Từ cổ chí kim, lịch sử bất động sản đã không ít lần chứng kiến những thương vụ đình đám, gây chấn động thế giới suốt một thời gian dài. Tuy nhiên suy cho cùng, đấy cũng chưa là gì với những vụ mua bán điên rồ sau đây.
1. Ông chủ bảo tàng Ripley’s Believe It Or Not cố gắng mua một ngọn núi lửa
Sau khi trở về từ kỳ nghỉ ở Caribbean, Robert Ripley – người sáng lập bảo tàng Ripley’s Believe It or Not (một viện bảo tàng chuyên sưu tập và trưng bày những hiện vật kỳ lạ trên thế giới ở Mỹ), đã hào hứng tuyên bố rằng ông sẽ mua lại Paricutin, một ngọn núi lửa mới hình thành trên một mảnh đất trồng ngô ở bang Michoacan, Mexico. Với vẻ đẹp hùng vĩ hiếm có, ngọn núi lửa này xuất hiện khá nhiều trong các danh sách bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Lúc đầu, nhiều người còn ngỡ ngàng khi biết ý định mua về một ngọn núi lửa của Ripley, nhưng ông chủ của Ripley’s Believe It or Not đã khiến mọi thứ ông làm trở nên thật tuyệt, đáng giá và ý nghĩa.
Ripley nói với giới truyền thông rằng mua ngọn Paricutin sẽ giúp ông lấy lại được sự cân bằng trong tâm tưởng, mặt khác đây sẽ là một dự án đầu tư đáng giá, vừa có thể khai thác khoáng sản (phần lớn là than đá) vừa thu được một khoản hời lớn từ việc bán vé. Khi hoàn thành, dự án này sẽ thu hút một lượng lớn khán giả kéo đến đây để được tận mắt chiêm ngưỡng thế nào là một vụ phun trào thực thụ từ một ngọn núi lửa trẻ mới hình thành.
Ngay khi hay tin về ý tưởng lạ đời này của Ripley, chính phủ Mexico đã lập tức làm tất cả những gì họ cảm thấy nên làm: ban hành lệnh cấm giao dịch đất nông nghiệp với bất cứ “ông bầu” nào có ý định thu mua.
2. Người đàn ông liều lĩnh hai lần bán tháp Eiffel
Tháp Eiffel là biểu tượng không thể không nhắc đến của thủ đô hoa lệ Paris nước Pháp, và ngược lại. Thế nhưng ít ai biết rằng biểu tượng nổi tiếng này đã từng bị một người đàn ông rao bán đến hai lần trong quá khứ. Người đó chính là Victor Lustig, một nghệ sĩ người Séc có tiếng.
Chuyện bắt đầu vào năm 1925, trong một quán cà phê, Victor Lustig chăm chú đọc bài báo trưng cầu ý kiến nên duy trì hay phá hủy công trình tháp Eiffel của chính quyền Pháp. Nhiều người tỏ ý đồng tình với sự xuất hiện của một công trình có ý nghĩa kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa đại cách mạng Pháp, trong khi đó không ít người dân thủ đô Paris lại than thở cảm thấy việc xây dựng ngọn tháp này thật vô bổ và phí tiền. Đặt tờ báo xuống bàn, Victor nhận thấy sự bất đồng suy nghĩ này có thể mang về cho ông ta một khoản hời lớn.
Trước tiên, Victor tự chuẩn bị cho mình đầy đủ tài liệu giấy tờ giả mạo cần thiết như hồ sơ mời thầu và những tấm danh thiếp giả đề chức danh Phó Tổng cục trưởng của chính phủ. Với “chiếc áo” này, ông ta dễ dàng mời được 5 đại lý thu gom phế liệu đến một khách sạn sang trọng để bàn bạc. Tại đây, Victor cho biết chính phủ đã bí mật quyết định tháo dỡ tháp do không có đủ kinh phí để duy tu bảo dưỡng và 7000 tấn sắt thép sẽ được bán cho nhà thầu tiềm năng nhất trong số họ. Nhờ tài hùng biện xuất sắc, Victor đã thả thính thành công một công ty phế liệu do André Poisson làm chủ.
