Là một người đam mê tạp chí sách ảnh cổ, lịch sử nhiếp ảnh (The Definitive Visual History), David Caleb, một nhiếp ảnh gia đã bị ám ảnh về việc làm sao pha trộn những hình thức chụp ảnh cũ với các thiết bị số hiện đại thời nay. Đặc biệt, anh bị mê hoặc bới các dòng máy TLR (Twin lens Reflex, 2 ống kính ). Ám ảnh đó không đến từ việc thiết kế đặc biệt của dòng này (ngắm từ một ống kính và chụp bằng ống kia), mà nó là phong cách các dòng này tác động đến cách nhìn và tư duy nhiếp ảnh của người sử dụng.
Khi sử dụng dòng TLR cổ, máy thường được đeo ngang eo, khi ngắm khung hình, bạn phải cúi xuống, không cơ động vội vàng như các dòng có gương lật hay các dòng ngắm lệch. Một tay bạn phải giữ máy lên cò chờ bấm, tay kia xoay núm vê nét… tất cả cuộc sống như chậm lại khi bạn sử dụng loại máy cổ điển này.
Theo tác giả, dòng máy này xứng đáng có một hậu duệ kỹ thuật số với đầy đủ những thiết kế và phong cách cổ điển đặc trưng của dòng TLR. Qua tìm hiểu một số dòng máy của Rolleiflex thế hệ mới, David đã thất vọng với cảm biến quá thấp, chất lượng hình ảnh không thực sự tốt của dòng Rolleiflex MiniDigi 5.0. Dù vậy, anh cũng tìm thấy chiếc máy ảnh Seagull CM9 với cảm biến 10megapixel nhỏ gọn, thiết kế thông minh và phù hợp với yêu cầu của anh cho việc thí nghiệm.
Theo những xây dựng ban đầu, David Caleb biết mình không thể chế tạo ra một máy TLR kỹ thuật số chuẩn, nên anh đã hình dung ra cách sử dụng một máy giống như Canon Powershot N2. Máy sử dụng phải nhỏ, có ống kính ngắn gọn, không cần phải có zoom quá dài, và đặc biệt có màn hình gấp hay điều chỉnh được góc độ.
Thay vì chế tạo một hộp gỗ mô hình giống như một máy TLR bên ngoài một chiếc máy digital, tác giả đã sử dụng trực tiếp một máy ảnh củ Yashica-Mat TLR với đầy đủ chức năng và một máy ảnh số Canon Powershot N2. Ý tưởng ban đầu là lắp ghép chiếc máy kỹ thuật số vào thân của máy TLR, mà vẫn giữ được các thao tác sử dụng của TLR trên máy kỹ thuật số.
Thực sự khi tháo các chi tiết bề mặt của 2 ống kính khỏi thân máy, David đã gặp những trở ngại lớn khi chiếc Powershot N2 đã không vừa với thân máy Yashica-Mat. Nó buộc anh phải đứng trước lựa chọn lớn cắt bỏ một phần ống kính trên bề mặt của máy TLR cổ. Tất cả các chi tiết khi được tháo, cũng như cắt ra được anh lưu vào những túi ziplock nhỏ để dễ phân biệt. Toàn bộ quá trình tháo cũng được anh ghi lại để hệ thống các bước làm cho cẩn thận hơn.
Anh đã sử dụng máy khoan để tạo lỗ bắt vít, và cưa để tạo khe đặt vừa chiếc canon PnS vào thân máy Yashica. Nhưng như vậy là chưa đủ để giữ nguyên những thao tác, nên anh phải cắt thêm thân máy Yashica để thêm những điều chỉnh tỉ mỉ hơn.
Những điều chỉnh ban đầu là việc mở rộng khoang trong của Yashica, để chiếc N2 không bị cọ xát trầy xước ống kính.
Thách thức tiếp theo là đưa một trong hai ống kính bề mặt của Yashica lại.
David cho biết, anh đã sử dụng cưa nhỏ để tách hai mặt ống kính chiếc Yashica-Mat ra nhiều phần nhỏ hơn để tiện cho việc sắp xếp.
Dường như anh đã từ bỏ ý định khi không tìm ra hướng để lắp lại bộ đôi ống kính TLR mà vẫn giữ được cơ chế hoạt động của máy. Song việc cưa nhỏ các chi tiết đã mang lại hiệu quả, khi anh tạo ra nhiều khoảng trống giúp N2 hoạt động dễ dàng trong thân máy Yashica. Việc ghép lại hai thâú kính đơn có vẻ tiến triển hơn khi anh thay đổi chiều ống kính còn lại của chiếc TLR.
Dù lắp đặt mọi thứ có vẻ đã khớp, song khi khởi động, sự dịch chuyển của lens trên N2 gây ra cọ xát với thân máy TLR, vì vậy David tiếp tục lược bỏ những phần dư bằng cưa để nó không ảnh hưởng tới ống kính của chiếc N2 nữa. Hai thanh truyền kim loại hai bên cũng bị loại bỏ để phần thân 2 bên được ráp lại gọn gàng hơn.
Công việc có thể xem là cuối cùng là sơn lại chiếc N2 sang màu đen. David đã sử dụng sơn sần cùng một số giấy dán nhám mờ để N2 có màu đen tương đồng với Yashica-Mat.
David Celab đã thực sự rất phấn khích khi hoàn thành được ý tưởng của mình. Với anh, nhiếp ảnh không chỉ là chất lượng hình ảnh đạt được, giống như chiếc N2 không bao giờ cho ra được chất lượng ảnh như các dòng TLR (Medium format). Nhưng điều đó không quan trọng, dự án này mang lại cho anh nhiều hơn thế, đó là một góc nhìn mới, một cách tiếp cận mới với nhiếp ảnh hiện đại qua cái nhìn cổ điển, một "góc nhìn từ thắt lưng".
Thực tế, máy ảnh kỹ thuật số đã cho chúng ta tất cả những tuỳ biến để lựa chọn ( như ảnh vuông, ảnh đen trắng….) trong một thiết kế đơn giản nhỏ gọn. Nhưng theo tác giả, nó đã lấy đi cảm xúc khi chụp ảnh của những người chơi ảnh, lấy đi những đặc trưng thao tác trên các dòng máy ảnh cổ điển. Đây có thể không là một sáng chế để đưa vào sản xuất đại chà, hay có thể mang lại lợi nhuận kinh doanh, mà nó truyền cảm hứng dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo. Phá bỏ những định kiến máy móc trong nhiếp ảnh để tìm về thứ mình thích, và thích hợp với mình.
Về tác giả David Caleb: anh là một nhiếp ảnh gia, đồng thời là giảng viên Kỹ thuật số tại UWCSEA East, Singapore. Anh cũng là tác giả của một số sản phẩm phần mềm như The Photographer’s Toolkit và Stories Through the Lens. Bạn có thể theo dõi David Caleb qua Twitter.
(Theo Tinh Tế)