Mỗi năm, chúng ta lại được đón chào những công nghệ mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều công nghệ lại bị khai tử và chúng ta sẽ không còn tiếp tục được thấy chúng trong tương lai nữa.
Năm 2017 cũng không phải là ngoại lệ. Một số sản phẩm công nghệ đã biến mất vì bị thay thế bởi một công nghệ tốt hơn hoặc không còn phù hợp với người dùng. Dưới đây là danh sách những công nghệ đáng chú ý nhất đã bị khai tử trong năm 2017 được thống kê bởi trang công nghệ PCWorld.
Windows Vista
Một trong những phiên bản Windows đáng thất vọng nhất của Microsoft đã bị khai tử vào ngày 11/4, tức là khoảng 10 năm sau ngày ra mắt. Tính năng quản lý tài khoản User Account Control và chương trình quản lý bản quyền số DRM của Windows Vista đã bị Microsoft ngừng cập nhật, điều đó có nghĩa là người dùng phiên bản Windows này sẽ rất dễ bị tấn công. Trong khi đó, phiên bản kế nhiệm của Windows Vista là Windows 7 sẽ vẫn tiếp tục được hỗ trợ cho tới tận tháng 1/2020 mới bị khai tử.
Windows 10 Mobile
Nối tiếp trong bản danh sách là một sản phẩm thất bại khác của Microsoft. Vào tháng 10 vừa qua, Phó Chủ tịch Microsoft Joe Belfiore cho biết Windows 10 Mobile sẽ không được phát triển thêm bất kỳ tính năng nào mới nữa. Windows 10 Mobile đã không bao giờ đáp ứng được nhu cầu của người dùng và nhà phát triển ứng dụng. Thậm chí, ông Belfiore cũng nói rằng Android xuất sắc hơn hẳn. Microsoft cho biết họ đang lên kế hoạch phát triển một hệ điều hành dùng chung cho cả di động và máy tính.
iPod Nano và Shuffle
Nhiều năm sau khi khai tử iPod Classic, Apple cuối cùng đã tiếp tục loại bỏ iPod Nano và iPod Shuffle ra khỏi danh mục sản phẩm vào tháng 7/2017. iPod Touch hiện là sản phẩm duy nhất còn lại trong dòng iPod và giống với một một thiết bị giải trí đa phương tiện hơn là một máy nghe nhạc thông thường. Với việc Apple đã rời cuộc chơi, thị trường máy nghe nhạc MP3 giá rẻ hiện nay thuộc về những cái tên vô danh như Hotechs hay ViWoo.
Amazon Underground
Sau hai năm tặng miễn phí ứng dụng Android và vật phẩm trong game cho người dùng, Amazon cuối cùng đã đóng cửa chương trình Underground vào mùa hè vừa qua. Trong một thông báo, Amazon cho biết nếu người dùng không sử dụng một thiết bị do hãng sản xuất, việc truy cập vào chương trình Underground sẽ bị vô hiệu hóa. Nếu dùng một thiết bị của Amazon như máy tính bảng Fire, bạn có thể truy cập vào chương trình này cho tới tận năm 2019. Amazon lúc đầu muốn Underground trở thành một sự lựa chọn thay thế cửa hàng Play Store của Google. Tuy nhiên, nếu không được cung cấp nội dung miễn phí, không nhiều người dùng tha thiết với một cửa hàng ứng dụng từ bên thứ ba như Underground.
Microsoft Kinect
Microsoft đã chính thức khai tử bộ cảm biến ngoại vi Kinect vào tháng 10 vừa qua, tức là khoảng 7 năm sau khi ra mắt Xbox 360. Mặc dù là một trong số những phụ kiện game bán chạy nhất lịch sử và là niềm ao ước một thời của nhiều game thủ, Kinect không kết hợp tốt với Xbox One như mong đợi. Một trong những nguyên nhân lớn dẫn tới thất bại của Kinect là do người dùng lo ngại về quyền riêng tư. Cụ thể, nhiều người lo ngại camera của Kinect sẽ lắng nghe mọi cuộc nói chuyện của họ thông qua tính năng "luôn luôn lắng nghe" (always litening).
Mặc dù đã bị khai tử nhưng công nghệ của Kinect vẫn còn với chúng ta. Microsoft cho biết họ sẽ ứng dụng công nghệ Kinect vào trong tai nghe thực tế ảo Hololens cũng như các công nghệ liên quan như trợ lý ảo Cortana và tính năng Windows Hello.
