Cùng tìm hiểu về một khái niệm tuyệt vời có thể thay đổi cách bạn tiếp cận cách lập bố cục. (Người trình bày: Chikako Yagi, Digital Camera Magazine)
Bokeh tăng cường nhận thức độ sâu
Chúng ta biết ống kính zoom f/2.8 có thể làm mờ hậu cảnh gây nhòe nét (hay còn được hiểu là tạo hiệu ứng bokeh hậu cảnh), đơn giản hóa bố cục để làm cho đối tượng của bạn nổi bật hơn. Bên cạnh đó, bokeh tạo ra một loại hiệu ứng xếp lớp, làm cho cảnh trông có vẻ ba chiều hơn — giống như có nhiều không gian hơn giữa hậu cảnh và tiền cảnh.
So sánh hai ảnh bên dưới. Ảnh f/11 trông phẳng hơn ảnh f/2.8. Đó là vì việc sử dụng f/2.8 để làm mờ những bông hoa màu vàng tạo ra ảo giác về không gian rộng hơn giữa những bông hoa và cái cây ở phía sau, tạo cảm giác độ sâu nhiều hơn.
f/2.8

f/11
Thủ thuật chuyên nghiệp: Kết hợp các kỹ thuật để có cảm giác độ sâu nhiều hơn
Có những kỹ thuật lập bố cục khác để tạo ra ảo giác về độ sâu. Ví dụ, bạn có thể sử dụng độ dài tiêu cự ngắn (ống kính góc rộng) để chụp từ một góc thấp. Điều này tăng cường hiệu ứng phối cảnh, trong đó các vật thể ở gần trông lớn hơn và gần hơn, và các vật thể ở xa hơn trông nhỏ hơn và xa hơn, cuối cùng góp phần tạo nên cảm giác về độ sâu.
Khái niệm chính: Xem xét mối quan hệ của đối tượng với tiền cảnh và hậu cảnh
Khi lần đầu khám phá ra sự kỳ diệu của hiệu ứng bokeh, chúng ta thường muốn kích hoạt và sử dụng khẩu độ rộng nhất có thể để có được hiệu ứng nhòe mờ tuyệt đẹp đó. Nhưng như chúng tôi đã trình bày bên trên, hiệu ứng bokeh không chỉ ảnh hưởng đến đối tượng mà còn ảnh hưởng đến tiền cảnh, hậu cảnh và cách đối tượng chính trông như thế nào so với chúng.
Hãy xem xét những mối quan hệ này và các yếu tố ảnh hưởng đến chúng, chẳng hạn như vị trí của từng vật thể trong khung hình, khoảng cách giữa chúng và khoảng cách từ bạn đến chúng. Tùy vào hình ảnh bạn hình dung, việc khép khẩu một chút có thể mang lại cho bạn kết quả tốt hơn.
Kỹ thuật chuyên nghiệp 1: Sử dụng hiệu ứng bokeh để tách các lớp ra một cách rõ ràng

Việc có các lớp rõ ràng trong ảnh (tiền cảnh, trung cảnh, và hậu cảnh) sẽ giúp ảnh có độ sâu và nổi khối hơn, đặc biệt là khi chụp ảnh phong cảnh, trong đó bạn ít kiểm soát được môi trường chụp. Bạn có thể làm điều đó bằng cách đặt đối tượng ở giữa và sử dụng độ sâu trường ảnh nông đạt được ở f/2.8 để làm mờ tiền cảnh và hậu cảnh trong khi vẫn giữ cho trung cảnh rõ nét.
Phương pháp này có hiệu quả với mọi loại ống kính―hãy tự mình thử và xem kết quả! Ví dụ, bạn có thể sử dụng nó để chống lại hiện tượng nén phối cảnh khi chụp bằng ống kính tele để ảnh trông bớt phẳng hơn.
Kỹ thuật chuyên nghiệp 2: Sử dụng các đường dẫn để cung cấp hướng dẫn trực quan

Hãy chú ý đến những thứ tạo thành đường dẫn từ trước ra sau của cảnh―như các dấu vết trong ảnh bên trên. Chúng sẽ cung cấp hướng dẫn trực quan, di chuyển mắt người xem từ phía trước của cảnh ra phía sau và tăng cường cảm giác về độ sâu. Để có kết quả tốt nhất, hãy di chuyển càng gần chúng càng tốt, sử dụng độ dài tiêu cự rộng nhất có thể, đặt khẩu độ ở f/2.8 và đặt tiêu điểm sao cho hậu cảnh phía sau đối tượng bị mờ.
Phóng to nếu bạn cần loại bỏ những yếu tố gây mất tập trung khỏi khung hình; thu nhỏ để ghi lại được nhiều phần vật thể hơn tạo nên đường thẳng để có thể làm cho đường thẳng trông dài hơn. Đó chính là vẻ đẹp của ống kính zoom!
Tóm tắt: Cách đạt được cảm giác độ sâu nhiều hơn
- Lập bố cục sao cho ảnh của bạn có các lớp rõ ràng (tiền cảnh, trung cảnh, hậu cảnh)
- Sử dụng bokeh f/2.8 để tách các lớp.
- Tiền cảnh và/hoặc hậu cảnh mờ hơn so với đối tượng chính và trông xa hơn.
- Kết hợp với các kỹ thuật lập bố cục và kỹ thuật sử dụng ống kính khác để có kết quả tốt hơn. Ví dụ: hiệu ứng phóng đại phối cảnh của ống kính góc rộng, đường dẫn.
Theo Snapshot Canon