Đây là một phiên bản nâng cấp rất ‘nhẹ’ từ Nikon D5, nhưng hãng cũng đã cung cấp cho người dùng khá nhiều những tính năng nho nhỏ nhưng hữu dụng.
Bài viết là chia sẻ của nhiếp ảnh gia thể thao người Singapore Andy Chua tại Petapixel
Mặc dù được ra mắt từ tận sáng 2 năm nay nhưng tới giờ chiếc máy ảnh thể thao cao cấp Nikon D6 mới được bán ra chính thức. Singapore là thị trường đầu tiên nhận được máy, và tôi là một trong số những người may mắn được trên tay và trải nghiệm sản phẩm sớm.
Giống như sản phẩm D5 tiền nhiệm, D6 là một chiếc máy ảnh chuyên dành cho mục đích thể thao, được thiết kế chắc chắn để chống chịu được mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt. So với D5, Nikon D6 có nâng cấp lớn nhất ở hệ thống lấy nét, với 105 điểm và chip xử lý EXPEED 6 mới.
Trong bài trên tay này, tôi sẽ chia sẻ với các bạn những điểm nâng cấp nhỏ hơn nhưng cũng rất đáng nói và sẽ ảnh hưởng tới quá trình sử dụng thực tế, trong đó có những cách kết nối tốc độ cao hơn, những thay đổi về menu tùy chỉnh hay cả một chiếc khóa để chống trộm nữa.
Những kết nối có dây và không dây
Mặc dù Nikon D6 sử dụng chung chuẩn mạng có dây 1000 Base-T giống như Nikon D5, nhưng hãng nói rằng đã tăng tốc độ thêm 15%. Bên cạnh đó máy cũng đã bỏ cổng micro B USB đã trở nên cũ kĩ để chuyển qua cổng USB Type-C mới hiện đang dần trở nên phổ biến ở những smartphone và laptop. Ta có thể sử dụng cổng Type-C mới để chuyển ảnh, chụp live-view với tốc độ cao hơn.
Trong phiên bản D5, muốn sử dụng wifi bạn sẽ phải mua thêm một dongle mang tên WT-6 thật bất tiện, nhưng với D6 thì tính năng này đã được tích hợp vào trong máy. Trong thử nghiệm ngắn, tôi thấy rằng tốc độ chuyển ảnh giữa D6 và các thiết bị khác qua wifi nhanh gần bằng D5 thông qua mạng có dây, nhưng với những ai muốn có khoảng cách kết nối xa hơn thì vẫn có thể mua thêm dongle WT-6.
Nikon D6 cũng đã có thêm Bluetooth giống với những dòng máy mới của hãng như D780 và Z7, giúp kết nối máy nhanh với smartphone và máy tính bảng, chuyển ảnh thông qua ứng dụng Nikon SnapBridge.
GPS
Giống wifi, Nikon D6 đã tích hợp sẵn tính năng định vị GPS vào trong thân máy thay vì phải sử dụng thêm một dongle gắn ngoài. Với tính năng này, ta có thể ghi lại được thông tin địa điểm của những bức ảnh, từ đó tìm lại địa điểm chụp cho những lần sau.
Trong những lần thử, GPS của Nikon D6 có chất lượng rất tốt khi định vị được cả những lúc tôi ngồi gần cửa sổ (nửa trong nhà nửa đã ở ngoài nhà). Đối với nhiều nhiếp ảnh gia thì đây không phải là một nâng cấp lớn, nhưng với một công ty ảnh có nhiều người cùng hợp tác với nhau thì việc biết được những bức ảnh được chụp ở đâu, từ đó lọc chọn nhanh và chỉnh sửa là một thứ không thể thiếu được.
Sử dụng cổng thẻ thứ 2
Việc có 2 cổng thẻ sử dụng đồng thời đã không còn mới đối với những dòng máy cao cấp, nhưng với Nikon D6 thì ta có thêm 1 chế độ sử dụng nữa mang tên [JPEG Slot 1 – JPEG Slot 2], cho phép ghi lại ảnh JPEG ở các chất lượng khác nhau lên mỗi thẻ. Đây là tính năng dành cho những ai muốn chỉ sử dụng ảnh nén JPEG, nhưng vẫn muốn có những phiên bản khác nhau để đăng web, lưu trữ hay hậu kỳ. Một nâng cấp nữa đó là việc ta có thể xóa được 2 phiên bản ảnh của cùng 1 tấm trên 2 thẻ. Trước đây với Nikon D5 ta sẽ phải vào từng thẻ để xóa các bức ảnh giống nhau, khá tốn thời gian.
