Fujifilm liên tục cập nhật dòng máy ảnh mirrorless của mình để tận dụng các chế độ giả lập phim và công nghệ cảm biến mới nhất. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi hãng đã phát hành phiên bản 40MP cho dòng X-T hai chữ số cực kỳ phổ biến của mình nhằm nâng cấp độ phân giải cao cho dòng máy giá tầm trung: Fujifilm X-T50.
X-T50 có thể không có thiết kế thân máy giống như X-T5, nhưng nó có một số bổ sung mạnh mẽ như cảm biến 40MP đã nói trên và hiệu suất lấy nét tự động tuyệt vời mà X-T5 nổi tiếng. Fujifilm cũng đã bổ sung bộ IBIS với 7 điểm dừng cho X-T50, giúp nâng cao tính hữu dụng của nó một cách đáng kể.
Thiết kế thân máy mới tuyệt đẹp
Thiết kế thân máy mới nhanh chóng nhận được nhiều sự yêu thích. X-T50 có mặt trên được bo tròn với các đường viền góc cạnh tạo nên sự khác biệt so với các máy ảnh Fujifilm khác. Báng cầm mới lớn hơn và thoải mái hơn nhiều so với gờ dọc đơn giản mà người tiền nhiệm có. Cả hai nút xoay điều khiển phía trước và phía sau đều dễ thao tác hơn và nút ấn chức năng hoạt động tốt. Số lượng nút tùy chỉnh được đánh giá tốt và vẫn có phím điều khiển AF ở mặt sau.
Một phía ở mặt trên cùng có nút xoay màn trập kiểu analog thông thường, còn mặt còn lại có nút xoay hoàn toàn mới dành riêng cho các chế độ giả lập phim. Các chế độ phổ biến hơn như Provia, Velvia, Astia, Nostalgic Neg và Acros được thiết lập cố định vào nút xoay này và ba cài đặt tùy chỉnh có thể được thiết lập cho các tùy chọn yêu thích của bạn. Fujifilm thậm chí còn có giao diện đồ họa trên màn hình thông minh để hiển thị hộp đựng phim và mô tả về chế độ giả lập đã chọn.
Một khe cắm thẻ nhớ SD UHS-II thường thấy và pin Fujifilm NPW-126S quen thuộc vẫn hiện diện cùng với giắc mic 3.5mm và bộ chuyển đổi tai nghe qua cổng USB. Bản thân thân máy cực kỳ nhẹ chỉ 438g và như thường lệ, không có khả năng chống chịu thời tiết. Đèn flash cóc tiện dụng vẫn được tích hợp trong máy.
Không hoàn toàn giống X-T5
Mặc dù chất lượng ảnh sẽ giống hệt X-T5 nhưng tốc độ chụp thì không. X-T50 có thể đạt tốc độ chụp 8 khung hình/giây đáng nể với màn trập cơ và lên đến 20 khung hình/giây với màn trập điện tử nếu bạn chấp nhận có crop một chút. Tốc độ đệm sẽ còn cần kiểm tra thêm trên phiên bản phát hành chính thức, nhưng dự đoán nó sẽ gần giống với những gì X-T30 II có. Các nhiếp ảnh gia đang tìm kiếm khả năng chụp ảnh thể thao và hành động thông thường hơn sẽ thấy X-T50 có thể chấp nhận được, nhưng những người chụp ảnh có yêu cầu cao hơn sẽ muốn tìm kiếm những chiếc máy cao cấp hơn.
Màn hình khá khiêm tốn với LCD mặt sau có độ phân giải 1.84 triệu điểm khá tốt và EVF 2.36 triệu điểm khá thất vọng. Đến thời điểm này, chúng ta sẽ thấy những chiếc máy ảnh cấp thấp có ít nhất màn hình EVF 3.69 triệu điểm, dù đây là lời chỉ trích cho tất cả các nhà sản xuất chứ không chỉ cho Fujifilm. Không giống như X-T5, màn hình X-T50 chỉ nghiêng theo chiều dọc để chụp ở tầm thắt lưng hoặc phía trên qua đầu.
X-T50 sẽ phù hợp nhất với những ai?
Fujifilm X-T50 rõ ràng hướng đến cộng đồng nhiếp ảnh khi mà cảm biến 40MP mang lại chất lượng hình ảnh tuyệt vời nhưng phần nào cản trở hiệu suất video. Máy có thể quay video 4K 30p trên toàn bộ chiều rộng của cảm biến, nhưng việc gộp pixel làm giảm chất lượng hình ảnh. Nếu không, bạn có thể quay 4K 60p hoặc thậm chí 6.2K 30p nhưng sẽ bị crop nhiều. Điều quan trọng cần lưu ý là tốc độ đọc của cảm biến 40MP cũng không lý tưởng và hiện tượng màn trập lăn có thể xuất hiện sau đó.
Tuy Fujifilm X-T50 nhắm đến các nhiếp ảnh gia mới bắt đầu, nhưng nó có khả năng chụp ảnh tổng thể tốt hơn nhiều nhờ bộ IBIS và hiệu suất lấy nét tự động nâng cao. X-T50 sẽ trở thành một thân máy dự phòng tuyệt vời cho người dùng X-T5 và có nhiều không gian hơn để phát triển cho người mới bắt đầu học nhiếp ảnh. X-T50 cũng sẽ là chiếc máy ảnh du lịch lý tưởng cho những nhiếp ảnh gia hiện đại muốn giữ mọi thứ nhẹ nhàng và nhỏ gọn.
Theo PetaPixel