Vì muốn nhanh chóng gầy dựng tiếng tăm trên đất Paris nên Poisson đã tin vào những lời đường mật của Victor, khi tên này nói hắn chỉ liên lạc riêng với Poisson và để đề nghị sẽ giúp công ty của ông này trúng thầu nếu đưa trước cho hắn 70.000 USD (1,6 tỷ VNĐ). Sau khi ôm được khoản tiền lớn một cách dễ dàng, kẻ lừa đảo đã nhanh chóng cao chạy xa bay sang Vienna, Áo.
Phi vụ đầu tiên kết thúc trót lọt. Nằm nhà nghe ngóng tin tức trên các tờ báo, Victor rất bất ngờ khi vụ việc của mình không hề được nhắc đến dù chỉ 1 chữ. Cho rằng nạn nhân đã quá xấu hổ, không dám khai báo vì sợ đả động đến chính quyền, nên Victor quyết định quay về Paris để làm thêm kèo nữa. Tuy nhiên, lần này vận may đã không mỉm cười với Victor. Các nhà thầu đã cảnh giác hơn và báo cảnh sát.
Quý ông lừa đảo bị tóm ở Mỹ vào năm 1936, khi đang chuẩn bị lên kế hoạch cho một phi vụ lừa tiền mới. Ông ta chết trong tù sau 11 năm thọ án.
3. Vụ lừa bán cầu Brooklyn
Năm 1883, một trò bịp đã đi vào lịch sử nước Mỹ, ngay tại New York bởi George C. Parker, kẻ đã tuyên bố quyền sở hữu hợp pháp và rao bán cây cầu Brooklyn vài lần trước khi bị bắt.
Trên thực tế, mánh khóe của George C. Parker không hề phức tạp. Chỉ với mớ giấy tờ giả và cái miệng dẻo quẹo tuyên bố mình chính là chủ hợp pháp của cây cầu, Paker đã lừa phỉnh không biết bao nhiêu du khách nộp tiền phí cầu đường khi đi qua công trình này. Được biết, hắn đã thu về ít nhất là 50.000 đô la (gần 1,2 tỷ VNĐ) từ các nạn nhân trên cây cầu Brooklyn.
Ngoài cây cầu Brooklyn, Parker còn thản nhiên rao báo cả tượng Nữ thần Tự do, lăng Grant và bảo tàng nghệ thuật Metropolitan. Sau hàng loạt các phi vụ lừa tiền, George C. Parker cuối cùng đã phải trả giá đắt cho những hành vi sai trái. Hắn kết thúc cuộc đời đáng xấu hổ của mình tại một nhà tù vào năm 1936.
4. Mỹ nỗ lực mua đảo quốc Greenland
Ngay sau Thế chiến II, khi thế giới bước vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Chính phủ Hoa Kỳ đã bắt đầu kế hoạch mua lại Greenland, vào thời điểm đảo quốc này vẫn còn là thuộc của Đan Mạch với khoảng 600 cư dân. Các ông lớn của Lầu Năm Góc nhận thấy, nếu sáp nhập thành công Greenland thì Mỹ sẽ có một lợi thế lớn trên chiến trường bởi nơi này là một cứ điểm vô cùng quan trọng, có ý nghĩa chiến lược và thuận tiện để đóng quân và giám sát các tàu chiến của Liên Xô.
Trong cuộc họp của Liên Hợp Quốc giữa ngoại trưởng Mỹ James F. Byrnes và bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch, đề nghị thu mua này đã được đưa ra. Gần như lập tức, phía Đan Mạch từ chối thẳng. Tuy nhiên, vào năm 1951, một hiệp ước của NATO được ký kết lại cho phép Mỹ huy động quân đội ở đây. Nhiều người cho rằng nếu Greenland thật sự trở thành một bang thì đây sẽ là bang lớn nhất của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
5. Rao bán đất trên mặt trăng
Vào những năm 1980 của thế kỷ trước, cũng như bao người, Dennis Hope, vốn là một diễn viên xiếc miệng (nhái tiếng) cũng có mơ ước lập nghiệp làm giàu với nghề buôn bán bất động sản, một trong những lĩnh vực đang“hot” thời bấy giờ. Trong một đêm trăng sáng, khi nhìn ra cửa sổ, đối diện với ánh trăng tròn vành vạnh, một ý tưởng mua bán điên rồ nảy ra trong đầu Hope.
