Home > zShop | Cảnh giác người tiêu dùng > zShop | Top những vụ lừa đảo kinh điển > Cú lừa ngoạn mục của tay “chợ trời” khiến 25 cán bộ ngân hàng “bóc lịch”
zShop | Top những vụ lừa đảo kinh điển

Cú lừa ngoạn mục của tay “chợ trời” khiến 25 cán bộ ngân hàng “bóc lịch”

Cú lừa ngoạn mục của tay “chợ trời” khiến 25 cán bộ ngân hàng “bóc lịch”

Từ một dân “chợ trời” Lâm Ngọc Khuân đã trở thành một “đại gia” thủy sản nức tiếng ở miền Tây. Với những mánh khóe tích lũy có được, Khuân đã có “cú lừa” ngoạn mục chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng sau đó cao chạy xa bay bỏ lại 27 “trợ thủ” (trong đó có 25 người là cán bộ ngân hàng) chia nhau ngồi tù hơn 100 năm.

Cú lừa ngoạn mục của tay “chợ trời” khiến 25 cán bộ ngân hàng “bóc lịch”
Chân dung Lâm Ngọc Khuân và con gái Lâm Ngọc Hân đang được truy nã quốc tế khi bỏ trốn sang nước ngoài.

Tay “chợ trời” số má

Trước khi bị phát hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng nghìn tỉ đồng gây rúng động miền Tây Nam Bộ, Lâm Ngọc Khuân – Chủ tịch HĐQT Cty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam – từng được biết đến là một dân “chợ trời” nổi tiếng, chuyên buôn lậu xăng dầu và buôn bán ôtô, xe máy ở Sóc Trăng.

Theo tìm hiểu, Khuân sinh năm 1953, lớn lên từ quê lúa Trà Cuông, xã Thạnh Quới (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), từng tốt nghiệp tú tài trước năm 1975. Sau giải phóng, khoảng năm 1977, Khuân nổi như cồn khi từ một người chạy xe kéo ba gác chở khách kiếm sống ở tuyến đường dài 30km (Trà Cuông – Sóc Trăng), kinh qua nghề làm bột mì, rồi trở thành một dân buôn lậu xăng dầu, buôn bán xe ôtô, xe gắn máy khét tiếng ở miền Tây.

Sau những năm 90 của thế kỷ trước, đất nước bước vào thời kì kinh tế mở cửa – hội nhập. Nhận thấy một số Cty xuất khẩu thủy sản ăn nên làm ra với lời lớn, Khuân loi choi tìm cơ hội nhảy vào thị trường này. Năm 1998, Khuân thành lập Cty TNHH Phương Nam, 2 năm sau đó trở thành Cty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam (gọi tắt là Cty Phương Nam) với vốn điều lệ 295 tỉ đồng, chuyên thu mua, chế biến tôm, mua bán thức ăn cho tôm, vật tư phục vụ nuôi tôm. Tại Cty, Khuân giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT (góp 35,26%), 3 cổ đông còn lại là bà Trần Thị Mỹ (vợ ông Khuân, góp 20,5%), Lâm Ngọc Hân (con gái ông Khuân, góp 20,24%) và cháu trai Quỳnh Phúc Quế (chỉ đứng tên 24% cổ phần nhưng thực tế không góp vốn). Lâm Minh Mẫn làm kế toán trưởng, Trịnh Thị Hồng Phượng làm Phó GĐ phụ trách kinh doanh…

Thời gian đầu, do ít có doanh nghiệp (DN) cạnh tranh nên tên tuổi cũng như quy mô của Phương Nam lên cao “như diều gặp gió”. Tuy nhiên, bước sang năm 2005, Hoa Kỳ bắt đầu tính thuế chống bán phá giá tôm, Cty Phương Nam là 1 trong 5 DN bị áp mức cao nhất. Lúc này, bản tính “chợ trời” được phát huy, Khuân bắt đầu chơi bài “đánh úp” khi cho hạ giá xuất khẩu tôm để giành khách với các DN trong nước và tìm thị trường mới thay thế thị trường Hoa Kỳ…

