Home > So Sánh > So sánh Sony a7 IV vs a7R III: máy nào nào xuất sắc nhất năm 2022?
So SánhTin TứcTin Tức Máy ẢnhĐánh giáĐánh Giá Máy Ảnh

So sánh Sony a7 IV vs a7R III: máy nào nào xuất sắc nhất năm 2022?

Sony_a7_IV_vs_a7R_III_side-by-side

So sánh Sony a7 IV vs a7R III: máy nào nào xuất sắc nhất năm 2022?

Sony a7 IVmáy ảnh mirrorless full-frame tầm trung mới nhất của Sony, trong khi Sony a7R III là dòng máy phân giải cao cao cấp đã có tuổi đời 4 năm trên thị trường. Từ cái nhìn đầu tiên, chúng rõ ràng không phải là để so sánh với nhau.

Sony_a7_IV_vs_a7R_III_side-by-side

Dù vậy, Sony có thói quen giữ lại các dòng máy cũ, tức là chúng vẫn còn lưu thông trên thị trường máy ảnh. Đồng thời, do a7 IV là máy mới và vẫn đang được bán ra với mức giá khởi điểm, còn a7R III nay đã bị hạ bậc và nằm sau thế hệ máy R thứ 4, nên có vẻ như chúng sẽ có thể so sánh được với nhau về tầm giá, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Một phiên bản mới hơn của a7R III là a7R IIIA (ILCE-7RM3A) hiện sở hữu màn hình sau có độ phân giải cao hơn, ngầm cho thấy Sony khả năng giữ lại dòng máy này ở lại thị trường lâu hơn nữa, vậy nên mình nghĩ việc đặt a7R III và a7 IV lên bàn cân xem máy nào tốt hơn là vẫn hoàn toàn hợp lý.

Phải biết một điều là hầu hết các máy ảnh hiện đại ngày nay đều rất tốt, vậy nên bài viết này sẽ không chỉ để chỉ ra máy nào tốt hơn máy nào, mà mình sẽ cố gắng chỉ ra các ưu và khuyết điểm của mỗi máy để bạn có thể tự quyết định đâu là chiếc máy tốt hơn và phù hợp hơn với công việc nhiếp ảnh của bạn.

Sony_a7_IV_vs_a7R_III-sensor

Độ phân giải và chất lượng hình ảnh

a7R III từng là chiếc máy ảnh có độ phân giải cao nhất của Sony khi mới ra mắt tháng 10/2017, còn a7 IV có hơi hướng mainstream hơn, là con máy đa năng làm được nhiều thứ. Chính vì vậy, xét về chụp chi tiết thì a7R III 42MP rõ ràng có lợi thế hơn hẳn a7 IV 33MP.

Khi lắp trên tripod, a7R III còn có thể chụp liên tiếp 4 ảnh với cảm biến di chuyển từng pixel giữa mỗi lần chụp, 4 tệp này sau đó có thể ghép lại trên máy tính để tạo thành ảnh cuối có toàn bộ thông tin màu của mỗi pixel. Việc kết hợp nhiều ảnh và bỏ luôn bước chuyển lưới màu (demosaic) này đem lại hiệu suất chi tiết, nhiễu hạt và dải tần nhạy sáng cải thiện hơn. Chế độ này gọi là Pixel Shift Multi Shot, tuy nhiên nó chỉ thực sự hoạt động với chủ thể đứng yên.

Ngoài điểm này thì không có gì nhiều để so sánh giữa hai máy xét về chất lượng hình ảnh. Dải tần nhạy sáng của hai máy khá giống nhau. a7 IV chuyển sang bước gain cao hơn tại ISO 400 thay vì 640, nhưng nó sẽ không tác động gì quá lớn lên phần lớn phương thức chụp ảnh.

Một điểm khác khác là a7R III chỉ có thể chụp Raw nén lossy, cách này có thể làm lộ lỗi ảnh nếu không biết khai thác toàn bộ dải tần nhạy sáng của máy, hoặc chụp Raw không nén cỡ lớn, 82MB/tệp. a7 IV có tùy chọn chụp nén lossless, tức là có thể bảo toàn tính linh hoạt cao nhất có thể của tệp nhưng trong các cỡ tệp nhỏ hơn.