Nhận thấy cơ hội đổi đời là đây, lợi dụng kẽ hở của Hiệp ước Không gian được Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 1967, trong đó chỉ rõ rằng không một quốc gia nào được phép tuyên bố quyền sở hữu với mặt trăng, nhưng lại không đề cập đến cá nhân. Hope đã gửi một lá thư đến Liên Hợp Quốc và các quốc gia tuyên bố quyền sở hữu với mặt trăng cùng thời hạn trả lời, nhưng không nhận được bất cứ một phản hồi nào.
“Tôi đã gửi cho Liên Hiệp Quốc một tuyên bố chi tiết về quyền sở hữu và ý định chia nhỏ để bán đất mặt trăng nhưng chưa bao giờ nhận được câu trả lời”, Hope nói.
Không được cho phép nhưng cũng chẳng có luật nào cấm, Hope tiếp tục thương vụ làm ăn điên rồ của mình. Kể từ đó đến năm 2013, Hope tuyên bố đã bán tổng cộng 2,47 triệu km vuông đất mặt trăng cho hơn 2 triệu khách hàng, trong đó có cả ba cựu tổng thống là H.W. Bush, Ronald Reagan và Jimmy Carter, thu về 12 tỷ USD (270 nghìn tỷ VNĐ). Theo dự tính, trong tương lai con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Dù điên rồ và Hope đã nhận được không ít sự phản đối của các tổ chức vũ trụ quốc tế, song người đàn ông này vẫn đưa ra những lập luận đơn giản nhưng đầy sức thuyết phục để bảo vệ hình thức kinh doanh của mình.
6. Tỷ phú Ai Cập mua đảo làm nơi tị nạn
Vào năm 2015, Naguib Sawiris, một doanh nhân giàu có người Ai Cập, đã đề xuất ý tưởng mua lại một hòn đảo hoang của Hy Lạp hoặc Ý để làm nơi an cư an toàn, cung cấp chỗ ở và nơi làm việc ổn định cho hàng nghìn người tị nạn quốc tế. Nhà hoạt động nhân đạo này cho biết, ngay khi ý tưởng mua đảo tiếp nhận người dân tị nạn được đưa ra, ông đã nhận được nhiều khoản tiền quyên góp và tình nguyện viên từ khắp nơi trên thế giới. Tất cả đều có mong muốn chung tay giúp sức cùng ông biến ý tưởng này thành sự thật.
Tuy nhiên, cho đến nay, những lá thư về dự án này được ông gửi đến thủ tướng Hy Lạp và Ý vẫn không được phản hồi. Nhưng Sawaris vẫn không ngừng hy vọng đề xuất của ông sẽ được thông qua. Naguib Sawiris cho biết, “Làn sóng nhập cư vào Châu Âu đang là một chủ đề nóng thu hút sự quan tâm của thế giới. Trong lúc các nước lớn đang đau đầu tìm giải pháp giải quyết khủng hoảng di cư thì tại sao chúng ta lại không cấp cho họ một ngôi nhà thứ hai. Tôi biết rằng tại Hy Lạp vẫn còn rất nhiều hòn đảo không có người ở, và hơn hết là họ đang cần tiền. Dự án này sẽ không chỉ cứu EU khỏi gánh nặng dân số mà còn giúp giải quyết khủng hoảng di cư”.
7. Ban nhạc The Beatles muốn mua một hòn đảo ở Hy Lạp
Có thể nói vào năm 1967, ban nhạc The Beatles đang ở thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp âm nhạc của họ. Cũng trong thời gian này, John Lennon, một trong 4 thành viên của ban nhạc Anh huyền thoại, bày tỏ mong muốn tìm mua một hòn đảo – một nơi đủ yên tĩnh để Beatles và người thân của họ có thể dọn tới sống và sáng tác nhạc. Một hòn đảo ở Hy Lạp với giá bán 90.000 bảng Anh (khoảng 2,6 tỷ VNĐ) đã được một người bạn tốt của họ là Magic Alex giới thiệu. Sau đó, cả 4 thành viên đã cùng khởi hành đến xem hòn đảo trên một chiếc du thuyền sang trọng.
