Chụp hình bằng cái gì thì cũng phải có ánh sáng. Ánh sáng quyết định phần lớn chất lượng bức hình. Do vậy nên người chụp luôn cố gắng tìm ánh sáng tự nhiên tốt; trường hợp trong phòng hoặc khi không có nguồn sáng tự nhiên tốt thì dùng ánh sáng nhân tạo. Một trong cách dùng ánh sáng nhân tạo là dùng đèn và softbox, phông nền, bàn chụp nền sáng v.v… Chúng ta có thể tận dụng ánh sáng từ màn hình chiếc iPad như một nguồn sáng để chụp những chủ đề nhỏ khi thèm chụp mà không có nguồn sáng khác tốt hơn. Mình thấy hiệu quả và có nhiều gợi ý sáng tạo ảnh, xin chia sẻ anh em.
Thử chụp bé con trong nhà. Phông nền là vách tường màu trắng sữa, thiếu sáng nó ra xám.
iPad làm softbox ở khoảng cách với mặt bé là 60cm
1 – Softbox là gì?
Softbox – hộp làm dịu sáng – là một cái hộp có mặt trong là chất liệu khuếch tán ánh sáng, bao quanh cái đèn flash (strobe), mặt trước là tấm vải mờ cho ánh sáng đi ra ngoài. Softbox là một phần không thể thiếu của phòng chụp, nó cho ánh sáng dịu, đẹp, tự nhiên.
2 – Dùng iPad làm softbox khi nào?
- Ở trong phòng / trong nhà, nơi thiếu ánh sáng: tận dụng ánh sáng màn hình iPad….
- Chụp các đồ vật, sản phẩm nhỏ, mô hình, close-up: dùng nguồn sáng là iPad linh hoạt, dịu mềm, chi tiết.
- Nếu có iPad, ta có một nguồn sáng có thể tự chủ để chụp bất cứ ở đâu, hoàn cảnh nào, và theo ý muốn.
- Softbox có nhiều kích cỡ và hình dạng khác nhau, tuỳ thuộc vào mục đích điều hướng sáng và đối tượng chụp là gì, chẳng hạn chân dung, nhiều người, sản phẩm lớn hoặc chụp sản phẩm nhỏ…
3 – Màn hình iPad
Mình thử dụng với màn hình iPad 9.7″ (1536x2048px), mình không có iPad 12″ để thử lần này, hy vọng lần sau. Và theo nguyên tắc tỷ lệ kích thước nguồn sáng với khoảng cách đến chủ thể: càng gần chủ thể thì nguồn sáng có tỷ lệ càng lớn so với vật thể, tương phản thấp hơn, ánh sáng dịu mềm hơn. Kích thước & khoảng cách từ softbox đến đến vị trí đặt mẫu ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng ánh sáng. Mình cần nói rõ thêm điều này để tính khoảng cách khi dùng màn hình iPad làm softbox. Ví dụ ta dùng iPad 9.7″ chụp một vật thể ở khoảng cách:
- 60cm giả thiết là cho ánh sáng phân bổ chi tiết rõ ràng nhất, đều, mềm mại nhất, vùng tối dịu và sâu đẹp nhất, thì:
- 30cm ánh sáng sẽ rất mềm rất dịu, nguồn sáng lớn hơn theo tỷ lệ với mẫu ở khoảng cách gần hơn này. Cũng như thế:
- 90cm, sẽ xuất hiện vùng sáng chói trên góc cạnh của mẫu chụp, tương phản vùng tối và sáng gia tăng dần khi kéo softbox ra xa hơn… Sự khác biệt là góc sáng chiếu vào và quan trọng là vùng tối trở nên gắt hơn, vùng sáng tương phản gia tăng, và ở một khoảng cách nào đó, ánh sáng trở nên dẹt khó chịu. Lý do là nguồn sáng trở nên nhỏ dần đến quá nhỏ so với chủ thể.
4 – Chụp như thế nào?
- Tải các ứng dụng sau để có nhiều softbox, đa dạng kiểu dáng, tuỳ nhu cầu chọn sau:
- SOFTBOX COLOR cho iPad: Free
- REFBOARD REFLECTOR FOR CAMERA: Free
- PHOTO LIGHT HD SOFTBOX: 1.9$
- SOFTBOX PRO FOR IPAD: 2.9$
- PHOTO SOFTBOX PRO: 2.99$
- Dịch chuyển iPad xung quanh, thử nhiều góc chiếu vào vật thể để thấy sự thay đổi góc sáng. Dịch chuyển iPad khoảng cách xa – gần với vật thể để thấy sự khác nhau về độ tương phản sáng (như nói ở trên kia).
Chọn các loại softbox, hình thù mặt chiếu sáng khác nhau…
Chọn các hình hoa văn, thay đổi màu sáng tuỳ chọn để làm background hoặc nền sáng…
Chọn các loại ánh sáng màu khác nhau…
5 – Bắt đầu chụp thử:
Dùng iPad như là chỉ một nguồn sáng trắng, tạt ngang một bên
Dùng iPad như Softbox Color: ánh sáng màu, đặt vật lên iPad
Dùng iPad như một nền sáng hoa văn, rất nhiều tuỳ chọn kiểu hoa văn và màu sắc
Có rất nhiều tuỳ chọn với sự sáng tạo của các bạn…
Dùng iPad như một nền sáng ngược tạo background, ở đây thử phông trắng…
Chụp từng chi tiết nhỏ tách khỏi phông nền đen
Góc iPad tạt nghiêng trên xuống
Góc iPad tạt vuông góc ngang
Ánh sáng rất mềm mại. Thay đổi nhiều hướng chiếu và góc chiếu của iPad để có ánh áng ưng ý.
Chúc các bạn có nhiều sáng tạo với nguồn sáng là Softbox bằng iPad, có nhiều ảnh đẹp và chia sẻ.
Nguồn: Tinhte