Microsoft Groove Music
Dịch vụ âm nhạc Groove Music của Microsoft đã chính thức đóng cửa vào ngày 31/12 vừa qua. Đây là cột mốc chấm dứt quãng thời gian của Microsoft đối với những dịch vụ nhạc trực tuyến, bắt đầu từ khi ra mắt dịch vụ Zune Music Pass vào năm 2010. Sau đó, Zune Music Pass đã bị đổi tên thành Xbox Music Pass và cuối cùng là Groove Music vào năm 2015. Microsoft đã bỏ bê mảng giải trí trong nhiều năm qua và người dùng đang có nhiều dịch vụ nghe nhạc chất lượng hơn hẳn như Spotify. Đó chính là lý do chính khiến Groove Music bị khai tử.
Google Talk
Dịch vụ nhắn tin Google Talk đã bị khai tử vào tháng 6/2017 sau 12 năm hoạt động. Mặc dù Google đã chuyển tất cả người dùng Google Talk tới dịch vụ nhắn tin Hangouts, bạn vẫn có thể lựa chọn giao diện cũ của Google Talk nếu thích. Việc Google Talk đóng cửa giúp Google giải quyết phần nào bài toán phải điều hành cùng một lúc quá nhiều ứng dụng nhắn tin như Hangouts, Allo, Android Messenger và Duo.
Jawbone
Công ty sản xuất loa và thiết bị Bluetooth nổi tiếng Jawbone đã phải tuyên bố từ bỏ thị trường thiết bị đeo trong năm 2017. Mặc dù sở hữu số vốn lớn lên tới 900 triệu USD, việc phải thu hồi dây đeo sức khỏe UP và chậm trễ trong việc thêm tính năng theo dõi nhịp tim đã khiến Jawbone không cạnh tranh được với các đối thủ như Fitbit hay Apple.
Gói lưu trữ không giới hạn của Amazon
Khi khai tử gói lưu trữ không giới hạn Cloud Drive, Amazon không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào. Tuy nhiên, giống như những nhà cung cấp dịch vụ đám mây khác như Microsoft, Mozy hay Bitcasa, Amazon không muốn tiếp tục phải gánh chi phí lưu trữ cho người dùng. Bắt đầu từ tháng 6/2017, Amazon sẽ tính phí 60 USD cho mỗi terabyte dữ liệu và người dùng có 60 ngày để trả tiền hoặc chuyển dữ liệu đi nơi khác.
Ubuntu trên điện thoại
Canocial, công ty phát triển hệ điều hành Linux Ubuntu, đã quyết định dừng phát triển giao diện Unity dành cho điện thoại. Trong năm 2018, Canocial sẽ chuyển về sử dụng giao diện Gnome như 6 năm trước và tập trung nghiên cứu dịch vụ đám mây cũng như ứng dụng Internet of Things (Vạn vật kết nối). Đây là tin mừng đối với người dùng Linux vì Canocial sẽ có nhiều thời gian hơn để phát triển hệ điều hành trên máy tính trong năm 2018.
Tính bình đẳng của Internet
Net neutral (hay tính bình đẳng của Internet) là một nguyên tắc yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng phải coi tất cả gói dữ liệu bình đẳng với nhau và phải được ưu tiên như nhau. Nói đơn giản, đây là nguyên tắc nghiêm cấm việc bóp, chặn băng thông của một cá nhân hay trang web cụ thể vì bất cứ lý do nào. Đạo luật về tính bình đẳng của Internet tại Mỹ đã được ban hành dưới thời của cựu Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) Tom Wheeler.
Tuy nhiên, kể từ khi Ajit Pai nắm quyền tại FCC, ông đã vận động một cuộc bỏ phiếu vào tháng 12 vừa qua để gỡ bỏ luật về tính bình đẳng của Internet. Kết quả là vào ngày 15/12, FCC đã chính thức bãi bỏ tính bình đẳng của Internet và thay đổi cách vào mạng của người Mỹ. Giờ đây, Internet tốc độ cao là sân chơi riêng của những người có tiền vì nhà mạng được phép thiết lập những đường truyền riêng với tốc độ kết nối vượt trội dành cho họ.
Hệ thống cảnh báo bản quyền
Hệ thống cảnh báo bản quyền (The Copyright Alert System) là hệ thống cho phép nhà mạng tham gia vào việc chống vi phạm bản quyền trên mạng Internet. Cụ thể, khi phát hiện có hành vi xâm phạm bản quyền, nhà mạng được phép theo dõi người vi phạm, gửi cảnh báo và hạn chế băng thông Internet của họ. Tuy nhiên, hệ thống này đã bị chỉ trích là thiếu minh bạch và không có những phương pháp bảo vệ người dùng khỏi các cáo buộc sai. Đây là nguyên nhân chính khiến nó bị gỡ bỏ. Hiện nay, chưa rõ chương trình nào sẽ thay thế Hệ thống cảnh báo bản quyền để giám sát bản quyền trên Internet.
Nguyễn Long
(Theo VNReview)