MacBook Pro 13 (2016) phiên bản không có touch bar được Apple giới thiệu như là sản phẩm thay thế cho MacBook Air 13 với giá bán cao hơn khá nhiều. Nếu tạm bỏ qua mức giá thì MacBook Pro 13 (2016) có nhiều yếu tố để khiến nó trở thành sự thay thế và nâng cấp phần cứng lý tưởng cho MacBook Air 13, bao gồm thiết kế nhỏ gọn hơn, phần cứng mới hơn, ổ SSD có tốc độ nhanh hơn.
Thiết kế gọn hơn, mỏng hơn, nặng hơn không đáng kể
Trước tiên nói về khối lượng thì MacBook Pro 13 (2016) chỉ nặng 1,37 kg, trong khi MacBook Air 13 là 1,35 kg. Sự chênh lệch rất ít về khối lượng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc bạn mang máy di chuyển hàng ngày.
Tuy nhiên yếu tố quan trọng hơn của hai mẫu máy tính 13-inch này chính là khi so sánh kích thước. Khi ra mắt MacBook Pro 13 Retina vào năm 2012, Apple đã thu gọn kích thước chiều dài và chiều rộng của nó là 31,4 x 21,9 cm; tức là gọn hơn MacBook Air 13 (32.5 x 22.7 cm). Nếu bạn cho rằng vài milimet đó không ảnh hưởng gì thì mình chia sẻ một câu chuyện thú vị thế này: bạn mình mua một túi đựng (laptop sleeve) dành cho MacBook Pro 13 và hy vọng nó dùng được cho… MacBook Air 13. Thật trớ trêu khi mua về nó không thể khớp vừa cái chốt cài của túi vì chiều rộng của MacBook Air 13 lớn hơn.
Thử nghiệm thực tế chiếc túi Think Tank Perception tablet được tạo ra để đựng máy tính bảng tầm 10-12”. Mình đã sử dụng nó được hơn 1 năm để đựng MacBook Pro 13 Retina rất tốt, tuy nhiên nếu sử dụng để đựng MacBook Air 13 lại không vừa.
Đây là ba lô Think Tank Perception Tablet khi đựng MacBook Pro 13 (2016), dù chiều dài hơi lấn qua khu vực an toàn đựng tablet nhưng vẫn dễ chấp nhận nếu bạn muốn đưa chiếc MacBook vào.
Với MacBook Pro 13 Retina (2015) thì hơi lớn hơn nhưng chiều rộng vẫn vừa, kéo khoá ba lô vào vẫn rất dễ dàng.
Và đây là MacBook Air 13 không thể bỏ vừa ngăn tablet của ba lô Think Tank Perception Tablet do chiều rộng lớn hơn. Có thể thấy dù chênh lệch vài milimet nhưng vẫn ảnh hưởng đến việc lựa chọn ba lô hay túi xách.
Thực tế rõ ràng là bạn có thể mua những chiếc túi xách hay balo được ghi là dùng cho máy tính 11” hoặc 12” thì MacBook Pro 13 Retina trước đây đều có thể bỏ vừa. Vì vậy không lý do gì mà MacBook Pro 13 (2016) lại không thể là một lựa chọn tốt hơn cho nhu cầu di động.
Điều quan trọng hơn là việc MacBook Pro 13 (2016) sở hữu màn hình retina tương tự như MacBook Pro 13 Retina (2012-2015) cũng khiến cho việc mình không phải suy nghĩ đến MacBook Air 13 nữa (tất nhiên phải vượt qua rào cản là mức giá 1.300 USD).
Cấu hình với CPU tương đương với MacBook Air
Trong bảng thông số trên trang web Apple, bạn có thể thấy MacBook Pro 13 (2016) sử dụng vi xử lý Intel Core i5 lõi kép 2.0 GHz, turbo boost 3.1 GHz cùng bộ nhớ đệm L3 dung lượng 4MB; tuỳ chọn cao hơn là Core i7 lõi kép 2.4 GHz, turbo boost 3.4 GHz. Tất cả đều sử dụng chip đồ hoạ Intel Iris Graphics 540.
Qua kiểm tra cấu hình trên chiếc MacBook Pro 13 (2016) cấu hình cơ bản vừa đập hộp, CPU mang tên mã là i5-6360U cho mức tiêu thụ điện năng tối đa (max TDP) là 15W. Tức là mức TDP tương đương với CPU i5-5250U trên MacBook Air 13 (late 2015). Trong khi đó cả MacBook Pro 13 Retina (2015) và MacBook Pro 13 (2016) với touch bar đều sử dụng CPU có TDP ở mức 28W. Chắc chắn rằng những thứ ‘hiện đại’ sẽ hại điện hơn.
Trở lại với MacBook Air 13, chiếc máy này pin dung lượng là 54 Wh, trong khi đó MacBook Pro 13 (2016) có dung lượng cao hơn không đáng kể là 54.5 Wh. Với màn hình retina thì MacBook Pro 13 (2016) có thể sẽ tiêu hao năng lượng nhiều hơn so với MacBook Air. Bù lại thời lượng pin nếu so với MacBook Pro 13 (2016) với touch bar sẽ cao hơn do cấu hình của phiên bản với CPU có TDP cao hơn (28W), trong khi pin dung lượng 49.2 Wh thấp hơn bởi thiết kế phiên bản touch bar có hai quạt tản nhiệt.
Giá bán tại Việt Nam sẽ hợp lý sau một thời gian nữa
Khi giới thiệu, nhiều người nhìn vào thấy rằng MacBook Pro 13 (2016) có giá khởi điểm cao hơn so với thế hệ trước. Tuy nhiên nếu so sánh với mức giá MacBook Pro 13 Retia (2015) MF840 có SSD 256GB thì lại bằng nhau. Kết quả benchmark giữa hai phiên bản MacBook Pro 13 (2016) và MacBook Pro 13 Retina (2015) MF840 cho thấy sự chênh lệch hiệu năng không quá lớn, trong khi SSD có tốc độ gấp đôi và đồ hoạ cũng được cải thiện đáng kể.
Trở lại với giá bán, hiện tại MacBook Pro 13 Retina MF840 có giá khoảng 29 đến 31 triệu đồng, vẫn rẻ hơn mức giá tại Apple Mỹ (1.500 USD). Như vậy chúng ta kỳ vọng giá bán của MacBook Pro 13 (2016) sẽ ở mức như vậy sau một thời gian nữa.
Một số hình ảnh MacBook Pro 13 (2016) so sánh với MacBook Pro 13 Retina (2015) và MacBook Air 13
MacBook Air 13 có vừa đủ các kết nối cần thiết, bao gồm cả Thunderbolt 2, khe cắm thẻ nhớ. MacBook Pro 13 Retina có thêm HDMI. Còn MacBook Pro 13 (2016) mới chỉ còn 2 kết nối USB-C (Thunderbolt 3) và cổng 3.5mm.
MacBook Pro 13 (2016) mỏng nhất so với hai máy còn lại.
Thiết kế mỏng dần từ bản lề màn hình về phía track pad khiến MacBook Air 13 trở nên mỏng manh khi nhìn ở góc này.
Bàn rê chuột trên MacBook Air 13 vẫn lớn hơn so với MacBook Pro 13 Retina, tất nhiên vẫn không hoành tráng bằng MacBook Pro 13 (2016) mới.