Mở rộng hệ mirrorless EOS R sang nhánh APS-C, Canon chào sân một lúc 2 máy ảnh: EOS R10 và EOS R7. Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về chiếc máy ảnh có trang bị cao hơn trong bộ đôi này là R7, cũng như xem nó so sánh thế nào với các đối thủ tiêu biểu khác trong phân khúc mirrorless APS-C và cả các đàn anh DSLR cùng hãng.
Nội dung
Cảm biến ảnh
Ở trung tâm EOS R7 là cảm biến ảnh CMOS 32.5MP. Canon cho biết riêng cảm biến này là chưa từng được sử dụng trước đây, nhưng xét EOS 90D và EOS M6 Mark II đều có cảm biến ảnh 32.5MP thì có vẻ nó cũng quá mới tới mức lạ lẫm. Bằng cách sử dụng một dòng sản phẩm mới hơn hoặc linh kiện có nâng cấp lên một chút, Canon có vẻ khai thác được nhiều hơn so với từ một thiết kế sẵn có.
Dữ liệu từ cảm biến ảnh được xử lý bởi con chip Digic X của hãng, tương tự chip trên các dòng full frame cao cấp 1D X Mark III, R5, R6 và R3, chip này có vẻ cũng đóng góp khá nhiều vào khả năng khai thác tối đa cảm biến ảnh 32.5MP, bất kể cảm biến mới có thực sự hoàn toàn mới hay chỉ là phiên bản chỉnh nhẹ của cảm biến 32.5MP trước đó.
Lấy nét tự động
AF trên R7 không dùng riêng các chế độ lấy nét mặt và theo dõi mà lại gộp chung vào với các chế độ lấy nét vùng. Nay ta có thể chọn hình dạng/kích cỡ của vùng muốn áp dụng cho chế độ theo dõi và vùng này sẽ áp dụng nhận diện mặt/mắt sao cho thích hợp, giúp dễ dàng lấy nét vào nhiều loại chủ thể.
EOS R7 còn được kế thừa các chế độ nhận diện chủ thể từ EOS R3, cho phép chọn ưu tiên động vật, người hay phương tiện. Cũng không phải R7 sẽ có khả năng bám sát đối tượng bằng trên R3 bởi nó không có cảm biến ảnh nhanh tương tự, nhưng trên lý thuyết chip xử lý Digic X cơ bản có cùng khả năng nhận diện các đối tượng nhất định.
Các nút bấm, nút xoay và cần gạt
EOS R7 hơi khác biệt về thiết kế nếu so sánh với các máy ảnh Canon trước đó. Trước tiên, nó nhỏ hơn chiếc EOS R6 nhưng khi nhìn vào giao diện, bạn sẽ thấy các thay đổi mới nho nhỏ về trang bị.
Từ phía trên, bạn sẽ nhìn thấy một bộ nút bấm và nút xoay. Trên báng cầm là nút bấm màn trập với nút điều khiển dọc, nút quay và nút ISO phía sau đó. Đằng xa về phía bên trái là nút xoay PSAM với một nút khóa ở bên phải nó. Kế tiếp đó là nút gạt nguồn, cũng là cách thức chuyển đổi sang chế độ quay video trên máy ảnh. Nút gạt này thỉnh thoảng hơi bất tiện, bạn sẽ dễ bấm nhầm và vô tình chuyển máy sang chế độ video.
Phía sau máy nhìn khá chán. Tuy R7 có AF joystick như thường thấy nhưng chiếc này cũng hơi khác, nay được bọc quanh bởi một nút xoay. Ngoài joystick khác biệt thì các nút bấm phía sau có phần tiêu chuẩn. Bên dưới đó là một nút điều khiển 4 hướng và bộ nút bấm thường gặp để điều khiển các thông tin được hiển thị, xem lại hình và xóa hình.
Phía trước máy ảnh có một cần gạt nằm phía trong báng cầm để chuyển đổi giữa chế độ AF với MF.
Khung ngắm và màn hình
Khung ngắm trên R7 là tấm nền OLED 2.36M điểm. R10 cũng dùng tấm nền tương tự, trông có vẻ phù hợp hơn, còn trên một chiếc máy có giá chênh lệch hơn $500 là R7 thì tấm nền này khá kém, nhất là khi so sánh với tấm nền OLED 3.69M điểm trên Fujifilm X-T4 chỉ đắt hơn $200.