Tính năng Time-lapse
Chế độ quay phim Time-lapse đã không còn mới với những dòng máy ảnh tầm thấp và trung của Nikon, nhưng giờ mới được đem lên dòng máy cao cấp D6.
Sử dụng tính năng Time-lapse trên D6 cũng khá đơn giản, ta chỉ cần chỉnh thời gian quay, khoảng cách giữa những lần chụp 1 khung và máy sẽ tự động làm những phần còn lại. Máy sau khi chụp từng khung nhỏ cũng sẽ tự động ghép lại thành 1 video time-lapse luôn, người dùng không cần phải lấy ‘hàng tấn’ ảnh RAW hoặc JPEG trong máy để tự ghép nữa.
Video time-lapse ngắn quay từ Nikon D6
Chụp ảnh liên tục
Trong mục chụp ảnh liên tục có thêm 2 chế độ là “AE bracketing” và “time-lapse movies”. Chế độ Time-lapse này sẽ khác với chế độ Time-lapse nói trên, sẽ lưu lại hình ảnh RAW hoặc JPEG để người dùng chỉnh sửa trước khi ghép lại bằng máy tính, không còn làm tự động nữa.
Còn “AE bracketing” là khả năng chụp lại nhiều bức ảnh ở độ sáng khác nhau, từ đó giữ được nhiều lượng thông tin nhất, không bị ‘cháy sáng’ hay ‘cháy tối’, một tính năng cũng không quá xa lạ với những ai để ý tới nhiếp ảnh thuật toán dạng HDR trên smartphone.
Chụp ảnh Focus-Shift
Chụp Focus-Shift dùng để chụp nhiều tấm hình ở những khoảng lấy nét khác nhau, ghép lại tăng độ sâu trường ảnh, đặc biệt hữu dụng với những nhiếp ảnh gia sản phẩm macro. Tính năng này lần đầu tiên được Nikon tích hợp vào chiếc Nikon D850, và giờ đã được đem lên dòng máy thể thao D6.
Menu điều khiển
Giống như những dòng máy Z mới, Nikon D6 sẽ có menu điều khiển khi ta bấm vào nút I trên máy, với 12 ô có thể được tùy chỉnh để phù hợp với cách sử dụng của từng người. Một số điều chỉnh nhanh khá hữu dụng đó là tắt / bật wifi, chế độ lấy nét, điểm lấy nét hay bật khả năng lấy nét theo vật…
Tính năng “Flick”
Một tính năng mới trên Nikon D6 là Flick, cho phép vuốt ở những mép màn hình để nhanh chóng đặt sao cho những bức ảnh, đánh dấu chất lượng để giúp cho việc lựa chọn ảnh trong quá trình hậu kỳ trở nên nhanh chóng hơn, trước đây phải được thực hiện bằng cách nhấn 1 nút bên cạnh máy nhiều lần.
Màn hình cảm ứng
Nikon D5 cũng đã có màn hình cảm ứng, nhưng chỉ sử dụng được trong chế độ xem ảnh mà thôi, ngược lại thì Nikon D6 cho phép người dùng sử dụng cảm ứng ở tất cả mọi nơi, trong đó có cả điều hướng trong menu tùy chỉnh, tăng tốc độ thao tác lên nhiều.
Thời lượng pin
Nikon D6 sử dụng chung pin EN-EL 6 với D5, nhưng Nikon nói rằng đã tối ưu hóa phần cứng để có thời lượng sử dụng cao hơn. Trong một lần thử, tôi có thể chụp được 1858 mà vẫn còn 78% pin, tức nếu sử dụng hiệu quả tôi có thể chụp được tổng cộng 8670 trước khi phải sạc, cao hơn gấp đôi so với Nikon D5.
Trước đây Nikon D5 có thể chụp được 3000 tấm, và như vậy cũng là quá đủ đối với tôi rồi. Nhưng với D6, tôi còn có thể chụp được nguyên một ngày, quên không sạc pin mà vẫn có thể tiếp tục chụp trong ngày hôm sau, rất ấn tượng.
Khóa chống trộm Kensington giống như laptop
Nâng cấp cuối cùng nhưng cũng không kém phần thú vị đó là khóa chống trộm Kensington, một thứ ta thường thấy ở laptop chứ không phải ở những chiếc máy ảnh. Đây sẽ là một tính năng dành cho những ai muốn đặt máy tại 1 chỗ để chụp từ xa, chụp Time-lapse hay quay phim. Hay ở những sự kiện thể thao, bạn có thể khóa máy tại 1 chỗ để biết được đâu là máy của mình, tránh những tình huống ‘nhầm nhọt’ cầm máy ảnh Nikon D6 của người khác về nhà và để lại chiếc của mình tại sự kiện.
Theo Trí Thức Trẻ