Sau vài ngày rong ruổi trên biển, cuối cùng họ cũng nhìn thấy một hòn đảo rộng 32ha ngoài khơi Hy Lạp tên là Leslo và đồng ý rằng đây là nơi hoàn hảo với những tiêu chí đã đặt ra. Tuy nhiên khi trở về London, vì vướng phải một vài lý do ngoài ý muốn nên kế hoạch đặt mua hòn đảo Leslo của The Beatles đã bị hủy bỏ.
8. Tháp đồng hồ Big Ben đã từng bị bán bởi một nam diễn viên người Scotland
Arthur Ferguson, một nam diễn viên người Scotland đang thất nghiệp, đã tìm cách rao bán tháp đồng hồ Big Ben. Nạn nhân trong kế hoạch của hắn phần lớn là những người Mỹ sang London, Anh, du lịch.
Lấy lý do nền kinh tế nước Anh sau Thế chiến thứ nhất vẫn đang suy yếu, cần bán một số địa danh nổi tiếng để lấy tiền giúp đất nước thoát khỏi khủng hoảng tài chính, trong lốt trợ lý văn phòng thủ tướng chính phủ, Arthur Ferguson đã tìm gặp và thuyết phục rất nhiều ông chủ giàu có. Trong một lần gặp mặt, hắn ta đã thuyết phục thành công một số du khách giàu có tin rằng mình là người ủy quyền hợp pháp của chính phủ cho những dự án này. Tin lời tên bịp bợm, những người này đã đưa cho hắn 5000 đô (khoảng 112 triệu VNĐ) để mua ngọn tháp nổi tiếng Big Ben, 30,000 đô la (khoảng 675 triệu đồng) cho Cột Nelson ở Quảng trường Trafalgar, và thêm một khoản khuyến mãi 10,000 đô la (225 triệu VNĐ) nếu đồng ý mua thêm cung điện Buckingham, thậm chí khi đang chạy trốn sang Mỹ, hắn ta còn rao bán tượng Nữ thần Tự Do cũng với mánh khóe tương tự.
Sau nhiều năm Arthur Ferguson trót lọt thực hiện những phi vụ lừa đảo mua bán bất động sản lạ lùng, cuối cùng những lời phàn nàn của khách du lịch cũng đến tai đại sứ quán Hoa Kỳ. Tên siêu bịp đã phải trả một cái giá xứng đáng cho hành vi phạm tội của mình. Sau 5 năm thụ án, Arthur Ferguson chết trong tù vào năm 1938 trong cảnh cô đơn, nghèo túng.
9. Một luật sư người Anh mua bãi đá cổ Stonehenge tặng vợ
Vào năm 1915, Cecil Chubb, một luật sư giàu có ở thành phố Salisbury, tham gia vào một cuộc đấu giá địa phương với ý định mua về một bộ bàn ghế ăn tặng vợ. Tuy nhiên ít ai ngờ ngày hôm đó, khi ra về, Chubb lại trở thành chủ sở hữu của bãi đá cổ nổi tiếng Stonehenge với giá 6.600 bảng Anh, trị giá khoảng hơn 1 triệu đô la ngày nay (tức 22,5 tỷ VNĐ).
Nhiều người cho rằng việc Chubb mua Stonehenge làm quà tặng vợ chỉ mang tính chất danh nghĩa, bởi thực sự vị luật sư này không muốn bãi đá cổ, nơi gắn bó tuổi thơ của mình, bị rơi vào tay chủ sở hữu ngoại quốc. “Tôi nghĩ rằng đồ ở Salisbury thì nên để một người sinh ra ở Salisbury sở hữu”, Chubb chia sẻ sau đó không lâu.
Tuy nhiên, ba năm sau, có lẽ vì bà vợ không mấy hài lòng với “bộ bàn ghế” quá đồ sộ nên Chubb đã quyên tặng lại Stonehenge cho người dân Anh, với điều kiện phải miễn phí vé thăm quan bãi đá cổ cho người dân sống gần đó. Quá trình chuyển đổi được đánh dấu bằng một buổi lễ, và để tôn vinh tấm lòng hào phóng của Chubb, vị luật sư này sau đó đã được phong tặng tước hiệu “Nam tước thứ nhất của Stonehenge”. Ngày nay, bãi đá cổ Stonehenge thu hút được hơn một triệu du khách ghé thăm mỗi năm và là một di sản thế giới được UNESCO bảo vệ.
(Nguồn: Lạ lùng)