Đổi lại màn hình phía sau khá ổn. Màn hình xoay lật 3″ 1.62M điểm có độ phân giải 900×600, tương tự màn hình sau của X-T4 và là một nâng cấp đáng kể kể từ màn hình lật 3″ 640×480 0.92M điểm của Sony A6600 (giá khởi điểm $1,399).
Không có phần cứng màn hình nào quá ấn tượng, nhưng cũng dễ hiểu khi nhìn lại giá bán.
Cổng và kết nối âm thanh
Về cổng giao tiếp, EOS R7 có bộ cổng khá ổn áp: vừa có cổng microphone và headphone (cả 2 đều loại 3.5mm TRS stereo), vừa có cổng điều khiển từ xa ở mặt trái của báng tay cầm. Kế đó là cổng Micro HDMI và cổng USB-C (USB 3.2 Gen 2 10Gbps), có thể dùng sạc và cấp điện liên tục khi nối với một nguồn USB PD đủ mạnh.
Trên thân báng cầm là 2 khay SD UHS-II, nhiều hơn R10 1 khay, đặt ở vị trí tiện lợi hơn nhiều so với để chung trong khay đựng pin.
Chụp ảnh tĩnh
Tuy các đối thủ đã hướng về cảm biến ảnh loại stacked hoặc BSI nhưng Canon vẫn trung thành với thiết kế FSI của hãng cho máy R7. Điều này đồng nghĩa tốc độ xử lý của cảm biến ảnh sẽ chậm hơn, đổi lại những gì hạn chế ở màn trập điện sẽ được bù đắp khi dùng màn trập cơ.
Màn trập cơ trên R7 vừa ổn để chụp liên tiếp tới 15 fps với đầy đủ trang bị AF. So với tốc độ màn trập cơ của máy flagship 1D X Mark II từ năm 2016 có giá $5999, tốc độ chụp liên tiếp này là ấn tượng khi xét nó được trang bị trên chiếc máy ảnh APS-C có giá dưới khoảng $1500.
Nếu chụp bằng màn trập điện, tốc độ có thể đạt đến 30 fps. Thông số này ngang ngửa nhiều đối thủ khác, nhưng xem xét một số hình ảnh chụp thực tế, rolling shutter khá chậm làm giảm độ đáng tin cậy để đáp ứng nhu cầu chụp đối tượng di chuyển nhanh.
Tính năng video
EOS R7 có thể quay video 4K tới 30p dùng toàn vùng 7K của cảm biến ảnh cũng như mẫu phụ (tương tự line-skipped) 4K UHD tới 60p dùng toàn chiều rộng của cảm biến. Máy cũng có tùy chọn quay 4K 60p dùng vùng crop gốc 3840×2160 của cảm biến, đồng nghĩa máy sẽ áp dụng mức crop 1.81x trên crop 1.6x (gần full frame). Điều này đồng nghĩa bạn sẽ có thêm tiêu cự trên ống kính, nhưng bù lại hiệu năng sẽ bị ảnh hưởng, cụ thể là khi chụp trong điều kiện ánh sáng yếu.
Canon bổ sung tùy chọn C-Log 3 10bit, sẽ hỗ trợ đa phần phim qua quá trình chỉnh màu hậu kỳ. Máy cũng có chế độ HDR PQ để quay HDR và xem lại trên màn hình HDR.
AF trong quá trình quay video khá ổn, dù thỉnh thoảng tiêu điểm vẫn bị rơi khỏi chủ thể.
Khi kết hợp các chế độ quay chụp với AF video, chống rung trong thân máy và giắc mic/headphone, bạn sẽ thu được một chiếc máy ổn áp để quay vide0. Máy có cổng Micro HDMI, nhưng lẽ ra Canon nên chuẩn bị cổng Mini HDMI cho nó mới phải.
Giá bán và cạnh tranh
Về giá bán, Canon EOS R7 có giá khởi điểm là $1,499 đối với thân máy và $1,899 kit zoom 18-150mm F3.5-6.3 IS STM.
Hiện R7 có thể so sánh với Sony A6600 và Fujifilm X-T4.
A6600 ra mắt với mức giá rẻ hơn $100 ($1400) nhưng cũng có bộ trang bị gần như tương tự, gồm hiệu năng AF ấn tượng, IBIS, khá nhiều chế độ quay video và bộ cổng giao tiếp hỗ trợ công việc sáng tạo nghiêng về quay phim. Tuy nhiên A6600 chỉ có 1 khay đọc thẻ và tính công thái học không được đánh giá cao lắm.
