Tại sao phải chụp bầu trời và làm thế nào để chụp bầu trời?
Một trong những điểm thường gặp khi chụp phong cảnh, cột mốc, cảnh đô thị, con người hay thậm chí là các sản phẩm, đó là bầu trời thường ngả âm u hoặc không có lấy một bóng mây.
Thực ra trời trong xanh hay bình minh hoặc hoàng hôn không gợn mây thì không có gì là xấu. Tuy nhiên, thỉnh thoảng mà có thêm một vài cụm mây ở đây đó sẽ giúp làm tăng chất lượng của bức ảnh, khiến ảnh của bạn sống động, tươi mới, nổi bật hơn lên nhiều phần. Mặc dù vậy, không phải lúc nào trời cũng chiều lòng người, cho một bầu trời với những lớp mây đẹp hoàn hảo.
Dưới đây là bức ảnh minh họa chụp một ngôi đền ở Osaka, Nhật Bản do nhiếp ảnh gia Alexandre Watanabe ghi lại: ảnh trên không có mây và ảnh dưới đã được thêm mây vào.
Ảnh chụp bởi Alexandre Watanabe
Nếu bạn là người theo chủ nghĩa thuần túy, không thích sự sắp đặt của bầu trời, thì cũng không sao cả, tuy nhiên cũng vì thế, bạn đã tự giới hạn bản thân và chính những bức ảnh của mình. Khi ngước nhìn bầu trời tươi đẹp với những đám mây hình thù ngộ nghĩnh, tại sao ta không dành vài phút chụp ảnh lại? Không tốn quá nhiều thời gian hay bộ nhớ của bạn đâu. Nhưng dĩ nhiên là, nếu bạn chụp ảnh với tâm thế để sau này sử dụng thì bạn sẽ cần lưu ý các điểm sau.
Đừng chĩa thẳng máy ảnh lên trời. Lý do là bởi việc chĩa máy ảnh như vậy sẽ khiến bạn vật vã hơn nhiều ở khâu hậu kỳ nếu bạn có ý định chỉnh sửa và cắt dán các đám mây (không phải là không chỉnh được, mà là chỉnh khó thôi, nhất là khi các góc quá khác nhau).
Thay vào đó, hãy thử lấy nét vào đường chân trời, chừa lại một chút đường chân trời ở phần dưới của bức ảnh. Chụp một số bức lấy mặt trời vào khung hình, một số khác lại lấy ngoài, chính giữa, bên trái hoặc phải khung hình,…
Như thế, bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn ở khâu hậu kỳ, cũng như “để đời” một stock mây trời đa dạng, hữu ích cho những lần chỉnh sửa sau này.
(Theo Alexandre Watanabe/fstoppers)