Sony_a7_IV_vs_a7R_III-comparison

Lấy nét tự động

Sony a7R III tự động tìm mắt và khuôn mặt của người hoặc động vật rồi bám theo đó nếu chúng di chuyển trong cảnh, nhưng sẽ mất dấu ngay khi chủ thể quay đi chỗ khác. Trong trường hợp tương tự, a7 IV sẽ chuyển sang bám nét chủ thể chung chung và sẽ đổi về nhận diện khuôn mặt hoặc mắt khi máy nhận diện được đối tượng trở lại. a7 IV có thể nhận diện người, động vật hoặc chim.

a7 IV sử dụng hệ thống AF đời mới hơn, theo dõi chủ thể chung hiệu quả hơn nhiều (theo dõi các chủ thể không thuộc loại hình mà máy từng được huấn luyện để nhận diện, khi các chủ thể này di chuyển trong cảnh. Trên thực tế, điều này có nghĩa máy sẽ đáng tin cậy hơn và ít để lạc mất đối tượng bạn đã chọn. a7 IV cũng có thể lấy nét ở độ sáng thấp hơn a7R III 1EV.

AF video trên a7 IV tiềm năng và đáng tin cậy hơn đáng kể so với trên a7R III, bởi hệ thống của dòng máy mới được xây dựng trên một hệ thống tương tự với hệ thống dùng cho chế độ ảnh tĩnh, thay vì trên một hệ thống bám nét chủ thể cũ kỹ và đơn giản.

Sony_a7IV_menus

Giao diện người dùng và menu

Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa hai dòng máy là bố cục menu. Chiếc a7R III sử dụng hệ menu cũ của Sony với bộ thẻ được trải ngang trên đầu menu, đồng nghĩa bạn sẽ cần lật qua lại giữa các phần phụ để tìm được mục bạn cần, tương đương là bạn sẽ phải ghi nhớ vị trí của từng tùy chọn.

Ngược lại, hệ menu của a7 IV dùng bố cục trải thẻ dọc, nhìn vào thấy ngay đầu mục của 7 phần phụ, giúp tìm thiết lập nhanh hơn và cũng không buộc bạn phải nhọc công nhớ nhiều. Các menu trên a7 IV cũng có thể thao tác cảm ứng, giúp dễ chọn giữa các thẻ, trong khi đó bạn không thể làm điều tương tự trên a7R III.

Sony_a7_IV_vs_a7R_III-grips

Tính công thái học

a7 IV sở hữu thiết kế công thái học mới nhất của Sony, cải thiện hơn đáng kể so với trên a7R III. Báng cầm của a7 IV sâu hơn một chút giúp cầm thoải mái hơn khi lắp thêm ống kính nặng, nút AF-On rõ hơn, joystick AF phẳng và lớn hơn dễ thực hiện các di chuyển chi tiết.

a7 IV cũng có nhiều tùy biến bổ sung hơn, cho phép bạn tùy chỉnh nút cân bằng phơi sáng (mà nay là gạt khóa) trên vai phải của máy. a7 IV còn cho phép bạn chọn các thiết lập kéo từ chế độ ảnh sang video, từ đó bạn không cần cài riêng chế độ phơi sáng cho chế độ ảnh hoặc ngập ngụa trong các chế độ màu trong lúc quay video.

Sony_a7_IV_vs_a7R_III-abba

Ảnh tĩnh HDR

Không riêng mảng video mà a7 IV còn có tính năng 10-bit mà a7R III không có. Dòng máy mới còn cho phép bạn chụp ảnh tĩnh HEIF 10-bit.