X-T4 nhỉnh hơn Canon R7 nhưng cũng kéo theo giá bán cao hơn $200 ($1699). Tuy đến thời điểm này đã được 2 tuổi, X-T4 vẫn cung cấp được tốc độ chụp liên tiếp đến 15 fps dùng màn trập cơ, 2 khay đọc thẻ SD UHS-II, IBIS, màn hình sau xoay lật và cũng có một bộ tính năng video phong phú trong đó có cả quay Log 10bit ngay trong máy. X-T4 có EVF 3.7M điểm ổn hơn, nhưng AF lại không đáng tin cậy bằng các đối thủ, chưa kể cảm biến ảnh là loại 26MP trong khi của R7 là 32.5MP.
Nhìn lại dòng máy của Canon, chiếc R7 tiếp tục nằm giữa 2 máy DSLR tầm trung là 7D Mark II và 90D. R7 rẻ hơn 7D II, dù thiếu một số tính năng chuyên nghiệp hơn nhưng vẫn là một cải tiến đáng kể kể từ 90D dù ở cùng tầm giá (90D ban đầu có giá $1199, tức tầm $1300 theo tỉ giá hiện tại và rẻ hơn $100 so với giá khởi điểm của R7).
So sánh cụ thể với 7D Mark II, có thể thấy rõ R7 không được định hướng cho người chụp chuyên nghiệp. 7D II có nhiều nút hơn trên khắp máy, tích hợp kết nối GPS cũng như được hỗ trợ bởi một hệ phụ kiện chính hãng dễ dàng đáp ứng luồng công việc chuyên nghiệp hơn. Đáng chú ý nhất là 7D II có hỗ trợ báng pin và báng kết nối không dây để truyền phát tệp. So ra, R7 lại có ít nút hơn, bộ nhớ đệm thấp hơn, không có GPS và hiện cũng không có hỗ trợ báng pin chính thức.
Tuy nhiên nếu so sánh R7 với 90D thì rõ ràng chiếc máy mới hơn trông tiềm năng hơn.
Kết
Canon EOS R7 là một đề xuất độc đáo. Tưởng chừng R7 là người kế nhiệm của chiếc EOS 7D Mark II, nhất là khi EOS R5 được xem là người kế nhiệm phiên bản mirrorless của dòng EOS 5D Mark IV và với EOS R6 là EOS 6D Mark II. Tuy nhiên trường hợp của EOS R7 lại khác, nhất là với những gì chúng ta đã phân tích từ phần trên.
Tuy cung cấp bộ thông số giống 7D Mark II về nhiều mặt, nhưng giá bán, giao diện và phụ kiện cùng ra mắt lại tương đồng với dòng Canon X0D. Như giới thiệu, R7 là chiếc máy ảnh cho người dùng bán chuyên và chụp theo sở thích thực thụ, trang bị các tính năng và thông số đáp ứng được nhu cầu của hầu hết tay máy bán chuyên, dù là chụp ảnh tĩnh, quay video hay kết hợp cả 2.
Về cạnh tranh hiện nay, Canon R7 nằm giữa Sony A6600 và Fujifilm X-T4 về tính năng, giá bán và thông số.
Gần giống trường hợp A6600 không hoàn toàn là người kế nhiệm của NEX-7, thì R7 cũng không hẳn là kế nhiệm của 7D Mark II khác với nhiều người hình dung. R7 giống A6600 ở chỗ, nó hiện ngồi ghế trên cùng trong dòng APS-C cùng nhà.
Trên bảng thông số, R7 trông giống X-T4 về tính năng và thông số kỹ thuật, nhưng lại không có cảm giác bứt phá bằng chiếc máy đã 2 tuổi của Fujifilm. Canon vẫn dùng cảm biến ảnh FSI CMOS so với Fujifilm dùng cảm biến ảnh BSI CMOS, chưa kể R7 còn thiếu nhiều phụ kiện chuyên nghiệp hỗ trợ, đơn cử báng pin và eyecup có thể thay đổi.
Tựu lại, Canon EOS R7 là chiếc máy ảnh khá ổn cho cả chụp ảnh tĩnh và quay video. Việc Canon sử dụng cùng một chip Digic X từ các dòng máy ảnh RF full frame cao cấp hơn cũng như trang bị 2 khay đọc thẻ UHS-II cho thấy hãng muốn R7 được nhận diện như một chiếc máy APS-C có tiềm năng cao. Dù vậy nó vẫn chưa bằng những gì dòng 7D đã đạt được so với dòng máy Canon X0D trong thời kỳ DSLR của nó.
Nguồn: DPReview