Hãy nhớ lại điều gì đã xảy ra khi iPhone X không thể ra mắt “đúng hẹn”.
Kết thúc quý 2/2020, Apple đã làm được điều không tưởng: tăng doanh thu lên mức kỷ lục khi vẫn đang phải gồng mình chống chọi với những đại dịch Covid-19 và bạo loạn sắc tộc tại Mỹ. Nhưng chiến thắng của Apple có phần không trọn vẹn: theo khẳng định của Tim Cook và CFO Lucas Maestri, ngày phát hành của iPhone năm nay sẽ bị đẩy lùi “nhiều tuần lễ”.
Với các iFan, thông báo này chắc chắn sẽ gây thất vọng. Thiết kế iPhone cao cấp đã bị Apple tái sử dụng trong suốt 3 năm qua, từ iPhone X lên XS và sau đó là iPhone 11 Pro. Thực tế, thiết kế mới nhất của Apple lại là một sản phẩm “hạng hai”: iPhone XR, vốn là sự kết hợp của “mặt tiền” iPhone X và vỏ lưng của iPhone 8.
Nhưng với Apple, sự chậm trễ này có thể là một toan tính cực kỳ khôn ngoan của “cáo già” Tim Cook.
Muốn biết tại sao, hãy nhìn lại câu chuyện của iPhone X vào 3 năm trước. Lúc này, sự chờ đợi dành cho thiết kế iPhone mới cũng đang lên tới mức đỉnh điểm khi Apple đã tái sử dụng thiết kế của iPhone 6 lên cả iPhone 6s lẫn iPhone 7. Năm 2017 cũng đánh dấu iPhone tròn 10 tuổi, khiến iFan khắp nơi đều nóng lòng chờ đợi một điều đặc biệt.
Tháng 9 năm đó, iPhone X xuất hiện cùng iPhone 8 và iPhone 8 Plus. Nhưng sự chờ đợi của các iFan chưa dừng lại: không lên kệ theo lịch 2 tuần như mọi năm, chiếc iPhone kỷ niệm 10 năm phải đợi tới tháng 11 mới đến tay người dùng. Trên các mặt báo, các “nhà phân tích” lần lượt đăng đàn cho rằng Apple đang có vấn đề về chuỗi cung ứng khi không thể đặt hàng kịp Face ID, bộ phận mang lại thay đổi lớn nhất cho trải nghiệm iOS mới.
Ngày 3/11, khắp nơi trên thế giới, các iFan xếp hàng dài dằng dặc chờ mua iPhone X. Nỗi lo thiếu hàng lên đến đỉnh điểm, nhưng chỉ 3 tuần sau, iPhone X đã có mặt rộng rãi trên khắp hệ thống Apple Store toàn cầu. Chẳng hiểu sao, dù gặp “vấn đề chuỗi cung ứng”, iPhone X vẫn có mặt rất đúng lúc để đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm lên cao ngay trước Lễ Tạ Ơn và Black Friday…
Kết quả: Ngày ra mắt muộn đã biến iPhone X trở thành một trong những chiếc iPhone “hot” nhất trong lịch sử.
Càng nực cười hơn, trang chủ của Apple gần như không bao giờ rơi vào tình trạng thiếu hàng. Số liệu thống kê của Canalys công bố cho thấy, trong quý 4 năm 2017, Apple đã bán được 29 triệu mẫu iPhone X. Một chiếc smartphone giá nghìn đô, ra mắt chậm trễ và “thiếu hàng”, vẫn chỉ mất 2 tháng để dễ dàng chiếm lấy vị trí số 1 toàn cầu trong cả tháng.
Một kịch bản tương tự đang lặp lại vào năm nay. Các iFan đang nóng lòng chờ đợi một thiết kế mới. Một chiếc iPhone hoàn toàn mới đang rục rịch ra mắt, nhưng sẽ không thể sớm đến tay người dùng.
Điều khác biệt duy nhất là lần này, Apple phải chống chọi với Covid-19 chứ không chỉ là một “vấn đề chuỗi cung ứng” mơ hồ như lần trước. Nhưng, hãy nhìn kỹ hơn: nếu Apple thực sự gặp vấn đề với chuỗi cung ứng, vì sao lượng iPhone xuất xưởng trong quý 1 lại chỉ giảm vỏn vẹn có 5% và thậm chí lại tăng 25% trong quý 2 vừa qua? Rõ ràng là Tim Cook và các phó tướng của mình đã kiểm soát được những tác động của Covid-19. Bất chấp nghịch cảnh, Apple có thừa khả năng để sản xuất đủ iPhone 12 cho mùa mua sắm sắp tới.
Bởi thế, Tim Cook sẽ chẳng lo thiếu hàng, mà chỉ phải giải quyết một vấn đề khó hơn: làm thế nào người dùng phát cuồng về iPhone 12? Làm thế nào để sức hút ấy lên tới đỉnh điểm vào đúng thời điểm sức mua sắm của người dùng đang bùng nổ, giải tỏa cho cơn khát Covid-19 và bắt kịp mùa mua sắm quan trọng nhất trong năm?
Giải pháp đã có từ 3 năm trước, và lần này, vị CEO “cáo già” của Apple thừa biết sẽ phải làm gì. iPhone 12 sẽ ra mắt muộn, nhưng muộn theo toan tính của CooK: thế nào rồi iPhone 12 cũng sẽ bán chạy, thế nào rồi Apple cũng sẽ cán mốc 2 nghìn tỷ đô!