Đối với công việc thông thường thì điểm này có vẻ không mấy hữu dụng, khi mà tệp JPEG 8-bit trông hoàn toàn ổn trên phần lớn màn hình và tệp Raw thì sẽ cung cấp nhiều không gian hậu kỳ hơn tệp HEIF. Mấu chốt ở đây là đoạn “trên phần lớn màn hình”. HEIF 10-bit cung cấp khả năng thay thế JPEG thế hệ kế tiếp để chụp ảnh nhằm hiển thị trên các TV và màn hình HDR.

Sony_a7_IV_vs_a7R_III-ports

Thân máy ảnh

Sony có xu hướng sử dụng thiết kế thân máy giống nhau cho toàn bộ dòng máy ảnh của hãng, vậy nên ngoại hình hai máy cũng không có gì quá khác biệt. a7R III có cổng đồng bộ flash mà a7 IV không có, nhưng đây là ưu điểm đáng chú ý duy nhất (và cũng là thứ dễ khắc phục nhất, bằng phụ kiện nối hot-shot to X-sync nếu bạn cần đánh đèn strobe rời kết nối dây).

Đổi lại a7 IV có cổng HDMI full-size, chắc chắn hơn nhiều so với cổng micro HDMI trên a7R III.

a7R III có một khay thẻ SD UHS-II và khay còn lại nhận UHS-I chậm hơn. a7 IV có hai khay đều UHS-II, khay phía trên nhận thẻ CFexpress Type A, đồng nghĩa máy mới có thể dùng các loại thẻ nhớ SD nhanh hơn và cho thêm tùy chọn để sử dụng chuẩn thẻ CFe có tốc độ nhanh hơn chút nữa khi cần. USB trên a7 IV là loại 3.2 Gen 2 nhanh hơn (đến 10Gb/s), a7R III dùng Gen 1 (5Gb/s).

Hên cho a7R III đủ mới để dùng dòng pin NP-FZ100 và có cổng USB C có thể dùng để sạc. Thời lượng pin giữa hai máy không có cách biệt quá lớn. Sony liệt kê a7 IV vào danh sách dùng pin tiết kiệm hơn một chút bất kể chụp ảnh hay quay video, sử dụng ống ngắm hay màn hình phía sau, nhưng sự khác biệt vẫn khá là nhỏ. a7R III chụp LCD 640 ảnh, ống ngắm 530 ảnh trên mỗi lần sạc, còn a7 IV chụp LCD 580 ảnh và ống ngắm 520 ảnh trên mỗi lần sạc.

Sony_a7_IV_vs_a7R_III-screens

Màn hình và ống ngắm

Hai máy đều trang bị ống ngắm OLED 3.69 triệu điểm với hệ quang học cho độ phóng đại 0.78x, có thể ngầm hiểu chúng có nhiều tương đồng về phần cứng. Máy nào cũng có chế độ phân giải cao hoặc tốc độ cao, không dùng kết hợp, và khi lấy nét, độ phân giải sẽ bị giảm nếu bạn chọn chế độ độ phân giải cao.

Phiên bản a7R IIIA được nâng cấp độ phân giải cho màn hình sau, nay là tấm nền 2.46 triệu điểm tức 960 x 640 pixel với các màu đỏ, xanh dương và xanh lá cho mỗi pixel. Tấm nền của a7 IV là loại 1.04 triệu điểm, hiển thị 720 x 480 (dĩ nhiên với một vài điểm trắng thay thế một số điểm xanh lá nhằm đem lại độ sáng/hiệu suất tương tự). Điều này tương đương chênh lệch 33% độ phân giải tuyến tính, cũng tốt nhưng không hoành tráng như số điểm ảnh nghe thật kêu trên bảng thông số.

Một điểm không thể bỏ qua là a7R III có màn hình lật lên xuống trong khi a7 IV có màn hình lật sang bên và có thể xoay đa hướng. Rõ ràng theo xu hướng sáng tạo video hiện nay thì thiết kế màn hình của chiếc máy mới hơn có ưu thế hơn hẳn, chưa kể nó có thể lật vào trong để bảo vệ mặt màn hình cảm ứng.