Cuỗm gần 800 tỉ đồng trốn ra nước ngoài

Biết Cty làm ăn thua lỗ, trên đà phá sản, Khuân và con gái Lâm Ngọc Hân đã chỉ đạo 2 thuộc cấp là Lâm Minh Mẫn và Trịnh Thị Hồng Phượng làm khống giấy tờ lừa đảo các ngân hàng (NH). Qua đó, từ 2008 -2012, Cty Phương Nam thua lỗ trên 996 tỉ đồng, trong khi tổng tài sản thế chấp giá trị gần 640 tỉ đồng. Khuân, Hân đã chỉ đạo Mẫn, Phượng lập 19 báo cáo tài chính gian dối về kết quả kinh doanh có lãi gần 41 tỉ đồng. Đồng thời, nâng khống khối lượng hàng hóa tồn kho có giá trị từ 123 tỉ đồng lên 747 tỉ đồng để thế chấp vay vốn và chiếm đoạt số tiền 784,8 tỉ đồng của 5 NH (NH Phát triển Việt Nam chi nhánh Sóc Trăng (VDB Sóc Trăng), NH TMCP Bưu điện Liên Việt Sở Giao dịch Hậu Giang (LPB Hậu Giang), NH TMCP An Bình chi nhánh Bạc Liêu (ABBank Bạc Liêu), NH TMCP Sài Gòn Thương Tín chi nhánh Sóc Trăng (Sacombank Sóc Trăng), NH TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Sóc Trăng (VCB Sóc Trăng)).

Với số tiền “lừa đảo” được, Khuân đã xây dựng “căn biệt thự” riêng cho đại gia đình trị giá 28 tỉ đồng (tại P.7, TP.Sóc Trăng), mua căn hộ ở phường Tân Phong (Q.7, TPHCM)… Bên cạnh đó, từ năm 2008 – 2011, Lâm Ngọc Hân và Lâm Minh Mẫn còn giúp Khuân chi tạm ứng hơn 71 tỉ đồng bằng 176 chứng từ (đã hoàn ứng hơn 65 tỉ đồng, bằng 158 chứng từ) để Khuân có tiền đi nước ngoài tiếp khách. Đến cuối năm 2011, Khuân bỏ trốn ra nước ngoài với lý do cùng vợ sang Mỹ chữa bệnh. Giữa tháng 7.2012, con gái Khuân là Lâm Ngọc Hân cũng xuất cảnh sang Mỹ, khi dư nợ các ngân hàng trên 1.700 tỉ đồng, được trừ tài sản thế chấp và giá trị hàng tồn kho gần 41 tỉ, còn lại hơn 1.679 tỉ đồng. Đến thời điểm này, Cty Phương Nam không có tài sản bảo đảm để hoàn trả vốn vay cho 5 ngân hàng với số tiền gần 785 tỉ đồng.

cu-lua-ngoan-muc-cua-tay-cho-troi-khien-25-can-bo-ngan-hang-boc-lich
27 bị cáo nguyên là thuộc cấp và cán bộ ngân hàng bị ngồi tù. Ảnh: THÀNH AN

2 thuộc cấp và 25 cán bộ ngân hàng “bóc lịch”

Sau một thời gian dài điều tra, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã xác định, đây là 1 trong 10 đại án tham nhũng cần được xử lý. Theo đó, trải qua 10 ngày xử án (từ 20.7 – 31.7), chiều 3.8, TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên án sơ thẩm đối với 27 bị cáo của vụ án. Ngoài hai thuộc cấp của Khuân là Lâm Minh Mẫn và Trịnh Thị Hồng Phượng còn có 25 bị cáo nguyên là cán bộ NH. Đến nay, 5 NH không thu hồi được hơn 784,8 tỉ đồng. Trong đó, NH VCB Sóc Trăng (hơn 77 tỉ đồng); NH Sacombank Sóc Trăng (hơn 132 tỉ đồng); NH VDB Sóc Trăng (hơn 314 tỉ đồng); NH LPB Hậu Giang (hơn 248 tỉ đồng); NH ABBank Bạc Liêu (hơn 53 tỉ đồng).

