn truy cập đến 30 chức năng (như bắt đầu và kết thúc quay phim) chỉ bằng cách ra lệnh bằng giọng nói. Thứ hai là dữ liệu GPS. Nhờ Hero 7 Black có GPS mà bạn có thể sử dụng các ứng dụng từ bên thứ ba để sắp xếp các thứ trong video của mình như tốc độ, khoảng cách, địa điểm,…

Ngược lại, Osmo Pocket có một tính năng mà Hero 7 Black không có. Tính năng này chính là Active Track. Tương tự trên drone của DJI, bạn có thể vẽ một chiếc hộp bất kỳ trên điện thoại của mình và rồi siêu phẩm của DJI sẽ lập tức tracking nó. Tính năng này cũng thực hiện tracking khuôn mặt theo cách thức tương tự. Và thú vị là bạn còn chẳng cần đến smartphone để sử dụng tính năng này; chỉ cần nhấp vào nơi bạn muốn tracking trên màn hình, tính năng này sẽ bắt đầu tracking cho bạn hoặc xoay máy quay xung quanh và tự động tracking khuôn mặt của bạn.

Vậy nên chọn DJI Osmo Pocket hay GoPro Hero 7 Black?

Mỗi chiếc máy quay đều có những tính năng độc đáo khiến chúng nổi bật theo một cách rất riêng, cho nên chúng ta không so sánh chỉ để chỉ ra cái nào “xịn” hơn để mua, mà là so sánh để thấy được mẫu máy nào có chức năng gì thiên về phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình hơn. Nếu bạn đam mê, cứ tậu hẳn cả hai cũng không có vấn đề gì. GoPro Hero 7 Black mang lại trường nhìn siêu rộng, chất lượng video ổn định và body cứng cáp siêu bền. DJI Osmo Pocket cho bạn khả năng ổn định xuất sắc, trường nhìn mang tính điện ảnh hơn, điều khiển thủ công, chất lượng video cực kỳ sắc nét và giá thành cũng dễ yêu hơn.

Nói thật thì mặc dù DJI đang cố khiến Osmo Pocket có vẻ sẽ mở đường soán ngôi GoPro, trên thực tế mỗi máy lại làm bá chủ ở một lĩnh vực khác nhau. GoPro Hero 7 Black sẽ là lý tưởng cho những cảnh quay hành động gay cấn, giống như những gì bạn xem trong các đoạn video quảng bá của hãng. Trong khi đó, DJI Osmo Pocket sẽ lý tưởng hơn nếu sử dụng cho quay phim hàng ngày, làm vlog, du lịch, phim điện ảnh ngắn. Đừng đơn giản là chạy theo tiếng gọi của xu thế và cạnh tranh; hãy nhìn nhận năng lực của sản phẩm ở đâu và liệu nó có phù hợp với những gì bạn đang làm không đã!

 

(Theo Korey Smith / My First Drone)