Sony_a7_IV_vs_a7R_III-movie_switch

Video

Nếu cổng HDMI full-size và màn hình cảm ứng xoay lật chưa đủ gợi ý, thì thôi nói rõ luôn a7 IV là chiếc máy ảnh có tiềm năng quay video cao hơn thấy rõ so với a7R III.

a7R III có bộ thông số video khá khiêm tốn, gồm tùy chọn 4K pixel-binning hơi nhòe quay trên toàn bộ chiều rộng cảm biến hoặc sẽ rõ nhiều chi tiết hơn khi áp crop APS-C. Công cụ hỗ trợ có S-Log3 nhưng mọi chế độ đều ở 8-bit làm hạn chế tính linh hoạt khi cần xử lý.

a7 IV vượt trội hơn hẳn ở đây khi nó có thể quay video 10-bit với phim 4K dư mẫu nhiều chi tiết quay trên toàn chiều rộng cảm biến, mang đến phim S-Log3 có thể chỉnh màu linh hoạt hơn nhiều và cho phép quay HDR cho các màn hình, TV HDR dùng chuẩn Hybrid Log Gamma. a7 IV còn cho phép phát sóng trực tiếp qua cổng USB cho phép sử dụng để live stream như webcam.

a7 IV còn có một chế độ cho phép crop và upscale video với một số ống kính Sony nhất định nhằm loại bỏ hiện tượng focus breathing (sự thay đổi ở góc nhìn khi bạn thay đổi khoảng cách lấy nét). Máy cũng có báo độ sâu trường ảnh cho phép bạn kiểm soát những gì đang được lấy nét hoặc không khi chụp. Đáng kể nhất là việc a7 IV sử dụng hệ thống AF cho video có độ tương đồng rất cao với hệ thống tương tự được sử dụng ở chế độ ảnh tĩnh, cho phép sử dụng dễ dàng và độc lập hơn nhiều so với hệ thống Center Lock-On AF cũ ở chế độ video trên a7R III.

Sony_a7_IV_vs_a7R_III-rear

Tổng kết

Dù biết là sẽ khó có một kết luận đơn giản về bàn cân này, nhưng nếu nhìn kỹ bạn sẽ thấy a7 IV rõ ràng đang đứng ở vị trí nơi chúng ta thường kỳ vọng.

a7 IV không vượt trội hơn đáng kể ở mảng chất lượng hình ảnh khi mà a7R III ra mắt trước với cảm biến 42MP chụp được nhiều chi tiết hơn cảm biến 33MP trên con máy mới, kể cả khi không xét đến chế độ multi-shot phân giải cao của chiếc R. JPEG vừa đủ cho màu sắc đẹp mắt, xét dải tần nhạy sáng và hiệu suất ISO cao thì chiếc máy cũ vẫn không quá thua kém đàn em mới. Xét về sức chụp ảnh tĩnh đơn giản thì a7R III vẫn đang chụp rất tốt.

Vì là thế hệ kế nhiệm trực tiếp và có nhiều cải tiến nên đương nhiên a7 IV là chiếc máy ảnh dùng tốt. AF nhất là khi chụp người nay xuất sắc hơn, giao diện người dùng cải thiện nhiều, các nút thao tác đã hơn và màn hình cảm ứng được tận dụng hiệu quả hơn. Về video, a7 IV rõ ràng vượt trội hơn hẳn, chưa kể kết nối Bluetooth nhanh cho phép kết nối và chia sẻ với smartphone thuận tiện hơn bao giờ hết.

Nếu bạn chụp phong cảnh hoặc chụp studio mà nhìn chung không phụ thuộc quá nhiều vào AF thì a7R III sẽ là lựa chọn đáng giá, nhất là khi bạn có thể tìm thấy nó với giá rẻ và nhiều khuyến mãi hơn chiếc a7 IV vẫn còn mới. Đổi lại, nếu bạn chuyên chụp đối tượng thường xuyên di chuyển và nhất là người, thì a7 IV sẽ là lựa chọn chuẩn hơn.

Theo Richard Butler @ DPReview