Đi du lịch chụp hình đó đây dịp Tết, tiêu chí nhỏ gọn & chất lượng là tiêu chí để mua máy ảnh. Trong rất nhiều lựa chọn thì Fujifilm X-T20 là chiếc máy có thể tham khảo. Ra mắt năm ngoái (2017) kế thừa được rất nhiều tính năng từ chiếc flagship X-T2, bao gồm cảm biến APS-C với độ phân giải 24MP X-Trans CMOS III, bộ xử lý hình ảnh X-Processor Pro và hệ thống lấy nét tự động tiên tiến. Nhờ vào cảm biến mới với công nghệ xử lý tín hiệu mạnh hơn giúp X-T20 có thể kiểm soát tốt hơn hiện tượng nhiễu kỹ thuật số _ noise trên ảnh, do đó với mức ISO 12800 được mặc định chọn như là một lựa chọn ISO thường xuyên mà không cần quan tâm đến chất lượng hình ảnh sẽ bị ảnh hưởng. Tại chế độ ultra-high ISO settings, máy xử lý ra ảnh với độ nhiễu rất thấp, với thuật toán xử lý với màu đen sâu và tone mịn màng, mang lại những hình ảnh đẹp ngay cả trong những điều kiện ánh sáng kém.
Hiện tại giá X-T20 riêng thân máy là khoảng 21 triệu vnd, lý tưởng là thêm ống Kit XC 16-50mm là tổng chi phí khoảng 24 triệu vnd. Nếu thay bằng Kit XC 28-55mm thì vào khoảng 28 triệu vnđ. Thật sự thì không phải ống Kit đi kèm nào cũng đều bèo nhèo, ống Kit 18-55mm của Fuji công bằng mà nói là chất lượng hơn một số Kit hãng khác. Với Kit 16-50mm là rất ổn nếu có ý định chọn mua bộ máy ảnh này.
Đây là một số ảnh chụp không khí người dân Sa Đéc bắt đầu vào giai đoạn cuối chăm hoa Tết. Khoảng một hai tuần trước Tết, họ bắt đầu chuyển lên các đô thị tiêu thụ. Sử dụng X-T20, bạn yên tâm để ISO Auto, đi lang thang chụp đời thường thì hoặc chụp chế độ A hoặc S tuỳ lúc. Có nguyên bộ profile màu giả lập các loại màu film cổ điển, velvia, provia hay astro… và chất lượng ảnh JPG của Fujifilm được xử lý khá tốt, có thể dùng chia sẻ ngay nếu thích.
Ngoài chụp kiểu du lịch, phong cảnh đời thường, mình có mượn thêm ống XF 80mm f / 2.8 R LM OIS WR mới được giới thiệu của hãng này. Đây là ống được Fuji trang bị một hệ thống 12 thấu kính, trong đó có một thấu kính super ED với 3 thấu kính ED chuẩn, là từ viết tắt nguyên ngữ Extra-low Dispersion Glass – tạm dịch là thấu kính có độ tán sắc thấp, loại thấu kính mà tất cả các hãng quang học ngày nay đều làm cho các ống kính tốt của họ. Như ED Crystal (Nikon) hay UD Crystal (Canon). ED được dùng với mục đích giảm thiểu hiện tượng sắc sau – Chromatic Aberration do hiện tượng tán sắc. Tức là luồng sáng đi qua ống kính không hội tụ trên cùng mặt phẳng tiêu điểm (focal plane) xuất hiện dãy quang phổ trước hoặc sau tiêu điểm.
Thứ hai là họ trang bị cho ống kính 80mm macro này khả năng giảm rung OIS có hiệu năng 5-stops. Là một trang bị cần thiết trong việc chụp macro trong những tình huống không có tripod với những người thích lang thang chụp macro ngoài trời, hoa hoè sâu bướm côn trùng ngoài vườn công viên. Và giống như trên ống kính XF 90mm f/2.0 R LM WR, Fuji trang bị hệ thống lấy nét LM của Fuji (Linear Motor) êm mượt giảm thiểu tối đa âm thanh phát ra khi vòng nét dịch chuyển.
Về cảm nhận cầm nắm, mình gắn vào cái X-T-20 dùng từ năm ngoái thì có vẻ không cân bằng lắm. Body X-T20 hơi nhỏ một chút so với độ lớn và độ nặng của ống kính XF 80mm này. Nếu ai đã biết ống XF90 thì ống XF80 lớn hơn và nặng hơn một chút, còn thiết kế là gần như giống hệt nhau. Và, nếu so sánh nhanh thì XF80 lấy nét nhanh hơn rõ ràng nhận thấy.
Về vận hành, ống kính XF 80mm có 3 nấc điều chỉnh khoảng cách lấy nét tối ưu nhất (toàn dải full – 0.5m – 0.25m) phần nào giúp người dùng linh hoạt chọn sẵn tuỳ theo tình huống chụp cụ thể để thời gian chụp nhanh hơn.
Trong khoảng ngân sách từ 20 – 25 triệu, thật sự có khá nhiều chọn lựa, thậm chí của nhiều thương hiệu khác nhau. Fujifilm X-T20 và một ống Kit như đã nói bên trên thật sự cũng là một chọn lựa xứng đáng. Nhỏ gọn và cũng có phong cách thời trang, chất lượng hình ảnh có thể dùng ngay mà không phải hậu kỳ phức tạp với những người không cầu kỳ phức tạp, dễ sử dụng. Và dĩ nhiên là dùng cho nhu cầu chụp ảnh gia đình, sinh hoạt, du lịch picnic các mùa lễ, trốn khỏi chốn đô thành đang xám xịt ô nhiễm để hít thở chút không khí đâu đó.
(Theo Tinh Tế)