Tại các phiên tòa xét xử, tòa truy tố 2 bị cáo Lâm Minh Mẫn và Trịnh Thị Hồng Phượng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tòa kết luận, 2 bị cáo này đã có hành vi giúp ông Lâm Ngọc Khuân và con gái là Lâm Ngọc Hân (đã bỏ trốn) lập khống các báo cáo tài chính từ các hóa đơn chứng từ thua lỗ sang có lãi và nâng khống giá trị tồn kho luân chuyển để thế chấp để vay nợ các NH; dùng một số chứng từ sao chép thành nhiều bản để thế chấp vay ở nhiều NH khác nhau… Số nợ gốc mà 2 bị cáo này giúp ông Khuân vay của 5 NH là 638 tỉ đồng. Qua đó, TAND tỉnh Sóc Trăng quyết định tuyên Lâm Minh Mẫn mức án 14 năm tù, Trịnh Thị Hồng Phượng 12 năm tù.

Đối với 25 bị cáo là cán bộ của 5 NH, VKS truy tố tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Với các hành vi như vi phạm các quy định về thẩm định hồ sơ vay vốn, thẩm định tài sản thế chấp, quản lý tài sản thế chấp… dẫn đến có cơ hội để người của Cty Phương Nam gian lận vay số tiền lớn mà không có khả năng chi trả. Qua đó, tòa tuyên án từ 2-7 năm tù giam, trong đó, các bị cáo nguyên là lãnh đạo các ngân hàng phải chịu trách nhiệm chung, vì vậy phải chịu mức án cao hơn các bị cáo còn lại nguyên là cán bộ ngân hàng.

Cụ thể: Bị cáo Nguyễn Thế Thắng (SN 1959, nguyên Giám đốc NH Phát triển Việt Nam chi nhánh Sóc Trăng) lãnh mức án 7 năm tù. Cấp phó của bị cáo Thắng là bị cáo Nguyễn Văn Xem (SN 1960) lãnh 6 năm tù; bị cáo Đặng Hùng Sở (SN 1967, nguyên Giám đốc NH Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt – Sở giao dịch Hậu Giang) lãnh 5 năm tù. Cấp phó của bị cáo Sở là bị cáo Vũ Ngọc Thuận (SN 1978) lãnh 4 năm tù. Ngay sau khi HĐXX tuyên án, người thân của các cán bộ NH đã vui mừng và vội chạy ra ngoài sân tòa để gọi điện về cho gia đình. Bởi lẽ, với mức án này, một số bị cáo chỉ phải chấp hành án thêm vài tháng là sẽ mãn hạn tù vì thời gian chấp hành án được tính từ lúc họ bị bắt tạm giam.

Theo HĐXX, do cha con ông Khuân hiện đang bỏ trốn ở nước ngoài, Bộ Công an đã có lệnh truy nã quốc tế, khi nào bắt được xử sau. Do đó, ngoài việc lĩnh án tù, Mẫn và Phượng mỗi người còn bị tòa buộc bồi thường cho các NH hơn 392 tỉ đồng. Đối với tài sản gần 41 tỉ đồng có được từ bán hàng tồn kho tại Cty Phương Nam, HĐXX tuyên VDB Sóc Trăng nhận hơn 14,8 tỉ đồng, LPB nhận hơn 11,3 tỉ đồng, Sacombank Sóc Trăng nhận 6,4 tỉ đồng, VCB Sóc Trăng nhận 4,4 tỉ đồng, ABBank nhân 3,6 tỉ đồng.

3 ngân hàng sắp hầu tòa?

Theo HĐXX, trong “đại án” xảy ra tại Cty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam, có 8 NH quan hệ tín dụng với DN này. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 3 NH còn lại do mức độ sai phạm không đến mức xử lý hình sự nên tòa không đưa ra xét xử. HĐXX cũng sẽ đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành tố tụng sớm tiếp tục điều tra, xử lý hành vi sai phạm của những lãnh đạo, cán bộ của 3 NH cũng bị cha con ông Khuân lừa chiếm đoạt khoảng 655 tỉ đồng gồm: NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh Sóc Trăng (bị nợ gốc hơn 498 tỉ đồng), NH Liên doanh Việt Thái (bị nợ 2.400.000 USD) và một NH chi nhánh Sóc Trăng (bị nợ 7,3 tỉ đồng). Lý giải cho việc này, HĐXX nói: “Do thời hạn điều tra vụ án đã hết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục tách phần tài liệu về sai phạm tại 3 NH trên để điều tra xử lý sau”.

(Theo Lao động)